HÁT XOAN MỘT THỂ LOẠI DÂN CA CỔ NHẤT CỦA NGƯỜI VIỆT

Vào tháng giêng, tháng hai đầu xuân hàng năm, ở Phú Thọ có những hội hát múa rất đặc sắc, gọi là hát xoan. Trong tập tục, lề lối, lời ca và âm nhạc hát xoan có những yếu tố rất cổ, có thể là cổ nhất của dân ca người Việt.

 

Yếu tố cổ qua truyền thuyết lịch sử và phong tục, tập quán

Có một truyền thuyết mà chúng tôi quan tâm nhất, đó là:

Ngày xưa, một buổi trưa đầu xuân, vua Hùng cùng hai người em và một nhóm tùy tùng đi qua thôn Phù Đức (xã kim Đức, Việt Trì, Phú Thọ) dừng chân nghỉ lại khu rừng đầu thôn. Phía trước khu rừng là bãi cỏ rộng có đám mục đồng đang vui chơi, hát múa, đánh vật, kéo co. Vua Hùng truyền cho nhóm tùy tùng gọi đám trẻ chăn trâu lại, rồi dạy thêm cho chúng những bài hát, điệu múa. Dân làng Phù Đức nghe tin vua về làng, đã mang thịt bò khô và bánh nẳng ra thết đãi. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng chạp âm lịch, dân làng Phù Đức đem bánh nẳng ra cúng vào buổi trưa, và thịt bò cúng vào buổi chiều ở bãi cỏ nơi đức vua và đám tùy tùng dạy múa hát. Sau này dân làng xây miếu Lãi Lèn ở bãi cỏ này để thờ vua Hùng, lễ vật cúng tế được đặt trước miếu. Ngày mùng 2, mùng 3 tháng giêng, dân làng Phù Đức mở hội cầu cúng tế lễ, trong hội có hát xướng, kéo co, đánh vật. Tục hát múa của làng vào mùa xuân nguồn gốc là như thế. Tục hát này gọi là hát xuân (hát vào mùa xuân) sau gọi chệch là hát xoan. Cuộc hát tế lễ trước miếu Lãi Lèn gọi là hát Lãi Lèn. Sau này khi có đình, người ta tổ chức hát trước cửa đình và gọi là hát cửa đình.

Trong tín ngưỡng của người Việt, thì miếu đền là thiết chế thuộc giai đoạn đầu tiên của tín ngưỡng thờ thần. Nhưng trước cả giai đoạn miếu đền, người ta còn làm nghi lễ hát xoan ở bãi cỏ. Theo tục lệ này thì hát xoan đã xuất hiện từ thời kỳ tiền miếu đền. Nghi thức tế lễ này biểu hiện tín ngưỡng tôtem, là tín ngưỡng cổ nhất của nhân loại. Ở nước ta, không có sinh hoạt ca hát dân gian nào có tập tục tối cổ này. Tìm hiểu diễn xướng hát xoan, chúng tôi thấy ở tiết mục mó cá, trai gái có động tác biểu hiện tín ngưỡng phồn thực, cũng là tín ngưỡng tối cổ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển I có chép:

Bính Ngọ năm thứ 3 An Dương Vương. Đông Chu Quân năm thứ nhất... Sáng hôm sau vua (An Dương Vương) ra cửa thành thấy có con rùa vàng từ phía đông bơi trên sông mà đến, xưng là Giang xứ, nói được tiếng người, bàn được việc tương lai. Vua mừng lắm để vào mâm vàng, đặt lên trên điện. Vua hỏi về chuyện do đâu thành sụp, rùa vàng trả lời: Con vua trước phụ vào tinh khí núi sông của đất này để báo thù nước, nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi ấy có ma là người con hát đời trước đến chôn ở đấy(1).

Nếu căn cứ vào sử sách thì vào thời An Dương Vương, nước ta đã có con hát và như thế, trước khi có con hát nước ta đã có các sinh hoạt âm nhạc. Con hát là sự biểu hiện của hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Do đó vào thời An Dương Vương cũng như thời các vua Hùng, sinh hoạt âm nhạc dân gian và có thể cả âm nhạc cung đình đã phát triển khá mạnh mẽ.

Từ các tài liệu nghiên cứu về nguồn gốc, sự hình thành nghệ thuật âm nhạc, chúng tôi thấy sinh hoạt hát xoan có các yếu tố hình thành từ thời cổ đại và trung cổ. Suy nghĩ về hình thức hoạt động bán chuyên nghiệp của đào kép, của ông trùm trong hát xoan, chúng tôi liên tưởng tới các con hátĐại Việt sử ký toàn thư đã viết. Phải chăng sau mỗi cuộc hát được nhận thù lao bằng gạo, tiền của đào, kép phường xoan cũng là biến thể từ kế sinh nhai của con hát chuyên nghiệp có từ thời trước CN.

 

Yếu tố cổ biểu hiện trong nghệ thuật

 

Về lời ca, theo các tài liệu ngôn ngữ học đã công bố, tiếng Việt nguyên thủy thuộc nhánh Proto Việt - Chứt, chi Môn Khơme. Cách ngày nay khoảng 4.000 năm những người nói tiếng Môn Khơme tiếp xúc với người nói tiếng Tày-Thái hình thành tiếng Việt Mường chung. Những người nói tiếng Việt Mường sau tiếp xúc với tiếng Hán, chia tách tiếng Việt Mường thành tiếng Mường và tiếng Việt. Tiếng Việt dùng trong sinh hoạt đời sống thường ngày hiện nay, lớp từ cơ bản gốc Môn Khơme chiếm số lượng nhiều nhất so với từ có nguồn gốc khác. Đối chiếu các tài liệu nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt, chúng tôi thấy có nhiều từ cổ gốc Môn Kơme trong lời ca dân ca xoan. Dưới đây là một số từ được dùng với những nghĩa khác nhau, trước kia có dùng, nay không dùng hoặc ít dùng:

 

Năm trống cơm mọi vẻ mọi hay

Được mùa hòa thắng lấy cơm bưng trống (2)

Bưng gốc Môn Khơme là păng. Trong dân gian từ bưng ghép với từ nghĩa là nâng một vật nào đó. Từ bưng ghép với từ bít, nghĩa là che khuất một vật hoặc một việc nào đó. Từ bít và từ bịt đồng nghĩa. Trống cơm là loại nhạc khí, khi diễn tấu người ta thường bít (bịt) mặt trống bằng cơm nếp và dùng bàn tay vỗ lên mặt trống. Bưng ở đây hẳn là bít (bịt) mặt trống, chứ không phải là bưng bê.

Câu hát:

 

Bắc cầu anh xẻ có ván mong

Em sang chả được anh bồng em sang (3)

 

Trong tiếng Việt hiện vẫn tồn tại song song một số từ như: chẻ và xẻ hay xé. Chẻ có gốc Môn Khơme là cheek sau đó là chẻ rồi thành xẻ.

 Hát xoan có tiết mục hát múa cài hoa (gài hoa), trai gái vừa hát, vừa múa, vừa di chuyển, đan kết đội hình tạo hình tượng bông hoa. Cài có gốc Môn Khơme là kaaj sau đó biến âm thành cài, rồi thành gài.

Những từ cổ có gốc Môn Khơme trong lời ca dân ca xoan nêu ở trên, nay trong ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày có những nghĩa khác, cho thấy dân ca xoan có nguồn gốc lâu đời.

Lời ca trong hát xoan phản ánh khá nhiều tín ngưỡng của cộng đồng người Việt: vật linh, phồn thực, thờ tổ tiên, thờ thần...

 

- May ra bắt được cá măng

 

Đem lên tiến cúng cả làng bình yên

 

- Tôi bước chân vào giáo trống

 

Tìm đền thượng chúc cho minh

 

Năm trống cơm thiên hạ thái bình

Năm trống cơm nhà no mọi đủ (4)

Lời ca trong hát xoan được cấu trúc theo nhiều thể loại thơ: 4 chữ, 5 chữ, lục bát, song thất lục bát, thất ngôn... Thể thơ 4 chữ, 5 chữ là hai thể cổ nhất được dùng nhiều trong phần hát nghi thức tế thần:

 

Vạn thần tất hưởng

 

 Tôi mời vua cả

Người sang đất này.

Nghiên cứu về lịch sử dân ca Việt Nam qua các lối hát (lối diễn xướng), chúng tôi thấy lối hát nói (hát như nói) là khởi đầu của diễn xướng dân ca. Thuật ngữ hát nói đã cho biết về mối quan hệ giữa hátnói (giữa giai điệu và tiếng nói). Hát nói thường gắn với thơ 4 chữ, 5 chữ lấy thanh điệu dấu giọng làm cao độ, giai điệu thường giản đơn:


 

Những bài giáo trống, giáo pháo, thơ nhang hát theo lối hát nói. Đặc điểm của lối hát nói là sự đồng nhất giữa dấu giọng của lời ca với giai điệu. Lời ca của lối hát nói thường là thơ 4 chữ, 5 chữ hoặc biến thể của chúng. Các quãng trong giai điệu hát nói không vượt quá quãng 8, thường là từ quãng 2 đến quãng 5. Từng từ, từng chữ trong lời ca thường chỉ ứng với một đến hai, ba nốt nhạc. Giai điệu không sử dụng nhiều nốt luyến láy. Các thể loại dân ca Việt Nam không có lối diễn xướng hát nói như hát xoan, mà lối hát, lối diễn xướng này lại là loại cổ nhất ở nước ta. Hầu hết các bài ở chặng thứ nhất (nghi thức) và chặng thứ hai (14 quả cách) của hát xoan đều diễn xướng theo lối hát nói.

Về âm nhạc trong hát xoan, chứa đựng những yếu tố rất giản dị. Nhiều nghiên cứu cho biết, những bài bản dân ca cổ thường có số lượng âm ít, âm vực hẹp. Ở chặng nghi thức của hát xoan, hầu hết các bài bản đều là thang 4 âm, từng câu trong bài chỉ có 3 âm.


Tất cả bài bản được diễn xướng ở chặng nghi thức tế thần của hát xoan, thang âm chỉ có 3 âm, 4 âm. Đây là dạng những bài bản âm nhạc cổ nhất, là tiền thân của các dạng bài bản âm nhạc 5 âm, 6 âm, 7 âm.

Một số vấn đề nêu trên phần nào cũng làm sáng tỏ về sự khởi đầu của lịch sử dân ca người Việt nói chung, của hát xoan nói riêng. Tuy nhiên, từ khởi đầu, sinh hoạt chưa có tên gọi là hát xoan và cũng chưa có các lề lối như ta biết bây giờ, mà nó chỉ là một sinh hoạt tín ngưỡng. Trong khi làm nghi thức tín ngưỡng, người ta xướng lên những câu cầu chúc có âm điệu bổng trầm. Trải qua những giai đoạn lịch sử, hát xoan tồn tại đến nay chỉ còn thấp thoáng bóng hình thời sơ khởi. Nhưng cái cốt lõi của sinh hoạt hát xoan cổ xưa vẫn còn đó, mà không loại sinh hoạt ca hát dân gian nào có. Trong quá trình tồn tại, hát xoan có nhiều biến đổi. Qua các tài liệu, qua khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi thấy sự biến đổi của hát xoan thể hiện qua sự chuyển đổi về địa điểm và không gian diễn xướng. Từ khởi nguồn, địa điểm diễn xướng của hát xoan ở bãi cỏ với không gian rộng, thoáng giữa trời đất thênh thang, là giai đoạn tiền miếu đền. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn miếu đền. Giai đoạn chuyển đổi địa điểm và không gian diễn xướng thứ ba của sinh hoạt hát xoan là hát cửa đình, tên chữ là khúc đình môn, kéo dài từ khoảng TK XVI đến nay. Nhiều nghiên cứu cho biết, thiết chế đình làng chỉ xuất hiện ở nước ta sớm nhất là ở TK XVI. Từ TK XVI đến nay, địa điểm diễn xướng hát xoan duy trì ở cửa đình (và cả trong đình), không gian bị thu hẹp. Nội dung lời ca của các bài bản hát xoan được sưu tầm hiện nay, phần lớn phản ánh về các sinh hoạt xã hội thời hậu Lê, là thời xuất hiện thiết chế đình làng ở nước ta.

Những di chỉ, di vật khảo cổ học, những trò diễn dân gian, hình thức diễn xướng dân gian trong hội làng ở Phú Thọ, đều ẩn chứa những yếu tố nguyên sơ của người Việt cổ. Không ở nơi nào trên đất nước ta có những di chỉ khảo cổ học về nguồn gốc dân tộc tập trung dày đặc như ở Phú Thọ. Điều này khẳng định Phú Thọ là điểm tụ cư lớn nhất, đông đúc nhất của người Việt thời cổ đại. Múa tùng dí ở Chu Hóa, múa săn ở Phú Lộc, hát xoan ở Phù Đức chứa đựng những yếu tố sinh hoạt văn hóa nguyên sơ nhất của người Việt cổ. Cùng với các hiện tượng văn hóa dân gian khác, sinh hoạt hát xoan là một hiện tượng văn hóa dân gian ở dạng tổng thể nguyên hợp. Hát xoan là hội hát với đủ các tục hèm, tín ngưỡng cổ nhất từ thời cổ đại cho đến nay. Không ở nơi nào trên đất nước ta có những sinh hoạt hát, múa mang những dấu ấn của con người thời cổ đại như ở Phú Thọ. Điều này khẳng định một số sinh hoạt văn hóa dân gian (trong đó có sinh hoạt hát xoan) ở Phú Thọ là cổ nhất, là cội nguồn của các sinh hoạt văn hóa của người Việt trên đất nước ta.

_______________

1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983.

 

2, 3, 4. Tú Ngọc, Hát xoan dân ca lễ nghi và phong tục, Viện Âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1997.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011

Tác giả : Phạm Hoàng Giang

;