Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số góp phần làm cho nền văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phong phú, củng cố sự thống nhất, đoàn kết giữa các dân tộc và tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn góp phần phát triển bền vững đất nước. Hiện nay, người Cao Lan ở tỉnh Tuyên Quang vẫn lưu giữ được những phong tục, tập quán và nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng. Đây là những tiềm năng, điều kiện thuận lợi góp phần phát triển du lịch bền vững tỉnh Tuyên Quang, tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi đến tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm du lịch văn hóa tỉnh Tuyên Quang.
Tiết mục múa cờ của người Cao Lan - Ảnh: tuyenquang.dcs.vn
1. Khái quát văn hóa truyền thống của người Cao Lan ở tỉnh Tuyên Quang
Người Cao Lan sinh sống ở tỉnh Tuyên Quang với tổng số 70.636 người, tập trung ở huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Ở huyện Sơn Dương, người Cao Lan chiếm khoảng 30% dân số toàn huyện, cư trú rải rác ở nhiều xã, trong đó tập trung tại các xã: Văn Phú, Vân Sơn, Đông Lợi, Đồng Quý, Đông Thọ, Cấp Tiến, Bình Yên, Vĩnh Lợi, Chi Thiết, Quyết Thắng, Phú Lương và Đại Phú. Ở huyện Yên Sơn, người Cao Lan cư trú tập trung ở các xã: Kim Phú, Đội Bình, Chân Sơn, Tiến Bộ, Phú Lâm Nhữ Hán, Nhữ Khê. Tại thành phố Tuyên Quang, người Cao Lan cư trú tại các xã: Lưỡng Vượng, Đội Cấn (1). Người Cao Lan có kho tàng văn hóa truyền thống rất phong phú và đặc sắc thể hiện rõ nét trong đời sống văn hóa tinh thần với ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Kho tàng văn học dân gian của người Cao Lan rất đa dạng, phong phú với nhiều truyện cổ, ca dao, tục ngữ, câu đố... Truyện cổ của người Cao Lan là truyện dưới dạng văn vần được người già và thày cúng kể lại trong những dịp hội làng hay ngày lễ, Tết tại đình vào đêm trước diễn ra hội chính và tại nhà ông chủ tế (ông Trùm) khi tổ chức lễ cầu mùa cúng thần nước, thần gió, thần lửa vào dịp tháng 2 âm lịch hằng năm. Truyện cổ của người Cao Lan thể hiện ý thức tâm linh và quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan với những câu truyện kể về nguồn gốc dân tộc, về khai bản lập làng, ca ngợi sức mạnh con người chế ngự thiên nhiên và khát vọng về cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt như: Sự tích núi lịch, Truyện quả bầu, Sự tích mặt trăng, Kó Lau Slam, Sằm sừ, Chuyện chàng út của ông trời, Cậu bé cầm bút thần đánh giặc… Ca dao, tục ngữ, thành ngữ của người Cao Lan cũng rất phong phú thể hiện quan niệm sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, về ứng xử xã hội, phê phán những thói hư tật xấu trong cuộc sống thường ngày...
Trong đời sống văn hóa tinh thần, người Cao Lan có nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian vẫn được bảo tồn và phát huy trong đời sống sinh hóa văn hóa cộng đồng như: những điệu dân vũ mộc mạc mà uyển chuyển theo tiếng trống tang sành, hát đối và hát ví sình ca với những lời hát mượt mà đằm thắm đầy chất thơ… Hát ví sình ca có nhiều loại như hát trong hội, hát trong đám cưới, hát chúc tụng. Hình thức hát ví sình ca chủ yếu là hát đối giữa nam và nữ và nhiều đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng từ những cuộc hát ví sình ca. Về cơ bản, hát sình ca Cao Lan bao gồm các thể loại: hát mừng năm mới, giao duyên, hát đám cưới, hát đố, hát ru, ca ngợi sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Thông qua những làn điệu dân ca, người Cao Lan gửi gắm những tâm tư, tình cảm với nhau, những ước mơ, nguyện vọng của người lao động với thiên nhiên và thần linh… Trong đám cưới của người Cao Lan, hát ví sình ca là nét văn hóa đặc sắc nhất với hình thức hát đơn giản, giai điệu nhấn nhá theo vần của các câu thơ đã có sẵn. Vào đêm nhà trai ở lại để hôm sau đón dâu, các chàng trai, cô gái trẻ và những người tham dự đám cưới đều tham gia vào cuộc hát. Phần đầu của đêm hát chủ yếu dành cho những người đã có tuổi đối đáp nhau, sau đó nhà trai trổ tài, hai bên thi nhau đưa ra những câu hát ví von, những câu đố về thiên nhiên, con người, hoạt động lao động sản xuất...(2). Việc sử dụng các câu hát ví, hát xin dâu, mời rượu khi tiến hành các nghi lễ và trong đám cưới là một hình thức văn hóa độc đáo trong giao tiếp của người Cao Lan. Bên cạnh đó, người Cao Lan có những điệu hát ru rất độc đáo và chỉ có một giai điệu chính. Người mẹ khi hát ru sẽ thường lặp lại một số câu có giai điệu êm ả và mềm mại để những câu hát ru bồi đắp cho con trẻ những tình cảm yêu thương trong sáng của con người. Nội dung những câu hát ru của người Cao Lan là những câu ca dao, dân ca, tích truyện cổ như truyện Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài...
Người Cao Lan ở tỉnh Tuyên Quang có những điệu múa truyền thống mang đậm nét đẹp đặc trưng của vùng núi rất khéo léo và vui nhộn như: Soọc Cộng, Pong Loóng, Lồng Nộc Lau... Những điệu múa không chỉ được thực hiện để giải trí mà còn mang ý nghĩa tâm linh, truyền thống to lớn thường được múa trong các lễ hội truyền thống, các sự kiện trọng đại và những buổi sinh hoạt cộng đồng. Các điệu múa tái hiện lại quá trình lao động sản xuất trong đời sống hằng ngày và được biến tấu sinh động hấp dẫn với sự kết hợp nhịp nhàng giữa tiếng nhạc, trống và sự uyển chuyển hình thể của người biểu diễn. Các điệu múa không hạn chế về số lượng, tuổi tác, giới tính và được biểu diễn rất sôi động và vui nhộn nên thu hút được nhiều người xem và tham gia. Điệu múa Soọc Cộng là một trong những điệu múa truyền thống của người Cao Lan với tính linh hoạt cao thể hiện nét đặc trưng riêng biệt của người Cao Lan ở Tuyên Quang. Thông qua nhịp điệu và từng điệu nhảy gắn với những bài hát truyền thống của người Cao Lan thể hiện sự hân hoan, vui mừng, đoàn kết và sự gắn kết với tổ tiên, lòng tự hào về nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Điệu múa Pong Loóng là điệu múa giã cốm thường được sử dụng trong lễ hội mừng cơm mới với sự tham gia của cả cộng đồng người Cao Lan. Mọi người trong cộng đồng đều tham gia múa Pong Loóng, hòa chung vào các bước nhảy rộn ràng, linh hoạt để thể hiện niềm vui và điệu múa này cũng được xem là nghi lễ cảm ơn của người Cao Lan gửi đến Thần Nông đã giúp người dân có được mùa màng bội thu, no đủ. Điệu múa Lồng Nộc Lau còn gọi là múa đôi chim cu xuống ruộng và là điệu múa truyền thống đặc sắc của người Cao Lan thể hiện sự quấn quýt, hòa hợp trong tình yêu và đem đến sự vui vẻ, hân hoan cho con người. Nhạc cụ của người Cao Lan phong phú và đủ bát âm gồm: trống, chiêng, chuông, chập xèng, thanh la, kèn tổ sâu, sáo, nhị... Các nhạc cụ được sử dụng trong các nghi lễ và các điệu múa trong những lễ hội truyền thống của người Cao Lan.
Người Cao Lan có nhiều lễ hội truyền thống thể hiện sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Các lễ hội của người Cao Lan thường được tổ chức ở đình làng vào dịp đầu năm mới thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với những người có công lập làng, bảo vệ quê hương, đất nước như: lễ hội đình Giếng Tanh (xã Kim Phú, huyện Yên Sơn), lễ hội đình làng Minh Cầm (xã Đội Cấn, huyện Yên Sơn), lễ hội đình làng Mãn Hóa (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương). Bên cạnh đó, người Cao Lan cũng có nhiều lễ hội gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra ở nhiều thời điểm trong năm thể hiện sự hài hòa, gắn bó của người dân với môi trường tự như: lễ hội lấy nước và cúng gia tiên đầu năm mới, lễ khai xuân, lễ cầu an, lễ cầu mưa... Trong lễ hội, phần lễ được tổ chức trang trọng và người dân dâng cúng Thành hoàng làng, các vị thần linh những lễ vật là sản vật của địa phương với mong ước một năm gặp nhiều may mắn, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu... Phần lễ với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian phong phú tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho mọi người sau một năm tích cực lao động, sản xuất.
Trang phục truyền thống của người Cao Lan rất đơn giản và được giữ gìn qua nhiều thế hệ. Trang phục của nam giới là áo chàm, mũ nồi, quần nâu và trang phục của nữ giới là váy chàm, áo bươm bướm, đầu đội khăn chàm.
2. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Cao Lan trong phát triển du lịch bền vững tỉnh Tuyên Quang
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số góp phần làm cho nền văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phong phú, củng cố sự thống nhất, đoàn kết giữa các dân tộc và tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn góp phần phát triển bền vững đất nước. Từ năm 2001 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người như: Quyết định số 71/2001/QĐ-TTg ngày 4-5-2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình và mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005 đã đề cập đến mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở; Quyết định số 124/2003/QĐ-TTg ngày 17-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam với mục tiêu tổng quát: “Bảo tồn, kế thừa có chọn lọc và phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống, xây dựng và phát triển những giá trị mới về văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số...”; Quyết định số 125/2007/QĐ-TTG ngày 31-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010, trong đó có mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc và thực hiện các những dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam, dự án điều tra, nghiên cứu, bảo tồn một số làng, bản tiêu biểu và lễ hội đặc sắc của dân tộc thiểu số...; Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị tích cực trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm phát triển văn hóa dân tộc, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt, chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao (các dân tộc rất ít người không có điều kiện tự bảo vệ văn hóa của mình; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới, hải đảo, khu vực tái định cư của các thủy điện). Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, đặc biệt, tại các địa bàn trọng điểm: vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo”. Bên cạnh đó, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung 2009) và những Nghị định, Thông tư, Chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa đã tạo cơ sở khách quan cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Trong đó, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có dự án 6 về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...
Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Tỉnh đã tiến hành kiểm kê các di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh và phục dựng, duy trì, phát triển các lễ hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc. Hiện nay, tỉnh có 658 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh bao gồm 474 di tích lịch sử, 127 di tích văn hóa và 57 danh lam thắng cảnh. Trong đó, 182 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 259 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Trong đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII cũng xác định: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” là một trong ba khâu đột phá về phát triển kinh tế, xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025. Là vùng đất có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch văn hóa với 658 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, 425 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, tỉnh Tuyên Quang xác định đây là nguồn lực văn hóa quan trọng để phát triển du lịch “trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” (3), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Để phấn đấu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, ngày 16-6-2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 30-7-2021 ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững ngành Du lịch, “khuyến khích xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc; trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực miền núi phía Bắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh...”. Để triển khai hiệu quả các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều văn bản như: Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 30-6-2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 1-7-2022 UBND tỉnh về giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025... Từ đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số được xếp loại và được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện nay, nhiều di sản văn hóa và các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa truyền thống của người Cao Lan nói riêng vẫn được bảo tồn và phát huy trong đời sống sinh hoạt văn hóa, xã hội cộng đồng. Hằng năm, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm phục dựng và tổ chức nhằm giúp đồng bào người Cao Lan gìn giữ được văn hóa truyền thống tốt đẹp của tộc người và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cao Lan gắn với phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và người dân cùng hành động, thực hiện đồng bộ những giải pháp hữu hiệu đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững:
Một là, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cao Lan gắn với quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng chiến lược phát triển du lịch văn hóa phù hợp với địa phương. Phát triển du lịch gắn với trách nhiệm của cộng đồng, đề cao vai trò văn hóa bản địa, nâng cao nhận thức cho đồng bào, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch, lựa chọn sản phẩm du lịch đặc trưng...
Hai là, tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa và điểm đến di sản văn hóa một cách rộng rãi, đa dạng hóa các hình thức quảng bá và thực hiện liên kết chuỗi giá trị văn hóa theo từng địa phương, theo các tour du lịch, tuyến du lịch khai thác di sản văn hóa. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube, Twitter… để giới thiệu về đặc trưng văn hóa tộc người và sức hấp dẫn của di sản văn hóa tại địa phương.
Ba là, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để khai thác đầy đủ giá trị di sản văn hóa của tộc người và kết nối với các di sản văn hóa của các tộc người khác trên địa bàn giúp du khách tìm hiểu sâu hơn, đa dạng hơn bản sắc văn hóa của các tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Do đó, cần xây dựng nhiều mô hình du lịch để phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng như: du lịch cộng đồng, làng bản, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Đồng thời, cần thiết kế nhiều chương trình trải nghiệm, tìm hiểu các giá trị của nhiều di sản văn hóa của các tộc người khác nhau trên một địa bàn tỉnh trong các tour du lịch, chương trình du lịch…
Bốn là, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch là người đồng bào dân tộc Cao Lan tại địa phương đủ về số lượng và đảm bảo trình độ chuyên môn, am hiểu về con người, bản sắc văn hóa của tộc người để truyền bá đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc những giá trị di sản văn hóa đến du khách.
Năm là, tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, đặc biệt là tại các điểm du lịch cộng đồng như: tăng cường số lượng các thùng rác cho du khách, áp dụng các hệ thống xử lý nước thải, rác thải trong khu di tích, huy động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường và thu gom rác thải tại các điểm du lịch… Đồng thời, thường xuyên đánh giá và giám sát sự tác động của hoạt động du lịch tới việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa và đời sống của người dân tại những điểm du lịch.
______________________
1. Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở 1-4-2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020.
2. Lâm Quý (sưu tầm và dịch), Xình ca Cao Lan - Đêm hát thứ nhất (song ngữ: Việt - Cao Lan), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003.
3. Tỉnh ủy Tuyên Quang, Báo cáo chính trị số 558-BC/TU ngày 2-10-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thức XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
TS LÊ THỊ BÍCH THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024