Nâng cao hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của người khuyết tật - Bài 1: Bảo đảm quyền bình đẳng và hòa nhập cộng đồng

Hưởng thụ những giá trị văn hóa cao đẹp không đơn thuần là thỏa mãn nhu cầu giải trí thiết yếu trong cuộc sống thường nhật. Hơn thế nữa, điều này góp phần bồi dưỡng mỗi con người Việt Nam trở thành con người phát triển toàn diện, mạnh mẽ, vững vàng về tư tưởng, bản lĩnh. Mọi người dân sống trên dải đất hình chữ S, đều có quyền được hưởng thụ những giá trị văn hóa, dù cho có gặp những hạn chế về thể chất, sức khỏe. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước ta đang vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội bình đẳng để bất kỳ ai cũng có quyền được tiếp cận các sản phẩm văn hóa – nghệ thuật là vấn đề hết sức cần thiết và cấp thiết, trong đó có người khuyết tật.

80 năm vì quyền bình đẳng của toàn dân

Năm nay vừa tròn 80 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-2025). Trong bản tuyên ngôn bất hủ ấy, câu nói của Bác “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” được vang lên ngay ở phần mở đầu, trở thành châm ngôn sống mãi cùng với mọi người dân Việt Nam qua các thế hệ. Theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mọi người” là tất cả những người sinh sống trên đất nước Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, giới tính, độ tuổi hay thể trạng sức khỏe. Ai ai cũng đều có quyền bình đẳng hưởng thụ những thành quả mà đất nước đem lại, trong đó bao gồm cả những người khuyết tật.

Người khuyết tật được UNESCO xác định là một thành tố thuộc nhóm đối tượng người yếu thế trong xã hội. Theo đó, người khuyết tật là những đối tượng bị hạn chế một phần năng lực tự nhiên hoặc do yếu tố xã hội tác động, nên có xu hướng gặp không ít trở ngại khi tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện và năng lực có sẵn như nhau.

Theo số liệu tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có gần 29% là khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Con số ấy đã phản ánh một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới (1). Để “không ai bị bỏ lại phía sau”, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm đối tượng này. Đồng thời, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về những khó khăn và thách thức mà người khuyết tật phải đối mặt trong cuộc sống thường nhật, giải quyết tình trạng xâm phạm đến quyền của nhóm đối tượng này.

Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998 đã đặt dấu son cho nhận thức về người khuyết tật ở nước ta. Pháp lệnh đã chỉ ra: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội” (theo điều 3 khoản 1). Đồng thời, để tạo ra môi trường sống lành mạnh, bình đẳng cho người khuyết tật, pháp lệnh cũng nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, ngược đãi người tàn tật, xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự của người tàn tật; lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc người tàn tật và lợi dụng tổ chức của người tàn tật để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật” (theo điều 9).

“Từ Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 đến Luật Người khuyết tật năm 2010, nhận thức về vấn đề người khuyết tật từng bước có sự thay đổi đầy tích cực, đặc biệt là trong tư duy của những nhà lập pháp”- bà Dương Thị Vân (Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật, Hội Người khuyết tật Hà Nội) nhấn mạnh.

Bà Vân bày tỏ, chỉ nói riêng sự thay đổi từ chữ “tàn tật” thành “khuyết tật” đã khiến tinh thần người khuyết tật cảm thấy phấn chấn hơn. Theo đó, Ngày Bảo vệ, chăm sóc người tàn tật (theo điều 31 Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998), được chuyển thành Ngày Người khuyết tật Việt Nam (theo điều 11 Luật Người khuyết tật). Vì vậy, cứ 18-4 hằng năm trở thành ngày có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người khuyết tật Việt Nam.

Trong dịp này, nhiều hoạt động thiết thực được diễn ra như: giao lưu văn nghệ, thể thao, hội thảo, hội nghị, tư vấn việc làm, kỹ năng sống, hướng dẫn chăm sóc bảo vệ sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí... được đồng loạt triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước. Đồng thời, Nhà nước cũng dành nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện đối với người khuyết tật như được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật (điều 22 khoản 2); học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân (điều 27 khoản 1), được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác (điều 32 khoản 1)…

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà thầy cô và học sinh Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu và Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (Hà Nội) ngày 1-6-2025 - Ảnh: TTXVN

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật một lần nữa được cô đọng, đúc kết qua mệnh đề “Không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập đến trong Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước ngày 5-10-2024.

Từ phát triển văn hóa tới phát triển kinh tế - xã hội

Theo điều 41, Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” . Như vậy, song song với những quyền về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, hướng nghiệp, việc làm… dành cho người khuyết tật, thì tiếp cận các giá trị văn hóa cũng là một vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta xem trọng.

TS Nguyễn Viết Chức (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội) nhận định: Con người vừa là chủ thể sáng tạo, sản sinh ra văn hóa, vừa là sản phẩm của nền văn hóa. Chúng ta tạo ra văn hóa. Song cũng chính những giá trị văn hóa ấy điều chỉnh bản thân ta từ hành vi tới tư duy, lối sống. Suy cho cùng, phát triển văn hóa là phát triển con người. TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh, văn hóa ở nước ta luôn được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Điều đó cho thấy, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Kế thừa và phát huy những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập, Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đã đặt ra mục tiêu: “Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội”. Để từ đó, “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Tháng hành động Vì Trẻ em 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và tặng quà tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để khuyến khích người khuyết tật có thể hòa nhập với các hoạt động văn hóa chung của toàn xã hội, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định tại điều 11 về việc miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật. Nhờ vậy, tăng khả năng tiếp cận các hoạt động văn hóa ở người khuyết tật như mọi đối tượng khác trong xã hội.

Do những đặc điểm riêng biệt của từng dạng khuyết tật, nên người khuyết tật gặp không ít khó khăn trong hưởng thụ văn hóa. Có những loại hình văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thể thao, du lịch không phải đối tượng người khuyết tật nào cũng có thể tiếp cận được. Chính vì vậy, “Nhà nước hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật được hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch” (theo điều 36 khoản 1 Luật Người khuyết tật năm 2010). Không chỉ là đối tượng hưởng thụ các giá trị văn hóa, người khuyết tật còn được khuyến khích đóng góp vào việc sáng tạo ra những giá trị văn hóa.

Cụ thể, “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; tham gia sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao” (theo điều 36 khoản 3 Luật Người khuyết tật năm 2010).

Khi được Đảng và Nhà nước quan tâm đến những tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu thực tiễn trong đời sống, đảm bảo quyền con người, quyền được tham gia vào các hoạt động của xã hội như bao người khác, người khuyết tật càng có thêm động lực thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

NAM DƯƠNG – AN NGỌC

_______________________

Chú thích:

1. Hạnh Quỳnh, Việt Nam luôn dành sự quan tâm đến người khuyết tật, Báo điện tử Tin tức, 3-12-2024.

Tài liệu tham khảo:

1. Tuyên ngôn độc lập.

2. Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 06/1998/PL-UBTVQH10 ngày 30-7-1998 về người tàn tật.

3. Luật Người khuyết tật 2010.

4. Hiến pháp năm 2013.

5. Nghị định số 28/2012/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

6. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

;