Triều đại nhà Nguyễn đã để lại một di sản vật thể phong phú và đa dạng, bao gồm các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật pháp lam, nội thất và trang phục... Đặc biệt, trang phục cung đình triều Nguyễn đã trở thành di sản văn hóa đặc sắc trong kho tàng di sản của triều Nguyễn. Trong đó, áo Nhật Bình là một trong những kiểu trang phục cung đình còn được tái hiện trong đời sống đương đại qua các dịp lễ hội, hoạt động văn hóa và nghệ thuật được giới trẻ yêu thích. Bài viết tập trung nghiên cứu giá trị hoa văn trang trí trên áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu triều Nguyễn (1802-1945) qua ba khía cạnh chính: phân loại hoa văn, phân tích nguyên tắc trang trí và ý nghĩa biểu tượng của hệ thống hoa văn trang trí áo Nhật Bình.
Áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu - Nguồn: Tác giả
1. Khái quát áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu
Áo Nhật Bình là một trong các loại áo thuộc hệ thống trang phục cung đình của hậu phi triều Nguyễn (1). Nhật Bình được quy định là trang phục thường triều cho hoàng thái hậu, hoàng hậu, công chúa và là triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và cho mệnh phụ phu nhân (2). Áo Nhật Bình còn được xếp vào loại áo đại triều tại những đại lễ như lễ Vạn Thọ (sinh nhật vua), lễ Thánh Thọ (sinh nhật Hoàng thái hậu) (3). Áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu (Đoan Huy Hoàng thái hậu là Từ Cung Hoàng thái hậu (1890-1980), phi thiếp của Vua Khải Định và là thân mẫu của Hoàng đế Bảo Đại) còn được gọi là áo mệnh phụ Hoàng thái hậu. Áo Nhật Bình có nguyên mẫu là dạng áo Phi Phong thời nhà Minh (4), cổ áo dạng đối khâm (cổ áo có hình chữ nhật). Đây là loại áo mặc khoác ngoài với kiểu cài cúc theo lối trực lĩnh (cúc cài chính giữa). Qua khảo sát tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, hiện vật nguyên gốc áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu mang số kiểm kê BTH/TB.Đd.17. Chiếc áo này được Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tiếp quản từ nhà Lưu niệm của Đoan Huy Hoàng thái hậu năm 1981 sau khi bà qua đời. Áo có niên đại trong khoảng thời gian từ năm 1926-1945. Thông số kích thước chiều dài của áo là 111cm, dài tay áo là 104, vạt gấu áo có độ rộng nhất 84.5cm, điểm hẹp nhất ở khoảng cách hai gầm nách là 54.5cm. Áo có phom dáng chữ T khi trải phẳng (còn được gọi là hình thang ngược). Tay áo dài bằng thân khi mặc lên người. Toàn bộ mặt trước và mặt sau của áo được trang trí hoa văn với mật độ dày đặc và phân bố dải đều với nhiều kích thước khác nhau.
Cổ áo được thiết kế trang trí bởi một hệ thống hoa văn theo thức đường diềm gồm 9 hình chim phượng xòe đuôi tung cánh, lớp kế tiếp là hoa văn hồi văn, và phần ngoài cùng tiếp giáp với thân áo được trang trí hình lục giác chéo xen kẽ hoa mai. Phần cuối chân cổ áo hình chữ nhật phía trước, được trang trí hoa văn tam sơn thủy ba; và phần mảng nền cho chủ đề này là trang trí hoa văn kim quy - mai rùa. Kết nối hai cổ áo ở trục chính giữa với nhau là một khuy cài màu vàng, bằng kim loại (khuy cài còn được gọi là phượng khấu). Phía dưới cổ áo là hai dải thùy lưu. Trên mỗi dải thùy lưu mặt trước và mặt sau được trang trí hai con chim phượng (3 đuôi) bay cuốn thư. Ở cuối dải thùy lưu được trang trí hoa văn thủy ba tản vân. Toàn bộ thân áo trước và sau được trang trí hoa văn đề tài song phượng chầu nguyệt sắp xếp trong một vòng tròn và hoa lá thực vật như các loài hoa: mai, lan, cúc, trúc… được bố trí đặt xung quanh. Phần trên của mỗi vạt gấu áo trái và phải đều trang trí một con chim hạc ngậm chuỗi ngọc đang bay. Ngay phía dưới hình chim hạc, có hình rùa đội pho sách chữ vạn (卍), miệng đang phun mây. Phần vạt gấu áo thân sau và thân trước được trang trí giống nhau. Hình thức trang trí ở tay áo cũng giống như ở thân áo trước và sau bao gồm các họa tiết song phượng chầu nguyệt và các loài hoa lá thực vật.
2. Hệ thống đồ án trang trí và đặc trưng trong cách tạo hình hoa văn
Trên áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu có hệ thống hoa văn trang trí phong phú và đa dạng. Cụ thể, số lượng loại hoa văn trang trí có 15 loại: song phượng (phượng đôi), phượng cuốn thư, phượng bay (phượng đơn), hạc, rùa, hoa mẫu đơn, hoa cúc, hoa mai, hoa lan đất, đá lồng hình hoa lan đất (cụm), trúc, mây, hồi văn, mắt võng lục giác điểm hoa (cụm), tam sơn thủy ba...
Tổng số lượng hoa văn trang trí là 141 họa tiết; ngoài ra, có các cụm hoa văn trang trí trên cổ áo và gấu vạt áo (5). Hoa văn được quy thành ba hệ nhóm: hoa văn các con vật linh; hoa văn tự nhiên; hoa văn hình học.
Nhóm hoa văn các con vật linh
Hoa văn chim phượng
Chim phượng là một trong những linh vật đứng thứ tư trong các con vật thần quyền, có sức mạnh siêu nhiên, thuộc hệ thống Tứ linh trong văn hóa truyền thống của Việt Nam. Hoa văn chim phượng trang trí trên áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu được đặt trong ba bố cục chính: Song phượng đặt trong bố cục hình tròn, được trang trí dàn đều trên áo với số lượng 31 hình; Phượng cuốn thư trang trí trên dải thùy lưu phía trước nẹp áo, có 4 hình (mặt trước và mặt sau); Phượng xòe đuôi tung cánh trang trí trên cổ áo hình chữ nhật, có 9 hình. Chim phượng là chúa của các loài chim, một biểu tượng của tầng trên, của nguồn sinh lực thiêng liêng, hiện thân của thánh nhân.
Theo truyền thuyết, chim phượng chỉ xuất hiện vào thời thịnh trị. Chim phượng biểu tượng cho sự tốt đẹp, sắc đẹp, duyên dáng và đức hạnh của người phụ nữ. Chính vì vậy, hoa văn chim phượng thường được sử dụng nhiều trên trang phục của hoàng thái hậu, hoàng hậu, công chúa và trong các không gian trang trí, đồ vật dùng khác của hậu phi cũng như trên các sản phẩm mỹ thuật triều Nguyễn.
Họa tiết rùa
Rùa là linh vật thứ ba trong các loài có quyền năng siêu nhiên bao gồm long, lân, quy, phượng (6). Họa tiết hình rùa đội pho sách chữ vạn (卍), miệng phun mây trang trí ở phần thân phía dưới gấu áo, kết hợp đồ án hoa văn tam sơn thủy ba thể hiện điều tốt lành. Họa tiết rùa được đặt đối xứng cân đối hai bên thân trước và thân sau áo, được lặp lại (4 nhịp - xen kẽ). Người Việt quan niệm rằng, mai rùa đại diện cho hình ảnh của trời và đất. Rùa biểu trưng cho sự trường thọ và sự vững chắc, sức chịu đựng bền bỉ và dẻo dai.
Họa tiết chim hạc
Trên áo Nhật Bình, chim hạc với bộ lông màu trắng, chiếc đầu đỏ, đang bay ngậm một chuỗi vòng bay phía trên hình rùa đội pho sách. Số lượng chim hạc được trang trí ở phía dưới gấu áo của thân trước và thân sau là 4 hình. Chim hạc là một trong những con vật gắn liền với nhiều biểu tượng và truyền thuyết khác nhau. Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, chim hạc là một trong những con vật linh được sử dụng phổ biến trên các đồ án trang trí kiến trúc, công trình tôn giáo tín ngưỡng... Ý nghĩa của chim hạc trong nghệ thuật trang trí gắn với ước vọng sống lâu, trường tồn của con người. Chim hạc biểu tượng cho sự thanh khiết, bền bỉ và dẻo dai. Chim hạc và rùa là hai hình tượng luôn đi cùng với nhau, là một đề tài biểu tượng cho sự trường thọ.
Nhóm hoa văn tự nhiên
Hoa lá thực vật
Hoa văn thực vật trang trí trên áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu tập trung chủ yếu là các loài hoa lá thực vật. Điển hình hoa mẫu đơn và bộ Tứ quý - mai, trúc, cúc, lan. Bộ hoa văn này được thêu mô phỏng với cách tạo hình chân thật giống trong tự nhiên. Hệ thống họa tiết hoa lá thực vật trang trí trên áo là biểu tượng cho sự viên mãn, sung túc, sự thanh tao, quý phái cùng sự trường thọ và kiên định.
Hoa mẫu đơn: họa tiết hoa mẫu đơn là họa tiết chính trong bộ hoa lá thực vật trang trí trên áo. Hoa mẫu đơn có kích thước lớn thư hai sau họa tiết chính là chim phượng, được đặt bên cạnh họa tiết song phượng. Hoa mẫu đơn được trang trí trên thân áo gồm 9 bông mẫu đơn kích thước lớn và 8 bông mẫu đơn kích thước nhỏ trang trí trên tay áo. Tổng họa tiết hoa mẫu đơn trên áo là 17 bông mẫu đơn. Hoa mẫu đơn tượng trưng cho tình yêu, niềm vui, hạnh phúc và hoa mẫu đơn cũng là hình ảnh người đàn bà cao quý được trìu mến (7).
Hoa văn tứ quý là hoa văn trang trí phụ có kích thuớc nhỏ hơn hoa mẫu đơn. Bộ hoa văn này thường chứa đựng những giá trị tinh thần quý phái, trang nhã và đầy triết lý tâm linh theo truyền thống Nho giáo.
Hoa mai: họa tiết hoa mai được điểm xuyết xen kẽ với các họa tiết chính có kích thước nhỏ. Tổng số lượng họa tiết hoa mai trang trí trên áo là 34 bông. Hoa mai là biểu tượng của Tết Nguyên đán ở miền Nam Việt Nam. Họa tiết hoa mai biểu tượng cho điềm lành, sự thịnh vượng. Hoa mai cũng tượng trưng cho sự thanh cao, trong trắng của người con gái (8). Vì vậy, họa tiết này xuất hiện phổ biến trên trang phục của phụ nữ và trên các loại hình nghệ thuật trang trí truyền thống khác.
Trúc: họa tiết trúc được trang trí với số lượng là 8 hình. Họa tiết trúc đóng vai trò là họa tiết phụ và là một trong những họa tiết trong bộ Tứ quý. Trúc có sức sống bền bỉ, đại diện cho sự trường thọ và kiên định.
Hoa cúc: họa tiết hoa cúc có kích thước lớn thứ ba sau họa tiết hoa mẫu đơn. Số lượng hoa cúc được trang trí trên toàn bộ áo là 6 bông. Hoa cúc đại diện cho sự viên mãn, sung túc, trường thọ.
Hoa lan: họa tiết hoa lan là một trong những họa tiết có kích thước nhỏ, đóng vai trò xen kẽ và điểm xuyết trên áo theo bộ Tứ quý. Số lượng hoa lan trang trí là 10 bông. Hoa lan đại diện cho sự thanh tao, quý phái, trang nhã (9).
Nhóm đồ án hoa văn khác
Sóng nước (thủy ba): kiểu sóng được trang trí ở phía trên cổ áo và dưới vạt gấu áo, các họa tiết sóng đơn giản là hình bán nguyệt. Sóng nước được cách điệu bởi những đường lượn cong đều, giống như vẩy cá. Các họa tiết sóng nước và đám mây kết hợp với nhau tạo một thế vận động của trên và dưới. Hơn thế nữa, thủy ba không chỉ là sóng nước mà còn mang ý nghĩa là khởi nguồn sự sống, khởi nguồn của mọi năng lượng, sự luân chuyển không ngừng của sự sống.
Cột thủy: những mảng họa tiết đường kẻ hơi uốn cong được xếp liên tiếp và ổn định hướng lên trên theo hướng họa tiết sóng nước phía trên tạo thành hoa văn cột thủy trang trí phía dưới gấu vạt áo.
Mây: họa tiết mây là các dạng vân xoắn nổi khối, xoắn kết với nhau thành mây cụm. Mây vân xoắn được sử dụng để trang trí các khoảng trống nhỏ trên áo Nhật Bình và tập trung ở phía dưới gấu vạt áo. Các đám mây với các kích thước đều nhau được thiết kế để tăng độ sinh động về tỷ lệ hình cho bố cục tổng thể mà còn mang ý nghĩa biểu tượng dấu hiệu tốt lành và hạnh phúc. Đây là một trong những họa tiết được gắn bó trong nghệ thuật truyền thống Việt.
Tam sơn thủy ba: hoa văn này được trang trí ở hai bên mép sườn áo, phía dưới gấu áo và ở trên cổ áo. Trên gấu vạt áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu, bố cục họa tiết tam sơn được mọc lên từ nước cuộn sóng, cột thủy và không có vân mây bao bọc xung quanh. Tam sơn thủy ba đặt ở vị trí này vừa đóng vai trò đóng bố cục cụm trang trí ở phía dưới gấu áo tạo sự chắc chắn và khép kín đồng thời góp phần tạo ra một không gian thần tiên và linh thiêng. Với ý nghĩa của người Kinh, tam sơn như gạch nối giữa nước và trời, giữa âm với dương để cấu thành thế giới hữu hình (10).
Nhóm hoa văn hình học
Các mẫu hoa văn hình học từ kết quả khảo sát trên áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu:
Họa tiết đan mắt lưới hình thoi: họa tiết này còn gọi là họa tiết mắt võng. Hoa văn hình thoi được tạo ra bằng cách sử dụng các mặt của một hình thoi có các cạnh dài hơn và ít cong hơn. Họa tiết này được nhân bản để tạo thành một hoa văn họa tiết trong một bố cục hình và được tô điểm thêm hoa chanh ở các đường giao. Hoa văn này được trang trí trên đường diềm cổ áo.
Họa tiết mắt lưới lục giác: họa tiết đan với các mắt lưới hình lục giác có tên Hán - Việt là kim quy - rùa vàng, còn gọi là linh quy. Họa tiết giống vảy rùa được lặp lại nhiều lần tạo thành một hoa văn được dùng làm nền cho mảng hình trên cổ áo.
Hoa văn hồi văn: đường nét hình học kỷ hà được trang trí lặp lại theo bố cục một đường diềm chạy xung quanh cổ áo Nhật Bình được gọi là hoa văn hồi văn. Các đường hồi văn chạy ngang dọc liên tục, liền mạch và khung viền diện tích trang trí trên cổ áo.
3. Nguyên tắc trang trí hoa văn trên áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu
Nguyên tắc trang trí hoa văn tuân theo điển chế
Nguyên tắc trang trí trên trang phục cung đình triều Nguyễn được quy chuẩn chặt chẽ về loại áo, hoa văn biểu tượng và màu sắc trang trí trong Khâm Định Đại Nam Hội điển sử lệ. Trong đó, biểu tượng và màu sắc được quy định như là một đặc điểm để nhận diện và phân biệt được vị thế và cấp bậc của người mặc. Đối với áo của Hoàng thái hậu được quy định là màu vàng, tông màu chủ đạo cho các trang phục liên quan đến vua và hoàng tộc. Theo đó, hình tượng chim phượng được sử dụng chủ đạo cho phụ nữ. Chim phượng thêu trang trí trên áo của hoàng thái hậu và hoàng hậu được biến thể về thiết kế bố cục có kích thước khác nhau. Các quy tắc về biểu tượng trang trí và màu sắc nhằm thể hiện được cấp bậc và uy quyền của người mặc trang phục.
Nguyên tắc trang trí hoa văn theo góc độ nghệ thuật thị giác
Những yếu tố của một tác phẩm nghệ thuật thị giác bao gồm: thiết kế bố cục - nhịp điệu - hòa sắc. Nguyên tắc trang trí hoa văn họa tiết trên áo Nhật Bình của Đoàn Huy Hoàng thái hậu được phân tích xét theo ba yếu tố cơ bản này để nhằm làm rõ khía cạnh thẩm mỹ và cách tạo hình.
Bố cục cân bằng thị giác
Sự cân bằng thị giác được thể hiện rõ bởi bố cục tạo hình của họa tiết chính và mô đun trang trí trên áo Nhật Bình nhằm đạt đến độ hài hòa.
Bố cục họa tiết quy hình: họa tiết song phượng tề phi được đặt trong một bố cục dạng thích hợp (hình tròn) chính tâm tạo lực hút thị giác mạnh nhất cho họa tiết trang trí. Ngoài ra, sự sắp xếp các họa tiết theo một hình vuông tạo ra một mô đun cũng tạo lực hút thị giác cơ bản mặc định là năm vùng lực hút thị giác trên mọi hình giao diện (11). Đây chính là cơ sở nguyên tắc chia bốn trong thiết kế bố cục mô đun được sắp xếp trên áo nhằm tạo sự cân bằng thị giác.
Bố cục cân bằng tín hiệu thị giác bao tâm: bố cục mô đun chính được sắp xếp các họa tiết tạo hình với kích thước khác nhau bao quanh tâm giao diện, tạo ra tín hiệu thị giác cân bằng quanh tâm.
Bố cục cân bằng thị giác dàn đều: các mô đun sắp xếp một khoảng cách đều nhau và được nhắc lại trên mặt thân áo trước và thân sau. Đây là sự dàn đều các tín hiệu thị giác trên bề mặt giao diện theo nhịp điệu hàng lối. Cách thiết kế bố cục “dàn đều” hay còn được gọi là “bố cục vải hoa”, trong nguyên lý thị giác gọi là bố cục “hàng lối” (12).
Nhịp điệu
Tính nhịp điệu trên áo Nhật Bình thể hiện rõ ở hoa văn, họa tiết phần tay áo và đồ án hoa văn thủy ba ở gấu vạt áo. Sự sắp xếp xen kẽ các họa tiết hoa lá với cự ly gần như chạm vào nhau, tạo ra sức căng động (dynamic tensions) của sự vận động thay vì ổn định (13). Đặc biệt, phần gấu vạt áo, tính nhịp điệu của đường nét mảng hoa văn tam sơn thủy ba kết hợp tín hiệu thị giác được xác định là các họa tiết chim hạc bay phía trên, rùa đội pho sách chữ vạn trên sóng nước được sắp xếp theo luật nguyên lý xa gần, tạo ra sự sinh động. Toàn bộ phần đồ án hoa văn trang trí ở dưới gấu vạt áo liên kết với nhau từ hình tượng đến màu sắc với mô hình không gian 2D và 3D tạo ra cảm nhận thị giác như một bức tranh gồm thiên - địa - thoải mang tính quyền năng đồng thời thể hiện vị trí cấp bậc cao nhất của Hậu phi cung đình triều Nguyễn.
Hòa sắc
Áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu có màu vàng vừa là màu sắc chính và vừa là màu nền. Màu sắc của các hoa văn trang trí là màu phụ. Màu sắc chính và phụ được sử dụng hài hòa và cân bằng trong tổng thể hòa sắc của áo. Các cặp màu nóng tương đồng vàng - cam và cặp màu tương phản xanh - đỏ được kết hợp với lượng phân bố dàn đều, không tạo ra sự chênh lệch, mất cân bằng trong bố cục hòa sắc tổng thể đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao.
Ý nghĩa biểu tượng của hoa văn trang trí trên áo Nhật Bình
Các hoa văn và họa tiết không chỉ đảm nhiệm chức năng trang trí mà còn ẩn chứa ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Mỗi họa tiết mang một ý nghĩa tượng trưng riêng biệt và thể hiện nhiều lớp nghĩa phong phú. Trên áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu, các đề tài trang trí phản ánh rõ ràng cấu trúc tầng lớp phong kiến cũng như tư tưởng Nho giáo của triều đại nhà Nguyễn. Dưới đây là một số ý nghĩa biểu tượng tiêu biểu của hệ thống hoa văn và họa tiết trang trí trên áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu: Uy quyền: phượng; Phú quý: mẫu đơn, cúc, mai, lan; Trường thọ: kim quy - mai rùa, rùa, chim hạc, cúc, trúc, sóng nước, mây; Thái bình và hạnh phúc: phượng, mây, mẫu đơn, cúc, mai.
Những họa tiết này không chỉ biểu thị quyền lực và địa vị của tầng lớp phong kiến mà còn phản ánh các giá trị văn hoá và triết lý sống của xã hội triều Nguyễn. Việc phân loại và giải thích ý nghĩa biểu tượng của hệ thống hoa văn, họa tiết này nhấn mạnh cả tính thẩm mỹ lẫn ý nghĩa về sự trường thọ và quyền năng trên áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu.
Kết luận
Trang phục Hậu phi triều Nguyễn không chỉ là những hiện vật quý giá mà còn có thể được xem như là những tác phẩm nghệ thuật sống động vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Trong nghiên cứu này, các loại hoa văn, nguyên tắc trang trí và ý nghĩa biểu tượng của hoa văn trang trí trên áo Nhật Bình của Đoan Huy Hoàng thái hậu đã được phân loại và phân tích một cách hệ thống. Kết quả nghiên cứu không chỉ đóng góp vào việc hệ thống hóa hoa văn trang trí trên áo Nhật Bình mà còn mở rộng hiểu biết về hoa văn trang trí trên trang phục của Hậu phi triều Nguyễn. Hơn nữa, các hoa văn trang trí này cho thấy nghệ thuật trang trí trên áo Nhật Bình đã thiết lập được một phong cách trang trí độc đáo và riêng biệt, đồng thời hòa cùng vào mạch thẩm mỹ của trang phục Hậu phi triều Nguyễn và nền mỹ thuật cổ trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam.
____________________
1. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện sử học, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, quyển 78, Nxb Thuận Hóa, 2005, tr.127
2. Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ - Lịch sử trang phục Việt Nam, giai đoạn 1009-1945, Nxb Thế giới và Nhã Nam, 2013, tr.342.
3. Trần Thị Thanh Duy, Áo đại triều của Hoàng Thái Hậu thời Nguyễn, Chuyên san Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, 2007, tr.27.
4. Trịnh Bách, Nguồn gốc áo dài Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (161), 2020, tr.3-27.
5. Tài liệu khảo sát thực tế ngày 22-2-2022 tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
6. Ưng Tiếu, Hoa văn cung đình Huế, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2011, tr.110.
7, 8. Trần Lâm Biền, Con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2013, tr.175, 176.
9. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế - Nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thế giới, 2023, tr.99-122.
10. Nguyễn Tiến Cảnh (chủ biên), Mỹ thuật Huế, Nxb Mỹ thuật Huế, 1992, tr.73.
11, 12. Nguyễn Hồng Hưng, Nguyên lý Bố cục thị giác, Nxb Mỹ thuật, 2021, tr.30-54.
13. Collier Graham, Hình, không gian và cách nhìn, Vương Tử Lâm và Phạm Long dịch, Nxb Mỹ thuật, 2022, tr.209.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 21-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 28-12-2024; Ngày duyệt đăng: 7-1-2025.
Ths LÊ THỊ HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025