Hình tượng con rắn trong văn hóa Việt

Tóm tắt: Con rắn không chỉ đơn thuần là một loài vật, mà còn là một biểu tượng phong phú, mang nhiều ý nghĩa tâm linh và văn hóa trong đời sống người Việt. Rắn xuất hiện trong các truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ, thành ngữ với nhiều vai trò khác nhau. Rắn được thờ phụng, gắn liền với các nghi lễ và tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu. Hình tượng con rắn đã tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và đa dạng.

Từ khóa: con rắn, biểu tượng, tín ngưỡng.

Abstract: More than just an animal, the snake is a rich symbol carrying numerous spiritual and cultural meanings in the lives of the Vietnamese people. The snake appears in legends, fairy tales, folk songs, proverbs, and idioms with various roles. It is worshiped and associated with folk rituals and beliefs, especially the Mother Goddess worship. The snake image has created a rich and diverse folk culture treasure trove.

Keywords: snake, symbol, belief.

Múa rắn trong Lễ hội làng Lệ Mật - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

1. Dẫn nhập

Trên tiến trình lịch sử nhân loại, trải qua hàng vạn năm, đời sống văn hóa của con người ở mọi vùng đất luôn được tiếp nhận hoặc thuần hóa chinh phục các con vật có thực ngoài đời để rồi sáng tạo ra các hình tượng loài vật trong tâm thức, đưa nó bước vào con đường hiện tồn trực diện hay ảo ảnh, mang tính biểu tượng/ biểu trưng theo nhiều cách thức khác nhau cho chính nền văn hóa, tín ngưỡng, tập tục, lối sống với những dấu hiệu mang bản sắc - đặc trưng cho một vùng miền, một cộng đồng người hoặc một dân tộc nhất định. Trong số vô vàn những loài vật đó, ở bất kỳ vùng đất gắn với thung lũng, sông nước hay núi cao, biển đảo hay lục địa nào, con rắn cho dù là động vật hoang dã tồn tại trong thiên nhiên nhưng luôn được coi như một trong những sinh thể hiếm hoi mang ý nghĩa biểu tượng/ biểu trưng phong phú nhất, từ thuở sơ khai của lịch sử nhân loại đến hiện tại, hiện diện trong/ vào mọi ngóc ngách của đời sống thực tại hay đi vào tâm thức tâm linh như một thế lực vô hình nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân sinh của con người.

Là loại vật mang nhiều tên gọi khác nhau (hổ mang, cạp nong, cạp nia, mai gầm, sọc dưa, hổ đất, rắn lục, rắn ráo, rắn chuông…), con rắn là một trong những biểu tượng thần thoại lâu đời nhất và phổ biến nhất trong lịch sử nhân loại. Nhìn từ góc độ văn hóa, có thể thấy rõ, xuyên suốt các nền văn hóa - văn minh từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, rắn gần như len lỏi vào mọi ngõ lối của vũ trụ và đời sống con người, đồng thời nhiều khi trở thành mẫu số chung cho biểu tượng trong tâm thức của con người về nước, lửa, linh hồn, nhục dục, tinh khôn, lắt léo; là biểu tượng mang tính hai mặt, vừa mang lại điều thiện hỗ trợ đời sống con người trong ẩm thực, làm thuốc chữa bệnh, phù trợ tâm linh, thậm chí được tôn sùng như sự hiện diện của những vị thần có uy lực tối cao, mặt khác, sẵn sàng làm điều ác, giương nọc giết người, hại vật nuôi, đe dọa sự sống con người ở bất kỳ hoàn cảnh, vị trí nào trong cuộc sống thường nhật.

Nhìn về quá khứ, giới khoa học cho rằng, dường như tín ngưỡng thờ rắn ở quê hương của kim tự tháp là Ai Cập có thể được coi là cổ xưa nhất. Hình tượng những con rắn du nhập vào các tôn giáo Ai Cập như một biểu tượng của thánh thần với sức hút đến mê hoặc, nhiều khi được con người sùng bái và coi như đang đón nhận những lời tiên tri, sấm truyền từ chính đấng tối cao trong vai một vị thần hiện về trong dáng vóc người rắn, thậm chí còn được coi như đây chính là vị thần hộ mệnh cho các vua chúa qua các triều đại. Trong khi đó, tại Hy Lạp cổ đại, rắn lại được dẫn dụ qua các trang thần thoại tuy có lúc hiện hình như một loại địch thủ nguy hiểm nhưng không hề lộ dáng vẻ biểu tượng cho sự ác độc mà lại gắn với vai trò của những vị thần đất, cai quản âm phủ, phù trợ cho cả miền cư trú của con người.

Với các nước phương Đông, hình tượng rắn hiện diện trong một số nền văn hóa chiếm những vị trí quan trọng, thể hiện những diện mạo đa dạng và khác nhau, thậm chí đối lập nhau như gương mặt của ông thiện, ông ác, hiện thân của vị thần chuyên làm điều tốt hay xấu, ghét bỏ hoặc tin yêu con người… Chính vì thế, những vị thần rắn qua tâm thức của cộng đồng và quan niệm của quá trình sáng tạo trong tâm thức dân gian đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho chính nền văn hóa của từng dân tộc. Thần thoại nổi tiếng của Trung Quốc Bạch Xà truyện luôn chứa đựng hình ảnh vị thần Phục Hy hay Nữ Oa có diện mạo đầu người mình rắn, đuôi rắn, tuy nhìn dữ dằn nhưng lại chỉ hướng tới việc thiện giúp đỡ dân lành, đội đá vá trời, cứu mùa màng trước mưa bão hủy diệt đời sống chúng sinh. Với Nhật Bản, rắn len cả vào Thần đạo được thần thoại truyền lưu hiệu danh Bát kỳ đại xà, được dân chúng tôn sùng và tri ân. Tại đất Thái Lan, quê hương của vô số cung điện, chùa tháp lộng lẫy, hoành tráng được người dân lấy làm không gian phụng thờ rắn, coi đó là lực lượng thần linh luôn mang lại may mắn cho con người. Đến với các đền thờ rắn của người Khmer, du khách chạm mặt hàng loạt rắn khổng lồ ngay tại cầu thang hay trên lối đi được coi là chuyện thường ngày và chủ nhân coi đó là những vị thần canh giữ cho ngôi đền bình yên, xua đuổi tà ma không cho quấy phá khách hành hương. Nhưng song hành với các quan niệm đó còn là những cách hiểu, cách nhận thức coi rắn như những lực lượng thần bí có sức mạnh tàn ác, sẵn sàng gây hại cho cộng đồng, vì vậy cần phải thờ cúng, sùng bái như ứng xử với những thần linh để rắn không về gây hại cho con người nói chung.

Thực tế đó cho thấy, rõ ràng con rắn đã đi vào thế giới biểu tượng ở mỗi dân tộc mang những biểu trưng vừa có nét chung từ nét đặc trưng của loài rắn ngoài đời với sức mạnh và sự khôn khéo của kẻ săn mồi, vừa sẵn sàng phun độc giết người hoặc đứng về phía con người để làm điều thiện, mang ý nghĩa nhân sinh gắn với những tập quán, tín ngưỡng của từng dân tộc, tộc người nhất định, được các tôn giáo thu nạp một cách phù hợp.

Với người Việt, con rắn hiện diện trong kho tàng văn hóa dân gian lại được sáng tạo một cách đa dạng, sinh động với những biến thể khác nhau, từ hệ thống tên gọi - giống như cách gọi chung theo đặc tính sinh tồn và dáng vóc của con rắn như hổ mang, hổ châu, rắn ráo, rắn lục, rắn chuông… còn là những cái tên mang tập tục hay phương ngữ địa phương như chằn tinh, giao long, thuồng luồng, mãng xà, ông giải, thậm chí là con rồng… cho đến các cách thức thờ phụng, sùng bái thông qua các hình thức thực hành tín ngưỡng tại các không gian thiêng ở các địa phương khác nhau. Đó cũng chính là các yếu tố dữ liệu cung cấp cơ sở để trở thành các hình ảnh tạo đà cho cảm hứng sáng tạo nghệ thuật ngôn từ (cổ tích, ca dao tục ngữ, thành ngữ) và mỹ thuật tạo hình dân gian qua các thế hệ.

2. Hình tượng rắn trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ dân gian Việt

Với người Việt, có lẽ sự hiện diện con rắn trong tiềm thức của con người được biểu hiện và gửi gắm sớm nhất qua biến thể giao long trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, câu chuyện tái hiện nguồn gốc thủy tổ dân tộc Việt và huyền thoại Thánh Gióng chém chết Giao long để cứu mẹ thời các Vua Hùng, thể hiện tấm lòng báo hiếu của người con luôn vì dân vì nước. Bước vào thế giới cổ tích, rắn còn hiện diện qua nhiều biến thể trong các vai của trăn tinh hay chằn tinh. Người Việt qua các thế hệ vẫn truyền lưu cổ tích Thạch Sanh nổi tiếng, trong đó ám ảnh hình tượng con chằn tinh vốn được tu luyện lâu năm chuyên đi hại người, bắt dân làng thường niên phải hiến sinh cho nó một mạng người, nhưng cuối cùng đã bị tiêu diệt bởi tráng sĩ Thạch Sanh hiền lành, dũng cảm. Trong bộ Kho tàng cổ tích Việt Nam (Nguyễn Đổng Chi) đã sưu tập hơn chục truyện đề cập đến hình tượng con rắn với các biến thể khác nhau như giao long, thuồng luồng, chằn tinh, mãng xà, xà tinh, trong đó có truyện kể về tính thiện của loài rắn, giúp đỡ dân làng, được người dân ca ngợi, phụng thờ, lại có truyện trực diện coi rắn là loại ác độc, chuyên làm hại dân lành, bị người dân xa lánh, ghét bỏ. Bên cạnh sự hiện diện của con rắn với các vai vế và biến thể tên gọi khác nhau trong kho tàng truyền thuyết và cổ tích, chúng ta còn có thể nhận diện được khá rõ hình tượng con rắn được tiếp nhận, phản ánh qua kho tàng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, đồng dao của người Việt. Đằng sau mỗi câu tục ngữ, thành ngữ hoặc mỗi bài ca dao, đồng dao là bóng dáng muôn hình vạn trạng của con rắn trong các hành trạng hay ngóc ngách của đời sống dân chúng từ những bối cảnh khác nhau, từ các cách biểu hiện mang tính ẩn dụ hay trực diện bộc lộ những biểu cảm, thái độ khác nhau. Chính vì thế, ngay tại thời điểm của xã hội đương đại, người đời vẫn truyền tụng, vận dụng các câu tục ngữ, thành ngữ quen thuộc, thay cho các minh giải hay suy nghĩ của mình về người đời, về cuộc đời và thế sự. Đó là sự quen thuộc của hàng loạt tục ngữ, thành ngữ: Khẩu Phật tâm xà (Kẻ đạo đức giả, miệng nói thương người, lòng dạ ác hiểm, hãm hại kẻ khác); Miệng hùm rắn độc (Chỉ nơi hiểm nguy độc địa); Vẽ rắn thêm chân (Chỉ những việc làm không cần thiết, thừa thãi phản tác dụng); Hùm tha rắn cắn (Không gặp tai ương này thì gặp hoạn nạn khác)…

Và trong thế giới của ca dao, đồng dao, hò vè, con rắn cũng luôn được viện dẫn hoặc vay mượn hình ảnh để minh họa cho những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm, thái độ của con người trong mối quan hệ với môi trường văn hóa sinh thái, môi trường văn hóa nhân văn và môi trường văn hóa xã hội. Đó có thể là tiếng hát vui nhộn, giải trí hồn nhiên của người lao động trong thời khắc ngơi nghỉ ngoài đồng: “Bao giờ cho đến tháng ba, ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng”; “Rồng rắn lên mây có cái cây núc nác, có nhà hiển vinh!”. Cũng có thể hình ảnh rắn được vay mượn để thể hiện thái độ trước các mối quan hệ xã hội, ý thức về sự phân chia giàu nghèo, qua đó gửi gắm lời nhắc nhở bóng gió nhưng thâm thúy và có ý nghĩa cảnh tỉnh: “Khó khăn ở quán ở lều; Bà cô, ông cậu chẳng điều hỏi sao; Giàu sang ở tận bên Lào; Hùm tha rắn cắn, tìm vào cho nhanh”. Nhưng nhiều khi hình ảnh rắn lại được vay mượn để nhen lên những câu hát nghĩa tình, giận hờn bóng gió, nhẹ nhàng nhưng cũng thâm thúy và có văn hóa ngay trong bối cảnh gặp nhau giữa hội làng: Con rắn hổ đất nằm trên cây thục địa; Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên; Trách anh bạn tình gian dối đảo điên; Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền bỏ em!”. Hoặc trong lời bộc bạch tâm sự chân thật, tuy mộc mạc nhưng ấm lòng bởi mối tình chung thủy: “Đôi ta như rắn liu điu; Nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau !...”. Và như vậy, trong thế giới của nghệ thuật ngôn từ dân gian, qua hệ thống truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ, thành ngữ... dễ dàng nhận diện được hình tượng - hình ảnh con rắn với các biến thể đa dạng khác nhau, vừa gắn với cái ác, gian manh, lọc lừa (nọc độc giết người, sống trong bóng tối), khó làm thân thiện; nhưng cũng có thời khắc rắn được coi là người bạn phù trợ mỗi khi gặp hoạn nạn về vật chất hay tình cảm, nhất là đối với thành phần ở đáy xã hội. Cũng vì những đặc tính khó để con người thân thiện ở rắn, mà, trải qua những trải nghiệm trong cuộc sống, tiềm thức con người lại hướng đến sợ rắn, cầu thân với rắn, cầu mong rắn không ác hại với con người và đi đến thần thánh hóa loài rắn, rước rắn vào không gian thiêng ở các điện thờ, coi rắn như một vị thần bổ trợ trong đời sống văn hóa tâm linh cộng đồng qua các thế hệ.

3. Hình tượng rắn trong thực hành tín ngưỡng của người Việt

Từ buổi bình minh của nhân loại, tục thờ rắn đã ra đời và bám trụ ở nhiều nền văn minh cổ đại. Cũng theo tín ngưỡng mang tính nhân loại ấy, tục thờ rắn đã là một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt với ý nghĩa thờ Thủy tổ và thờ Thủy thần. Là cư dân có nguồn gốc nông nghiệp của văn minh lúa nước, sinh kế trên địa hình một châu thổ có nhiều sông ngòi giăng mắc nối các vùng quê với nhau. Đó cũng là môi trường thuận lợi để loài rắn sinh sôi nảy nở, cọ xát với đời sống của con người. Mang hai thuộc tính tốt (góp phần vào ẩm thực, ngâm thuốc chữa bệnh) và xấu (nọc độc giết người và súc vật), rắn đã được hình tượng hóa và thần thánh hóa, trở thành lực lượng thần bí siêu nhiên, vừa có khả năng giúp con người bảo tồn nòi giống, mang lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng tươi tốt, lại có lúc trở thành thế lực tàn phá mùa màng, dâng lũ lụt, gieo chết chóc cho con người. Vì thế, con người vừa săn đón rắn để phục vụ ẩm thực, làm thuốc chữa bệnh, dự báo tin lành; vừa sợ hãi, tôn sùng rắn như những vị thần, rước vào điện thờ để phụng thờ, nhang khói quanh năm với ước vọng cầu thiện, cầu hòa cho cuộc sống bình yên, sinh sôi nảy nở qua các thế hệ. Chính vì thế, hàng loạt các đền thờ rắn với vị thế và trọng trách phụng thờ thủy thần đã xuất hiện cắm chốt ven dọc theo các dòng sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình và dường như gần khắp các con sông lớn, nhỏ của châu thổ Bắc Bộ, đặc biệt nhất là tại các con sông có khả năng dâng nước gây lũ lụt, vỡ đê hằng năm. Rồi lại ngược lên các con sông, nhánh sông thuộc các vùng trung du và miền núi phía Tây Bắc và xuôi vào vùng đất Nam Trung Bộ và Nam Bộ trên tiến trình dựng nước - mở nước và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng ở các địa phương của các dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc. Trong các không gian thiêng của các đền, miếu, điện, phủ, dù là phụng thờ các nhân vật lịch sử hay siêu nhiên, thờ trực tiếp thần rắn hay các vị thần huyền thoại khác, luôn luôn có sự hiện diện của bóng dáng những “ông rắn” tượng hình án ngữ ở những vị trí trang trọng nào đấy ngoài tiền đường hay trong các hậu cung kỳ bí. Hoặc nếu không hiện diện qua cách tạo hình tại không gian thiêng của các điện thờ, thì ông rắn lại được đồn thổi gắn với hoàn cảnh mang thai, sinh nở của các bà mẹ, những người đã sinh ra những người con trong những hoàn cảnh, bối cảnh đặc biệt kỳ lạ, khác thường, trở thành dấu hiệu báo trước cho sự xuất hiện các nhân vật anh hùng, thần thánh, có sự nghiệp vĩ đại đóng góp vào chiến công dựng nước hay giữ nước của dân tộc (sự tích các đền thờ Trương Hống, Trương Hát dọc sông Cầu, sông Thương, sông Đuống; sự tích đền thờ Linh Lang dưới triều Lý; sự tích đền thờ họ Phùng ở sông Lục Đầu; sự tích điện thờ Linh Lang - Long Vương ở Hà Tĩnh…). Và như vậy, con rắn đi vào tiềm thức dân gian như với tư cách của những vị chúa tể của dục năng và sinh sản, trở thành vị thần có quyền uy, mang các biến thể tên gọi khác nhau, từ giao long đến thuồng luồng hay ông Giải, đã luôn gắn liền với gốc tích các môtip người mẹ được bao phủ, in dấu trong những hoàn cảnh đặc thù để sinh ra các bậc kỳ tài cho quê hương, đất nước.

Trên nền cảnh của sự hiện diện bóng dáng hoặc hình tượng loài rắn tại các không gian thiêng ở các làng quê, người dân đã tôn sùng để đi đến tôn vinh rắn trở thành thành hoàng ngự trên các điện thờ với chức năng và quyền uy cho cả một làng hay liên làng. Cũng từ đó, hình tượng rắn đã được tô vẽ về diện mạo, trở thành vị thần rắn có mào, có sức mạnh phi thường và quyền uy với cộng đồng, phù trợ từ dân làng đến phò trợ vua chúa dẹp giặc, vượt qua hoạn nạn, được vua ban sắc phong ở các ngôi vị cao quý của Thượng đẳng thần hay Trung đẳng thần phổ biến ở hàng vạn làng quê Việt.

 Cũng từ những quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan trong đó có sự hiện diện của hình tượng - hình ảnh các ông rắn thần của cộng đồng người Việt, quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Nữ thần rồi đến tín ngưỡng thờ Mẫu (nổi bật nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/ Tứ phủ) của người Việt đã cũng được gắn với sự hiện diện của hình tượng rắn tại các điện, phủ, miếu thờ tại hàng nghìn làng quê Việt. Tại hầu khắp các không gian thiêng thờ Mẫu, đó có thể là Thánh Mẫu Liễu Hạnh hay các Mẫu khác, các điện thờ các ông Hoàng, các chầu cô, chầu bé, các hàng quan… bao giờ cũng nhận thấy sự hiện diện của cặp đôi rắn thần quấn quýt trên xà ngang của điện thờ (khi là cặp rắn mang màu xanh, khi lại là cặp rắn mang màu trắng hoặc vàng), hai đầu hướng về chủ điện thờ như sự bái lạy và còn như sẵn sàng phun nhả ra những năng lượng thần bí khổng lồ đủ sức bảo vệ và phù trợ cho các con nhang đệ tử.

Chính sự hiện diện của hình tượng rắn đã góp phần làm thiêng hóa vai trò của chủ điện thờ là các thánh Mẫu trên điện thờ, đưa thánh Mẫu lên vị trí có quyền năng tối thượng, chiếm lĩnh được niềm tin của các con nhang đệ tử và chúng sinh nói chung - những thành phần tụ hội tại không gian thiêng trước ban thờ thánh Mẫu hướng tới mục đích cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, tránh mọi tai ách bệnh tật và cầu có được nguồn năng lượng để sáng tạo, thành đạt trong cuộc sống, hiện tại và lâu dài.

_________________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1976.

2. Trần Lâm Biền, Trịnh Sinh, Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Nxb Hà Nội, 2011.

3. Jean chevalier, Alain gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997.

4. Đặng Văn Lung, Tam tòa thánh Mẫu, Nxb Văn hóa dân tộc, 1991.

5. Nguyễn Ngọc Mai, Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, Nxb Văn học, 2013.

6. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 2002.

7. Truyền thuyết các vị thần Hà Nội, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1994.

8. Cao Ngọc Lân, Cao Vũ Minh, Tìm hiểu văn hóa tâm linh của người Việt, Nxb Lao động, 2013.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 30-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 2-1-2025; Ngày duyệt đăng: 8-1-2025.

GS, TS BÙI QUANG THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025

;