Màu đỏ trong bản sắc văn hóa và tín ngưỡng của người Dao Đỏ

Tóm tắt: Người Dao Đỏ, một trong những dân tộc thiểu số ở Việt Nam, sở hữu nền văn hóa độc đáo và giàu bản sắc. Yếu tố tạo nên sự khác biệt rõ rệt trong văn hóa của họ là cách sử dụng màu đỏ là màu chủ đạo. Màu đỏ xuất hiện không chỉ trong trang phục, nghi lễ mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự bảo vệ và kết nối với tổ tiên. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa đã khiến cách sử dụng màu đỏ trong đời sống người Dao Đỏ có sự thay đổi. Các nghiên cứu trước đây thường miêu tả màu đỏ như một yếu tố trang trí trong trang phục và lễ hội nhưng chưa đi sâu vào ý nghĩa của nó. Nghiên cứu này làm sáng tỏ ý nghĩa của màu đỏ từ góc nhìn văn hóa, nghi lễ và sự thay đổi dưới tác động của hiện đại hóa trong văn hóa của người Dao Đỏ. Từ đó, các giải pháp sẽ được đề xuất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của màu đỏ trong bối cảnh xã hội đương đại.

Từ khóa: màu đỏ, bản sắc văn hóa, người Dao Đỏ, nghi lễ truyền thống, hiện đại hóa và bảo tồn.

Abstract: The Red Dao, one of the ethnic minorities in Vietnam, possesses a unique and rich culture. The factor that makes a clear difference in their culture is the use of red as the main color. Red appears not only in costumes and rituals but also has a profound meaning of protection and connection with ancestors. However, the process of urbanization and globalization has changed the way the Red Dao use red in their lives. Previous studies often describe red as a decorative element in costumes and festivals but have not delved into its meaning. This study sheds light on the meaning of red from the perspective of culture, rituals and changes under the impact of modernization in the culture of the Red Dao. From there, solutions will be proposed to preserve and promote the cultural value of red in the context of contemporary society.

Keywords: red color, cultural identity, Red Dao people, traditional rituals, modernization and preservation.

Màu đỏ trong trang phục người Dao Đỏ - Nguồn: kiemkedisan.d.webcom.vn

1. Màu đỏ trong văn hóa người Dao Đỏ

Người Dao Đỏ cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Màu đỏ trong văn hóa người Dao Đỏ không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng ý nghĩa văn hóa và tâm linh sâu sắc. Nó đóng vai trò trung tâm trong việc định hình bản sắc và tín ngưỡng của cộng đồng, tượng trưng cho sự kết nối giữa con người và thế giới siêu nhiên. Màu đỏ không chỉ phản ánh những giá trị tinh thần cốt lõi mà còn giúp duy trì và truyền tải các truyền thống văn hóa qua nhiều thế hệ.

Trang phục của người Dao Đỏ tuy khác nhau giữa các vùng nhưng màu đỏ vẫn luôn là chủ đạo, xuất hiện trong trang phục của tất cả các thành viên trong cộng đồng, từ phụ nữ, nam giới, trẻ em đến thày cúng. Tác giả Nguyễn Khắc Tụng và Nguyễn Anh Cường nhận xét rằng: “Đồ trang sức tuy ít nhưng hoa văn trang trí trên y phục của Dao Đỏ lại rất phong phú. Và màu sắc cũng sặc sỡ hơn bất kỳ nhóm Dao nào khác. Trước hết là màu đỏ sau đó mới đến các màu khác như: vàng, xanh lá cây, đen và trắng” (1).

Đáng chú ý nhất là trang phục của phụ nữ Dao Đỏ, với màu đỏ nổi bật trên khăn, mũ, áo, yếm, quần, dây lưng và xà cạp quấn chân. Những hoa văn trang trí trên trang phục với số lượng từ ba mươi đến bốn mươi kiểu khác nhau, không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng những ý nghĩa văn hóa sâu sắc, đại diện cho các yếu tố tự nhiên như cây cỏ, rừng núi và động vật, cũng như niềm tin vào sự bảo vệ từ các thế lực siêu nhiên. Sự phong phú về hoa văn và cách sử dụng màu sắc còn phản ánh đời sống tâm linh và thế giới quan của người Dao Đỏ. Đây là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số, những người có niềm tin mạnh mẽ vào thế giới siêu nhiên và thường xuyên phải đối mặt với những thử thách từ thiên nhiên bởi nơi họ sống là vùng núi non hiểm trở với độ ẩm cao và mưa nhiều.

Điểm nổi bật trong trang phục của phụ nữ Dao Đỏ chính là những quả bông len đỏ được đính dọc từ vai đến thắt lưng. Những quả bông này không chỉ làm tăng thêm sự nổi bật cho trang phục mà còn là dấu hiệu phân biệt người Dao Đỏ với các nhóm Dao khác. Để tạo ra những quả bông len này, phụ nữ Dao Đỏ phải mua sợi len từ các chợ phiên vùng cao. Màu đỏ vẫn là màu chủ đạo, nhưng họ cũng sử dụng các màu phụ như vàng và đen để làm tăng tính thẩm mỹ cho trang phục.

Trong các lễ cưới, vai trò của màu đỏ càng được thể hiện rõ nét hơn. Cô dâu người Dao Đỏ đội một chiếc mũ đặc biệt làm bằng khung tre hoặc nứa, trên đó phủ một chiếc khăn dài bằng vải đỏ che kín mặt. Phần trên khăn được thêu kín với các họa tiết tinh xảo và đính hạt cườm nhiều màu, tạo nên một vẻ đẹp huyền bí và rực rỡ. Chiếc mũ không chỉ là một phần của trang phục cưới, mà còn mang đậm yếu tố tâm linh, bảo vệ và cầu may mắn cho cô dâu.

Trang phục của trẻ em Dao Đỏ cũng mang ý nghĩa đặc biệt này. Chiếc mũ đỏ của trẻ em không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn được coi là vật dụng mang lại sự an lành, giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển nhanh chóng. Theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ biểu trưng cho may mắn, tài lộc và điềm lành, vì vậy, việc đội mũ đỏ cho trẻ em được xem như một cách bảo vệ chúng khỏi những tác động tiêu cực từ thế giới siêu nhiên.

Thày cúng, người giữ vai trò kết nối giữa con người và các thế lực siêu nhiên, thường mặc áo tứ thân màu đỏ và đội một chiếc khăn vuông bằng vải đỏ, được gấp chéo thành hình tam giác và thêu kín các họa tiết bằng chỉ đỏ, vàng, xanh lá. Phần đỉnh của chiếc khăn tam giác được trang trí bằng những tua đỏ, không chỉ làm tăng vẻ trang nghiêm mà còn biểu thị sức mạnh tâm linh sâu sắc. Cách phối hợp giữa màu đỏ và các màu sắc khác trên trang phục thày cúng thể hiện rõ tầm quan trọng của họ trong các nghi lễ, đồng thời tôn vinh sức mạnh bảo vệ và sự kết nối thiêng liêng trong tín ngưỡng của người Dao Đỏ.

Màu đỏ trong các nghi lễ

Nghi lễ luôn đi đôi với tín ngưỡng, phản ánh niềm tin tâm linh và những quan niệm về thần linh, tổ tiên. Truyện cổ và truyền thuyết là một phần trong di sản văn hóa của mỗi tộc người, giúp người đọc hiểu rõ hơn về lối tư duy và tín ngưỡng của họ. Mặc dù nghi lễ của người Dao Đỏ gắn liền với yếu tố tâm linh, nhưng mối liên hệ giữa màu đỏ và các khía cạnh như thần linh, tổ tiên hay các yếu tố siêu nhiên chưa được thể hiện rõ trong các truyền thuyết hay truyện cổ của họ.

Trong bài viết Truyện cổ Dao trong mối quan hệ với không gian sinh thái tự nhiên, tác giả Bàn Thị Quỳnh Giao đã giới thiệu nhiều câu chuyện phản ánh văn hóa Dao, nhưng chỉ tập trung vào các chủ đề như nguồn gốc, sự đấu tranh và phát triển của tộc người, mà không đi sâu vào ý nghĩa của màu đỏ. Các câu chuyện như Bàn Cổ tạo ra muôn loài, Những ngày kiêng trong năm, Sự tích Mảng Nhuần vuôm... phản ánh các phong tục và tín ngưỡng liên quan đến đời sống thường ngày, nhưng chưa khai thác vai trò của màu đỏ trong văn hóa và tín ngưỡng của người Dao Đỏ.

Mặc dù vậy, màu đỏ vẫn xuất hiện phổ biến trong hầu hết các nghi thức và lễ hội lớn của người Dao Đỏ, cho thấy tầm quan trọng của nó trong đời sống tâm linh và văn hóa của họ. Việc sử dụng màu đỏ trong các nghi lễ như lễ cấp sắc, lễ hội Bàn Vương và tranh thờ thể hiện lòng tôn kính, củng cố mối liên hệ với thế giới tâm linh và duy trì giá trị truyền thống của người Dao Đỏ về sau.

Lễ cấp sắc là nghi thức thiêng liêng trong đời sống tâm linh của người Dao Đỏ, đánh dấu sự trưởng thành của nam giới và khẳng định vị trí của họ trong cộng đồng. Trong lễ này, màu đỏ nổi bật trên trang phục và các vật phẩm nghi lễ, biểu trưng cho nhiệt huyết, sức mạnh và trách nhiệm của người được cấp sắc. Bộ trang phục đỏ với hoa văn truyền thống là lời nhắc nhở về vai trò của họ trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ gia đình và sự thịnh vượng của dòng tộc.

Lễ hội Bàn Vương là một trong những lễ hội lớn nhất của người Dao Đỏ, nhằm tôn vinh Bàn Vương - thủy tổ của dân tộc Dao. Trong lễ hội này, màu đỏ xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trang phục của người tham gia đến các vật phẩm cúng tế và trang trí không gian lễ hội. Màu đỏ biểu thị sự tôn kính đối với tổ tiên, sự đoàn kết của cộng đồng và niềm tin vào sự bảo hộ của Bàn Vương. Các nghi thức trong lễ hội thường sử dụng các vật phẩm màu đỏ như cờ, băng rôn và các biểu tượng truyền thống, tạo nên một không gian trang trọng và đầy tính linh thiêng.

Tranh thờ của người Dao Đỏ là một phần đời sống tâm linh của họ, thể hiện sự kết nối sâu sắc giữa con người và thế giới siêu nhiên. Về màu sắc trong tranh, tác giả Nguyễn Sinh Phúc đã chỉ ra rằng: “Ba màu được dùng chủ đạo là hồng ở nền, đỏ và vàng được vẽ ở quần áo thụng dài các nhân vật, ở ngọn lửa thần quang, các mảng trang trí trên khăn mũ áo, hai màu lạnh như chàm, lam, xanh cây chỉ sử dụng trên một số mảng nhỏ mang tính điểm xuyến, tạo sự cân bằng về nóng lạnh trên tranh” (2). Màu đỏ nổi bật, tượng trưng cho sự hòa hợp giữa trời và đất, giữa hữu hình và vô hình, làm tăng thêm tính thẩm mỹ và chiều sâu tâm linh của tác phẩm. Tranh thờ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là nhịp cầu tâm linh, chứa đựng niềm tin, hy vọng và lời cầu chúc may mắn cho gia đình. Chúng thường được treo ở vị trí trang trọng trong nhà, nhất là vào dịp lễ Tết và các nghi lễ quan trọng, góp phần tạo không gian linh thiêng và tôn kính trong đời sống tâm linh của người Dao Đỏ. Có thể nhận thấy, không có sự khác biệt rõ ràng về tranh thờ giữa các nhóm Dao, điều này cho thấy sự đồng nhất về mặt tín ngưỡng và nghệ thuật tranh thờ trong toàn bộ cộng đồng người Dao.

2. Sự biến đổi trong việc sử dụng màu đỏ dưới tác động của đô thị hóa và hiện đại hóa

Sự thay đổi trong cách sử dụng màu đỏ

Sự thay đổi trong cách sử dụng màu đỏ của người Dao Đỏ là kết quả của những biến chuyển kinh tế, xã hội và quá trình hiện đại hóa. Tác giả Nguyễn Khắc Tụng và Nguyễn Anh Cường nhận định rằng trước đây, phụ nữ Dao Đỏ dành nhiều thời gian cho việc dệt vải, thêu thùa và may trang phục truyền thống, trong đó màu đỏ đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, khi họ bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, thời gian dành cho việc duy trì nghề thủ công giảm đi đáng kể, điều này dẫn đến việc giảm bớt các trang phục truyền thống. Thêm vào đó, sự xuất hiện của các loại vải công nghiệp với giá thành rẻ và tiện lợi đã khiến người Dao Đỏ chuyển dần sang sử dụng trang phục hiện đại.

Màu đỏ vốn là màu chủ đạo trong trang phục cổ truyền bắt đầu bị lấn át bởi những lựa chọn mới. Sở thích thời trang của giới trẻ cũng thay đổi theo xu hướng hiện đại, họ ưa chuộng áo sơ mi và quần âu hơn là trang phục truyền thống. Tuy nhiên, màu đỏ vẫn giữ vai trò quan trọng trong các nghi lễ quan trọng như lễ cấp sắc, lễ hội Bàn Vương và thờ cúng tổ tiên, nơi nó biểu trưng cho sự may mắn, bảo vệ và kết nối với tổ tiên. Mặc dù không còn xuất hiện thường xuyên trong đời sống hằng ngày, màu đỏ vẫn giữ được sự thiêng liêng trong các nghi lễ và sự kiện quan trọng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của màu đỏ trong văn hóa người Dao Đỏ cần sự quan tâm từ cộng đồng và các cơ quan văn hóa để đảm bảo những giá trị truyền thống này không bị mai một theo thời gian.

Cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của màu đỏ

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của màu đỏ trong cộng đồng người Dao Đỏ đòi hỏi những giải pháp cụ thể và phù hợp với bối cảnh hiện đại. Một trong những phương thức hiệu quả là xây dựng các bảo tàng hoặc không gian trưng bày chuyên đề về văn hóa Dao Đỏ. Tại đây, các trang phục truyền thống, vật phẩm nghi lễ và sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ được giới thiệu, không chỉ để bảo tồn di sản văn hóa mà còn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về giá trị của những yếu tố văn hóa truyền thống này.

Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm thủ công mang màu sắc và biểu tượng văn hóa đặc trưng của người Dao Đỏ có tiềm năng đóng góp vào kinh tế địa phương. Các trang phục, đồ trang trí hoặc sản phẩm thủ công mang yếu tố văn hóa không chỉ giúp duy trì nghề truyền thống mà còn tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia bảo tồn di sản.

Tổ chức các lễ hội văn hóa và hội chợ thủ công mỹ nghệ, qua đó không chỉ tạo điều kiện quảng bá giá trị văn hóa mà còn mở ra cơ hội giao lưu giữa cộng đồng Dao Đỏ với các dân tộc khác, qua đó củng cố sự tự hào văn hóa và thúc đẩy du lịch bền vững. Các hoạt động này cần được triển khai kết hợp với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp, điển hình như mô hình của Craft Link, nhằm hỗ trợ khôi phục các nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

Giáo dục cộng đồng thông qua các chương trình ngoại khóa, workshop văn hóa hoặc các hoạt động trải nghiệm cũng cần được đẩy mạnh. Việc tích hợp nội dung giáo dục về văn hóa Dao Đỏ vào chương trình giảng dạy tại các trường học sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ và trân trọng hơn bản sắc văn hóa dân tộc. Để đạt hiệu quả, các hoạt động giáo dục cần được thiết kế linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng tham gia.

Việc bảo tồn văn hóa màu đỏ của người Dao Đỏ không chỉ dừng lại ở các nỗ lực giữ gìn truyền thống, mà cần hướng tới việc kết hợp bảo tồn với phát triển kinh tế bền vững. Đây là hướng đi thiết thực, đảm bảo rằng những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng sẽ không chỉ được duy trì mà còn phát huy trong bối cảnh xã hội đương đại.

3. Kết luận

Màu đỏ trong văn hóa người Dao Đỏ không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà còn mang ý nghĩa tâm linh và tín ngưỡng sâu sắc, thể hiện sự kết nối giữa con người với tổ tiên và thế giới siêu nhiên. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa đã làm giảm vai trò của màu đỏ trong đời sống hằng ngày. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này, cần kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế bền vững thông qua việc xây dựng bảo tàng, phát triển sản phẩm thủ công, tổ chức lễ hội và giáo dục cộng đồng. Nghiên cứu không chỉ đóng góp vào hiểu biết về vai trò của màu sắc trong văn hóa dân tộc mà còn gợi mở hướng đi cho các nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại.

___________________

1. Nguyễn Khắc Tụng, Nguyễn Anh Cường, Trang phục cổ truyền của người Dao ở Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2011, tr.54.

2. Nguyễn Sinh Phúc, Nghệ thuật tranh thờ của người Dao ở tỉnh Yên Bái, Luận án Tiến sĩ, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 2022, tr.122.

Tài liệu tham khảo

1. Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến, Người Dao ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.

2. Bàn Thị Quỳnh Giao, Truyện cổ Dao trong mối quan hệ với không gian sinh thái tự nhiên, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, số 44, 2020, tr.5-14.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 17-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 26-1-2025; Ngày duyệt đăng: 5-2-2025.

ĐẶNG THUỲ TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025

;