Trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024, tôi có dịp được gặp Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kray Sức. Ông là một trong những nghệ nhân đã dành nhiều tâm huyết trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Pa Cô.
NNƯT Kray Sức hiện ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Qua câu chuyện của nghệ nhân 63 tuổi, tôi được biết ông là một người có nhiều tâm huyết với văn hóa Pa Cô. Ông đã dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm và dịch thuật các làn điệu dân ca, phong tục tập quán, nghi lễ, lễ hội… Bởi ông mong muốn, văn hóa của dân tộc Pa Cô sẽ không bị mai một theo năm tháng mà sẽ được các thế hệ tiếp nối gìn giữ, phát huy.
Tôi hỏi vì sao ông lại tha thiết, say mê với việc sưu tầm về văn hóa nhiều đến thế, ông chia sẻ: “Là một người con Pa Cô, được lớn lên trên nương rẫy với lời ru, tiếng đàn Ta lư của mẹ, những điều đó là ngấm vào trong con người tôi. Vì thế, khi được nghe các làn điệu dân ca hay tham gia các lễ hội của buôn làng đều khiến tôi bị cuốn hút và muốn tìm hiểu”.
NNƯT Kray Sức dân tộc Pa Cô tỉnh Quảng Trị
Là một người hát hay, chơi đàn Ta lư giỏi và yêu văn hóa Pa Cô, Kray Sức đã bắt tay vào sưu tầm các làn điệu dân ca và tập tục của người Pa Cô từ năm 2004. Trên con đường tìm kiếm tư liệu, ông đã tới khắp các bản làng Pa Cô trên dãy Trường Sơn và đến với cả đất Lào - nơi có dân tộc Pa Cô sinh sống để tìm hiểu. Đến với mỗi vùng đất, Kray Sức sẽ chụp ảnh lưu giữ, ghi chép tỉ mỉ về lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ... Sau nhiều năm sưu tầm, đến nay, nghệ nhân Kray Sức đã có hơn 300 tư liệu quý giá về văn hóa dân tộc Pa Cô.
“Đất nước ngày càng phát triển, giới trẻ tiếp xúc nhiều với văn hóa thế giới, nên hiện nay họ không mặn mà với văn hóa truyền thống, vì vậy không chỉ văn hóa của người Pa Cô mà rất nhiều dân tộc khác cũng đang bị mai một. Chính vì thế để bà con không bị lãng quên về văn hóa của dân tộc mình, tôi cùng với các nghệ nhân đã đến với các bản người Pa Cô nơi dãy Trường Sơn để hướng dẫn bà con hát làn điệu dân ca cũng như chơi các nhạc cụ truyền thống” – NNƯT Kray Sức cho biết.
Cùng với việc sưu tầm các điệu dân ca, nghệ nhân Kray Sức cũng dành nhiều công sức trong việc tìm hiểu về các lễ hội và nghi lễ của đồng bào Pa Cô. Để có thông tin đầy đủ, ông đã tìm đến các già làng trong các bản để hỏi han và ghi chép lại. “Các cụ ngày càng già đi và không còn nhiều, nên tôi phải tranh thủ đến hỏi từng người về từng nghi lễ hay lễ hội rồi tổng hợp ghi chép lại. Cùng với việc thực hành, tư liệu sẽ góp phần lưu giữ, truyền lại, để các thế hệ sau được hiểu về văn hóa người Pa Cô” – nghệ nhân cho biết.
Nghệ nhân Kray Sức cũng cho biết, trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm nay, ông cùng với đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng đã tái hiện lại Lễ cúng Ariêu Aza, được xem như là lễ Tết cổ truyền của đồng bào Pa Cô. Chia sẻ về lễ cúng Ariêu Aza, nghệ nhân Kray Sức cho biết, “Lễ cúng Ariêu Aza được khôi phục lại từ năm 1972, khi Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Đây là lễ cúng quan trọng hằng năm của đồng Pa Cô, trước đó, vì chiến tranh, dân làng không có điều kiện thực hiện. Ariêu Aza của người Pa Cô có hai cấp độ mang tính quy mô: Ariêu Aza-Kăn (Tết nữ) có quy mô nhỏ hơn, diễn ra trong phạm vi gia đình, dòng họ tham gia. Ariêu Aza-Koonh (Tết nam) thường được tổ chức với cấp độ và quy mô lớn hơn, ngoài sự tham gia của các thành viên trong gia đình, dòng tộc còn có sự tham gia của dòng họ khác, khách mời từ làng khác.
NNƯT Kray Sức chụp ảnh cùng các diễn viên quần chúng, du khách tại Ngày hội các dân tộc Việt Nam tại Quảng Trị năm 2024
Trong lễ cúng Ariêu Aza hay mỗi nghi lễ, lễ hội của đồng bào Pa Cô thì không thể thiếu cây Nêu. Đối với đồng bào Pa Cô và các đồng bào anh em khác, có ba màu cơ bản: màu đen đại diện cho nữ; màu trắng là nam; và màu đỏ biểu tượng cho sự sống. Trên cây Nêu của người Pa Cô sẽ được chia thành nhiều phần với ý nghĩa khác nhau. Phía trên cùng của cây nêu có ý nghĩa là sự giao thao của vũ trụ với nhân sinh quan; tiếp đến là phần hình có biểu tượng của con người, được để ở trên cao, nhìn xuống vạn vật; sau đó là phần cành cây nêu là ba tua lớn: tua biểu tượng cho nghe (nghe được âm thanh); một tua thể hiện nhìn (thấy được mọi vật, sắc màu trong không gian); và tua còn lại biết (sự hiểu biết, trí tuệ của con người)… Cây Nêu thường được đặt ở vị trí trung tâm, mọi người sẽ cùng nhau uống rượu, nhảy múa xung quanh khi hoàn tất nghi thức cũng lễ hay trong lễ hội.
Dành nhiều thời gian, tâm huyết truyền dạy, đến nay NNƯT Kray Sức đã có 7 học trò xuất sắc cùng ông đồng hành trên hành trình lan tỏa văn hóa đến với hàng trăm người dân, bạn trẻ Pa Cô. “Tôi chỉ mong, các bạn trẻ sẽ tiếp nối niềm đam mê, lan tỏa văn hóa Pa Cô như tôi đã từng làm. Có như vậy, văn hóa Pa Cô mới được gìn giữ và phát huy theo thời gian” – nghệ nhân tâm sự.
Đến với Ngày hội năm nay, NNƯT Kray Sức cảm thấy rất vui mừng vì văn hóa người Pa Cô tiếp tục được lan tỏa đến với đông đảo người dân và du khách. Ông cũng mong muốn, Ngày hội của các dân tộc được tổ chức nhiều hơn, để nghệ nhân, diễn viên quần chúng được trình diễn các loại hình văn hóa truyền thống. Điều đó sẽ thôi thúc bà con Pa Cô nói riêng, các dân tộc nói chung học tập, gìn giữ bản sắc văn hóa, qua đó sẽ lan tỏa nhiều hơn nữa trong cộng đồng, cũng như trong nước và quốc tế.
Với những công lao trong sưu tầm, truyền dạy văn hóa người Pa Cô, Kray Sức đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và ghi nhận. Năm 2015 Kray Sức vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Bài, ảnh: AN NGỌC