GIẢI PHÁP QUẢN LÝ KHU DI TÍCH VÀ LỄ HỘI CHÙA TIÊN

Hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Hòa Bình rất phong phú và chứa đựng nhiều giá trị. Khu di tích chùa Tiên - Lạc Thủy không chỉ mang trong mình giá trị khảo cổ, nghệ thuật đặc sắc mà còn chứa cả giá trị lịch sử và tiềm năng phát triển du lịch. Nhưng hiện nay, công tác quản lý tại khu di tích và lễ hội chùa Tiên đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải được giải quyết kịp thời.

Để nâng cao hiệu quả quản lý khu di tích và lễ hội chùa Tiên trong giai đoạn mới, rất cần một hệ thống giải pháp khả thi mang tính đồng bộ để đưa khu di tích chùa Tiên trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng trong tương lai không xa.

 

 

1. Giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích và lễ hội

 

 

Nghiên cứu, tìm hiểu và phục dựng lại lễ hội truyền thống

Lễ hội là tấm gương, là bức tranh mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tính cộng đồng, tính nhân văn của cộng đồng. Do đó, khôi phục lễ hội gốc cũng chính là cơ sở để chúng ta tìm về với cội nguồn dân tộc.

Đối với lễ hội chùa Tiên, trước mắt cần loại bỏ những yếu tố không phù hợp, gây phản cảm tại lễ hội được tổ chức hàng năm.Trong lễ hội, có thể đưa vào những làn điệu dân ca của dân tộc Mường, những trò chơi dân gian truyền thống như: bắn nỏ, đánh đu, đẩy gậy, ném còn... để từ đó, một mặt tạo ra sắc thái riêng của địa phương, thu hút sự quan tâm chú ý của khách du lịch, mặt khác làm cho bố cục của lễ và hội được cân đối hơn. Tránh tình trạng bắt chước một cách máy móc trong việc tổ chức lễ hội ở một số lễ hội khác làm cho lễ hội dân gian không còn giữ nguyên giá trị vốn có của nó.

Khuyến khích đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường sinh sống tại địa phương bảo tồn và chuyển giao kiến thức về văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ để tạo thành nhịp cầu nối liền quá khứ và hiện tại.

Lễ hội dân gian là dịp để con người tạm quên đi những lo toan thường nhật để tìm về với những khoảnh khắc bình yên, lấy lại sự thăng bằng để tiếp tục sống, hy vọng và vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc phục dựng lại lễ hội truyền thống với những giá trị đích thực vốn có của nó là hết sức cần thiết.

 

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng

Công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa là trách nhiệm của mọi người, của toàn xã hội. Do vậy, cơ quan quản lý khu di tích chùa Tiên cần xây dựng các hoạt động tuyên truyền, quảng bá mang tính chất sâu rộng trên các phương tiện thông tin: báo, đài của trung ương và địa phương.

Xuất bản các ấn phẩm thông tin quảng cáo giới thiệu những hình ảnh đẹp về tiềm năng, giá trị và các sản phẩm văn hóa du lịch tại khu di tích chùa Tiên, tạo sự tò mò, lôi cuốn đối với các du khách.

Thông qua hoạt động dạy và học, có thể lồng ghép các hoạt động giới thiệu, tham quan thực tế tại các di tích và lễ hội chùa Tiên cho học sinh, sinh viên, từ đó, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống và lòng tự hào dân tộc cho tầng lớp thanh niên. Hơn nữa, công tác giáo dục tuyên truyền tốt sẽ tạo ra những hiệu ứng vô cùng tích cực trong việc quảng bá du lịch hay nói cách khác có thể coi đây chính là một cách thức marketting hiệu quả.

 

 

2. Giải pháp về công tác đầu tư phát triển tại khu di tích và lễ hội

 

 

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tham quan du lịch

Trong bối cảnh của thời kỳ CNH, HĐH, việc phát triển hoạt động tại khu di tích và lễ hội chùa Tiên không những sẽ tạo ra cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường ở vùng đất Lạc Thủy mà còn đồng thời là nơi sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm văn hóa đặc biệt, có giá trị cao.

Như thế, nhiệm vụ đặt ra là tìm những giải pháp thích hợp để quản lý khu di tích và lễ hội này nhằm các mục tiêu bảo tồn yếu tố văn hóa truyền thống. Đồng thời vì các mục tiêu kinh tế do nhu cầu của xã hội đặt ra.

Trước hết, cần đầu tư tôn tạo các điểm di tích, sử dụng có hiệu quả tiền công đức vào việc tu sửa các nơi thờ tự có khả năng đáp ứng được nhu cầu tâm linh của đông đảo các tầng lớp nhân dân khi đến khu di tích và lễ hội chùa Tiên. Các tuyến đường đi lại trong khu di tích cần tôn tạo lại để thuận lợi hơn nữa cho du khách. Hệ thống chiếu sáng cũng nên bố trí thêm nhưng phải hợp lý, không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của các di tích.

Thứ hai, cần xây dựng khu vực kinh doanh hợp lý trong đó ưu tiên những gian hàng bán những đặc sản, những mặt hàng lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Muờng Hòa Bình.

Thứ ba, cần cấm triệt để các chợ tạm, lều quán dọc đường đi thuộc không gian tổ của di tích và lễ hội, hướng tới việc xây dựng một tổng thể cảnh quan mang tính thẩm mỹ.

Thứ tư, bố trí những khu vực xả rác tiện lợi, dễ nhìn, phương tiện chứa rác cũng phải có tính thẩm mỹ, khuyến khích ý thức tự giác của du khách trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, hệ thống giao thông đi lại trong các tuyến du lịch đến chùa Tiên cũng cần phải được cải thiện. Đặc biệt, khu di tích chùa Tiên rất gần khu di tích chùa Hương nổi tiếng nên trong tương lai có thể tính đến phương án huy động vốn để xây dựng hệ thống cáp treo nối hai khu di tích này, tạo thành tuyến du lịch hấp dẫn.

 

 

Thiết kế các tour du lịch tới khu di tích chùa Tiên

 

 

Khu di tích chùa Tiên có ưu thế là nằm gần nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), Ngũ Động Thi Sơn (Phủ Lý, Hà Nam), chùa Bái Đính, suối nước nóng Kênh Gà (Ninh Bình), suối nước khoáng Kim Bôi, Hòa Bình. Vì vậy có thể xây dựng các tour du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái như sau: hang Luồn - đập Đồi Bô - nhà máy in tiền, Ngũ Động Thi Sơn - chùa Hương - chùa Tiên (2 ngày 1 đêm), chùa Tiên - chùa Hương - chùa Bái Đính (2 ngày 1 đêm), chùa Tiên - suối nước nóng Kênh Gà - Bái Đính (2 ngày 1 đêm), chùa Tiên - suối khoáng Kim Bôi - bản Lác (3 ngày 2 đêm), hang Luồn - suối nước nóng Kênh Gà - Bái Đính (2 ngày 1 đêm).

Với lợi thế và những nét đặc sắc chứa đựng ở khu di tích và lễ hội chùa Tiên, việc phát triển các tuyến du lịch dưới hình thức du lịch văn hóa là rất cần thiết. Song, để du lịch văn hóa có thể khắc họa những nét độc đáo bức tranh văn hóa của địa phương thì đòi hỏi phải có cơ quan quản lý kinh doanh du lịch chuyên nghiệp có thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Những người xây dựng kịch bản và tổ chức lễ hội, ngoài việc loại bỏ những yếu tố không phù hợp với lễ hội truyền thống của người Mường, có thể nghĩ đến phương án đưa các giá trị của lễ hội quảng bá đến tất cả du khách dự hội, bằng cách kéo họ vào các trò chơi dân gian của dân tộc Mường.

Trong thị trường văn hóa, sự cạnh tranh là một tất yếu. Để những sản phẩm văn hóa tinh thần ngày càng đến được với đông đảo công chúng hơn thì các nhà quản lý, tổ chức hoạt động cũng phải thay đổi phương thức hoạt động, nắm được những quy luật của thị trường để tiến đến sự chuyên nghiệp ở tất cả các khâu trong quá trình đưa các tuyến du lịch đến được với công chúng.

 

 

Tiếp tục hoàn thiện trang web giới thiệu, quảng bá về các địa điểm trong khu di tích và lễ hội chùa Tiên

Trong thời buổi bùng nổ thông tin, việc tiếp cận các phương tiện thông tin hiện đại là nhu cầu và thói quen của nhiều người. Chính vì thế, không có cách thức nào để quảng bá hình ảnh tối ưu hơn là thông qua mạng internet. Cơ quan quản lý khu di tích chùa Tiên cần tiếp tục hoàn thiện trang web chuatien.com.vn bằng cách cập nhật nhiều hình ảnh đẹp, chi tiết về các điểm di tích, giới thiệu các tour du lịch, cung cấp đầy đủ các thông tin về thời gian, kinh phí cụ thể cho từng tour, giới thiệu nhiều tuyến du lịch văn hóa để du khách có cơ hội chọn lựa những sản phẩm du lịch văn hóa có chất lượng và hấp dẫn.

 

 

3. Giải pháp về việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý

Để có được một đội ngũ cán bộ đáp ứng được những đòi hỏi trong việc quản lý di tích và lễ hội chùa Tiên, Sở VHTTDL, UBND huyện Lạc Thủy, Ban quản lý di tích và lễ hội chùa Tiên cần:

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về di sản, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh du lịch cho đội ngũ cán bộ làm việc tại khu di tích.

Tuyển dụng những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo chính quy nhưng cũng phải có sự am hiểu về lịch sử của địa phương.

Có chính sách ưu đãi để thu hút những cán bộ có năng lực về quản lý và kinh doanh du lịch đóng góp cho sự phát triển hình ảnh của khu di tích chùa Tiên.

Tổ chức các hội thảo liên quan đến vấn đề phát triển du lịch bền vững, từ đó, xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài đối với khu di tích trong đó có lễ hội chùa Tiên.

4. Giải pháp xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích và lễ hội

Xã hội hóa các hoạt động văn hóa được coi là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay nhằm biến các hoạt động văn hóa trở thành hoạt động của toàn xã hội được toàn xã hội quan tâm và nuôi dưỡng. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khu di tích chùa Tiên đang ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế của mình. Yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến điều đó chính là đóng góp của mọi người dân địa phương và du khách.

Trước hết, cần khuyến sự tham gia của nhân dân vào các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng, bảo tồn và phát huy các di tích trong mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, coi đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa lâu dài trong bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc. Để làm đựoc điều đó cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Cơ quan quản lý khu di tích cũng cần có kế hoạch cụ thể trong việc sử dụng tài trợ một cách hiệu quả để tạo ra những sản phẩm văn hóa mang màu sắc độc đáo kết tinh cho tinh thần của cộng đồng, của địa phương. Các khoản kinh phí cũng nhất thiết phải được giải ngân rõ ràng tránh sự nghi ngờ của người dân, làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng của di tích và lễ hội.

Cần nâng cao sự liên kết giữa các lực lượng, các thành phần, các tổ chức, đoàn thể và hơn hết là sự tham gia của các tầng lớp nhân dân địa phương, từ đó, phát huy ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích và lễ hội.

Thực hiện việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích và lễ hội chùa Tiên phải đảm bảo cho mỗi người dân dễ dàng tiếp cận và hưởng thụ các giá trị của di tích và lễ hội . Mặt khác, thu hút được sự tham gia rộng rãi của mỗi cá nhân, mọi tầng lớp nhân dân vào các hoạt động phát hiện, bảo lưu, sáng tạo các giá trị văn hóa.

 

 

5. Giải pháp về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Có thể nói, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được coi như phương pháp hữu hiệu để hạn chế một cách tối đa những sai phạm trong quá trình tổ chức lễ hội truyền thống.

Để công tác này đạt hiệu quả cao cần có sự vào cuộc của các ban ngành với chính quyền địa phương và người dân, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý các sai phạm có thể ảnh hưởng tới giá trị của di tích và lễ hội, tạo tâm lý không tốt cho du khách, làm xấu đi hình ảnh của khu di tích và lễ hội.

Cần xử lý nghiêm đối với các hiện tượng cờ bạc, cờ bạc trá hình, tránh tình trạng lộn xộn trong không gian di tích, lễ hội, làm ảnh hưởng tới sự linh thiêng của lễ hội.

Với những đối tượng hành nghề dịch vụ tín ngưỡng để mưu sinh, hàng năm yêu cầu họ phải ký cam kết không vi phạm những điều nghiêm cấm trong tổ chức và hoạt động lễ hội.

Cần tăng cường việc giám sát nội dung của các hoạt động tín ngưỡng để sớm phát hiện những hành vi lợi dụng tín ngưỡng vì mục đích kính tế hay phá hoại an ninh trật tự, an toàn xã hội.

 

 

Cần dựng những bảng niêm yết cụ thể, rõ ràng danh sách những loại dịch vụ tín ngưỡng được phép hoạt động trong khu vực di tích và lễ hội. Trong đó, quy định rõ giá của từng dịch vụ để tránh tình trạng ép giá khách du lịch.

         Bất kể một lĩnh vực hoạt động nào cũng có những tồn tại, vướng mắc cần giải quyết. Riêng lĩnh vực quản lý văn hóa, mà cụ thể là quản lý di tích và lễ hội, lại càng nhiều khó khăn, phức tạp. Điều đó có lẽ là do văn hóa chứa đựng cả những giá trị thuộc về vật chất và tinh thần mà ranh giới đôi khi khó có thể phân định được, nên việc quản lý hiện vẫn còn rất nan giải, cùng với đó là những quy định ban hành nhiều khi còn chưa sát thực, còn nhiều bất cập do vậy khi đưa vào vận dụng thì hiệu quả chưa cao. Cũng chính vì thế, ngành văn hóa cần căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài vì những mục tiêu của địa phương và cả nước.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011

Tác giả : Đỗ Thị Thanh Hương

;