GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Ở QUẢNG NINH

Nguồn nhân lực (NNL) là yếu tố cơ bản, là điểm cốt yếu nhất của nguồn nội lực, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội nhập quốc tế. Trong thời đại mới, các lợi thế về số lượng lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đã dần được thay bởi trình độ khoa học, trình độ người lao động, khả năng tổ chức quản lý nguồn lao động hợp lý. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, bên cạnh sự hợp tác để phát triển, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng trở nên gay gắt và lợi thế luôn thuộc về các quốc gia có NNL.

Có diện tích đất tự nhiên 6.100km2, đường biên giới trên bộ 120km và trên biển gần 190km, 3 cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh), bờ biển dài 250km, có 2.077 đảo (chiếm 2/3 số đảo của Việt Nam), trên 40.000 ha bãi triều và hơn 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh... Quảng Ninh hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội quan trọng trong tiến trình CNH, HĐH đất nước. Là một tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản (về trữ lượng than trên toàn Việt Nam thì riêng Quảng Ninh đã chiếm tới 90%), nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp vật tư, nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP của tỉnh Quảng Ninh và đất nước.

Tận dụng lợi thế của mình, trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh phát triển quy mô, tốc động nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH. Lực lượng lao động khá dồi dào, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chất lượng NNL của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế: năng suất lao động thấp, trình độ tay nghề lao động còn kém, lao động chưa qua đào tạo không có trình độ chuyên môn kĩ thuật còn chiếm tỷ trọng cao nên không tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội. Lực lượng lao động đã qua đào tạo mất cân đối về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu giữa các bậc đào tạo, còn thiếu cả lao động ở các dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, du lịch và đội ngũ cán bộ hành chính, cán bộ quản lý. Để góp phần nâng cao chất lượng NNL, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH, cần thực hiện tốt các giải pháp:

Đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò NNL đối với phát triển bền vững

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng vả đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và toàn xã hội thấy rõ vai trò và trách nhiệm trong đào tạo, sử dụng, phát triển NNL là của toàn xã hội (cấp ủy, chính quyền, nhà trường, doanh nghiệp và của gia đình cũng như bản thân mỗi người lao động). Huy động cả hệ thông chính trị cùng vào cuộc để tạo sự chuyển biến mạnh về NNL ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở và người dân. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng để từng bước nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng NNL của các ngành, các cấp và toàn xã hội; hiểu rõ về các chính sách phát triển NNL của Đảng, Nhà nước và tỉnh. Vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo NNL.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về NNL: Nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc; phân định rõ thầm quyền, trách nhiệm, của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, theo dõi, dự báo, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển NNL. Xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và xây dựng cơ chế để doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia vào đào tạo NNL. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Hoàn thành và thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030; đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; nghiên cứu thành lập Trung tâm phát triển NNL của tỉnh.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại

Đổi mới công tác giáo dục và dạy nghề theo hướng toàn diện cả về trình độ, phẩm chất, đạo đức, văn hóa, kỹ năng nhằm hoàn thiện hệ thống giá trị của con người như trách nhiệm công dân, tinh thần học tập, trau dồi tri thức; có tác phong làm việc công nghiệp, khoa học, ý thức và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội; sống có nghĩa tình, có văn hóa, có lý tưởng. Phát triển nhanh, bền vững NNL, nhất là NNL chất lượng cao phục vụ các ngành nghề ưu tiên: du lịch, công nghiệp giải trí, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế, công nghệ cao, công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy sản. Đổi mới tổ chức và phương pháp quản lý nhà nước về phát triển NNL nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, gắn đào tạo nhân lực với nhu cầu sử dụng của xã hội; đổi mới đồng bộ các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ; gắn đào tạo với thu hút nhân tài và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, việc làm và dạy nghề, chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đa dạng hóa phương thức phát triển cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cấp học; cân đối hợp lý tỷ lệ về trình độ lao động qua đào tạo (tỷ lệ giữa đại học - trung cấp - công nhân), ngành nghề, số lượng đào tạo cho từng lĩnh vực, từng địa phương trong tỉnh. Ưu tiên đầu tư trọng tâm cho trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu, thực hành. Chú trọng đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng; quan tâm đến đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ, luật pháp quốc tế. Quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở vật chất và phát huy hiệu quả của ngành y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, duy trì chuẩn y tế cơ sở, áp dụng khoa học kỹ thuật vào khám, chữa bệnh đảm bảo chất lượng từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện; xã hội hóa đầu tư về cơ sở vật chất cho y tế, nhất là bệnh viện chất lượng cao. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khống chế có hiệu quả các dịch bệnh, tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; quản lý, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút NNL, đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển NNL

Xây dựng chính sách ưu đãi phải phù hợp với cơ cấu kinh tế, tập trung định hướng phát triển ngành nghề ưu tiên của tỉnh như: khoa học quản lý, du lịch, thương mại dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, truyền thông quốc tế, một số ngành công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái, khai thác nuôi trồng chế biến nông, thủy sản cao cấp... phục vụ nhu cầu phát triển dịch vụ du lịch. Xây dựng thị trường lao động với các cơ chế cạnh tranh, bình đẳng. Xây dựng cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài (cơ chế phát huy tối đa năng lực, sở trường cá nhân; tạo môi trường, cơ chế và không gian mở để từng cá nhân trong xã hội sáng tạo; xây dựng cơ chế để huy động trí tuệ tập thể thông qua hội thảo chuyên đề, nghiên cứu khoa học, tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo...; biểu dương khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với chuyên gia giỏi, nhà khoa học, người được trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước). Nghiên cứu thí điểm thành lập Quỹ hỗ trợ dạy nghề, Quỹ nghiên cứu và phát triển gắn với xây dựng cơ chế huy động, cơ chế thưởng đối với các phát minh, sáng chế kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.

Xây dựng cơ chế lựa chọn và gửi các sinh viên xuất sắc để đào tạo sau đại học theo các chương trình thích hợp tại các trường đại học, cơ quan nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước. Hỗ trợ một phần kinh phí đối với các doanh nghiệp tham gia đào tạo; cử lao động học tập nâng cao trình độ đào tạo tại nước ngoài về công tác tại tỉnh. Xây dựng cơ chế thu hút các trường đại học quốc tế có uy tín trên thế giới mở phân hiệu đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề và phổ thông tại tỉnh. Có cơ chế thu hút sinh viên xuất sắc, đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại tỉnh, nhất là tại cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng NNL; đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động; đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển NNL. Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế để đẩy nhanh đào tạo NNL, trước hết là cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt chú ý việc đưa đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ đi nước ngoài để nâng cao trình độ (bằng nguồn ngân sách nhà nước, khuyến khích du học tự túc và tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế) gắn với việc định hướng ngành nghề (tập trung vào những ngành nghề tỉnh cần hoặc trong nước chưa đào tạo được hoặc có đào tạo nhưng chất lượng còn thấp). Sớm phát hiện và có chính sách đào tạo, nuôi dưỡng “giữ chân” đối với học sinh ở các trường phổ thông, sinh viên có tiềm năng để tạo NNL cho tỉnh.Vận dụng tích cực, linh hoạt, sáng tạo có hiệu quả các mô hình lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tưđầu tư tư - sử dụng công trong giáo dục, đào tạo NNL và các cơ sở giáo dục, đào tạo NNL.

Huy động mọi nguồn lực và đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục và đào tạo

Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong đào tạo NNL. Thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở đào tạo chất lượng cao, đa ngành tại Quảng Ninh. Tích cực, chủ động trong việc cơ cấu lại nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo để thực hiện các nội dung phát triển NNL, nhất là đào tạo ngoại ngữ, tin học, xây dựng các trường học, lớp học thông minh theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Hoàn thành phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển NNL tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là cơ sở cho đầu tư, phát triển NNL và xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư gắn với xây dựng danh mục các dự án trọng điểm ưu tiên và lộ trình đầu tư phù hợp để bố trí nguồn lực tài chính. Thành lập trường Đại học Hạ Long và đưa vào sử dụng phân hiệu đào tạo Trường Cao đẳng Nghề mỏ Hồng cẩm - Vinacomin tại thành phố Móng Cái. Hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và sử dụng có hiệu quả Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn tại huyện Hoành Bồ. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập cơ sở đào tạo nghề trong các khu công nghiệp để đào tạo NNL tại chỗ. Ưu tiên hợp lý nguồn lực phát triển mạng lưới dạy nghề; tiếp tục đầu tư tăng cơ sở vật chất như nhà ở, nhà ăn cho các trường ở huyện miền núi để đón học sinh bán trú tại các vùng, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi về chính sách xã hội để lực lượng lao động yên tâm công tác phục vụ tại các đơn vị kinh tế ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng NNL đáp ứng yêu cầu trong sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : LÊ HỒ HIẾU

;