Theo thông tin từ Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, trong năm 2024, Sở đã đặc biệt chú trọng hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Sở đã hoàn thiện 2 hồ sơ và được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích cấp quốc gia: Di tích đền Mẫu (thành phố Hà Giang); di tích Nàn Ma (xã Nàn Ma, huyện Xín Mần); tham mưu trình UBND tỉnh chủ trương trùng tu, tôn tạo 1 di tích cấp tỉnh đền Trần (xã Tân Quang, huyện Bắc Quang), tôn tạo di tích hang Tiên (huyện Quang Bình), 7 công trình nhà dân tại phố cổ Đồng Văn; 3 dự án, công trình xây dựng trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích; Dự án thủy điện Hồ Thầu, dự án nâng cấp đường giao thông Bản Luốc – Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì), công trình cải tạo nhà Trạm y tế cũ tại di tích phố cổ Đồng Văn. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh Hà Giang ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16-4-2024 của Chính phủ Quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2024, Hà Giang đã được Bộ VHTTDL quyết định công bố đưa Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu mùa của người Pà Thẻn huyện Bắc Quang; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Páo Dung của người Dao vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, lập 4 hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL quyết định công bố đưa “Kỹ thuật thêu, dệt thổ cẩm” của người Nùng, huyện Xín Mần; “Kỹ thuật trồng bông và dệt vải” của người La Chí huyện Hoàng Su Phì và huyện Quang Bình; Nghề chạm bạc của người Dao (nhóm Dao áo dài) xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên; Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Pà Thẻn huyện Quang Bình, Bắc Quang vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng thời, Sở VHTTDL Hà Giang đã xây dựng và triển khai 20 kế hoạch về bảo tồn lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nhằm tăng cường giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, cụ thể các Kế hoạch: số 29/KH-SVHTTDL ngày 27-2-2024 về thực hiện nhiệm vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh năm 2024; số 30/KH-SVHTTDL ngày 27-2-2024 về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể năm 2024; số 38/KH-SVHTTDL ngày 11-3-2024 về tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2024; số 58/KH-SVHTTDL ngày 5-4-2024 lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Kỹ thuật thêu, dệt thổ cẩm” của người Nùng, huyện Xín Mần; số 59/KH-SVHTTDL ngày 5-4-2024 lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Kỹ thuật trồng bông và dệt vải” của người La Chí huyện Hoàng Su phì và huyện Quang Bình đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khảo sát, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số: Dân tộc Dao (Dao đỏ, Dao áo dài), Tày, Pu Péo huyện Bắc Mê; Dân tộc Hoa (Hán), Pu Péo, Lô Lô của huyện Đồng Văn...
Tổ chức bảo tồn đối với 5 di sản văn hóa phi vật thể: Lễ cúng cơm mới và Lễ cúng rừng của người Giáy (xã Đông Hà, huyện Quản Bạ); Bảo tồn dân ca (xây dựng đội văn nghệ dân gian) dân tộc La Chí (xã Nà Khương); dân ca Nùng (huyện Xín Mần); Bảo tồn Tế Khu cù tê dân tộc La Chí (huyện Hoàng Su Phì). Đồng thời, phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nghi lễ rửa làng của dân tộc Lô Lô (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn); phối hợp với UBND huyện Quang Bình tổ chức tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nón lá hai mê” tại Lễ hội văn hóa, du lịch ẩm thực Quốc tế Hà Giang lần thứ I năm 2024.
Hướng tới năm 2025, Sở VHTTDL Hà Giang sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các nội dung thuộc Dự án số 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
TÙNG LÂM