Dòng họ là một đơn vị xã hội quan trọng, có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử vận động và phát triển của cộng đồng dân tộc quốc gia Việt Nam. Các dòng họ lớn không chỉ để lại dấu ấn trên phương diện khai sơn phá thạch, mở nghề, khơi nguồn học phong, mà còn góp phần kiến tạo bản sắc văn hóa địa phương. Gia tộc Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh là một dòng họ tiêu biểu cho khuynh hướng quan trọng đó. Với hướng tiếp cận khu vực học, dựa trên các nguồn tư liệu thư tịch và điền dã, bài viết tập trung phân tích vai trò của dòng họ Nguyễn Huy đối với sự hình thành bản sắc văn hóa địa phương.
Thế hệ trẻ trên quê hương Can Lộc tìm hiểu về Mộc bản Trường Lưu được trưng bày ở UBND xã Trường Lộc - Ảnh: baohatinh.vn
1. Mở đầu
Nếu dõi theo quá trình ghi danh di sản thế giới (inscribing world heritage) ở Việt Nam trong 3 thập niên gần đây, chúng ta sẽ thấy một hiện tượng rất thú vị: trong vòng 7 năm (2016-2023), làng Trường Lưu (xã Trường Lộc cũ, nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có 3 di sản lần lượt được ghi danh là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Các di sản của làng Trường Lưu được UNESCO ghi danh gồm: Mộc bản trường học Phúc Giang (2016), Hoàng hoa sứ trình đồ (2018) và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (2023). Đây là hiện tượng rất hy hữu. Nhìn rộng ra cả nước, các di sản của làng Trường Lưu được xếp ngang tầm với những tư liệu nổi tiếng khác của Việt Nam như Mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long, châu bản triều Nguyễn, mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Từ rất lâu, trước khi được UNESCO ghi danh, đất Trường Lưu đã là một địa danh nổi tiếng về văn hiến của xứ Nghệ và Việt Nam. Đây là quê hương của dòng họ Nguyễn Huy với nhiều nhân tài có thành tựu rực rỡ về khoa cử, giáo dục và văn chương trải suốt 2 triều Lê và Nguyễn, mà gương mặt chói sáng nhất là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Nếu Nguyễn Huy Oánh là tác giả của Hoàng hoa sứ trình đồ thì con trai và cháu trai của ông - Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Huy Hổ, đã sáng tác nên các kiệt tác truyện Nôm như Hoa tiên truyện và Mai đình mộng ký, qua đó góp phần hình thành nên “văn phái Hồng Sơn” với sự góp mặt của 2 dòng văn đến từ 2 dòng họ lớn của Hà Tĩnh thời trung đại: họ Nguyễn Huy (Trường Lưu - Can Lộc) và họ Nguyễn (Tiên Điền - Nghi Xuân) (1).
Qua một vài dữ kiện nói trên, chúng ta đã nhận ra mối liên hệ khăng khít giữa văn hiến của đất Trường Lưu với ảnh hưởng của dòng họ Nguyễn Huy. Nói khác đi, các thế hệ danh nhân xuất thân từ dòng họ Nguyễn Huy đã có vai trò rất lớn trong công cuộc khai sơn phá thạch, định hình giá trị và kiến tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Trường Lưu. Những đóng góp của dòng họ Nguyễn Huy đã góp phần vào sự hình thành bản sắc văn hóa của vùng đất Trường Lưu.
2. Dấu ấn của dòng họ Nguyễn Huy trong dòng chảy văn hóa Trường Lưu
Khơi dòng khoa bảng và định hình truyền thống hiếu học
Từ khi về định cư ở đất Trường Lưu vào giữa TK XV đến nay, sau 600 năm, các thế hệ của dòng họ Nguyễn Huy đều theo đuổi sự nghiệp học hành, khoa cử và đã đạt nhiều thành tựu lớn, không chỉ làm rạng danh quê hương mà còn truyền cảm hứng cho nhiều dòng họ khác trong làng. Để rồi, hiếu học và đăng khoa trở thành một truyền thống lớn của đất Trường Lưu.
Truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Huy phát triển rực rỡ vào TK XVIII với vai trò khởi dựng của Nguyễn Huy Tựu và được nâng đến đỉnh cao bởi các thế hệ con, cháu, chắt của ông gồm các gương mặt tiêu biểu như: Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, Tiến sĩ Nguyễn Huy Tự, Cử nhân Nguyễn Huy Hổ. Di sản tư liệu của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu như văn bia Nguyễn Thám hoa gia phả ký, gia phả Phượng Dương Nguyễn tông thế phả và văn tập Nguyễn thị gia tàng cho thấy trong 16 đời liên tiếp, dòng họ có 92 người đỗ đạt khoa cử (2).
Noi theo gương hiếu học của dòng họ Nguyễn Huy, từ thời trung đại cho đến nay, Trường Lưu luôn nổi lên như một miền đất vinh hiển về đường khoa hoạn. Tấm bia đá trong đình làng Trường Lưu ghi danh 30 người con của làng đỗ tiến sĩ ở TK XVIII, XIX và rất nhiều hương cống, cử nhân. Để nêu cao truyền thống hiếu học, Trường Lưu là làng hiếm hoi ở Việt Nam duy trì ruộng học điền suốt từ thời phong kiến đến giai đoạn gần đây. Sau 1975, tuy bối cảnh bao cấp còn nhiều khó khăn, hợp tác xã nông nghiệp Trường Lưu vẫn duy trì thông lệ: gia đình nào trong làng có con thi đậu đại học thì hợp tác xã cấp cho một sào ruộng loại tốt để bố mẹ cày cấy lấy lương thực nuôi con ăn học. Đến khi con tốt nghiệp thì trả lại phần ruộng đó để hợp tác xã chuyển sang cho gia đình khác. Chế độ học điền rất nhân văn ấy đã giúp nhiều thanh niên Trường Lưu ăn học thành tài và mới chỉ kết thúc sứ mệnh của nó cách đây vài năm do không còn cần thiết nữa (3). Ngày nay, làng Trường Lưu nói riêng và xã Kim Song Trường nói chung vẫn là nơi cung cấp nhiều nhân tài cho đất nước. Có thể kể đến một vài cái tên tiêu biểu như: GS, TS Nguyễn Đình Tứ - nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; GS, TS, NGND Trần Huỳnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất; GS Nguyễn Trọng Thụ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội (làng Yên Tràng)... Riêng gia đình GS Trần Huỳnh có đến 3 thế hệ đều là tiến sĩ: TS Trần Huỳnh, TS Trần Hồng Sơn, TS Trần Hồng Hà, TS Trần Hồng Hải, TS Trần Hồng Thái, TS Trần Hồng Lam và cháu Trần Thị Hà Mi (4).
Đào tạo nhân tài
Truyền bá giáo dục và đào tạo là một hoạt động xuyên suốt trong lịch sử phát triển của dòng họ Nguyễn Huy. Kể từ đời cụ viễn tổ là cụ Nguyễn Uyên Hậu cho đến các thế hệ về sau, trong dòng họ có rất nhiều người chọn nghề dạy học và trở thành những người thày nổi tiếng. Trong đó, người thày có nhiều thành tựu nhất là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789). Khi đang ở đỉnh cao danh vọng và quyền lực, vào năm 1783, Nguyễn Huy Oánh đã từ chối chức Tham tụng (tương đương với Tể tướng) của triều đình, cáo lão về quê, chuyên tâm vào sự nghiệp giáo dục nhân tài. Sự nghiệp đào tạo và giáo dục của Nguyễn Huy Oánh ở Trường Lưu đã được Nguyễn Huy Vinh (1770-1881) - hậu duệ của ngài Thám hoa mô tả cô đọng và hấp dẫn trong tác phẩm Nguyễn thị gia tàng như sau: “Ngài (Thám hoa Nguyễn Huy Oánh) từng cho xây dựng thư viện Phúc Giang, đặt ruộng Nghĩa tộc, định quy chế; lại lập Hội Trường Ân, nhằm tập hợp các con em trong làng,… Trong giảng dạy, ngài dựa vào khả năng của từng người để giúp họ đạt được thành tựu. Các danh sĩ có tiếng một thời đều học với thám hoa. Học trò thường đến mấy nghìn người, trong đó thi đỗ cao và làm quan đồng triều có hơn 30 người,… Còn trong thì có các vị Phiên đạo, ngoài có các quan Thừa hiến, đâu cũng gặp các học trò của ngài. Đến như những người thành danh, từ Giải nguyên, Tri huyện, Tri phủ đến Giám sinh thì rất nhiều” (5).
Cách đào tạo khá quy củ, lập thư viện, soạn giáo trình, thuê người thợ tận làng Liễu Tràng (Hải Dương) về khắc mộc bản và in. Cho đến nay, trong làng còn lưu giữ 383 mộc bản của Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện. Trường Phúc Giang còn có ruộng Hương điền để giúp học trò nghèo có lương ăn để chuyên tâm học hành. Rõ ràng, đây là một trung tâm đào tạo nhân tài cho triều đình Hậu Lê, theo đúng mô hình của Quốc Tử Giám ở Thăng Long (6).
Trong số 30 tiến sĩ là học trò của Nguyễn Huy Oánh, nổi bật là danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), người Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm 1779, làm quan đến chức Thiêm sai tri công phiên. Một danh sĩ nổi tiếng khác là Phạm Nguyễn Du (1739-1786), người Nghệ An, đỗ Hoàng giáp năm 1779, làm quan đến chức Giám sát ngự sử, Đốc đồng. Ghi nhận tài năng, tâm huyết của Nguyễn Huy Oánh với sự nghiệp giáo dục, triều đình đã phong cho ông là Uyên phổ hoằng dụ đại vương và sắc phong có ghi trang trọng: “Nối nguồn thơm từ Khổng Tử; rạng dòng tốt bởi núi Ni; lấy văn trồng người mở kế trăm năm” (7).
Kiến tạo cảnh sắc quê hương
Từ giữa TK XV, khi cụ Nguyễn Uyên Hậu - viễn tổ của dòng họ Nguyễn Huy về Trường Lưu lập làng, nơi đây đã là một làng quê bình yên, tươi đẹp, vượng khí với núi Cài có thế “phượng Hoàng ấp trứng” và dòng Phúc Giang thơ mộng. Tuy nhiên, phải đến cuối TK XVIII, khi đại quan triều đình Nguyễn Huy Oánh về quê trí sĩ thì cảnh sắc Trường Lưu còn đặc biệt hơn nữa do vị Thám hoa này đã tự bỏ tiền của và kêu gọi người dân trong họ ngoài làng cùng đóng góp sức người, sức của để tạo nên “Trường Lưu bát cảnh”. Từ đó, Trường Lưu trở thành một vùng thắng cảnh nổi tiếng của xứ Nghệ và cả nước. Theo các cụ già ở Trường Lưu, “bát cảnh Trường Lưu” gồm: Quan thị triêu hà (Ráng sớm trước chợ Quan); Phượng sơn tịnh chiếu (Nắng chiều trên núi Phượng); Hân tự hiểu chung (Chuông gọi sáng chùa Hân); Nghĩa thương vãn thác (Tiếng mõ chiều kho Nghĩa); Cổ miếu âm dung (Bóng rợp che cổ miếu); Liên trì nguyệt sắc (Ánh trăng dưới hồ sen); Thạc tính tuyền hương (Hương thơm nước giếng Thạc); Nguyễn trang hoa mỵ (Hoa đẹp trong trang viên họ Nguyễn).
Với niềm tự hào sâu sắc, để cho ai đi xa cũng nhớ về quê hương xứ sở, người Trường Lưu đã đặt 8 câu thơ để miêu tả về Bát cảnh như sau: Ráng bạc chợ Quan lúc tảng sáng/ Nắng viền núi Phượng lúc hoàng hôn/ Chùa Hân buổi sớm hồi chuông gọi/ Kho nghĩa chiều hôm tiếng mõ dồn/ Rậm rạp bóng cây che miếu cổ/ Lung lay bóng nguyệt chiếu hồ sen/ Nguyễn trang hoa đẹp nhìn ưa mắt/ Giếng Thạc dòng thơm uống tỉnh hồn (8).
Như vậy, với công lao khai phá, kiến tạo của Nguyễn Huy Oánh, từ cuối TK XVIII, Trường Lưu đã có một hệ thống cảnh quan hết sức hoàn chỉnh, văn minh, tao nhã và thơ mộng với trường học, thư viện, chùa miếu cổ, vườn hoa, hồ sen bốn mùa ngát hương, giếng khơi trong mát cung cấp nước sạch cho dân làng. Đặc biệt, làng còn có kho nghĩa thương do các danh nhân họ Nguyễn Huy và dân làng xây dựng để xóa đói, giảm nghèo, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn…
Sau nhiều thế kỷ, “bát cảnh Trường Lưu” nay chỉ còn một vài dấu tích, nhưng ý thức kiến tạo cảnh sắc quê hương vẫn trở thành mạch ngầm chi phối nhận thức và cách ứng xử của con người Trường Lưu hiện đại. Một mặt, người dân Trường Lưu có ý thức cao độ trong việc giữ gìn các di sản của cha ông. Ngoài 3 di sản được UNESCO ghi danh, trong làng còn có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia gồm các đền thờ: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Tự (1743-1790) và Nguyễn Huy Hổ (1783-1841); 10 di tích cấp tỉnh là đền thờ Nguyễn Uyên Hậu, mộ Nguyễn Công Ban (1630-1711), mộ Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), mộ Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), đền thờ Nguyễn Huy Vinh (1770-1819), đền thờ Nguyễn Duy (Ất Mùi - 1895)… Trong quan niệm của người dân địa phương, gìn giữ di sản không chỉ để tri ân các bậc tiền nhân, mà còn là cách để truyền thống tham gia vào đời sống hiện tại như một động lực thúc đẩy thế hệ trẻ phấn đấu vươn lên theo tấm gương người xưa. Mặt khác, trong đời sống thường nhật, người dân Trường Lưu luôn ý thức bài trí, chăm sóc khuôn viên gia đình sao cho trang nhã và tinh tế nhất có thể. Một thày giáo đã về hưu giải thích nếp sống này như sau: “Sống sang, sống đẹp đã trở thành một loại tiêu chuẩn, một kiểu tinh thần để các gia đình ở Trường Lưu hướng đến. Các gia đình có thể không giàu có về vật chất, nhưng cần phải toát lên sự tinh tế, sang trọng. Tinh tế qua cách bài trí khuôn viên gia đình. Sang trọng trong cách hưởng thụ thiên nhiên. Mà không chỉ lo cho nhà đình đẹp, còn phải biết làm đẹp, làm sạch cho xóm làng. Đó là cái gen thẩm mỹ do cụ Thám hoa truyền lại qua nhiều thế hệ” (9).
Làm giàu kho tàng folklore và thúc đẩy giao lưu văn hóa
Nếu ví dặm là một loại hình văn nghệ đặc trưng của folklore xứ Nghệ, thì Trường Lưu lại là một trong những cái nôi tiêu biểu của ví dặm Nghệ Tĩnh. Chính các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy, bằng sự tài hoa và tâm huyết của họ, đã nâng tầm hát ví Trường Lưu, từ đó, biến Trường Lưu thành một trung tâm giao lưu văn hóa sôi động bậc nhất ở Nghệ Tĩnh thời trung và cận đại.
Trong quãng thời gian từ TK XVIII đến TK XIX, các thế hệ văn nhân của dòng họ Nguyễn Huy, trong vai trò “thày dùi” hay “ông trùm”, đã tham gia soạn lời để các o xinh đẹp, duyên dáng và thông minh của đất Trường Lưu đối đáp với văn nhân tài tử bốn phương trong vô số cuộc thi hát mà nhiều cuộc trong số đó đã trở thành giai thoại, huyền thoại... Chính điều này đã phả hơi thở bác học vào câu hát ví, khiến cho ví dặm Trường Lưu trở thành thương hiệu, và Trường Lưu không chỉ là nơi giao lưu ví dặm mà còn là trung tâm giao lưu văn hóa. Đại thi hào Nguyễn Du, và các danh nhân xứ Nghệ khác như Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu đã đến Trường Lưu trong bối cảnh như thế. Họ đến Trường Lưu không chỉ để trao đổi thơ văn bác học mà còn để tắm gội vào dòng sông mát mẻ của văn hóa dân gian (10). Theo cố học giả Thái Kim Đỉnh, “đầu năm Bính Thìn (1796) Nguyễn Du về quê Tiên Điền và ở lại đây cho đến năm 1802. Hồi ấy ở Tiên Điền rất thịnh hành hát ví, hát phường nón, phường vải, có những thời gian Hầu [Nguyễn Du] đánh đàng sang Tràng Lưu cùng các ông bạn hát phường vải”... “Các cô gái Trường Lưu đều quen biết và quý trọng Hầu. Hầu cũng rất mến các cô và tôn trọng mọi quy ước trong lúc hát” (11). Điều đáng nói là chính quãng thời gian đi về, lui tới giữa 2 miền Trường Lưu và Tiên Điền đã cung cấp nhiều chất liệu văn chương quý giá để sau này Nguyễn Du viết nên Truyện Kiều. Trong không gian văn hóa Trường Lưu, Nguyễn Du vừa đối thoại, giao lưu văn hóa, văn chương với những thi nhân uyên bác và tài hoa của dòng họ Nguyễn Huy, đặc biệt là Nguyễn Huy Tự - tác giả của Hoa tiên truyện. Hoa tiên truyện là truyện thơ viết theo thể lục bát, được xem là dấu mốc mở đầu cho thể loại truyện Nôm bác học. Mặt khác, lối văn hát phường vải Trường Lưu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lựa chọn đưa các chất liệu dân gian vào Truyện Kiều của Nguyễn Du. Học giả Hoàng Xuân Hãn đã xác tín thực tế đó như sau: “...Tôi đã ngỏ ý rằng, nguồn gốc văn Kiều nằm ở sự tập tục trong gia đình, trong xứ sở, trong bằng hữu ở vùng núi Hồng sơn… Nay nhân ngày giỗ cụ, tôi xin nói về một nguồn gốc khác của văn cụ: lối văn hát phường vải”... (12).
Không những thế, sự giao lưu văn hóa giữa 2 trung tâm Tiên Điền và Trường Lưu đã góp phần tạo nên văn phái Hồng Sơn trong lịch sử văn hóa, văn học Việt Nam thời trung đại. Điểm nổi bật của văn phái Hồng Sơn là có số lượng tác giả, tác phẩm đông đảo, đề tài sáng tác đa dạng. Cùng tiếp thu, ảnh hưởng của văn hóa kinh kỳ Thăng Long, nhưng dấu ấn văn hóa dân gian, văn hóa bản địa vẫn chiếm ưu thế nổi bật, thể thơ lục bát dân tộc được sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo và mang lại rất nhiều thành công. Và dù không sinh hoạt văn chương theo kiểu văn hội, văn đàn, nhóm văn... nhưng văn phái Hồng Sơn lại có tính thống nhất khá cao trong phương thức sáng tác. 2 dòng văn Tiên Điền và Trường Lưu luôn có sự trao đổi, giao lưu, đàm đạo văn chương, qua đó ảnh hưởng lẫn nhau, tạo nên sự hợp lực và một bầu không khí sinh hoạt văn hóa sôi động, phong phú cho vùng quê núi Hồng sông Lam (13).
Kết luận
Do bối cảnh lịch sử, tự nhiên và xã hội đặc thù, quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh và Nghệ An) chứng kiến vai trò “trung tâm”, đầu tàu về phát triển kinh tế, xã hội và vun bồi sự nghiệp văn hóa - giáo dục của một số dòng họ lớn. Dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu (nay thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là một đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng đó. Trải qua 6 thế kỷ định cư ở Trường Lưu, các thế hệ danh nhân của dòng họ Nguyễn Huy đã góp phần to lớn trong việc định hình bản sắc văn hóa địa phương và lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp đến các địa phương khác trong vùng. Một mặt, dòng họ Nguyễn Huy đã có công khơi dòng khoa bảng, định hình truyền thống hiếu học và đào tạo nhân tài. Mặt khác, gia tộc này cũng là nhân tố trung tâm trong việc kiến tạo cảnh quan quê hương, góp phần làm giàu kho tàng folklore và thúc đẩy giao lưu văn hóa vùng. Những đóng góp đa dạng của dòng họ Nguyễn Huy đối với quê hương đã được kết tinh qua 3 di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh: Mộc bản Trường Lưu, Hoàng hoa sứ trình đồ và Tư liệu Hán nôm làng Trường Lưu. Điều đáng nói là ngày nay, di sản của dòng họ Nguyễn Huy vẫn tiếp tục tỏa sáng, âm thầm chi phối nhận thức, tư duy và cách ứng xử của người dân Trường Lưu, tạo nên tính bền vững của di sản trong bối cảnh hiện đại.
_______________________
1. Văn phái Hồng Sơn là khái niệm được Hoàng Xuân Hãn dùng đầu tiên trong lời giới thiệu về tác phẩm Mai đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ, in trên Tạp chí Thanh Nghị năm 1943: “Nay đọc Mai đình mộng ký ta thấy từ cách dùng chữ đến cách đặt câu đều giống như trong Hoa Tiên và Kiều, ta phải coi ba áng văn ấy là của một phái, một nhà, truyền từ người nọ đến người kia, của Hồng Sơn văn phái”.
2. Phan Thanh Hoàng - Nguyễn Xuân Bảo, Giá trị di sản hoành phi câu đối tiêu biểu của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu và những vấn đề đặt ra, tập 52, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh, Đại học Vinh, số 3B, 2023, tr.15-28.
3, 8. Tư liệu do nhóm tác giả thu thập trong quá trình thực địa.
4. Bùi Đức Hạnh, Kim Song Trường - Vùng đất danh nhân hiếu học ở Hà Tĩnh, baohatinh.vn, 29-2-2020.
5. Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn thị gia tàng (Lê Hữu Nhiệm dịch), Nxb Đại học Vinh, TP. Vinh - Nghệ An, 2019, tr.234-236.
6. Trịnh Sinh, Trường Lưu: Mỏ vàng di sản và du lịch, baotanglichsu.vn, 3-11-2021.
7. Trần Hòa, Nguyễn Huy Oánh - thám hoa tài danh bậc nhất nước Nam, giaoducthudo.giaoducthoidai.vn, 20-6-2022.
9. Phỏng vấn thày giáo Nguyễn Huy A tại làng Trường Lưu - Kim Song Trường - Can Lộc - Hà Tĩnh, 10-3-2024.
10. Ninh Viết Giao, Văn hóa làng Trường Lưu, Tạp chí Văn học, số 4, 1994, tr.35.
11. Thái Kim Đỉnh, Truyện Kiều và Thơ văn quanh Truyện Kiều, Nxb Đại học Vinh, TP. Vinh - Nghệ An, 2015, tr.529.
12. Hoàng Xuân Hãn, Nguồn gốc văn Kiều: hát phường vải Trường Lưu, Tạp chí Thanh Nghị, số 47, Hà Nội, 1943, tr.16.
13. Nguyễn Tùng Lĩnh, Thêm vài suy nghĩ về vai trò của Hoa Tiên trong văn phái Hồng Sơn, tập 50, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh, số 3B, 2021, tr.568.
Tài liệu tham khảo
1. Thái Kim Đỉnh, Một vùng ví dặm, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số ra ngày 10-12-2011.
2. Hữu Ngọc, Nguyễn Đức Hiền, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
TS ĐẶNG HOÀI GIANG - BÙI THỊ THÙY DUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024