Hoa gạo in bóng sông quê...

Ảnh minh họa

Tháng Ba giao mùa, nắng gió cũng dịu dàng tựa ánh nhìn thiếu nữ. Giữa vòm trời diệu vợi tháng Ba, những bông hoa gạo tựa muôn vàn đốm lửa đỏ bừng lên mãnh liệt. Dường như mỗi loài hoa đều giữ cho riêng mình lời hẹn với thời gian, nên bốn mùa thay nhau dệt giấc mơ rực rỡ nơi vành nôi quê nhà. Lòng tôi lại thêm một lần bổi hổi khi bắt gặp màu hoa gạo, loài hoa của tình người chân thật, của nỗi đợi chờ nhung nhớ xa xôi…

Tôi như bay về khung trời tháng Ba xưa bằng đôi cánh hồi tưởng, trở lại bến sông đầu làng dưới tán cây hoa gạo. Lại thấy trước mặt là dáng những người bà, người mẹ làng tôi bên bến sông, trong buổi ban mai nắng hồng ngồi giặt áo. Từng đôi tay cần mẫn như đang giặt cả những phiến nắng mỏng. Tiếng nói cười lẫn trong tiếng khua nước xao động, làn gió sớm nhuốm hơi sương thoảng qua những khuôn mặt yên bình. Nước sông trong vắt tựa mảnh gương soi bóng hoa gạo đỏ nao lòng, bên những bóng người miền thôn dã hằn in dáng hình bể dâu.

Bao nhiêu đóa hoa nương theo cánh gió, rụng xuống bậc đá loang loáng vũng nắng trong. Cánh hoa đỏ rực đậu lại trên lưng áo nhoè ướt mồ hôi, trên vành nón lá chao nghiêng bóng nắng. Hoa xuôi theo những vòng sóng loang xa, dặt dìu theo nhịp chảy của sông trôi về phía đầu non cuối bãi. Từng mảng hoa kết lại lênh đênh, đằm dịu tựa áng thơ xứ sở được viết từ sông nước êm đềm.

Có những chiều tan học tôi đạp xe ra gốc gạo già ngoài bến nước. Ngồi xuống dưới tán cây cao, nhìn những bè hoa tựa mảnh khăn tay ai đánh rơi trên mặt sông biếc, tôi tự hỏi từ đâu người đời lại đặt tên là hoa gạo. Cái tên “gạo” sao quá đỗi chân phương, gần gũi, gợi về những mùa màng no ấm từ đôi tay và tấm lòng cần lao. Cái tên nhắc nhớ trong tâm thức người xa xứ dáng hình một loài hoa nồng nhiệt thắp lửa trời và cũng lặng thầm nhóm lên ngọn lửa lòng, tỏa quầng sáng khiêm nhường soi lối về nguồn cội. Để dù có vươn xa vời vợi bốn phương trời, vẫn không để mình tách rời cội rễ, nhớ rằng chính mình cũng từ phù sa rơm rạ, từ bao mùa hoa nở thắm đượm mà lớn lên.

Ngày chị tôi sang sông cũng vào mùa hoa gạo nở bên bến cũ. Hoa rụng đầy dưới gốc cây, đỏ như xác pháo tưng bừng, như màu mắt chị ngân ngấn đỏ hoe. Lúc thuyền hoa rời bến xuôi theo con nước, vẫn nhận ra dáng chị thấp thoáng xa xa, ngoảnh nhìn về phía mẹ cũng đang thổn thức dõi mắt ra sông dài. Bóng hai người in trên mặt sông mênh mang, mênh mang. Những dải hoa nối theo đuôi thuyền như bịn rịn, luyến vương người con gái quê lấy chồng xa xứ. Chị để lại những mùa hoa nơi bến quê thủy chung màu son đỏ, để lại ánh trăng hò hẹn tuổi xanh xưa, cả miền ấu thơ nhặt hoa rơi kết vòng đội đầu giả làm cô dâu thẹn thùng…

Rồi một ngày chị gửi lại hết đa đoan quê người, trở về úp mặt vào lòng mẹ, khi từng mùa hoa đến hẹn lại nhuộm đỏ cả trời thương nhớ. Nhìn bóng chị ngồi sau chải đầu cho mẹ tóc trắng bay bay, ngoài kia bao vân sóng thời gian vỗ ngang đời lặng lẽ, lòng tôi lại se sẽ vọng lên những khúc ru hời. Từng cánh hoa gạo rụng trước mặt tôi, như thầm nhắc dẫu có trải qua quy luật phai tàn, vẫn còn bao mùa hoa đón đợi phía trước. Truân chuyên xứ người rồi cũng được ru ngủ trong vòng tay quê nhà ân nghĩa, bao dung.

Ngày tôi về đường xa lộng gió. Bến nước xưa đã không còn in bóng người quê giặt áo, không còn tiếng réo gọi hò nhau tắm mát của trẻ thơ. Đã xa rồi những lần tôi theo mẹ chèo thuyền đi chợ sớm, dọc đường cúi nhặt những đóa hoa gạo xuôi theo con nước lững lờ trong sương. Chị tôi mỗi độ tháng Ba vẫn bồi hồi đợi mong từng mùa hoa gạo. Từ trong đáy mắt như vẫn chưa phai giấc mơ thời thiếu nữ vô ngần. Bao cánh hoa gạo cứ rơi đỏ cả bến sông quê, phủ lên miền dĩ vãng trải dài trong cõi nhớ. Nắng chiều in bóng tôi rưng rưng cúi nhặt một đoá hoa rụng, khẽ ấp vào ngực mình nghe thương nhớ toả hương. Một chiếc thuyền câu chở cả hoàng hôn trầm mặc phía chân trời…

Tản văn TRẦN VĂN THIÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025

 

;