Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm để tưởng nhớ các vị thần, vị vua, có nhiều công lao đóng góp, các vị tiền hiền đã phù hộ xóm làng bình an được người dân tôn kính. Trong lễ hội, cùng với các lễ vật, không thể thiếu mâm cỗ với nhiều sản vật địa phương được người dân dâng lên với mong muốn các vị thần sẽ che chở, phù hộ cho gia đình nhiều sức khỏe, công việc gặp nhiều thuận lợi...
Lễ hội còn là dịp để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cầu mong quốc thái dân an, gia đình bình an, no ấm, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu… Điều đặc biệt là Lễ hội Kate diễn ra ở một quy mô rộng lớn theo trình tự từ Katê đền tháp đến Katê làng và cuối cùng là cấp độ gia đình dòng họ và lễ vật dâng lên các vị thần, vị vua.
Bà con đồng bào dân tộc Chăm mang lễ vật lên tháp Pô Klong Garai vào lễ hội Katê - Ảnh: Tuấn Minh
Vào ngày lễ chính, ngay từ sáng sớm, bà con đồng bào dân tộc Chăm đã nô nức mang nhiều lễ vật lên tháp chính: tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm). Trong lễ hội Katê, ngày cúng trên tháp được xem là hoạt động quan trọng, thu hút đông đảo du khách cùng tham dự. Theo tục lệ, đồng bào Chăm sẽ mang những lễ vật lên các tháp Chăm như tháp Pô Klong Garai, Pô Inư Nưgar, Pô Rômê để cúng.
Người Chăm có câu thành ngữ: “Bilan tijuk ngap yang Katê bilan salapan ngap yang Cambur” (nghĩa là: tháng 7 Chăm lịch cúng lễ Katê, tháng 9 cúng lễ Cambur). Để chuẩn bị cho lễ hội Katê, cộng đồng Chăm làm vệ sinh làng xóm, nhà cửa, lựa chọn những lễ vật như: trái cây, bánh ngọt, con gà, dê, trầu cau, rượu và trứng. Đây vốn là những sản vật địa phương do người dân nuôi trồng, mang đến đền tháp dâng cúng cho các vị thần nhằm mục đích tạ ơn các vị thần đã ban cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa tươi tốt, cuộc sống ấm no và mạnh khỏe. Đồng thời, xin các vị thần che chở, phù hộ độ trì, công việc gặp nhiều thuận lợi, con cái học hành thành đạt, trai gái nên duyên vợ chồng...
Các lễ vật được dùng trong lễ hội này gồm 1 con dê lớn, 5 mâm cơm, canh và thịt dê, 3 con gà để làm lễ tẩy uế trong tháp, 3 ổ bánh gạo, 1 mâm cơm cùng muối vừng, hoa quả. Bên cạnh đó còn có thêm cau trầu, rượu, xôi chè… Đó chỉ mới là phần lễ vật để cúng trên tháp. Còn phía chân tháp có đến hàng trăm mâm lễ khác nhau được chuẩn bị bởi những người dự lễ.
Mỗi gia đình người Chăm tỉ mỉ chuẩn bị từng đồ lễ để dâng cúng các vị thần - Ảnh: Liên Hương
Từ 6 giờ sáng, nhiều bà con đã đội lễ vật, leo bậc thang lên tháp. Những lễ vật được mỗi gia đình tùy tâm chuẩn bị. Một đĩa hoa quả và trầu cau được bày biện, trang trí cùng những cành hoa để bày tỏ lòng thành. Những loại trái cây quen thuộc như: mía, chôm chôm, nhãn, thanh long, cam. Ngoài ra, bà con cúng thêm gà, cơm, canh, trứng, muối, bánh kẹo. Chị Hán Nữ Nhi Ái cho hay: “Với người Chăm chúng tôi, quan niệm rằng tất cả không gian trời đất của đền tháp đều linh thiêng, chính vì vậy, người dân có thể bày cỗ cúng khắp nơi quanh chân tháp”.
Du khách về dự lễ, có thể thấy nơi đây tràn ngập từ trong ra tới ngoài cùng hàng trăm phẩm vật dâng cúng, từ mâm cơm đến các chiếu bày đồ lễ, tất cả hòa trộn trong sắc màu văn hóa dân gian Chăm.
Bên cạnh đồ cúng lễ tại tháp như: dê, gà, các loại bánh trái, trầu cau và trà, rượu..., còn có các loại bánh theo phong tục truyền thống như: bánh tét đòn dài tượng trưng cho Linga (dương thực khí) và bánh tét nak tượng trưng cho Yoni (âm thực khí), bánh Sykara tượng trưng cho thần tối cao Shiva được người dân đem tới dâng lên thần linh. Món bánh tét vốn quen thuộc với nhiều người Việt Nam nhưng cách làm của người Chăm lại khác. Bánh tét cho Lễ hội Katê được làm hoàn toàn từ ngũ cốc. Những món bánh này luôn được mọi người nhắc đến như một món ăn đặc trưng cho lễ hội Katê. Các loại bánh chỉ được làm trước lễ chính 1 ngày và chỉ có những phụ nữ lớn tuổi trong làng mới được tham gia làm món bánh này. Những loại nông sản thu hoạch về, được người Chăm chế biến rồi dâng lên tổ tiên. Đối với người Chăm, không có các loại bánh, lễ hội Katê mất đi một phần ý nghĩa. Ngoài ra, trên mâm cỗ cúng của người Chăm vào lễ hội Katê thường xuất hiện ba quả trứng vịt luộc. Theo một số người dân nơi đây cho biết, số 3 ở đây tượng trưng cho 3 cụm tháp ở Ninh Thuận. Và trước đây, người Chăm thờ Tam vị nhất thể. Còn đĩa hoa quả thường xuất hiện 7 loại trái cây. Hiện nay, người Chăm Bani cúng 7 loại trái cây, tượng trưng cho 7 làng, 7 thánh đường của người Chăm Bani ở Ninh Thuận.
Xung quanh chân tháp, có hàng trăm mâm lễ khác nhau của các gia đình dâng lên các vị thần - Ảnh: Liên Hương
Chị Hán Thị Lan cho hay: “Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn nên mọi người đều háo hứng đón chờ. Gia đình chị đã sắp xếp, trang hoàng lại nhà cửa, mua sắm đồ ăn, thức uống, sắm sửa lễ vật dâng lên các vị thần linh, ông bà tổ tiên cầu mong phù hộ con cháu bình an, khỏe mạnh và làm ăn phát đạt. Đây cũng là dịp để những người thân làm ăn nơi xa xứ, sinh viên trở về nhà sum họp, gắn kết tình cảm gia đình, làng xóm. Các thành viên trong gia đình, làng xóm thăm hỏi, dành những lời chúc tốt đẹp cho nhau”.
Ẩm thực trong lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận là một nét văn hóa độc đáo. Nét độc đáo ấy không phải là ở những món ăn cao lương mỹ vị, đắt tiền mà nó mang vẻ bình dị, mộc mạc. Các lễ vật mang đến cúng lễ Katê tại đền tháp là những sản vật địa phương do người dân nuôi, trồng dâng lên các vị thần để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, con người có được cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Từ những nguyên liệu sẵn có tại địa phương, qua đôi bàn tay khéo léo của người Chăm đã tạo nên những món ăn truyền thống, hương vị độc đáo, thu hút cả du khách khi đến tham dự lễ hội.
LIÊN HƯƠNG