Trong những ngày diễn ra Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024. Đoàn nghệ nhân đồng bào dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai đã tham gia trình diễn tái hiện Nghi lễ lên nhà Rông mới. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Gia Rai.
Gia Lai là một tỉnh miền núi ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên, là nơi đọng lại dấu ấn của Biển Hồ huyền thoại và núi lửa Chư Đăng Ya, với những nghệ thuật kiến trúc nhà Rông, nhà sàn những nét đẹp của nhà mồ và những lễ hội truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc Gia Rai và các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Khi có nhà Rông mới đồng bào Gia Rai cùng nhau quyên góp các lễ vật cúng, để thực hiện nghi lễ truyền thống lên nhà Rông mới
Theo điều tra của các nhà dân tộc học thì người Gia Rai chia làm 5 nhóm địa phương và 5 nhóm này đều có mặt ở Gia Lai. Dân số khoảng 500 nghìn người cư trú chủ yếu tại tỉnh Gia Lai, phía Tây tỉnh Phú Yên, phía Nam tỉnh Kon Tum, và phía Bắc tỉnh Đắk Lắk. Ở Gia Lai, người Gia Rai sống tập trung tại các huyện, thị xã, thành phố: Pleiku, Chư Păh, Ia Grai, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa. Tín ngưỡng của đồng bào Gia Rai theo vạn vật hữu linh. Thần linh (Yàng) có nhiều loại, trong đó có ba loại nổi bật được nhắc đến trong lễ cúng hằng năm hay nhiều năm một lần: thần làng - thần vua - thần nhà. Thần nhà (Yàng sang) lực lượng bảo vệ nhà cửa được cúng trong nhà. Khi nhà mới dựng thì phải tiến hành nghi thức lễ đâm trâu và trồng cây gạo.
Từ xưa đến nay, đồng bào dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai vẫn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình. Đồng bào trồng lúa làm nương rẫy là nghề chính để phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng. Trong đời sống tinh thần, đồng bào Gia Rai quan niệm, nhà Rông là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng chung của cộng đồng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh. Theo đó, sau khi tu sửa, di rời mới nhà Rông, người Gia Rai sẽ tổ chức cúng Yàng, nhằm để cảm tạ thần linh đã ủng hộ, giúp đỡ dân làng trong thời gian qua và xin sự bình an, ổn định. Vì vậy dân làng cùng nhau quyên góp các lễ vật cúng, để thực hiện nghi lễ truyền thống lên nhà Rông mới. Nghi lễ lên nhà Rông mới là một nghi lễ độc đáo được đồng bào Gia Rai đặc biệt coi trọng cảm tạ thần linh đã luôn giúp đỡ dân làng, mong khi về nhà Rông mới thần linh vẫn luôn ủng hộ, giúp đỡ dân làng.
Chủ lễ lên nhà Rông mới là già làng, người có uy tín trong cộng đồng
Chủ lễ lên nhà Rông mới là già làng, người có uy tín với cộng đồng, người am hiểu luật tục, có vai trò dẫn dắt trong buổi lễ. Lễ lên nhà Rông mới, trước tiên là phần cúng dưới nhà gần chân cầu thang của của nhà Rông. Đây là nghi thức xua đuổi thần xấu, thần không tốt còn bám trên cây gỗ để làm nhà. Lễ vật cúng Yàng trong lễ lên nhà Rông mới gồm có: 1 đầu heo, 1 con gà, 1 ghè rượu. Chủ lễ múc một ít nước vào bát đồng vừa đọc lời cúng, vừa rót vào ghè cúng đến khi hết nước trong bát thì cũng dứt lời cúng. Sau khi cúng dưới nhà xong chủ lễ cùng hội đồng già làng và dân bản cùng lên nhà Rông mới chuẩn bị các lễ vật để thực hiện lễ cúng trong nhà.
Sau khi chuẩn bị lễ vật và các nghi lễ cúng dưới nhà gần chân cầu thang của của nhà Rông đã xong, già làng đứng lên cầu: Ơi Yàng, sau thời gian làm nhà rông mới, được nhà nước hỗ trợ kinh phí, bà con dân làng đóng góp công sức, đến nay nhà Rông đã hoàn thành. Hôm nay bà con dân làng vui mừng, tổ chức cúng Yàng để xin Yàng cho dân làng lên nhà Rông mới. Cầu mong Yàng Rông, Yàng Kông, Yàng Dak, Bok Bon, Bok Hdăm, Yã Tơk phù hộ cho bà con dân làng luôn được mạnh khỏe, may mắn, làm ăn mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa, bà con dân làng đoàn kết, không có mâu thuẫn, tranh chấp, luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương. Ơi Yàng, dân làng cầu mong các Yàng trông coi, giữ gìn nhà Rông của làng được vững chắc, bền lâu, không bị thiên tai, hỏa hoạn làm hư hỏng.
Sau phần lễ cúng của già làng, đến phần hội, tất cả cộng đồng cùng nhảy múa uống rượu cần, vui với cồng chiêng
Sau phần lễ cúng của già làng, tất cả cộng đồng trong đồng bào dân tộc Gia Rai sẽ cùng nhảy múa uống rượu cần, vui chiêng, cùng đi vòng quanh trên nhà Rông sau đó di chuyển xuống cây nêu trước sân lễ hội vui hội chung với tất cả bà con trong buôn làng.
Nghi lễ truyền thống, Lễ lên nhà Rông mới của đồng bào dân tộc Gia Rai nhằm tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của tỉnh Gia Lai và tuyên truyền, vận động các dân tộc trong và ngoài tỉnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc của mình, làm giàu thêm cho nền văn hóa và thực hiện mục tiêu đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
HÙNG MẠNH - Ảnh: TUẤN MINH