Tóm tắt: Cây cối có vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày và trong văn hóa tinh thần của người Việt từ xưa đến nay. Đặc biệt, những cây cổ thụ với hình dáng đồ sộ, hùng vĩ được coi là cây thiêng như cây đa, cây bồ đề, cây si, cây sanh… không chỉ được thờ ở những vùng nông thôn mà ngay cả trên các phố phường Hà Nội cũng tồn tại các miếu thờ cây. Bài viết khám phá thực hành tín ngưỡng thờ cây thiêng ở nội thành Hà Nội nghiên cứu trường hợp tại quận Ba Đình và quận Thanh Xuân. Qua đó, tác giả đề cập tới tâm thức của người Hà Nội trong quá trình đô thị hóa.
Từ khóa: tín ngưỡng, cây thiêng, Hà Nội, tâm thức, đô thị hóa.
Abstract: Trees play an important role in daily life and in the spiritual culture of Vietnamese people from ancient times to the present. In particular, ancient trees with massive and majestic shapes are considered sacred trees such as banyan trees, bodhi trees, fig trees, etc. are not only worshiped in rural areas but also in the streets of Hanoi, there are temples dedicated to trees. The article explores the practice of worshiping sacred trees in inner-city Hanoi, studying cases in Ba Dinh and Thanh Xuan Districts. Through this, the author refers to the mentality of Hanoians in the process of urbanization.
Keywords: belief, holy tree, Hanoi, mentality, urbanization.
Cây đa đình Đại Yên (phường Ngọc Hà) được vinh danh Cây Di sản - Ảnh: visitbadinh.com.vn
Bất cứ ai đi ngang qua phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đều chú ý đến cây đa khổng lồ sừng sững mọc lên giữa đường, trổ lá vươn cành tỏa bóng rợp cho cả một khu vực ngã ba nối phố Vũ Trọng Phụng với phố Nguyễn Huy Tưởng. Dưới gốc đa già là một ngôi miếu thờ trang nghiêm - nơi mà vào các ngày Rằm và mồng Một khói nhang nghi ngút do rất nhiều người dân đến đây thắp hương, lễ bái. Từ trước đến nay, trong tâm trí của chúng tôi, “thần cây đa, ma cây gạo” hay tín ngưỡng thờ cây chỉ xuất hiện ở các làng quê hay khu vực ngoại thành vắng vẻ. Vậy mà, cái tín ngưỡng nguyên sơ ấy lại đang hiện hữu giữa một trong những khu đô thị sầm uất nhất của Hà Nội. Điều ngạc nhiên này đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cây thiêng ở khu vực nội thành - một công việc hầu như chưa được những người đi trước quan tâm.
Trong phạm vi bài viết, tác giả đã nghiên cứu tín ngưỡng thờ cây thiêng ở nội thành Hà Nội qua hai địa điểm. Đó là cây đa nằm trong đình Đại Yên, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội và cây đa phố Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
1. Cây đa di sản ở đình Đại Yên, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình
Đình Đại Yên là nơi thờ Thành hoàng làng Đại Yên - tức công chúa Ngọc Hoa. Thời Lý, có ông Trần Huấn vốn là người Thanh Hóa, đến đất Thăng Long dạy học, kết duyên cùng một người phụ nữ hiền hậu quê ở làng Đại Bi (tên gọi cũ của làng Đại Yên, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình). Hai ông bà có một người con gái tên Trần Ngọc Tường. Khi giặc Chăm pa sang xâm lược nước ta, nàng đã xin tướng Lý Thường Kiệt đi đánh giặc cùng cha và được ông chấp nhận. Nàng đã hóa trang thành một cô gái bán trầu cau, dò la thông tin của địch. Những tin tức quan trọng do nàng cung cấp đã góp phần giúp quân ta chiến thắng. Khi cuộc chiến đi qua, nàng trở về quê mẹ ở làng Đại Bi, nhưng không may mất sớm. Câu chuyện cảm động về cô gái anh dũng đã đến tai nhà vua, và vua đã phong cho nàng là Ngọc Hoa công chúa. Còn dân làng Đại Bi tôn nàng là Thành hoàng, hằng năm vào ngày sinh 14-3 và ngày hóa 15-12 âm lịch, dân làng đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của nàng (1).
Năm 1990, đình đã được xếp loại Di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia. Ngôi đình thuộc sở hữu của người dân làng Đại Yên. Theo tác giả Bùi Xuân Đính, làng cận kề với làng cổ Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc (phía Tây thành Thăng Long xưa), các phố Hoàng Hoa Thám và phố Đội Cấn (2). Xưa kia, làng nổi tiếng với nghề trồng và bán cây thuốc nam khắp Hà Nội. Tuy nhiên, thời nay cây thuốc nam không còn được ưa chuộng như xưa nữa nên trong làng chỉ còn sót lại rất ít hộ gia đình gắn bó với nghề này. Dân cư địa phương hiện nay phần lớn chuyển sang nghề dịch vụ và kinh doanh.
Cây đa đình Đại Yên cao khoảng 21m, chu vi thân cây gần 6m, với diện tích tán lá ước chừng 100m2, đã được gắn biển cây di sản vào năm 2015. Về độ tuổi của cây, người dân địa phương ở làng Đại Yên không ai biết rõ được chính xác. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Di tích đình Đại Yên: “Cây có tuổi đời hơn 300 năm, gắn với dân làng qua nhiều thế hệ. Đối với dân làng nó không chỉ là một cái cây bình thường nữa, mà là yếu tố tâm linh rồi” (3).
Bên dưới gốc đa một miếu thờ được dựng cao 195cm, kích thước 75x60cm. Miếu thờ được làm từ chất liệu đá có hai đầu mái cong tròn hướng lên, trên đỉnh là biểu tượng mặt trời, trên miếu có khắc hoa văn hình lá cùng với các cánh hoa sen, Bên trong bày một bát hương bằng sứ, phía trước có một chiếc bàn nhỏ với một bát hương bằng đá, là nơi đặt đồ lễ.
2. Cây đa ở phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân
Cây đa ở ngã ba phố Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Huy Tưởng thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Phường Thanh Xuân Trung trước đây từng là một làng ven đô, sau này, qua các đợt thay đổi địa giới hành chính mới trở thành khu vực sầm uất của nội thành. Xưa kia người dân trong vùng sống chủ yếu bằng nghề nông. Do quá trình đô thị hóa và với sự có mặt của các nhóm nhập dân cư trong phường trở nên đa dạng về nguồn gốc, thành phần, nghề nghiệp (4).
Cây đa trên phố Vũ Trọng Phụng cao khoảng 30m, chu vi thân cây 6,5m, diện tích tán lá khoảng 100m2, hình dáng khổng lồ của nó khiến nhiều người tưởng cây đã tồn tại cách đây hàng trăm năm. Tuy nhiên, theo người dân địa phương ở đây cho biết, cây đa này ước tính khoảng trên 60 năm tuổi. Ông Ký, số nhà 84 phố Vũ Trọng Phụng kể khá chi tiết về lịch sử của cây: “Cái mảnh đất này là của một gia đình tư nhân, có cái xí nghiệp đại tu. Hai người trồng cây đa này là công nhân xí nghiệp. Năm ấy đúng ngày mồng 6 tháng Giêng năm 60 có phong trào “Mùa xuân là tết trồng cây”, thì hai ông mới mang đi trồng, trồng từ năm 60. Tính đến bây giờ là hơn 60 năm” (5).
Đặc biệt, dưới gốc cây có một miếu thờ được xây khá khang trang, mặt quay về phía tòa nhà chung cư Hapulico. Miếu thờ xây cao 5m các mái cong vút, các góc và trên đỉnh có họa tiết trang trí rồng phượng, bên trong là ban thờ với tượng một vị nữ thần, một khu sắp lễ, vòi nước và lư đốt vàng mã cũng được đặt về phía bên phải. Nhìn chung, ngôi miếu thờ được bài trí gọn gàng và trang nghiêm trong một diện tích khoảng 70m2.
3. Khởi điểm của niềm tin
Với những quan niệm dân gian về tâm linh như: “Thần cây đa, ma cây gạo”, trải qua bao biến động của thời gian, cây đã gắn liền với lịch sử vùng đất, với những sự tích về vị thần được lưu truyền qua thế hệ này đến thế hệ khác, người dân cho rằng hai cây đa này đều mang tính thiêng.
Đối với cây đa đình Đại Yên, theo Ban Quản lý Di tích đình Đại Yên thì miếu thờ nhỏ dưới gốc đa này là thờ Công chúa Ngọc Hoa và họ cũng giải thích về lý do xây miếu: “Sở dĩ có ngôi miếu này là bởi khi mà người dân chưa có điều kiện xây đình, thì người ta phải làm cái miếu trước. Miếu từ thời các cụ không biết có từ bao giờ. Mà miếu thì lúc nào cũng có cây đa. Cái cách ngày xưa là như thế… Cả dân làng ai cũng biết cây đa” (6).
Đối với cây đa phố Vũ Trọng Phụng, việc dựng miếu thờ ở đây chưa xác định được lý do bởi những câu chuyện được kể từ người dân không trùng khớp nhau. Chị H., ngõ 64 phố Vũ Trọng Phụng kể: “Nguồn gốc từ ngày xưa cây đa này thuộc một nhà máy đại tu, ở xung quanh đấy cũng không có ai chết vì tai nạn. Chỉ có một chị, chị ấy không hiểu sao nằm mơ ai báo mộng nên đặt bát hương ở đây. Từ đấy, người nọ nhìn người kia ra thắp hương, họ bắt chước nhau, rồi từ khi xây tòa nhà, cái cây ở giữa đường nhưng không phá được. Chắc là do ngày xưa thì người ta đồn cây đa có thần, nhiều người ra đấy thờ cúng cảm thấy rất là thiêng” (7).
Ông K., số nhà 84 phố Vũ Trọng Phụng kể về việc thờ cúng ở gốc cây: “Chị em công nhân ở nhà máy Đại Tu đặt cái bát hương ở đấy. Chị em bảo nhà máy cũng như nhà mình nên là thờ. Sau đó hai ông giám đốc nhà máy hai thời kỳ khác nhau là ông Tuyển và ông Tiến, một ông khi đi chụp ảnh thì tai nạn trượt chân ngã ở vùng đồi núi, một ông thì không rõ vì sao bị ốm chết, thế là dân người ta sợ, người ta thờ cúng nhiều ở gốc đa” (8).
Ông N.Q.D, thành viên Ban quản lý tòa nhà cũng không nắm được nguồn gốc của cây đa và miếu thờ: “Cây đa, cái miếu có từ trước khi xây cái tòa nhà. Đến khi các chú quyết định hiến đất làm đường, thì cây nó đang ở bên trong khuôn viên thành ra giữa đường. Từ năm 2008, chúng tôi xây chung cư khu này thì cái miếu đã có, tôi cũng không rõ nó được dựng lúc nào, chúng tôi thấy vậy nên tôn tạo lại. Chúng tôi kinh doanh nên phải tín chứ. Lúc đấy, thày cúng đến làm lễ bảo rằng nơi này thờ quận chúa Hoàng Phương, người Trung Quốc, người ta nói vậy mình biết vậy. Định kỳ công ty cũng trích một khoản tiền để sửa chữa, trang trí để nó được tôn nghiêm thế này” (9).
Về lai lịch của vị thần được thờ ở cây đa phố Vũ Trọng Phụng, quận chúa Hoàng Phương, một nhân viên y tế cho rằng “Quận chúa là người ngày xưa đến vùng này để phát thuốc chữa bệnh cứu người, có dạy cho nhân dân làm thuốc, và chữa bệnh cho cả vùng này. Vì vậy nhân dân ở đây lập đền thờ” (10). Anh này nói rằng mình biết điều này do có người bạn thân kể lại và tìm hiểu trên Google. Những điều kể trên có thể một phần xuất phát từ thực tế khu vực này đã hình thành một khu chợ bán thuốc mà người dân thường gọi là chợ thuốc Hapulico, từ chợ thuốc phố Ngọc Khánh chuyển sang.
Cây đa phố Vũ Trọng Phụng được trồng vào khoảng năm 1960. Khi cây lớn, người dân đến đây thắp hương và lập một miếu thờ nhỏ khoảng những năm 1990. Về lý do thờ cây này cũng chưa rõ ràng bởi mỗi người có một câu trả lời khác nhau. Khi chung cư Hapulico tiếp quản khu vực này thì chủ đầu tư vẫn duy trì việc thờ cúng ngay tại gốc cây đồng thời tôn tạo ngôi miếu trở nên khang trang như hiện nay.
4. Thực hành nghi lễ thờ cây
Thực hành nghi lễ ở cây đa đình Đại Yên, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình
Đối với những ngày như ngày Rằm, mồng Một hoặc những ngày lễ của làng, Ban Quản lý cùng dân làng thắp hương và sắp xếp hoa quả, bánh kẹo trên ban thờ. Thông thường, người dân hành lễ ở cả hai nơi: trong đình và ngoài sân. Họ thực hiện việc cúng lễ các ban thờ bên trong đình trước, sau đó ra ngoài sân cầu nguyện ở miếu thờ gốc đa và khu mộ Thánh Ngọc Hoa. Đình thường mở cửa cho đông đảo người dân đến lễ bái vào những ngày Rằm, mồng Một.
Chúng tôi đã thực hiện phỏng vấn sâu về cảm nhận của những người trong Ban Quản lý đình Đại Yên và người dân làng khi họ hành lễ ở miếu thờ cây. Trong đó, mỗi người có một cảm nhận khác nhau, nhưng có những điểm chung là họ đều cho đây là nơi linh thiêng và đều dành tình cảm gắn bó đối với cây đa nói riêng và ngôi đình nói chung.
Ông A., người phụ trách về sửa chữa điện trong đình cho biết: “Nói về cây đa này thì nó phải hơn trăm năm rồi, từ thời các cụ đã có, nó trải qua bao nhiêu đời không biết. Trước đây có cái miếu cũ đấy, nhưng mà bị rễ cây đa nuốt hết rồi. Cho nên giờ người ta phải bày ban thờ ra ngoài. Xung quanh đây ai mà xây nhà xây cửa thường sang đây cúng lễ, xin Thánh Bà phù hộ, cũng thiêng lắm, cầu gì là Bà cho” (11).
Anh P., người làng Đại Yên kể: “Theo anh biết thì cây đa này tuổi đời cũng 400 năm rồi, có cái biển cây di sản đây. Người dân thờ Đức Thánh Ngọc Hoa công chúa là người tham gia diệt giặc ngoại xâm và còn dạy dân làng làm thuốc nam, đấy là nghề cổ truyền của làng. Thời xưa cũng có nhiều nhà làm thuốc nam, phát triển lắm, mang đi bán các chợ Hà Nội, bây giờ nhiều thuốc tây, người ta ít uống thuốc nam. Làng này thuộc khu Thập tam trại mà ông Hoàng Phúc Trung chuyển từ làng Lệ Mật sang” (12).
Thực hành nghi lễ tại cây đa phố Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân
Ban quản lý miếu thờ thường xuyên dọn dẹp ban thờ, bày biện các đồ lễ, và thắp hương cúng. Đặc biệt, vào những ngày Rằm, mồng Một khá đông người đến lễ. Nhân viên bảo vệ cũng giúp đỡ bà con sắp xếp đồ lễ. Người dân thường mang đến hương, hoa quả, chai nước, xôi, khoanh giò, vàng mã, thậm chí gà luộc. Sắp lễ xong, họ thắp hương, sau đó hóa vàng và hạ lễ. Ai cũng có thể đến miếu thắp hương vào bất kỳ lúc nào không chỉ những ngày Rằm, mồng Một.
Nhìn chung, người dân thể hiện sự tôn kính và tin tưởng vào sự linh thiêng của vị thần linh của nơi này. Một số người cho là do đi lễ nên cuộc sống và công việc có phần thuận lợi hơn. Một phụ nữ tầm 40 tuổi chia sẻ: “Mình thường qua đây thắp hương vào mồng Một. Theo mọi người, quận chúa là người cai quản ở đây và mọi người đến chủ yếu là cầu sức khỏe hay công việc. Theo mình cảm nhận được thì miếu này có sự linh thiêng” (13).
Còn theo một anh đến cây đa hành lễ vì cảm nhận được sự trang nghiêm của không gian thờ tự này: “Xét cho cùng, trong lòng mỗi người luôn hướng đến những điều tốt đẹp, không ai là ưa điều xấu xa cả. Với sự tin tưởng của mình và tình cảm của mình dành cho Quận Chúa cùng với các cộng sự của Ngài, mình đến đây để thắp hương. Tôi thấy nơi này đẹp, trang trọng, được chăm sóc cẩn thận” (14).
Tất cả mọi người đến đây hành lễ đều có ý thức gìn giữ, bảo vệ cây. Một thành viên trong ban quản lý tòa nhà cho biết: “Cây đa này mọi người không ai dám phá. Đấy là về tâm linh, không giải thích được. Người ta cứ đồn câu chuyện về một người đàn ông chỉ làm gãy mấy cái cành cây mà tai nạn chết bên Lào. Do miếu thiêng nên người ta đến. Từ khi cải tạo lại miếu cho trang nghiêm hơn thì mọi thứ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Người đến khấn nhiều lắm, những ngày lễ Rằm, mồng Một thì miếu chật kín” (15).
5. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cây thiêng trong không gian đô thị Hà Nội
Thực hành tín ngưỡng thờ cây thiêng hé lộ nhiều chiều cạnh thú vị trong đời sống tinh thần nói riêng và đời sống xã hội nói chung của người Hà Nội.
Thứ nhất, bất chấp một thực tế là Hà Nội đang trên đường trở thành một siêu đô thị (mega city), các tín ngưỡng lâu đời như tín ngưỡng thờ cây thiêng vẫn âm thầm tồn tại và trở thành một phần không thể thiếu trong không gian của đô thị này. Với niềm tin “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, họ tìm đến tín ngưỡng thờ cây thiêng như một cứu cánh để vượt qua những áp lực hữu hình và vô hình của đời sống đô thị.
Thứ hai, thực hành tín ngưỡng thờ cây - một tín ngưỡng vốn gắn bó với các cộng đồng ở miền núi và nông thôn cho thấy nông thôn vẫn chiếm một vai trò rất đáng kể trong kết cấu kinh tế, xã hội và trong cơ tầng văn hóa của Hà Nội. Xuyên suốt lịch sử Thăng Long - Hà Nội luôn có một khu vực nông thôn rộng lớn tồn tại bên cạnh khu vực hành chính - kinh tế trung tâm. Có lẽ vì thế mà tâm thức nông thôn vẫn tồn tại trong thẳm sâu đời sống của phần lớn người dân Hà Nội mà thực hành tín ngưỡng thờ cây là một minh chứng sống động. Điều này góp phần củng cố một lập luận rất xác đáng của nhà nhân học Nguyễn Văn Chính khi ông hoài nghi về cái gọi là có một bản sắc chung, cố định của người Hà Nội - vốn thường được gán bằng các mỹ từ “hào hoa, thanh lịch, sang trọng”. Trên thực tế, bản sắc Hà Nội vừa lỏng lẻo, vừa đa dạng hơn nhiều vì mỗi nhóm dân cư trong không gian đa dạng này đều có một bản sắc riêng (16).
Qua việc tìm hiểu tín ngưỡng thờ cây ở nội thành Hà Nội, cụ thể là cây đa đình Đại Yên, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình và cây đa phố Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, ta thấy rằng, việc thờ cây có thể xuất phát từ niềm tin vào tính thiêng của cây đa - vốn liên quan đến những vị anh hùng dân tộc mà nguồn gốc là sự pha trộn giữa lịch sử và huyền thoại, hoặc cũng có thể bắt nguồn từ một niềm tin cố hữu của người Việt về quyền năng của những cây cổ thụ - nơi ở của các đấng siêu nhiên. Người dân có thể thể thờ cây chính thống, bên trong các khu di tích được Nhà nước công nhận hoặc cây phi chính thống nằm ở các đường phố đông đúc, không nằm trong sự quản lý của Nhà nước. Ngoài ra, nếu cây đa ở đình Đại Yên gắn bó với người dân bản địa, cây đa Vũ Trọng Phụng dường như là điểm đến quen thuộc của các nhóm nhập cư - bên cạnh các nhóm sở tại. Thực hành tín ngưỡng thờ cây, một mặt, chỉ ra rằng tín ngưỡng này đã cung cấp một “phương cách”, một “cánh cửa” tinh thần giúp người dân tìm thấy sự cân bằng trong khung cảnh đô thị; mặt khác, cho thấy tâm thức làng xã, tâm thức nông thôn vẫn có một ảnh hưởng đáng kể trong đời sống tinh thần của người Hà Nội. Chính điều này đã tạo ra một nét riêng, độc đáo của Hà Nội so với các đô thị Thủ đô hiện đại khác ở khu vực châu Á.
___________________
1. Thông tin từ Ban quản lý di tích đình Đại Yên.
2. Tuyết Minh, Làng Đại Yên, hanoimoi.vn, 14-3-2006.
3, 6. Phỏng vấn sâu ngày 13-11-2023.
4. Nhiều tác giả, Lịch sử Đảng bộ phường Thanh Xuân Trung (1930-2015), Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2017, tr.10-11.
5, 8, 11, 12. Phỏng vấn sâu ngày 27-11-2023.
7, 14. Phỏng vấn sâu ngày 15-9-2023.
9. Phỏng vấn sâu ngày 15-10-2023.
10. Phỏng vấn sâu ngày 29-10-2023.
13. Phỏng vấn sâu ngày 16-8-2023.
15. Phỏng vấn sâu ngày 27-12-2023.
16. Nguyễn Văn Chính, Cấu trúc và giải cấu trúc bản sắc văn hóa Hà Nội, his.ussh.vnu.edu.vn, 11-8-2023.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 8-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 20-1-2025; Ngày duyệt đăng: 4-2-2025.
LÃ MAI HOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025