Triển lãm tranh da “Về chung một nhà” do thương hiệu đồ da Nhất Leather thuộc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu HAT+ tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) trong hai ngày 5 và 6-7-2025.
Không gian triển lãm ấn tượng thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách
Tại triển lãm, tác phẩm trung tâm “Trọn vẹn Việt Nam” thu hút sự chú ý của đông đảo du khách với hình ảnh bản đồ đất nước sống động, được chế tác bởi chất liệu da thật, thể hiện bản đồ đất nước với 34 tỉnh, thành sau khi hoàn thành sáp nhập. Cạnh đó là 34 tác phẩm được trưng bày tinh tế, giới thiệu bản đồ chi tiết từng xã, phường của 34 ,thành sau sáp nhập. Các tác phẩm trưng bày đều được chế tác hoàn toàn thủ công, chỉn chu và tỉ mỉ trong từng chi tiết do các nghệ nhân lành nghề của HAT+ và Nhất Leather thực hiện.
Ngoài không gian trưng bày ấn tượng tại phố đi bộ Hồ Gươm (đối diện Bưu điện Hà Nội), Triển lãm còn mang đến nhiều hoạt động tương tác hấp dẫn. Nổi bật là hoạt động in áo từ bộ sưu tập “Tự hào một nhà”. Khách tham quan có cơ hội in lên áo phông trắng từ Nhất Leather những hình ảnh giàu văn hóa, mang đậm màu sắc quê hương, mỗi mẫu áo là một biểu tượng sống động, đại diện cho từng tỉnh, thành với những nét đặc trưng riêng.
Tác phẩm “Trọn vẹn Việt Nam” và bản đồ các địa phương sau sáp nhập
Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia các trò chơi dân gian đậm bản sắc và đặc biệt là khu workshop “Tự làm đồ da” hoàn toàn miễn phí, mở cửa tự do cho mọi khách tham quan cùng tham gia sáng tạo, diễn ra tại Nhà Bát Giác (Vườn hoa Lý Thái Tổ).
Sự kiện không chỉ là hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa, đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước mà còn thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc thông qua chương trình in áo, thu gom và bán sách cũ để gây quỹ thiện nguyện, với phiên đấu giá 35 tác phẩm tranh da trưng bày trong Triển lãm “Về chung một nhà”.
Phiên đấu giá sẽ diễn ra lúc 19 giờ 30, ngày 6-7-2025, toàn bộ số tiền thu được từ đấu giá sẽ được công khai minh bạch gửi đến quỹ thiện nguyện dự án Nuôi Em và dự án Sức mạnh từ 2.000 đồng nhằm xây dựng cây cầu dân sinh tại thôn Bản Hình, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên (tỉnh Tuyên Quang). Đây là khu vực rừng núi hẻo lánh, nơi gần 700 người dân, trong đó có hơn 100 em nhỏ, hằng ngày phải vượt qua cây cầu tạm do chính bà con địa phương góp sức dựng nên từ những tấm gỗ cũ kỹ, đã mục nát theo thời gian.
Tin, ảnh: NGUYỄN THỊ NGA