Hình thái kiến trúc đền thờ cổ kết cấu gỗ của người Chăm ở Bình Thuận

Tháp Chàm, loại hình tháp thờ kalan xây bằng gạch nung trần này được xem như tiêu biểu cho kiến trúc cổ Chămpa, là hình ảnh quen thuộc trên hành trình dọc theo dải đất miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, người Chăm vẫn còn kiểu kiến trúc đền thờ cổ với kết cấu gỗ, được thấy ở khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận mà có tư liệu gợi ý rằng, xưa kia, nó mang kiểu thức và có thể cả chức năng tương tự ngôi thánh đường Hồi giáo chính thống (masjid) vùng Đông Nam Á cổ.

Đền Po Klong Mơh Nai ngày nay - Ảnh: Nguyễn Văn Anh

Những kiến trúc đền thờ cổ với kết cấu gỗ ấy có hình thức bố cục mặt bằng khá đặc thù, hệ chịu lực là cột và vì kèo bằng gỗ, có thêm tường gạch dầy và mái lợp ngói. Việc tìm hiểu, làm rõ đặc điểm hình thái kiến trúc của di tích Chămpa cổ và nội hàm tôn giáo của nó có vai trò quan trọng trong việc đánh giá giá trị lịch sử văn hóa của di tích. Từ đó, việc đưa ra các phương án bảo tồn và trùng tu di tích sẽ có điều kiện để tiệm cận với tính nguyên gốc của công trình. Mặt khác, những kết quả nghiên cứu này khi được xem xét và xác minh  có thể sẽ đóng góp vào nhận thức chung trong các nghiên cứu khác liên quan. Vì vậy, chúng tôi thử nêu giả thuyết về hình thái kiến trúc đền thờ cổ này.

Hình ảnh cũ còn lưu giữ và những tư liệu thời thuộc Pháp

Các học giả Pháp đầu TK XX gọi kiến trúc đền thờ cổ với kết cấu gỗ của người Chăm là bamun (tiếng Chăm, có nghĩa là kiến trúc) hay pagode (tiếng Pháp, có nghĩa là chùa). Một trong vài ảnh chụp hiếm hoi về kiến trúc bamun cổ là từ khảo sát của Henri Parmentier, trong bộ sách Bản kiểm kê mô tả các di tích Chăm ở Trung Kỳ (1).

Tại trang 44, quyển thứ nhất của bộ sách trên, có bức ảnh bamun de Tố Lý ở Phan Rí, thuộc tổng Tuân Giáo, huyện Hòa Đa, “nguyên gốc Chămpa nhưng sơn vẽ kiểu Việt Nam”, có tường xây tô vữa, gồm năm tòa nhà làm thành hình chữ T. Tòa chính ở giữa, thờ tượng vua Po Klong Gahul, giáp liền một tòa tiền sảnh có “mái kiểu Việt Nam”. Hai tòa sát hai bên tòa chính được “lợp ngói Tàu”, thờ hai người vợ của vua, tượng bà chính cung thờ bên trái cùng 2 kut (2) và tượng bà thứ phi thờ bên phải cùng 4 kut. Còn một tòa nhà (ở phía trước, hướng đông) đã bị hủy hoại hoàn toàn. Bản vẽ của H. Parmentier cho thấy đó là kiến trúc bề thế, mái kết cấu gỗ, sách có thêm chú thích: “vua Po Klong Gahul kế vị sau năm 1627, là con rể vua Po Klong Mơh Nai”.

Ở những trang trước đó, H. Parmentier đã mô tả kiến trúc tương tự: pagode de Thuận Đông, làng Lương Sơn, tổng Vĩnh An, huyện Hòa Đa, nơi thờ vua Po Klong Mơh Nai (còn có tên Po Mơh Taha, trị vì năm 1622-1627) và vợ là Po Bia Sơm bên cạnh vài kut thờ khác. Ông không gọi tên các công trình này là tombeau (lăng). Bản vẽ kèm theo cho thấy, ở ba tòa sát nhau của cánh chữ T, gian lõi của mỗi tòa có hình dạng và kích thước tương đương như một ngôi tháp, mái lợp ngói, xung quanh tháp là 12 cột lớn kèm hệ mái ngói làm thành hành lang bao bốn phía của tháp. Tiền sảnh (sát tòa chính giữa) và tòa tiền đường (nằm cách ra ở phía trước) để trống, không có vách. Ngày nay, nơi này thuộc thôn Lương Đông, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Tổng quan công trình vẫn khá khớp với mô tả đại thể cũ và đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1993.

H. Parmentier tiếp tục đề cập đến bamun de Thanh Hiếu, phế tích cũng thuộc tổng Tuân Giáo, huyện Hòa Đa, thờ vua Po Nit (trị vì từ 1603-1613). Năm 1973, đền Po Nit đã được chuyển từ thôn Thanh Hiếu về địa chỉ hiện nay tại thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. H. Parmentier còn mô tả bamun thờ tượng vua Po Nraup (trị vì từ 1651-1652), hiện ở Tuy Tịnh (Bah Plom, Tuy Tịnh, Phan Lý Chàm). Đây là tòa kiến trúc nhỏ, mặt bằng hình vuông, “tường xây gạch Chăm và nhìn thấy có mạch vữa”. Bên ngoài có chỗ thờ vợ ngài, một người Chăm theo Hồi giáo Bani.

Từ năm 1901 đã có nhiều báo cáo về các di tích nói trên (3). Louis Finot, khi liệt kê ba kiến trúc bamun Chămpa, đã ghi chú rằng: nó là “các pagode lối hiện đại, xây kiểu người Việt” (4). Tài liệu năm 1923 (5) rồi 1926 (6) vẫn còn ghi nhận về các di tích này, chẳng hạn ghi rõ bamung de Tố Lý thuộc làng Trì Đức, tổng Tuân Giáo, huyện Phan Lý Chàm 藩里土 (chữ Nho ghi trong văn bản có nghĩa là Phan Lý Thổ). Các văn bản nhắc tên vài bamung khác (tức bamun có thêm chữ g, có thể tương đương cách ghi bimong ngày nay). Thời gian về sau, có lẽ do ngôi đền đã bị phá hủy trong chiến tranh nên thông tin liên quan bamun de Tố Lý cũng như dấu tích của nó gần như biến mất.

Đôi nét về chức năng hiện nay của các bamun xưa

Chức năng tương đồng của nhiều bamun Chămpa cổ vùng Bình Thuận, như các tư liệu cũ ghi nhận, là nơi thờ phụng các vị vua và người phối ngẫu bên cạnh một số kut thờ khác. Tục thờ kut được hiểu là của người Chăm Bà la môn (7), tuy nhiên, truyền khẩu của người Chăm vùng Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn ghi nhận về nhiều vị vua theo Hồi giáo Bani, một tôn giáo của người Chăm với ảnh hưởng từ Hồi giáo chính thống. Thần dân và vợ của các ngài vẫn bao gồm cả Chăm Bani và Chăm Bà la môn...

Chi tiết đáng chú ý là tượng thờ các vị vua ở bamun được tạc theo dạng phù điêu và đều ở hình thức kiểu hiện thực. Hình ảnh các ngài dường như không được kết hợp để trở thành hình tượng Vua - Thần. Tượng vua Po Klong Garai, được đặt trong ngôi tháp kalan uy nghi cùng tên, nay tọa lạc tại phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận, được tạc ở dạng các linga có tạc hình mặt vị thần Shiva (mukhalinga), còn tượng vua Po Rome, tại tháp kalan khá bề thế, thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, có nhiều tay mà một tay cầm đinh ba và có hình bò thần phục hai bên. Hai bức tượng này rõ ràng đã là những biểu thị cho Shiva, vị thần Bà la môn.

Cũng để ý thêm, các tượng thờ đều có phần mũ hình trụ, nhô lên cao hơn so với phần phù điêu chung của tượng. Bên cạnh đó, trong các tế lễ trang trọng, vương miện vàng của vị vua được đội lên tượng biểu thị chân dung ngài. Tượng thờ các vị hậu phi cũng gần với dạng phù điêu và ở kiểu thức tả thực chứ không phải nữ thần hóa, có phần chỏm tóc búi cao. Vào các dịp tế lễ trang trọng, tượng cũng được gắn vương miện vàng tương ứng.

Có thể xem ngôi đền Po Klong Mơh Nai là kiến trúc hiện hữu vẫn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ xưa. Dù bamun về cơ bản được những học giả Pháp định nghĩa theo chức năng và hình thức là kiểu sanctuaire en construction légère - điện thờ có kết cấu nhẹ, ngôi đền này và kiến trúc tương đương là bamun de Tố Lý vẫn rất quy mô, được xây dựng kiên cố. Cổng khuôn viên ghi đây là “Lăng ngài Po Klong MNai”. Qua tu tạo nhiều lần, hiện ngôi đền có những chi tiết khác biệt rõ với ảnh cũ. Ví dụ, trên sống mái hiện nay có rồng chầu hình uốn khúc kiểu như ở các kiến trúc của người Việt, còn xưa kia vốn chỉ có chi tiết kiểu đầu makara ở cuối bờ mái.

Đền Po Nit ngày nay vẫn mang cấu trúc hình chữ T, nhưng các gian thờ làm thành cánh chữ T không đăng đối. Đặc biệt, đền còn thờ một vị vương phi, được tin rằng vốn là vương nữ có tên Nguyễn Thị Thương, con của một vị chúa Nguyễn. Do tục lệ Chăm theo mẫu hệ, nên bà chính là Hiển tổ tỉ (顯祖妣) của người Chăm họ Nguyễn và Đặng ở xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận (8).

Chân chữ T trong mặt bằng các đền là tòa tiền đường, xưa kia và ngày nay đều không có vách, và sống mái nằm dọc theo trục chính của ngôi đền chứ không phải chạy ngang (hoành) như kiến trúc tiền đường kiểu Việt.

Các so sánh, đối chiếu mới

Gần đây, đã có một số ý kiến so sánh loại hình bamun xưa với kiến trúc cổ của thánh đường Hồi giáo chính thống (masjid, tiếng Arab) ở vùng Kelantan, Malaysia. Thậm chí, có tài liệu còn đưa ra quan điểm: ngôi thánh đường Hồi giáo đầu tiên của Mã Lai (masjid Kampung Laut ở bang Kelantan) được xây dựng (năm 1676) bởi chính người Chăm, vốn là các thành viên hoàng gia, di cư tới Mã Lai (9).

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, kiểu đền thờ bamun - pagode mà H. Parmentier đề cập, xét qua tư liệu ảnh và kiến trúc hiện hữu của đền Po Klong Mơh Nai, có tòa chính mặt bằng hình vuông với mái chồng ba tầng mà tầng trên cùng hình chóp kim tự tháp. Kiểu đền thờ này khác với kiểu chính điện dạng tứ trụ của người Việt cùng thời, tuy mặt bằng cũng vuông và kề liền tòa tiền sảnh phía trước nhưng kết thúc đỉnh mái là một bờ nóc chạy ngang và nếu chồng diêm thì thường chỉ hai tầng mái. Các nhà nghiên cứu người Mã Lai tin chắc rằng, kiểu mái chóp ba tầng này là “dạng mái điển hình của vùng Nusantara” (10), tức vùng Đông Nam Á hải đảo (nghĩa là vùng Quần đảo Mã Lai). Nhiều tác giả còn cho rằng, nó chính là kiểu thức đặc trưng cho kiến trúc bản địa của bang Kelantan, Malaysia (11). Các chi tiết mà tiếng Mã Lai gọi là som ở bờ dải mái, gợi hình ảnh rắn naga hay rồng makara, còn đỉnh chóp mái có chi tiết buah buton, biến thể của stupa (12). Đây là những phần chỉ có thể thấy trong ảnh và bản vẽ của H. Parmentier, chứ không còn ở kiến trúc đền Po Klong Mơh Nai ngày nay.

Kiến trúc ban đầu của masjid Mã Lai có dạng nhà sàn thấp, sàn được làm bằng cây nibung (cây họ Cọ), hệ khung gỗ với mái lợp tranh, không có vách, rồi về sau, được thay bằng mái lợp ngói từ vùng Pattani, sàn bằng gỗ chengal (cây họ Dầu) và có kiểu vách janda berhias cũng bằng gỗ chengal (13). Kiến trúc Chămpa cổ thì vốn dĩ đã sử dụng ngói Chăm và có pha trộn (14). Tiền sảnh (balai lintang) ngay sát phía trước thánh đường chính là kiểu khá phổ biến ở các masjid cổ vùng Quần đảo Mã Lai và hoàn toàn khớp như ghi nhận của các học giả Pháp về nhiều bamun - pagode Chămpa. Trong bố trí tổng mặt bằng, đền Po Klong Mơh Nai có trục chính theo hướng Đông Bắc - Tây Nam chứ không như các masjid của Hồi giáo chính thống có trục chính luôn phải hướng về thánh địa Mecca. Đền Tố Lý như được mô tả thì có trục theo hướng Đông - Tây.

Kiến trúc Hồi giáo ở Chămpa xưa và nay

Trong những tư liệu về lịch sử kiến trúc Chămpa mà chúng tôi tham khảo được, không có phần nào đề cập tới di tích Chămpa có liên hệ với Hồi giáo chính thống. Trong các bảng kê di tích Chămpa, không hề có đền thờ Hồi giáo (mosque). Tuy nhiên, năm 1901, A. Cabaton đã bày tỏ sự chú ý tới Hồi giáo Bani của người Chăm (15). Ông có ghi rõ rằng, bani theo tiếng Arab nghĩa là con cái - hậu duệ. Vậy thời xưa, nghi lễ liên quan đến sinh hoạt tôn giáo ấy đã diễn ra ở đâu, dấu tích của nó thế nào? Chúng ta cần tìm kiếm thêm những mô tả.

Một gợi ý đã được H. Parmentier nêu ra năm 1918: ông cho rằng các bamun xưa mang dấu tích của giai đoạn TK XVII-XVIII, còn vào cuối kỳ của nghệ thuật Chămpa, “các bamun Bà-la-môn đương thời, cũng giống như mosquée của người Chăm Bani, chỉ còn là những căn nhà tranh đơn sơ” (16).

Có tư liệu nói, 2 bi ký Chămpa (tìm thấy ở Trung Kỳ) ghi nhận về một cộng đồng Hồi giáo nửa sau TK X đến TK XI, những người Hồi giáo chính thống này hẳn là thương nhân theo “con đường tơ lụa trên biển” từ Trung Đông tới Trung Hoa, và “đến cuối thế kỷ XV thì đã có một nhóm đáng kể người bản địa Chămpa cải sang Islam” (17).

Bi ký quan trọng từ Drang Lai có niên đại “không sớm hơn năm 1435” (18), ghi tước hiệu theo truyền thống kiểu Ấn của vị vua Virabhadravarmadeva, và nói tới các giáo sĩ Bà la môn cùng giới quý tộc, thương nhân, nông nô... Đây là kiểu phân đẳng cấp theo quan điểm Bà la môn. Như thế, có thể hiểu rằng, đến thời điểm 1435, Hồi giáo chính thống chưa có ảnh hưởng gì đáng kể ở giới thượng tầng Chămpa.

Có lẽ, chỉ từ nửa sau TK XV, suy theo bi ký Drang Lai và sự kiện thành Đồ Bàn thất thủ năm 1471, ở Chămpa mới phát triển tín ngưỡng có ảnh hưởng Hồi giáo, nhưng với những niêm luật, quy tắc được bản địa hóa và kết hợp với truyền thống dân tộc có từ thời xưa, được gọi là Hồi giáo Bani hay đạo Bani, chứ không phải Hồi giáo chính thống như ở Mã Lai bây giờ hay như ở cộng đồng Chăm vùng Tây Nam Bộ vốn quay về từ Campuchia. Các vị vua như Po Nit, Po Klong Mơh Nai, Po Klong Gahul chắc hẳn đã chấp nhận hoặc thậm chí khuyến khích cho thần dân theo xu thế tín ngưỡng - tôn giáo ấy. Việc linh tượng nhiều ngài được thờ phụng trong các bamun có hình thái tương đồng với masjid như so sánh ở trên, mà không phải được thờ trong kalan như các vua Po Klong Garai, Po Rome cho phép ta đặt giả thuyết: liệu trước đó hay đồng thời, nơi thờ phụng đấy có kết hợp là thánh đường Bani của người Chăm Bani hay không? Vì những chốn linh thiêng theo truyền thống Chămpa luôn là biểu trưng cho tín ngưỡng, tôn giáo và vương quyền.

Ngày nay, người Chăm Bani ở Bình Thuận, Ninh Thuận và người Chăm theo Hồi giáo chính thống ở nhiều nơi đều có những thánh đường để cử hành nghi thức tôn giáo, gọi là sang magik. Chữ magik trong ngôn ngữ của người Chăm tương đương masjid Mã Lai. Riêng các thánh đường Hồi giáo chính thống ở vùng Nam Bộ có khác biệt kiểu thức vì xây mới theo lối điển hình.

Mối liên hệ về chủng tộc và ngôn ngữ giữa tộc Chăm với một số tộc người ở vùng Nam Trường Sơn, như Chu ru, Raglai, và với vùng quần đảo Mã Lai được giới khoa học công nhận. Giao thương hay hôn nhân xuyên biên giới giữa các vương tộc, quốc gia cũng được ghi chép trong sử sách. Ví dụ, có một vương tử Chămpa đã cưới vợ là công chúa thuộc vương triều Majapahit (19). Việc các thành viên hoàng gia cùng tùy tùng phải lánh nạn sang những quốc gia lân cận rồi có thể lại quay về, có khi do bởi chính xung đột nội bộ trong hoàng tộc, là phổ biến vào thời trung và cận đại (20).

Đề xuất một giả thuyết

Do có sự chuyển biến về tôn giáo, từ đạo Bà la môn dần tiếp nhận những ảnh hưởng Hồi giáo chính thống, hòa quyện với truyền thống bản địa xa xưa, kiến trúc đền thờ - thánh đường tôn giáo của một bộ phận cư dân Chămpa rồi cả cộng đồng Chăm đã dung nạp hay thậm chí có thể là phát sinh nên mô hình kiến trúc bamun cổ, mà phần trung tâm mỗi tòa nhà, nếu bỏ đi hành lang có mái ở bốn phía xung quanh, chính là hình ảnh tòa tháp kalan. Rất có thể, ban đầu, bamun đã kết hợp chức năng của thánh đường Hồi giáo Bani. Ngôi thánh đường gắn với vùng cư trú, dành cho những nghi thức tôn giáo thường xuyên hơn. Nó vẫn luôn kết hợp chức năng là biểu trưng cho vương quyền, là nơi tôn trí ảnh tượng của vua và thành viên hoàng gia để thờ phụng. Đây là truyền thống đồng nhất Vua - Thần của Chămpa vẫn còn được bảo lưu.

Mối liên hệ qua lại Chămpa với Kelantan hay Java đã đưa đến sự tương giao về tôn giáo (Hồi giáo chính thống - Hồi giáo Bani) và tương đồng kiểu thức kết cấu thánh đường: bộ khung gỗ dựa trên bốn cột trụ thiêng (tiang seri), với mái ba tầng hình chóp tháp, tượng trưng cho núi thiêng Meru - dấu tích còn sót lại của Ấn giáo, Phật giáo.

________________________

1, 16. H. Parmentier, Inventaire Descriptif des Monuments Cams de l’Annam (Bản kiểm kê mô tả các di tích Chăm ở Trung Kỳ), Tome premiere: Descriptions des Monuments. Ernest Leroux Éditeur, Paris.

(1909), Planches: d’Après les Relevés et les Dessins de l’Auteur.

(1918), Tome II: Étude de l’Art Cam.

2. kut: kiểu đá thờ của người Chăm Bà la môn, thường ở dạng như tấm bia, không mang nhân hình nhưng có yếu tố tượng trưng, đặt tại nơi chôn giữ các mảnh xương trán còn lại của người quá cố sau khi hỏa táng.

3, 4. L. Finot, La Religion des Chams d’après les monuments (Tôn giáo của người Chăm qua các di tích), BEFEO, 1901, tập 1, số 1, tr.12-33; và E. L. de Lajonquière, Atlas Archéologique de l’Indochine: Monuments du Champa et du Cambodge (Tập bản đồ khảo cổ Đông Dương: Các di tích ở Champa và Campuchia), Ernest Leroux Éditeur, Paris, 1901.

5. G. Coedes, H. Parmentier, Listes Générales des Inscriptions et des Monuments du Champa et du Cambodge (Danh sách tổng quát những văn khắc và di tích ở Chămpa và Campuchia), Imprimerie d’Extrême-Orient, Hà Nội, 1923.

6. Documents Administratifs, BEFEO Tome 26, 1926, tr.525-688.

7. H. Parmentier có viết là “bamun brahmaniques”, xem thêm Chú thích 1.

8. Võ Thị Tâm, Lễ giỗ của tộc họ Đặng ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, trong Thông báo Hán Nôm học, hannom.org.vn, 2008.

9. N. M. Nawawi, N. H. A. Majid, N. A. M Ariffin, In Search of the Origins of the Malay Architectural Heritage (Nghiên cứu nguồn gốc di sản kiến trúc cổ Mã Lai), irep.iium.edu.my, 2010 và tham khảo thêm về Kampung Laut Mosque tại wikipedia.org.

10, 12, 13. Tham khảo về thánh đường Kampung Laut tại: itc.gov.my/listings.

11. M. R. bin M. Nasir, A study of the Kelantan Malay cultural landscape: recent trends and future prospect (Một nghiên cứu về cảnh quan văn hóa Kelantan Mã Lai), Luận án tiến sĩ tại Đại học Sheffield, Vương quốc Anh, 2011; và M. T. M. Rasdi, Mosque Architecture in Malaysia: Classification of Styles and Possible Influence (Kiến trúc đền thờ Hồi giáo ở Malaysia: phân loại phong cách và các ảnh hưởng khả thể), Journal Alam Bina số 9 (3), 2007, tr.1-37, ISSN 1511-1369.

14. M. Nishimura, The roof tiles in the later period of Champa: a consideration for its origin and diffusion (Ngói lợp mái kiến trúc Chămpa giai đoạn muộn: một xem xét về nguồn gốc và sự phổ biến), Journal of East Asian Cultural Interaction Studies, tập 3, 2010, tr.433-457; và H. Parmentier (Chú thích 1).

15. A. Cabaton, Nouvelles Recherches sur les Chams (Những nghiên cứu mới về người Chăm), Ernest Leroux Éditeur, Paris, 1901.

17. O. Farouk, H. Yamamoto (Editors), Islam at the Margins: The Muslims ofIndochina (Đạo Hồi bên lề: người Hồi giáo ở Đông Dương), CIAS Discussion Paper No.3. Center for IntegratedArea Studies, Kyoto University - Kyoto,Japan, 2008, tr.8.

18. A. Griffiths, A. Lepoutre, W. Southworth, Thanh Phan, Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2012 (sách song ngữ Việt - Anh).

19. Malay Annals (Biên niên sử Mã Lai), do John Leyden dịch từ tiếng Mã Lai, Longman, Hurst, Rees, Orme, and Brown, Paternoster-Row, London, 1821, tr.209.

20. Một số thành viên vương triều ở Mã Lai hay Java nhưng gốc Champa hoặc từng hiện diện trong các vương triều Champa và có yếu tố Hồi giáo chính thống; điều này được nhắc đến trong Malay Annals (xem thêm Chú thích 19), tr.208-211 và Java Babad Tanah Jawi (Lịch sử xứ Java).

Ths HÀ VIỆT HÙNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;