Tổ chức sự kiện bền vững: Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới

Tóm tắt: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức môi trường ngày càng gia tăng, việc tổ chức sự kiện bền vững đã trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo phát triển bền vững cho cộng đồng. Ở nhiều quốc gia, tổ chức sự kiện bền vững đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược môi trường và trách nhiệm cộng đồng. Tại Việt Nam, các tiêu chuẩn bền vững đang dần được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ngành tổ chức sự kiện. Bài viết nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự kết hợp giữa lập kế hoạch chi tiết, quản lý tài nguyên hiệu quả, ứng dụng công nghệ hiện đại và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một tương lai phát triển xanh và bền vững.

Từ khóa: tổ chức sự kiện, bền vững, bài học quốc tế, kinh nghiệm.

Abstract: In the context of globalization and increasing environmental challenges, organizing sustainable events has become a critical requirement to ensure sustainable development for communities. In many countries, sustainable event organization has become an indispensable part of environmental strategies and community responsibility. In Vietnam, sustainability standards are gradually being applied across various sectors, including event organization. The article emphasizes that achieving sustainable development goals requires a combination of detailed planning, efficient resource management, modern technology application, and active community participation. This will serve as an essential foundation for Vietnam to move toward a greener and more sustainable future.

Keywords: event organization, sustainability, international lessons, experience.

Huy chương thế vận hội Olympic Nhật Bản 2020 được tái chế từ rác điện tử - Nguồn ảnh: japan.go.jp

1. Sự cần thiết của các sự kiện bền vững tại Việt Nam

Phát triển bền vững được Liên hợp quốc đánh giá: là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Để phát triển bền vững thì việc quan tâm tới môi trường là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường. Nghị quyết số 136/NQ-CP năm 2020 khẳng định phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Luật bảo vệ môi trường số 21/VBHN-VPQH năm 2022 quy định các nguyên tắc, chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững và cải thiện chất lượng môi trường sống hay Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, trong đó có nhiều nội dung tập trung vào các giải pháp môi trường xanh. Những văn bản này không chỉ thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, mà còn định hướng cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội theo tiêu chí bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ngành công nghiệp tổ chức sự kiện ngày nay phát triển mạnh mẽ với đa dạng hoạt động từ hội nghị, triển lãm đến lễ hội và sự kiện cộng đồng đã mang lại lợi ích kinh tế, văn hóa và xã hội lớn cho các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, ngành công nghiệp này cũng đang đối diện với nhiều thách thức về môi trường do các tác động tiêu cực mà nó gây ra. Minh chứng rõ ràng nhất là lượng tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Tại mỗi sự kiện, việc xây dựng sân khấu, gian hàng, quá trình vận chuyển thiết bị, cung cấp điện nước và phục vụ ăn uống cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham dự đều cần đến nguồn nhân lực và vật lực rất lớn. Một vấn đề quan trọng khác là lượng chất thải khổng lồ được tạo ra sau mỗi sự kiện, bao gồm rác thải sinh hoạt, bao bì nhựa và các chất thải khó phân hủy khác. Tại Việt Nam, sau những sự kiện là rác thải bị xả bừa bãi, túi nilon, vỏ chai và nước ngọt nằm rải rác, cùng với thảm thực vật bị giẫm đạp, phá hoại hay rác thải bị xả xuống sông, hồ… gây tổn hại nghiêm trọng đến cảnh quan và môi trường xung quanh. Những hình ảnh này minh chứng cho nhu cầu cấp bách về các biện pháp bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp tổ chức sự kiện, hướng đến mô hình phát triển bền vững và giảm thiểu tối đa dấu chân sinh thái của các hoạt động này.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do ngành công nghiệp tổ chức sự kiện gây ra, xu hướng tổ chức sự kiện bền vững đang nổi lên như một giải pháp cần thiết trên thế giới và cũng bắt đầu từ những bước nhỏ ở Việt Nam. Không chỉ là một xu hướng, đây còn là một trách nhiệm xã hội của các nhà tổ chức sự kiện. Việc giảm thiểu dấu chân sinh thái và tối đa hóa tác động tích cực đến môi trường đang trở thành một yếu tố cạnh tranh quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả người tổ chức và người tham dự. Các sáng kiến như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm nhựa, tái chế rác thải và chọn thực phẩm địa phương ngày càng được áp dụng rộng rãi. Những thay đổi này thể hiện nhận thức ngày càng cao của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, tạo ra những sự kiện không chỉ có ý nghĩa văn hóa và kinh tế mà còn tích cực về mặt môi trường. Các sự kiện bền vững góp phần xây dựng hình ảnh một quốc gia tiên tiến, có trách nhiệm chung với tương lai của toàn nhân loại.

2. Sự kiện bền vững và tiêu chí đánh giá sự kiện bền vững

Sự kiện bền vững là những sự kiện được thiết kế và tổ chức nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng. Theo Hội đồng ngành Sự kiện (Events Industry Council), sự kiện bền vững tập trung vào việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, quản lý chất thải và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Như vậy, sự kiện bền vững hướng tới ba khía cạnh chính: bảo vệ môi trường; tăng trưởng xã hội và tiến bộ về kinh tế.

Sự kiện bền vững có tính chất đặc trưng của các sự kiện thông thường nhưng cũng có những đặc điểm riêng biệt để đảm bảo tính bền vững, như quản lý tài nguyên hiệu quả, tối ưu hóa quản lý chất thải và tăng cường sự tham gia của các bên liên quan.

Sự kiện bền vững mang tính đặc trưng của sự kiện nhưng cũng có những đặc điểm riêng biệt với các tiêu chuẩn nằm trong bộ tiêu chuẩn ISO 20121. ISO 20121 là tiêu chuẩn quốc tế đưa ra các tiêu chí và hướng dẫn chi tiết để tổ chức các sự kiện bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời đảm bảo lợi ích kinh tế và xã hội. Theo đó, để trở thành sự kiện bền vững cần phải có những tiêu chí như sau:

Thứ nhất, sự kiện cần có một kế hoạch kỹ lưỡng với các mục tiêu rõ ràng, bao gồm việc đánh giá và quản lý rủi ro về môi trường và xã hội.

Thứ hai, cần tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như năng lượng, nước và nguyên liệu, ưu tiên năng lượng tái tạo và vật liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu lãng phí.

Thứ ba, phải có kế hoạch quản lý chất thải chi tiết, hạn chế phát sinh rác thải và thiết lập các quy trình tái chế, xử lý rác hiệu quả.

Thứ tư, sự kiện cần đảm bảo sự tham gia và cam kết của các bên liên quan, bao gồm hợp tác với các nhà cung cấp địa phương có tiêu chí bền vững và khuyến khích người tham gia nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Thứ năm, quản lý tác động xã hội đóng vai trò lớn, bao gồm tôn trọng văn hóa và bảo vệ sức khỏe, an toàn cho cộng đồng địa phương.

Thứ sáu, ISO 20121 yêu cầu nhà tổ chức minh bạch trong báo cáo sau sự kiện, đánh giá các biện pháp đã thực hiện và tìm kiếm các cơ hội cải tiến cho các sự kiện tương lai.

Thứ bảy, quản lý tài chính hiệu quả giúp đảm bảo sự kiện không chỉ thân thiện với môi trường mà còn đạt được tính bền vững về mặt kinh tế. Tuân thủ các tiêu chí của ISO 20121 giúp xây dựng uy tín cho nhà tổ chức, đồng thời đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

3. Bài học kinh nghiệm từ các sự kiện bền vững trên thế giới

Thứ nhất, lập kế hoạch rõ ràng cho các sự kiện bền vững

Lập kế hoạch chi tiết và đánh giá rủi ro là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tổ chức sự kiện bền vững. Thế vận hội London 2012 tại Anh đã gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới, cho thấy vai trò của một kế hoạch bền vững kỹ lưỡng với mục tiêu rõ ràng về việc tái sử dụng cơ sở hạ tầng sau sự kiện, giúp giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Thế vận hội London 2012 đã thực hiện nhiều sáng kiến bền vững, bao gồm tái phát triển đất công nghiệp ô nhiễm thành công viên Olympic và sử dụng vật liệu tái chế trong xây dựng, như gỗ bền vững và hệ thống thu gom nước mưa để giảm thiểu tiêu thụ nước. Sự kiện đạt mục tiêu “không rác thải”, đảm bảo 100% rác thải được tái chế hoặc ủ phân thay vì chôn lấp. London cũng thiết lập tiêu chuẩn ISO 20121 cho tổ chức sự kiện bền vững, tạo chuẩn mực quốc tế. Tương tự, Thế vận hội Tokyo 2020 tại Nhật Bản cũng được tổ chức theo tiêu chí bền vững chặt chẽ, bao gồm đánh giá rủi ro từ khâu lên kế hoạch đến thực hiện nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường. Thế vận hội này chỉ xây dựng 8 địa điểm thi đấu, nâng cấp 25 địa điểm cũ đã xây dựng từ năm 1964. Các huy chương cũng được làm từ rác điện tử, bục huy chương được làm từ nhựa tái chế. Thế vận hội này cũng tối ưu năng lượng bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời, sinh khối gỗ. Có thể thấy, Nhật Bản đã nhận thức rất rõ vị trí và vai trò của quốc gia, đồng thời lập kế hoạch rất cụ thể. Liên hoan Âm nhạc Glastonbury tại Anh là một ví dụ tiêu biểu trong lĩnh vực âm nhạc về quản lý tài nguyên bền vững. Bắt đầu từ năm 2019, Glastonbury triển khai chính sách “không nhựa” với việc ngừng bán chai nhựa dùng một lần và lắp đặt nhiều trạm nước miễn phí để khuyến khích khách tham dự sử dụng bình tái chế. Theo báo cáo từ Glastonbury Festival, hơn 1 triệu chai nhựa dùng một lần đã được giảm thiểu trong suốt thời gian lễ hội, nhờ đó tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng âm nhạc về việc giảm rác thải nhựa.

Các sự kiện này cho thấy tầm quan trọng của việc lập kế hoạch một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng từng hạng mục có thể thiết kế mang tính chất bền vững. Một kế hoạch tỉ mỉ và kỹ lưỡng không chỉ đảm bảo tính bền vững cho sự kiện mà còn góp phần xây dựng di sản tích cực cho cộng đồng và khuyến khích nhận thức về bảo vệ môi trường trên toàn cầu. Để làm như vậy, cần có sự chuẩn bị từ khâu đánh giá các nhu cầu và mục tiêu bền vững, tiến hành phân tích các rủi ro tiềm tàng, đến việc xây dựng kế hoạch hành động chi tiết nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Cần đảm bảo rằng, các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, từ việc chọn lựa vật liệu thân thiện với môi trường đến tối ưu hóa các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, việc thiết lập các tiêu chuẩn bền vững quốc tế, như ISO 20121, sẽ giúp các nhà tổ chức có khung tham chiếu và tiêu chuẩn cao để đáp ứng.

Thứ hai, quản lý và tối ưu hóa tài nguyên

Tối ưu hóa tài nguyên là một trong những yếu tố quan trọng nhất để sự kiện thân thiện với môi trường. Liên hoan Âm nhạc Outside Lands tại San Francisco, Mỹ đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm tiết kiệm nước và năng lượng. Lễ hội này lắp đặt các trạm rửa tay sử dụng lượng nước tối thiểu và khuyến khích người tham dự mang theo chai nước có thể tái sử dụng để giảm thiểu rác thải nhựa. Họ cũng hợp tác với tổ chức Clean Vibes để xử lý và tái chế rác thải và dùng năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho các khu vực hoạt động. Theo báo cáo từ ban tổ chức, các biện pháp này giúp giảm đáng kể lượng nước và năng lượng tiêu thụ trong suốt sự kiện. Sự kiện thể thao X-Games tại Aspen, Colorado đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và bảo vệ chất lượng không khí. X-Games sử dụng hệ thống làm tuyết nhân tạo tiết kiệm nước và điện, đồng thời áp dụng các phương pháp kiểm soát khí thải từ các phương tiện vận tải trong khu vực tổ chức sự kiện. Ban tổ chức cũng triển khai các biện pháp đo lường và kiểm soát chất lượng không khí trong khu vực để giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ sức khỏe của khán giả và vận động viên. Hội nghị Khí hậu của Liên hợp quốc COP25 tại Madrid, Tây Ban Nha, đã sử dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và nước chặt chẽ. Các tòa nhà tổ chức sự kiện được trang bị hệ thống tiết kiệm năng lượng và thiết bị tiết kiệm nước, giúp giảm đáng kể lượng nước và điện tiêu thụ. Các quầy ẩm thực trong hội nghị cũng sử dụng thực phẩm hữu cơ và địa phương nhằm giảm thiểu khí thải từ vận chuyển và đảm bảo chất lượng không khí trong khu vực. Các biện pháp này giúp COP25 đạt được mục tiêu giảm phát thải và lãng phí tài nguyên. Lễ hội Burning Man tại sa mạc Nevada, Mỹ là một ví dụ điển hình về quản lý tài nguyên bền vững trong điều kiện khắc nghiệt. Do tổ chức tại vùng sa mạc, lễ hội yêu cầu người tham dự mang theo và tự quản lý nguồn nước của mình, giúp tiết kiệm tối đa nước. Burning Man cũng triển khai nguyên tắc “Leave No Trace” (không để lại dấu vết), khuyến khích người tham dự mang theo năng lượng tái tạo như hệ thống năng lượng mặt trời cho trại của mình và thu gom, xử lý mọi rác thải một cách tự giác. Những sáng kiến này giúp bảo vệ hệ sinh thái sa mạc và duy trì chất lượng không khí trong suốt lễ hội. Expo 2020 Dubai tại UAE đã triển khai một loạt các biện pháp tiết kiệm tài nguyên bao gồm nước, năng lượng và kiểm soát chất lượng không khí. Ban tổ chức lắp đặt hệ thống nước tái sử dụng và thiết bị tiết kiệm nước tại tất cả các khu vực sự kiện. Để tối ưu hóa năng lượng, Expo 2020 sử dụng năng lượng mặt trời và xây dựng các gian hàng với thiết kế thông minh để giảm nhu cầu điều hòa không khí. Đồng thời, họ theo dõi và kiểm soát chất lượng không khí trong suốt sự kiện để đảm bảo môi trường trong lành cho khách tham quan.

Từ đây, chúng ta có thể học tập các sự kiện quốc tế về quản lý và tối ưu hóa tài nguyên bằng cách: tăng cường tiết kiệm nước, giảm thiểu rác thải nhựa và áp dụng năng lượng tái tạo tại các sự kiện lớn. Khuyến khích sử dụng sản phẩm địa phương và hữu cơ sẽ giúp giảm khí thải từ vận chuyển, đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương. Ngoài ra, việc yêu cầu người tham dự tự thu gom rác thải và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường không chỉ bảo vệ thiên nhiên mà còn góp phần xây dựng nhận thức bền vững trong cộng đồng. Những biện pháp này giúp Việt Nam vừa bảo vệ tài nguyên vừa thể hiện cam kết mạnh mẽ với phát triển bền vững.

Thứ ba, quản lý chất thải hiệu quả

Quản lý chất thải hiệu quả là một yếu tố quan trọng trong tổ chức sự kiện bền vững, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và khuyến khích ý thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên. Để thực hiện điều này, các sự kiện đã áp dụng nhiều sáng kiến như thiết lập các hệ thống phân loại rác tại chỗ, khuyến khích tái chế và giảm thiểu rác thải từ đầu vào.

Ví dụ, Lễ hội âm nhạc Bonnaroo tại Tennessee, Mỹ, là một trong những sự kiện tiên phong trong quản lý chất thải với mục tiêu đạt “zero waste” (không rác thải). Ban tổ chức cung cấp các thùng rác phân loại và hướng dẫn người tham dự về cách tái chế đúng cách. Kết quả là, hơn 50% lượng rác thải của lễ hội được tái chế hoặc ủ phân, giúp giảm thiểu lượng rác đưa vào bãi chôn lấp. Các thùng rác và trạm phân loại cũng giúp người tham gia dễ dàng tuân thủ quy trình phân loại rác một cách hiệu quả.

Tương tự, Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), đã đặt mục tiêu không rác thải bằng cách cung cấp các lựa chọn tái chế và ủ phân cho mọi loại chất thải phát sinh trong sự kiện. Ban tổ chức khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, như bao bì có thể phân hủy sinh học và ly giấy có thể tái chế. Bằng cách cung cấp thông tin rõ ràng và hệ thống hỗ trợ phân loại, COP26 đã thành công trong việc giảm thiểu tác động của chất thải và tạo động lực để các sự kiện khác áp dụng biện pháp tương tự.

Những biện pháp này cho thấy rằng, thông qua quản lý chất thải hiệu quả, các sự kiện không chỉ giảm thiểu lượng rác thải mà còn tạo ra một môi trường có trách nhiệm với cộng đồng và thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường. Việt Nam có thể học hỏi những phương pháp này bằng cách trang bị các trạm phân loại rác tại các sự kiện, khuyến khích tái chế và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giảm thiểu áp lực lên môi trường mà còn khuyến khích người tham gia có ý thức hơn trong việc bảo vệ và tái sử dụng tài nguyên.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ để tăng cường hiệu quả bền vững

Công nghệ hiện đại đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của cuộc sống, từ sản xuất, giáo dục, y tế, đến các lĩnh vực giải trí và dịch vụ. Những tiến bộ trong công nghệ không chỉ mang lại hiệu suất làm việc cao hơn mà còn tạo ra các phương pháp mới để tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ví dụ, các hệ thống quản lý thông minh trong sản xuất có thể tự động điều chỉnh tiêu thụ năng lượng dựa trên nhu cầu thực tế, trong khi công nghệ IoT (internet of things) cho phép giám sát chất lượng không khí và nước tại các khu đô thị. Những công nghệ này giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm và đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống một cách bền vững.

Trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, công nghệ không chỉ đơn thuần cải thiện trải nghiệm của người tham gia mà còn là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy sự bền vững. Các hệ thống quản lý sự kiện kỹ thuật số giúp giảm lượng giấy in ấn, trong khi các ứng dụng di động cung cấp thông tin nhanh chóng, giúp giảm lãng phí tài nguyên. Các sự kiện như Liên hoan âm nhạc Coachella đã ứng dụng các trạm sạc năng lượng mặt trời và hệ thống đo lường chất lượng không khí theo thời gian thực để đảm bảo môi trường an toàn cho người tham gia. Những ứng dụng công nghệ này không chỉ giúp tối ưu hóa việc quản lý tài nguyên mà còn truyền cảm hứng cho các sự kiện khác về cách giảm thiểu tác động lên môi trường.

Một trong những ví dụ nổi bật về ứng dụng công nghệ trong tổ chức sự kiện bền vững là Liên hoan phim Tribeca tại New York. Liên hoan phim này đã giảm thiểu đáng kể việc sử dụng giấy bằng cách phát hành vé điện tử và hướng dẫn sự kiện qua ứng dụng di động. Thay vì in ấn các tài liệu hướng dẫn và lịch chiếu, Tribeca cung cấp thông tin sự kiện qua ứng dụng, giúp giảm lãng phí giấy và tăng cường tiện ích cho người tham gia. Bên cạnh đó, Tribeca cũng sử dụng các công nghệ chiếu sáng LED và hệ thống quản lý năng lượng để tối ưu hóa tiêu thụ điện năng trong các địa điểm tổ chức.

Lễ hội Austin City Limits tại Texas cũng là một ví dụ điển hình trong việc sử dụng công nghệ để quản lý chất thải. Với lượng lớn người tham gia, lễ hội này đã triển khai các máy phân loại rác tự động sử dụng công nghệ cảm biến để xác định và phân loại rác thải, giúp tối đa hóa khả năng tái chế và giảm thiểu lượng rác thải. Hệ thống này giúp đơn giản hóa việc xử lý rác thải, tăng cường hiệu quả bền vững và đảm bảo môi trường sạch đẹp cho cộng đồng xung quanh.

Hội chợ Triển lãm CES tại Las Vegas cũng là một trong những sự kiện lớn áp dụng công nghệ để đạt các mục tiêu bền vững. CES sử dụng hệ thống quản lý năng lượng thông minh để giám sát tiêu thụ điện tại các gian hàng, đồng thời triển khai hệ thống đèn LED tiết kiệm năng lượng. Các máy lọc không khí hiện đại được lắp đặt trong các khu vực hội chợ để đảm bảo chất lượng không khí trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Ngoài ra, CES còn hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải thân thiện với môi trường để khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và giảm thiểu khí thải giao thông.

Việt Nam có thể áp dụng những bài học từ các sự kiện quốc tế bằng cách tích cực đưa công nghệ vào quản lý tài nguyên và tối ưu hóa các hoạt động tại sự kiện. Trước hết, việc áp dụng các ứng dụng di động để cung cấp thông tin và vé điện tử sẽ giảm thiểu lượng giấy in ấn và nâng cao trải nghiệm người tham dự. Thêm vào đó, các trạm sạc năng lượng tái tạo và hệ thống quản lý năng lượng thông minh nên được triển khai tại các sự kiện lớn để tiết kiệm điện năng và giảm phát thải khí nhà kính. Công nghệ cảm biến có thể được sử dụng để phân loại và giám sát rác thải, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý chất thải và khuyến khích tái chế.

Ứng dụng công nghệ vào các sự kiện bền vững sẽ giúp Việt Nam không chỉ giảm thiểu tác động môi trường mà còn tạo ra một hình ảnh quốc gia hiện đại, trách nhiệm và cam kết với phát triển bền vững. Điều này không chỉ đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường mà còn khuyến khích người dân và doanh nghiệp trong nước cùng hành động vì tương lai xanh.

Thứ năm, cam kết xã hội và sự tham gia của cộng đồng

Cam kết xã hội và sự tham gia của cộng đồng là yếu tố cốt lõi để tổ chức sự kiện bền vững thành công, bởi vì, chúng khuyến khích tinh thần trách nhiệm chung và tạo ra tác động lan tỏa trong cộng đồng. Các sự kiện bền vững không chỉ hướng đến việc giảm thiểu tác động môi trường mà còn xây dựng một mối liên kết xã hội, nâng cao nhận thức và tạo động lực để cộng đồng cùng hành động. Khi cộng đồng được mời gọi và có cơ hội tham gia trực tiếp vào các sáng kiến bảo vệ môi trường, họ sẽ dễ dàng tiếp thu, thực hiện và lan tỏa thông điệp xanh một cách bền vững.

Một ví dụ nổi bật là lễ hội Edinburgh Fringe tại Scotland (Vương quốc Anh), nơi ban tổ chức đã thiết lập các sáng kiến xã hội để cộng đồng có thể đóng góp vào các hoạt động bảo vệ môi trường, chẳng hạn như các chương trình tái chế rác thải, dọn dẹp khu vực sự kiện và các chiến dịch xanh. Họ còn tổ chức các buổi trò chuyện và hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bền vững và khuyến khích mọi người thực hiện lối sống xanh sau khi sự kiện kết thúc. Nhờ đó, không chỉ lễ hội mà cả cộng đồng xung quanh đã cùng nhau cam kết giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Liên hoan âm nhạc Roskilde tại Đan Mạch cũng là một ví dụ tiêu biểu. Sự kiện này tạo điều kiện cho các tình nguyện viên trong và ngoài nước tham gia các hoạt động như thu gom và phân loại rác, hỗ trợ các sáng kiến tái chế và tổ chức khu vực giáo dục môi trường cho người tham gia. Số tiền quyên góp từ lễ hội được dành cho các chương trình từ thiện, mang lại lợi ích cho cộng đồng và củng cố tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội. Sự tham gia tích cực của các tình nguyện viên và cộng đồng đã góp phần làm cho Roskilde không chỉ là một sự kiện âm nhạc mà còn là một nền tảng lan tỏa ý thức về bảo vệ môi trường và hỗ trợ các sáng kiến xã hội.

Lễ hội Tết Nguyên đán tại San Francisco, Mỹ cũng có các sáng kiến bền vững kết hợp với truyền thống văn hóa và sự tham gia của cộng đồng. Tại sự kiện này, các gian hàng giới thiệu những sản phẩm thân thiện với môi trường và các tổ chức phi lợi nhuận địa phương có cơ hội chia sẻ về các dự án bảo vệ môi trường, giúp người tham gia thấy được giá trị của việc đóng góp vào một cộng đồng bền vững. Các hoạt động này không chỉ làm nổi bật sự phong phú của văn hóa mà còn tạo ra sự gắn kết giữa cộng đồng và môi trường.

Việt Nam, với dân số trẻ, năng động, và tinh thần cộng đồng cao, có tiềm năng đặc biệt trong việc thúc đẩy các sáng kiến bền vững, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Sự cam kết của cộng đồng trong việc tham gia vào các hoạt động xã hội không chỉ tạo nên sức mạnh đoàn kết mà còn góp phần định hình tương lai bền vững cho đất nước.

Trong bối cảnh các sự kiện bền vững đang phát triển trên thế giới, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng của lực lượng tình nguyện viên, đặc biệt là các bạn trẻ, để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Với tinh thần học hỏi và thích ứng cao, giới trẻ Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các chương trình cộng đồng như dọn dẹp khu vực công cộng, hỗ trợ phân loại rác và tái chế, hay tham gia vào các buổi hội thảo, tọa đàm để nâng cao nhận thức về bền vững. Những hoạt động này không chỉ mang lại giá trị trực tiếp cho môi trường mà còn thúc đẩy ý thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên.

4. Kết luận

Tổ chức sự kiện bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, khi yêu cầu về bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên ngày càng trở nên cấp bách. Để các sự kiện đạt được tính bền vững, cần có sự kết hợp giữa lập kế hoạch chi tiết, quản lý tài nguyên chặt chẽ, ứng dụng công nghệ hiện đại và thu hút sự tham gia tích cực từ cộng đồng. Đối với Việt Nam, việc áp dụng các mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn thúc đẩy nhận thức cộng đồng, xây dựng tinh thần trách nhiệm với xã hội. Bằng cách tận dụng tiềm năng con người và khả năng sáng tạo trong giới trẻ, Việt Nam có thể tạo ra những sự kiện không chỉ giàu ý nghĩa văn hóa mà còn mang đậm dấu ấn bền vững. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam hướng tới một tương lai phát triển xanh và bền vững, góp phần vào nỗ lực bảo về hành tinh chung của chúng ta.

____________________

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ, Nghị quyết số 136/NQ-CP năm 2020 về Phát triển bền vững, Hà Nội, 2020.

2. Quốc hội, Luật Bảo vệ Môi trường số 21/VBHNVPQH năm 2022, Hà Nội, 2022.

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, Hà Nội, 2023.

4. Olympics Committee, Tokyo 2020 Sustainability Strategy (Chiến lược bền vững Tokyo 2020), olympics.com, 21-2-2021.

5. International Organization for Standardization (Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế) (ISO), ISO 20121: Event Sustainability Management Systems - Requirements with Guidance for Use, Geneva, Switzerland (ISO 20121: Hệ thống quản lý bền vững khi tổ chức sự kiện - Những yêu cầu đi kèm theo hướng dẫn sử dụng, Geneva, Thụy Sĩ), 2012.

6. Jessie Atkinson, Glastonbury: One of the World’s Greenest Festivals (Glastonbury: Một trong những lễ hội xanh nhất thế giới), sustainabilitymag.com, 27-6-2024.

7. International Olympic Committee, London 2012’s Sustainability Legacy Lives On (Di sản bền vững của London 2012 vẫn tiếp tục tồn tại), olympics.com, 31-7-2013.

8. International Olympic Committee, All You Need to Know About Tokyo 2020 Sustainability (Những điều cần biết về tính bền vững của Tokyo 2020), olympics.com, 17-8-2021.

9. Events Industry Council, Sustainable Event Principles (Các nguyên tắc sự kiện bền vững), insights.eventscouncil.org, 5-2018.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 6-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 18-1-2025; Ngày duyệt đăng: 5-2-2025.

Ths NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025

;