Di sản cồng chiêng của dân tộc Cor, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi tuy không đồ sộ nhưng vẫn có sự độc đáo riêng, trong đó đấu chiêng là loại hình trình diễn nghệ thuật có giá trị đặc sắc nổi bật. Việc bảo tồn di sản cồng chiêng dân tộc Cor không chỉ cần thiết cho cộng đồng của họ mà còn cho sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam nói chung. Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã tích cực bảo tồn và phát huy văn hóa Cor bằng cách sử dụng nguồn lực văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân... Nghệ nhân không chỉ trình diễn nghệ thuật mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển những giá trị văn hóa của dân tộc. Bài viết phân tích vai trò của nghệ nhân trong việc thực hành và truyền dạy di sản văn hóa nghệ thuật đấu chiêng của người Cor hiện nay.
Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor đang được các đội văn nghệ truyền thống ở huyện Trà Bồng gìn giữ và phát huy giá trị - Ảnh: baoquangngai.vn
1. Bối cảnh
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể qua việc phong tặng danh hiệu - thể hiện qua việc sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng, Luật Di sản văn hóa, ban hành Nghị định 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu... ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ cho nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 12-2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có thêm 18 cá nhân được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vì những cống hiến của họ trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân tộc thiểu số (1). Nhận được danh hiệu, đa số các các bậc lão niên, người có uy tín trong cộng đồng rất vui mừng. Tuy nhiên, bên cạnh lớp nghệ nhân mới được ghi nhận, cũng không ít lớp nghệ nhân tuổi cao, già yếu và mất đi. Số lượng người biết thực hành di sản văn hóa phi vật thể một cách thành thục ngày càng hiếm, di sản cũng ít được “sống” hòa nhịp với văn hóa đương đại.
Trước yêu cầu thực tế trên, cần thiết phải đánh giá một cách đầy đủ và cụ thể vai trò của nghệ nhân trong việc bảo tồn một loại hình di sản văn hóa phi vật thể cụ thể, thực trạng các nghệ nhân hiện nay, từ đó có định hướng phù hợp cho công tác duy trì và truyền dạy văn hóa phi vật thể cho lớp thế hệ trẻ. Nghệ nhân sau khi được vinh danh cần không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng; tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức, kỹ năng và luôn phải giữ được tiêu chuẩn khi được xét tặng các danh hiệu. Vai trò của nghệ nhân đối với mỗi loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian cũng sẽ khác nhau, trong đó có các nghệ nhân người Cor ở huyện Trà Bồng.
2. Nghệ thuật đấu chiêng của người Cor ở huyện Trà Bồng
Cồng chiêng là nhạc cụ quen thuộc của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung và miền Tây Quảng Ngãi nói riêng, được sử dụng trong các lễ hội lớn như lễ ăn trâu, lễ ngã rạ, lễ mừng lúa mới. Đấu chiêng là phong tục trình diễn chỉ có ở cộng đồng người Cor, là loại hình diễn xướng dân gian có tính chất riêng và có giá trị tiêu biểu. Đấu chiêng của người Cor ở Quảng Ngãi và chữ nó là hình thức đối đáp những mô típ, câu nhạc với nhau, người biểu diễn phải có các ứng tác câu nhạc, đoạn nhạc chiêng phong phú, dồn dập, sôi nổi… Tính mới lạ, hấp dẫn trong cách chơi chiêng này là cơ sở để loại hình nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 8-2019.
Nhạc cụ dùng trong lễ hội của đồng bào Cor thường là hai chiêng và một trống. Trong đó, chiêng lớn tiếng Cor gọi là Pô (chiêng đực); chiêng nhỏ hơn bỏ lọt lòng chiếc lớn, gọi là Pi (chiêng cái) và chiếc trống gọi là Agor. Nhưng khi đấu chiêng chỉ sử dụng hai chiếc chiêng đực để có cùng thang âm, tức là chiêng có các âm cơ bản hợp nhau được dùng để thi đấu với nhau giúp trọng tài và người thưởng thức hiểu được tiếng chiêng bên nào hay hơn. Bài chiêng được đánh trong thi đấu là sự kết hợp nhuần nhuyễn của bài chiêng đón khách và tiếp khách cùng với sự ngẫu hứng và sáng tạo của người thi đấu bổ sung vào hai bài chiêng này những chuỗi nhịp điệu nhanh, mạnh, dứt khoát để tạo nên bài đấu chiêng có tiết tấu rộn rã, sôi động, khác lạ… Toàn huyện Trà Bồng có khoảng 300 bộ chiêng, riêng thôn 2, xã Trà Thủy có gần 100 bộ chiêng.
Nghệ thuật cồng chiêng của người Cor ở huyện Trà Bồng, được thể hiện trong lễ hội ăn trâu và Tết ngã rạ cho nên quy trình thực hành nghệ thuật cồng chiêng là quy trình thực hành các bài chiêng được diễn tấu trong nghi thức cúng thần kết hợp với múa cà dáo trong lễ hội và bài chiêng được trình diễn trong cuộc thi đấu chiêng ở phần hội. Nét độc đáo của nghệ thuật cồng chiêng người Cor là họ sử dụng chiêng ngay cả trong phong tục cưới xin, kết bạn, giao lưu văn nghệ. Bên cạnh yếu tố thiêng hóa, còn có thế tục hóa, mang tính giải trí, đời thường và gần gũi. Qua lời kể của các già làng không biết tự bao giờ các cụ đã lấy ba bài chiêng “đón khách”, “tiễn khách”, “đấu chiêng” (thi thố) trong nghi lễ ăn trâu và hội mùa để diễn tấu trong phong tục cưới xin, hay các ngày hội giao lưu văn hóa. Vì vậy, khi có phong trào sân khấu hóa diễn xướng nghệ thuật dân gian, đấu chiêng của người Cor được đem đi trình diễn ở nhiều cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung - Tây Nguyên, liên hoan văn hóa cồng chiêng toàn quốc mà không vấp phải các ý kiến trái chiều.
3. Nghệ nhân người Cor thực hành đấu chiêng trong những ngày hội lớn của cộng đồng
Người Cor quan niệm rằng từ hồi xa xưa, cái chiêng đã được dùng để cúng thần, cúng ông bà, làm lễ hội. Người ta lấy cái chiêng để đánh mừng ông bà, để rước ông bà về nhà. Vì vậy, mỗi khi người Cor tổ chức những lễ hội truyền thống, thì chiêng luôn hòa nhịp, tạo không khí vui nhộn cho cuộc sống của cộng đồng. Âm thanh cồng chiêng hiện diện ở khắp nơi, hòa vào cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng. Tiếng chiêng vừa gắn với nghi lễ mang đậm sắc thái tâm linh, vừa giúp xua đuổi chim thú để bảo vệ mùa màng, nương rẫy.
Hằng năm, cứ vào tháng 10 hoặc đầu tháng 11 âm lịch, các gia đình người Cor bắt đầu thu hoạch lúa. Sau khi lúa nếp gặt xong được cất giữ trong nhà, khắp các bản làng, người Cor lại tổ chức Tết ngã rạ. Gọi là: ngã rạ vì khi đó lúa ngoài đồng đã chín ngã, người dân thu hoạch xong, đất nương rẫy chỉ còn lại rơm rạ, đốt rẫy chuẩn bị vụ sau. Tết ngã rạ tổng kết một mùa lúa, tạ ơn thần linh và là dịp để mọi người trong làng gặp gỡ, vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả. Tết ngã rạ gồm hai phần chính là lễ và hội. Kết thúc phần lễ, già trẻ, trai gái người Cor trong trang phục truyền thống đắm chìm trong không gian rộn ràng của ngày hội Tết ngã rạ. Tất cả quây quần bên cây nêu cao vút, dựng giữa sân làng. Dân làng cùng nhau nhảy múa, hòa nhịp cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn vang khắp núi rừng. Xen kẽ trong phần hội của Tết ngã rạ là những cuộc tranh tài đẩy gậy, bắn nỏ, đấu chiêng... Màn đấu chiêng diễn ra sau cùng với phần so tài của những chàng trai trẻ trong làng.
Ngày nay, lớp nghệ nhân đã cao tuổi, nhưng luôn được chọn là người đấu chiêng trong các ngày hội của làng, bởi họ có nhiều kinh nghiệm trình diễn nhất. Trước khi được Nhà nước vinh danh là Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, thì các chàng trai Cor ngày ấy là người rất giỏi thực hành đấu chiêng. Theo nghệ nhân Hồ Văn Biên ở huyện Trà Bồng, “đấu chiêng chỉ dành cho những người đàn ông khỏe mạnh, dẻo dai và đánh chiêng giỏi”. Những trai làng cường tráng nhất thường bắt cặp với nhau trổ tài đánh chiêng, hy vọng thông qua nghệ thuật đấu chiêng được dân làng tin tưởng giao phó gánh vác các công việc hệ trọng của làng. Có thanh niên Cor, nhờ tài đấu chiêng đã làm nhiều thiếu nữ trong làng phải lòng rồi có được người vợ xinh đẹp. Với các thiếu nữ Cor, thông qua xem đấu chiêng, họ lại chọn cho mình một người đàn ông khỏe mạnh, bản lĩnh, tài năng và đức độ.
Nội dung thi đấu được tiến hành theo trình tự: Đấu âm và đấu âm kết hợp với động tác phô diễn hình thể của cặp thi đấu. Cuộc đấu chiêng được mở đầu bằng âm thanh của tiếng trống dẫn nhịp của trọng tài, liền sau đó người đánh chiêng trước (gọi là tok) đánh chiêng theo nhịp trống, người đánh sau (gọi là tuk) đánh đáp trả với người đánh trước nhưng vẫn theo nhịp trống. Hai người đàn ông sẽ thách đấu, họ dùng chiêng để đấu. Ngoài ra còn có trọng tài của trận đấu, họ sẽ dùng trống để dẫn dắt trận đấu và giúp phân định người chiến thắng. Hai người tham gia đấu chiêng đánh các bài chiêng như: Chiêng chào khách, Chiêng tiễn khách, Chiêng hội và Chiêng cúng thần linh để đối đáp hay chiêng đôi liên tục với nhau. Hai bên đứng đối diện nhau, tay đeo nâng chiêng, tay cầm dùi gõ, di chuyển theo nhịp chiêng, khi tiến, khi lùi... Khán giả là dân làng mải mê xem ba người trình diễn trong một cuộc đấu chiêng.
Khi trình diễn đấu chiêng, người diễn tấu linh hoạt các động tác ngồi, đứng, di chuyển thoải mái... Ở tiết mục đấu chiêng, các nghệ nhân, diễn viên thể hiện một cách điêu luyện, nhuần nhuyễn với những động tác tấu chiêng đẹp mắt, kết hợp sắc thái âm nhạc chiêng hết sức độc đáo, làm say lòng nhiều người yêu thích âm nhạc cồng chiêng. Nét đặc trưng tạo nên sức hấp dẫn của đấu chiêng là sự ngẫu hứng và sáng tạo. Sắc thái âm nhạc chiêng lúc thì nhẹ nhàng, trầm lặng, lúc thì dồn dập, sôi nổi, mạnh mẽ... Các động tác, thần thái biểu diễn cũng vậy, lúc thì nghiêng người, lắc vai, liếc mắt, lắc mông... một cách hợp lý, thì mới có thể gây ấn tượng cho người xem. Theo nghệ nhân Hồ Văn Biên, “đấu chiêng” là kỹ năng ứng tác các mô típ, sắc thái âm nhạc chiêng kết hợp với những động tác đánh chiêng, lắc vai, liếc mắt, lắc mông, móc chân với nhau... của hai người đánh chiêng.
Người có khả năng biểu diễn đấu chiêng là người có những ứng tác các mô típ, câu nhạc, sắc thái âm nhạc chiêng đa dạng, phong phú. Hai người tham gia đấu chiêng thông qua những bài chiêng để đối đáp liên tục với nhau. Âm điệu trong các cuộc đấu chiêng vang lên rất lớn để khiêu khích, thách đố đối phương cùng so tài cao thấp. Cứ thế trận đấu diễn ra sôi động, hấp dẫn cho đến khi người đánh trước hoặc người đánh sau bị lỗi nhịp hoặc thua sút về giai điệu thì thua. Tham gia đánh chiêng từ năm 14 tuổi, nghệ nhân Hồ Văn Biên nhớ lại: “Ban đầu, đấu chiêng dùng để thử tài những người sống chung trong nhà sàn dài hoặc trong một làng để xem ai đánh chiêng hay hơn, giỏi hơn, thuộc nhiều bài bản hơn và ứng tác giỏi hơn, cùng sự khéo léo, dẻo dai về thể lực trong suốt trận đấu. Trải qua thời gian, đấu chiêng là trò giải trí đặc biệt ngày càng có sức hấp dẫn lớn không chỉ dân trong làng mà còn cả khách ngoài làng cũng đến tham dự ngày hội”.
Tóm lại, chiêng được sử dụng trong những dịp quan trọng của đồng bào như lễ hội ngã rạ diễn ra vào tháng 11 âm lịch, dịp lễ để người Cor cảm tạ thần linh và nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày lao động nặng nhọc. Biểu diễn chiêng cũng được tổ chức trong các dịp lễ như giỗ ông bà, cúng thần, ngày hội Cồng Chiêng… Nghệ thuật cồng chiêng cũng là cách người Cor thăng hoa, thể hiện sự lãng mạn trong đời sống tinh thần.
4. Nghệ nhân người Cor truyền dạy di sản văn hóa đấu chiêng cho thế hệ trẻ
Thực hiện Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, thời gian qua, những người có uy tín, các già làng, trưởng thôn, nghệ nhân người Cor tại huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã tích cực tham gia gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Toàn huyện Trà Bồng đã hình thành và duy trì khoảng 15 câu lạc bộ, nhóm diễn tấu cồng chiêng. Không gian hoạt động của đấu chiêng người Cor là tại nhà văn hóa xã, thôn và thường xuyên tập luyện, giao lưu trong các ngày lễ, ngày hội tại địa phương và tham gia các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Thông qua các hoạt động mở lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng trong cộng đồng, số người biết đến cồng chiêng người Cor trên địa bàn huyện ngày càng nhiều và đa dạng về lứa tuổi. Đặc biệt, có những cháu còn rất nhỏ tuổi, chỉ từ 7-10 tuổi cũng hào hứng mặc trang phục dân tộc Cor, đi học diễn tấu chiêng và múa cà đáo...
Ngày 19-8-2022, tại thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng đã ra mắt và tổ chức Đại hội Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Cor lần thứ Nhất giai đoạn 2022-2027. Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thủy, thành viên câu lạc bộ, ông Hồ Văn Vinh chia sẻ: “Chúng tôi thành lập Câu lạc bộ từ năm 2022, nhưng trước đó tại thôn 2, chúng tôi đã tập hợp một đội văn nghệ chuyên đi diễn đấu chiêng và múa cà đáo của người Cor. Lợi thế lớn nhất trong đội văn nghệ là các thành viên trong đội đều là con cháu trong nhà, nên chủ nhiệm câu lạc bộ dễ điều hành. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã lan tỏa niềm đam mê với đấu chiêng cho nhiều người dân. Đến nay, CLB đã dạy được nhiều lớp, cho nhiều đối tượng, trong đó có học sinh, thày cô giáo, Đoàn Thanh niên trên địa bàn xã để biết đánh chiêng và múa cà đáo. Đồng thời, các thành viên trong câu lạc bộ cũng được mời đi giảng dạy cho các lớp truyền dạy đấu chiêng tại các xã, các huyện thành lập các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa người Cor”.
Từ hàng ngàn năm trước và cho đến ngày nay, trong nghệ thuật biểu diễn dân gian Việt Nam, công việc truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn được thực hiện theo lối truyền thống là truyền khẩu, cầm tay bẻ ngón. Một phương thức phổ biến nữa mang tính đặc thù của nghệ thuật dân gian là tính cha truyền con nối. Anh Hồ Văn Xu, 45 tuổi, cán bộ văn hóa xã, chia sẻ thế hệ của các cụ, các ông, các bác và anh trở về trước đã học và biết đánh chiêng từ nhỏ, tầm 7 tuổi, được truyền dạy trực tiếp từ người cha, người anh ruột thịt: “Từ nhỏ, anh đã được sống trong không gian văn hóa đậm bản sắc dân tộc với những lễ cúng, lễ hội của làng như lễ hội đâm trâu, Tết ngã rạ, mừng lúa mới, cúng thần... Vì thế, tình yêu, niềm đam mê văn hóa dân tộc được bồi đắp trong anh theo năm tháng”. Nhiều người như anh Hồ Văn Vinh, Hồ Văn Huy ở thôn Bắc, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng cũng không nhớ mình biết đánh chiêng từ lúc nào, chỉ nhớ rằng “thấy các cụ đánh chiêng mình rất thích, thường lắng nghe, để ý cách các cụ đánh chiêng, đánh trống, phân biệt từng điệu chiêng, tiếng trống rồi tập đánh, riết rồi thành quen”. Qua phỏng vấn, không ít người đề cập đến việc được quan sát thực hành đánh chiêng, đấu chiêng từ các bậc tiền bối từ năm này qua năm khác đã khơi gợi sự tò mò, thích thú, mong muốn được tự tay đánh cồng chiêng, học đánh chiêng một cách tự nguyện của lớp trẻ. Tuy nhiên, ngày nay, những gia đình còn giữ truyền thống chơi chiêng cho thế hệ sau ngày càng ít đi. Nghệ nhân Hồ Ngọc An, tuy đã bước qua tuổi 70, ông vẫn kiên trì, tích cực vận động con cháu và bà con buôn làng lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Ông đã tập hợp một số thanh niên trong thôn, trong xã để dạy đánh cồng chiêng cho đúng bài, đúng điệu. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của già làng, tiếng cồng chiêng vang xa đã cuốn hút đông đảo các thanh niên trong xã.
Các nghệ nhân cũng chủ động kết hợp với các trường tiểu học, trung học trên địa bàn xã, huyện tổ chức các lớp dạy đánh chiêng và đấu chiêng cho thày cô giáo và các em học sinh. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy là trường học đầu tiên trong huyện thành lập câu lạc bộ văn hóa dân tộc Cor trong học sinh. Năm 2023, câu lạc bộ có 30 thành viên gồm các em học sinh có niềm yêu thích, đam mê với văn hóa dân tộc và một số thày cô giáo nhà trường đã được nghệ nhân Hồ Ngọc An tập huấn đánh cồng chiêng, múa cà đáo. Cô Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: trong nhiều năm nay, nhà trường rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trong hoạt động giảng dạy nhà trường đã hướng dẫn giáo viên lồng ghép các nội dung về văn hóa dân tộc trong các tiết dạy ở các bộ môn liên quan, các tiết học trải nghiệm, nhà trường cũng đã tổ chức rất nhiều các hoạt động bảo tồn văn hóa cho học sinh như tổ chức Tết ngã rạ có các món ăn truyền thống như gói các loại bánh đặc trưng của đồng bào, tổ chức đánh cồng chiêng, múa cà đáo, mời nghệ nhân về dạy cồng chiêng, múa cà đáo cho học sinh.
Như vậy, truyền dạy nghệ thuật đánh chiêng và đấu chiêng của người Cor được thực hiện trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, đã từng bước hiện thực hóa vai trò của nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
5. Kết luận
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh điều kiện về kinh tế, xã hội, cộng đồng nào biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống thì cộng đồng đó sẽ bảo tồn tốt di sản. Trong di sản văn hóa của mình, người Cor còn bảo lưu nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo. Thế giới của âm thanh luôn hiện diện ở nhiều nơi trong cộng đồng Cor. Trong nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, người Cor đã sáng tạo ra một cách diễn tấu đặc sắc, mang đậm dấu ấn tộc người. Những người Cor gắn bó với quê hương, tộc người, gắn với di sản từ nhỏ, được học và thực hành hằng ngày, được truyền dạy, kế thừa rồi tiếp tục thực hành, trao truyền cho thế hệ kế tiếp... Họ chính là nguồn lực quý giá trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có di sản nghệ thuật đấu chiêng của người Cor, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
___________________
1. Nguyễn Trang, Quảng Ngãi: Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho 18 cá nhân, sggp.org.vn, 23-12-2022.
Tài liệu tham khảo
1. Cao Chư, Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor, Tổng thể và những giá trị đặc trưng, Nxb Khoa học xã hội, 2016.
2. Minh Đát, Đấu chiêng - nghệ thuật trong sinh hoạt cồng chiêng của người Cor ở Quảng Ngãi, Tạp chí Văn hóa các dân tộc, số 6 (196), 2010.
3. Nguyễn Thế Truyền, Dân ca, dân nhạc của người Cor ở Trà Bồng - Quảng Ngãi, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 5 (167), 1998.
4. Nguyễn Thế Truyền, Âm nhạc chiêng của người Cor ở Trà Bồng - Quảng Ngãi, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 3 (177), 1999.
5. Sơn Tùng, Cồng chiêng trong đời sống văn hóa dân tộc Cor Trà Bồng, Tạp chí Văn hóa các dân tộc, 2002.
Ths HOÀNG THỊ MAI SA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024