Màu đỏ trên trang phục và lửa trong tục nhảy lửa - Một góc nhìn bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Pà Thẻn

Tóm tắt: Nói đến tục nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Hà Giang hay Tuyên Quang, nhiều người trong chúng ta đều nhớ đến hình ảnh những người đàn ông nhảy múa trong đống than đỏ rực mà không bị bỏng một cách đầy ma lực và huyền bí ở nhóm dân tộc ít người vùng núi phía Bắc này. Đến với tộc người này, màu đỏ từ trang phục của phụ nữ Pà Thẻn mặc trong các ngày lễ hội, dịp lễ Tết, cưới xin đều mang lại một ấn tượng mạnh mẽ không chỉ ở cách tạo hình trang phục, mà còn ở chính sắc màu rực rỡ như lửa của bộ trang phục đó. Vậy, phải chăng, giữa ngọn lửa trong tục nhảy lửa và thế giới quan của người Pà Thẻn trong sử dụng sắc đỏ có những mối quan hệ đan cài? Bài viết tập hợp những dữ liệu liên quan để nghiên cứu minh chứng và tìm câu trả lời cho luận điểm này.

Từ khóa: biểu tượng, màu đỏ, trang phục nữ, Pà Thẻn, lửa, tục nhảy lửa, bảo tồn di sản.

Abstract: The fire dancing custom of the Pa Then people, residing in the northern mountainous regions of Ha Giang and Tuyen Quang, many of us remember the magical and mysterious image of men dancing in a pile of red-hot coals without getting burned in this ethnic minority group in the northern mountainous region. Within this ethnic group, the red color of the Pa Then women’s costumes worn during festivals, New Year’s holidays, and weddings all leave a strong impression not only in the way the costumes are designed, but also in the fiery color of the costumes. So, is there an intertwined relationship between the fire in the fire dancing custom and the Pa Then people’s worldview in using the color red? This article gathers relevant data to research, prove, and find answers to this argument.

Keywords: symbol, red, female costume, Pa Then, fire, fire dancing, heritage preservation.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Hà Giang - Nguồn: Tác giả cung cấp

1. Khái quát về người Pà Thẻn và tục nhảy lửa

Người Pà Thẻn được coi là nhóm tộc người sống tập trung và vẫn giữ được bản sắc của cộng đồng tộc người mà không đan xen với dân tộc khác, tập trung sống tại 2 tỉnh: Hà Giang và Tuyên Quang. Người Pà Thẻn lấy nghề làm nông nghiệp (trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây thuốc…) để mưu sinh. Ngày nay, sự phát triển của xã hội đã giúp người Pà Thẻn có thêm những công việc khác để cải thiện cuộc sống với nghề thủ công truyền thống và trao đổi hàng hóa như: nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan, chế tác đồ bạc, làm giấy… Nghiên cứu của nhiều học giả đã thống nhất với quan điểm cho rằng: người Pà Thẻn có nhiều nét tương đồng với nhóm người Mông và Dao, là kết quả của sự di cư từ Trung Hoa sang Việt Nam từ xa xưa (khoảng trên 200 năm). Về ngôn ngữ, người Pà Thẻn có ngôn ngữ gần giống ngôn ngữ của người Mông; có lẽ, đây là cơ sở để một số học giả nhận định: người Pà Thẻn có nguồn gốc từ người Mông hay người Dao. Cũng như nhiều tộc người khác, người Pà Thẻn cũng có những phong tục tập quán và nhiều nghi lễ, nghi thức, kiêng kị liên quan đến những sự kiện lớn trong cuộc đời một con người từ khi sinh ra, lớn lên - trưởng thành, tuổi già và mất đi.

Về đời sống tín ngưỡng, người Pà Thẻn thờ cúng tổ tiên trong nhà và tin vào những sức mạnh siêu nhiên của những thần linh (có quyền năng hỗ trợ con người), ma quỷ (nguyên nhân của bệnh tật), linh hồn của các vị thần linh trên trời là cách để người Pà Thẻn có thể kết nối, giao tiếp với con người. Người có thể giao tiếp và mời được hồn của các vị thần về để giúp đỡ, chở che cho người Pà Thẻn chính là thày cúng. Bởi lẽ đó, thày cúng có vị trí rất quan trọng trong cộng đồng người Pà Thẻn. Theo Nguyễn Phương Việt, thày cúng là người có ma thuật trong chữa bệnh, người có khả năng mang lại niềm tin trong đời sống tinh thần, giáo dục ý thức văn hóa, tìm ra nguyên nhân của những tai họa và có thể chữa bệnh bằng nghi lễ cúng thần linh (1).

Bên cạnh đó, người Pà Thẻn có nghề dệt thổ cẩm và sống tách biệt với các tộc người khác nên người họ có kiểu trang phục khá riêng biệt, trong đó, đáng chú ý là trang phục của người phụ nữ. Nếu người đàn ông Pà Thẻn (chỉ mặc trang phục truyền thống vào ngày cưới) với một số ít hoa văn thì trang phục truyền thống của người nữ trong các dịp lễ, tết lại có màu sắc rực rỡ với nhiều hoa văn, họa tiết trang trí trải rộng trên nhiều vị trí, được dệt và ghép vải khác màu trên toàn bộ trang phục. Với những thành phần chủ yếu của bộ trang phục như áo, váy, khăn trong, khăn ngoài, có thể thấy màu đỏ chiếm tỷ lệ lớn, chi phối ánh nhìn, tạo điểm nhấn cho vẻ đẹp của trang phục.

Một trong những tập tục trong tín ngưỡng bản địa của người Pà Thẻn nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc, du lịch… chính là tục nhảy lửa (còn gọi là lễ hội cầu lửa) được thực hiện trong lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn, một lễ hội độc đáo, có lịch sử lâu đời và được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Tục nhảy lửa phản ánh niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên của người Pà Thẻn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nghi thức thực hiện trong nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn “đậm nét Shaman giáo”, bởi, đặc trưng sơ khai và huyền bí. Nhảy lửa là nghi lễ đón các vị thần giáng trần chung vui với xóm làng, phù hộ cho người dân có nhiều sức khỏe, được mùa, mưa thuận gió hòa. Tăng thêm sức mạnh, sự bền bỉ, xua đi ma tà, quỷ dữ của năm cũ, cái lạnh của mùa đông, tránh được bệnh tật, ốm đau trong năm mới. Trong nghi lễ cúng, quan niệm “xuất hồn” lên trời tìm các vị thần về nhập vào các đệ tử ngồi chờ trong nghi lễ mang bóng dáng của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Trước đây, nhảy lửa gắn liền với lễ truyền nghề thày cúng cho các đệ tử (học trò), ngày nay lễ hội này đã trở nên phổ biến được nhiều người biết đến với tên gọi: tục nhảy lửa của người Pà Thẻn. Cũng chính sự phổ biến này mà người nhảy lửa hiện nay cũng không còn chỉ là những học trò của thày cúng tham gia.

Lễ hội nhảy lửa, thường diễn ra vào thời điểm đầu năm, nghi lễ bắt đầu khi trời tối, dưới sự “điều hành” của thày cúng trong từng nghi lễ: thắp nến, bày lễ vật, thắp hương, xin phép thần linh và thực hành tổ chức nghi lễ. Hoạt động của thày cúng trong khi đọc bài cúng kèm thực hiện hình thức diễn xướng tâm linh như: gõ đàn, “xuất hồn”, vẩy nước vào bốn phía của đống lửa, vẩy nước vào các học trò khi đống lửa đã được đốt lên… Người Pà Thẻn cho rằng, khi thày cúng xuất hồn là lúc ông đang đi “chu du” ở thế giới bên kia (thế giới vô hình) để tìm các vị thần dưới sự hỗ trợ chỉ đường của các “âm binh”, thày cúng mới có thể nhìn thấy và đi đúng vào con đường mà các ma nam “Pạ quơ” đang trú ngụ (2).

Các hoạt động chính của nghi lễ nhảy lửa, theo các nhà nghiên cứu, nghi lễ nhảy lửa được bắt đầu khi tiếng nhạc nổi lên, thày cúng - trong bộ trang phục màu đỏ, đôi khi là màu đen, (trang trí hoa văn họa tiết rồng, phượng, vân mây) lên tiếng mời gọi, chi sau khoảng 20-30 phút, cơ thể của các học trò/ những người tham gia nghi lễ trở nên khác thường (ánh mắt khác lạ, đầu và cơ thể lắc qua, lắc lại... ). Đây là lúc những người tham gia nhảy lửa bắt đầu nghi lễ. Họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy, có người còn cho than hồng vào mồm nhai. Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra, thì lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc. Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò, khích lệ của người xem như không hề thấy sức nóng của than hồng. Điều kỳ lạ là những người tham gia nhảy lửa không hề thấy đau đớn hay bị bỏng, bởi họ cho rằng, các vị thần ở trên trời đã xuống và nhập vào thân xác của họ. Nghi lễ nhảy lửa cứ thế diễn ra trong lúc thày cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng, toàn thân rung lên bần bật trên ghế. Nghi lễ chỉ ngừng khi lửa tàn hẳn, những người nhảy lửa bắt đầu “tỉnh lại” và thày cúng đọc bài cúng tiễn các ma về trời và bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia…

2. Màu sắc ở trang phục nữ Pà Thẻn và các giá trị biểu tượng

Khi nhìn vào trang phục truyền thống dành cho người phụ nữ Pà Thẻn, thường được sử dụng trong các lễ nhảy lửa cầu mùa thì nổi bật nhất chính là màu đỏ. Màu đỏ tuy đan xen với một số màu sắc khác, song, do tính chất của màu và tỷ lệ sử dụng trên trang phục, màu đỏ vẫn chiếm đa số và gây sự chú ý rất mạnh. Từ đời sống thường ngày đến đời sống tâm linh, lễ hội… trang phục nữ của người Pà Thẻn luôn được coi như một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Với tài khéo léo, sự chăm chỉ và thẩm mỹ tốt, người phụ nữ Pà Thẻn đã tạo ra được những bộ trang phục rất độc đáo và đa sắc cho chính mình. Sự độc đáo thể hiện ở cách phối hợp hài hòa giữa trang phục với các phụ kiện, giữa các chi tiết trang trí, ghép vải với cách pha trộn màu sắc. Theo tác giả Nguyễn Phương Việt, tất cả các trang phục này đã tạo nên cho người Pà Thẻn một bộ trang phục truyền thống “giàu tính tạo hình” (3).

Một bộ trang phục truyền thống đầy đủ của phụ nữ dân tộc Pà Thẻn thường bao gồm các thành phần chính như: áo lớp trong và ngoài, váy với cạp và gấu váy trang trí hoa văn, khăn, yếm, thắt lưng, các phụ kiện trang trí khác. Màu sắc của trang phục là những mảnh vải ghép từ các mảng màu: đỏ, đen, trắng, xanh... Một số phần khác trên trang phục như: váy, khăn vấn tóc, khăn đội đầu cho thấy màu đỏ cũng là màu chính phân bổ một cách hài hòa trên áo. Một số vị trí trên trang phục như: mảnh ghép hai bên hông của váy, mảnh ghép gần cạp váy, đường viền trên khăn đội đầu, yếm, thắt lưng đều được thêu những hoa văn họa tiết hoặc mảng thổ cẩm biểu trưng cho quan niệm về đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Pà Thẻn.

Theo Nguyễn Phương Việt, màu sắc cơ bản thường thấy trong trang phục của người Pà Thẻn là những mảng màu đỏ, trắng, đen được ghép nối, đan cài, “đơn giản khỏe mạnh nổi bật”, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng. Nhìn tổng thể, màu đỏ chiếm phàn lớn trên trang phục của người Pà Thẻn. Màu đỏ trên trang phục của người Pà Thẻn còn được ví như màu của con chim lửa, màu của ánh sáng (4). Điều này cho thấy, trong quan niệm của người Pà Thẻn, trang phục của phụ nữ Pà Thẻn mang giá trị biểu tượng với tính tượng trưng rất cao. Ví dụ như, chiếc thắt lưng màu trắng có tám tua, tượng trưng cho tám dòng họ của người Pà Thẻn, họa tiết thêu tượng trưng cho các tầng trời - thế giới con người và tầng âm ti

Xem xét về biểu tượng của các màu sắc trong ngũ hành của người Trung Hoa, các màu như đỏ, trắng, đen, vàng, xanh, theo các nhà phân tích phong thủy, các màu này được sinh ra từ năm thành phần tạo nên thế giới: kim (trắng), mộc (xanh), thủy (đen), hỏa (đỏ), thổ (vàng). Năm màu sắc này tượng trưng cho sự tương tác và mối quan hệ tương sinh, tương khắc giữa vạn vật. Căn cứ nguồn gốc xuất xứ của người Pà Thẻn ở Việt Nam, có thể đặt giả thuyết cho rằng: Các màu sử dụng trên trang phục của người Pà Thẻn (đỏ, đen, trắng, vàng, xanh) cũng có những giá trị biểu tượng mang “âm hưởng” của quan niệm màu sắc trong ngũ hành, biểu đạt cho quan niệm tương sinh và tương khắc trong ngũ hành.

Vậy, tại sao trang phục nữ của người Pà Thẻn có màu chủ đạo là màu đỏ, đóng vai trò cổ vũ, trong khi chỉ đàn ông được thực hiện nghi lễ nhảy lửa và trang phục của họ là màu đen? Để tìm câu trả lời này, chúng ta sẽ xem xét những mối quan hệ giữa lửa và màu sắc tương ứng cũng như những giá trị biểu tượng văn hóa trong tâm lý con người.

3. Từ mối liên hệ về tâm lý giữa màu đỏ và lửa đến màu sắc trang phục nữ của người Pà Thẻn trong nghi lễ nhảy lửa

Màu đỏ, theo Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, được coi như là biểu tượng cơ bản của sức mạnh quyền năng và ánh chói, là màu của lửa và máu, sự rực rỡ, ly tâm là màu của ngày, của dương tính, nó tăng lực, kích thích hoạt động, tỏa chiếu như mặt trời sáng chói trên khắp mọi vật với một sức mạnh bao la, không thể thu giảm (5). Màu đỏ, với sắc độ khác nhau, còn được coi là màu hướng tâm, biểu thị sự bí ẩn của cuộc sống. Màu đỏ tươi còn là sự lôi kéo, cổ vũ, kích động, hay là sự báo động, gợi cảm giác bất an (đèn báo nguy hiểm, biển cấm...).

Lửa, ở nhiều quốc gia trên thế giới, thường được coi là biểu tượng của thần thánh, biểu tượng của sự tẩy uế và tái sinh. Những người theo đạo giáo bước vào lửa để tự giải phóng khỏi thân phận mà con người phải chịu đựng, sự hiền thánh. “Họ bước vào lửa như thế mà không bị thiêu cháy, điều này, như người ta quả quyết, cho phép họ gọi được mưa - phúc lành của trời - mà cũng gợi nhắc đến lửa không thiêu cháy của giả kim thuật phương Tây, lễ tắm gội, sự tẩy uế…” (6). Chính vì quan niệm biểu trưng này của lửa, ở những quốc gia có đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp, thường dùng lửa để tẩy uế trong những nghi lễ của mình. Bên cạnh đó, lửa còn là biểu trưng của mặt trời “bằng những tia sáng của nó, lửa bằng những ngọn lửa tượng trưng cho hoạt động đem lại sự sinh sản dồi dào, tinh túy và soi sáng... Lửa đốt cháy và thiêu hủy cũng là một biểu tượng của sự tẩy uế và sự tái sinh” (7); hoặc, trong quan niệm truyền thống ở nhiều quốc gia, trong đó có Trung Hoa, Nhật Bản, màu đỏ gắn với những lễ hội dân gian, và đặc biệt với những lễ hội mùa xuân, lễ cưới và sinh nhật, thậm chí là biểu tượng của cái đẹp (8).

Những câu hỏi được đặt ra, màu đỏ và lửa có những mối liên hệ gì về ý nghĩa tâm lý và biểu tượng? Hay, nhìn từ trang phục truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn trong nghi lễ nhảy lửa, màu đỏ và lửa có những tác động lẫn nhau như thế nào? Theo quan điểm của phần đa các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng, màu đỏ và lửa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong nhiều nền văn hóa, không chỉ liên quan đến nhau về mặt biểu tượng mà còn thể hiện những khía cạnh sâu sắc trong cảm xúc và văn hóa. Luôn có những quan niệm tương đồng và gắn kết trong tâm lý cũng như biểu tượng, màu đỏ - màu có bước sóng ánh sáng dài nhất mà mắt người có thể phân biệt được (9) và lửa - với sức mạnh và nhiệt độ cao - luôn tượng trưng cho năng lượng và sức mạnh và sự nhiệt huyết. Bên cạnh đó, màu đỏ và lửa còn là biểu tượng cho đam mê và cảm xúc mạnh mẽ (sự tức giận, khao khát…). Với đặc tính tự thân, màu đỏ thường được sử dụng trong các dấu hiệu cảnh báo và an toàn; đặc biệt, đối với sự nguy hiểm nếu không được kiểm soát từ lửa.

Vậy, màu đỏ và lửa còn là những biểu tượng được sử dụng rộng rãi trong nhiều nền văn hóa. Ví dụ như, văn hóa phương Tây, màu đỏ và lửa gắn với biểu tượng của lễ hội tình yêu (hình ảnh ngọn lửa trái tim). Trong văn hóa phương Đông, các nghi lễ và lễ hội, nếu màu đỏ thường được sử dụng để biểu thị sự may mắn và thịnh vượng, thì lửa là phần không thể thiếu trong các nghi lễ tôn giáo, ví dụ như: đèn lồng đỏ, đốt pháo, chân cây nhang… Trong văn hóa bản địa, lửa và màu đỏ cũng được sử dụng trong các nghi thức, nghi lễ, trang phục để biểu thị cho sức mạnh, sự sống và kết nối với thiên nhiên. Theo đó, có thể nói rằng, màu đỏ và lửa có nhiều ý nghĩa trong các tôn giáo khác nhau, từ sự sống và tình yêu đến sự thanh khiết và ánh sáng.

Trong lĩnh vực tôn giáo, được xem là biểu tượng của sự sống, sự tái sinh và chuyển đổi, màu đỏ và lửa thường xuất hiện trong các nghi lễ và truyền thống liên quan đến sự sinh sôi nảy nở, ví dụ như: Hindu giáo ở Ấn Độ, màu đỏ biểu thị cho sức mạnh, sự sống, tình yêu và lửa là một trong những yếu tố quan trong không thể thiếu trong các nghi lễ tôn giáo kết nối giữa thế giới vật chất và thế giới tâm linh. Tương tự, màu đỏ và lửa luôn gắn kết trong các nghi lễ và quan niệm của các tôn giáo khác như Phật giáo, Thiên chúa giáo… Đồng thời, nhiều tôn giáo bản địa cũng sử dụng lửa trong các nghi lễ để kết nối với tổ tiên và thiên nhiên, thường kèm theo các biểu tượng màu đỏ để thể hiện sức mạnh và sự sống. Ở phương Đông, có thể thấy đỏ là màu của lửa, “đôi khi là của hạn hán, của máu, của sự sống, hài hòa, thậm chí còn là màu của vẻ đẹp và sự giàu có, là màu mà ở Nhật Bản, hầu như chỉ có phụ nữ mới mặc để biểu trưng cho tính thành thực và hạnh phúc” (10).

Nhìn nhận từ nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, ta thấy rằng, lửa là thành tố quan trọng, chi phối toàn bộ hoạt động của những người thực hiện nghi lễ của họ. Trong quan niệm của người Pà Thẻn, lửa là một hình thức để tẩy uế, để mong cầu sự tái sinh và dùng sự chói sáng của lửa và đặt vào đó những niềm tin tâm linh về sự. hiện hữu của thần linh có quyền uy tối cao có thể giúp cho con người tới với những sự may mắn, sinh sôi và thiêu cháy hết những rủi ro, ốm đau, bệnh tật.

Tuy không phải là những người được trực tiếp thực hiện nghi lễ nhảy lửa, nhưng sự góp mặt của những người phụ nữ trong trang phục màu đỏ rực rỡ xoay quanh đống lửa cũng là một thành tố không thể thiếu góp phần tăng thêm tính thiêng và tạo sức mạnh tinh thần cho những người đàn ông thực hiện nghi lễ này. Màu đỏ trong trang phục nữ của người Pà Thẻn và màu đỏ trên trang phục của thày cúng cũng cho thấy mối quan hệ có tính tương hỗ giữa vẻ đẹp, sự quyền uy, sự tẩy uế và sinh sôi trong thế giới quan và nhân sinh quan của người Pà Thẻn. Thêm nữa, màu đỏ của lửa, của trang phục thày cúng, trang phục những người phụ nữ quanh đống lửa cũng như một động lực, chất xúc tác, có tác dụng lôi kéo, cổ vũ, kích động và làm hoàn hảo thêm những hiện tượng “nhập hồn”, khiến thân xác của những người đàn ông đang nhảy múa trong lửa đỏ…

Như vậy, màu đỏ trên trang phục nữ của người Pà Thẻn, bên cạnh hiệu quả về thẩm mỹ mà nó mang lại và tương quan đối lập giữa sắc đỏ với màu xanh của núi rừng (hiệu ứng tăng cường độ rực rỡ của sắc đỏ), thì các giá trị biểu tượng chung của người phương Đông về màu đỏ. Có thể đặt ra giả định rằng phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ làm sắc màu chủ đạo không chỉ nhằm tượng trưng cho lửa, máu, quyền năng, sự sáng chói, màu của sự sống và màu của sự sung túc, may mắn và vẻ đẹp tỏa sáng của người phụ nữ, tựa như một bông hoa của núi rừng.

4. Một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn di sản tộc người thiểu số

Mang đậm nét bản sắc văn hóa tộc người, sự độc đáo và tính huyền bí, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn luôn thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia. Cho đến nay, nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được quan tâm để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Gắn với lễ hội đặc sắc này, các tri thức dân gian trong hình thức thiết kế trang phục, sự lựa chọn màu sắc theo quan niệm tộc người và đặc biệt là sắc đỏ đặc trưng không pha trộn trên trang phục của người Pà Thẻn cũng làm nên một nét bản sắc rất đáng được ghi nhận như một di sản văn hóa về nghề thủ công của một tộc người.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ, đi cùng với tốc độ toàn cầu hóa đã khiến cho những nét đặc trưng ở phong tục, tập quán của nhiều dân tộc đang dần mất đi. Người Pà Thẻn cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng đó. Ngày nay, phụ nữ Pà Thẻn không còn dành nhiều thời gian cho việc thiết kế và tạo ra những trang phục truyền thống cho chính mình, thay vì những trang phục pha trộn của nhiều nền văn hóa của các tộc người khác. Trong đó, những mảnh vải dệt công nghiệp, in hoa văn con công lòe loẹt đang dần thay thế những mảnh thổ cẩm, những họa tiết thêu cầu kỳ; những khăn quàng cổ lông màu trắng, những đôi giày cao gót giả da của Trung Quốc đang dần thay thế những món phụ kiện được thêu thùa và khâu tay một cách cầu kỳ… những điều này đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu di sản văn hóa những vấn đề về bảo tồn văn hóa mỗi tộc người, nhằm phát huy giá trị của sự đa dạng văn hóa và nguy cơ mất đi những kiến thức, kỹ thuật dân gian đã được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là mục tiêu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng cũng là những vấn đề mà chính quyền 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang cần có sự quan tâm để lữu giữ và bảo tồn khi nhìn vào lễ nghi của tục nhảy lửa và sự độc đáo trong các quy trình, kỹ thuật dệt, may và thêu trang phục của những người phụ nữ dân tộc Pà Thẻn.

_____________________

1. Nguyễn Phương Việt, Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Tạp chí Di sản văn hóa, số 4 (12) 2022, tr.54.

2. Nguyễn Phương Việt, Mỹ thuật trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ nghệ thuật, 2024, tr.98.

3. Thảo My, Tinh hoa nghề dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn, nhandan.vn, 3-10-2022.

4, 5, 6, 7, 8, 9. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (Huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc, con số), Nxb Đà Nẵng, 1997, tr.304, 545, 557, 548, 549, 309.

10. Tanya Kelley, “Red” (Đỏ), Encyclopedia Britannica (Bách khoa toàn thư), britannica.com.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 17-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 20-12-2024; Ngày duyệt đăng: 5-1-2025.

PGS, TS ĐOÀN THỊ MỸ HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025

;