Hoài Vũ - một tiếng thơ nối hai miền Nam Bắc

Nhắc đến những gương mặt nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoạt động và sáng tác tại Nam bộ, không thể quên Hoài Vũ. Ông sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng cả cuộc đời lại gắn bó với miền Nam, sớm hoạt động văn học ở miền Nam với vai trò Ủy viên  Tiểu ban văn nghệ khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Ủy viên thường trực Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ giải phóng. Hoài Vũ viết truyện ngắn, dịch thuật, viết báo song nổi bật nhất trong các sáng tác của ông vẫn là thơ. Nhiều bài thơ của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống nhân dân Nam Bộ, ông trở thành một trong những nhà thơ Nam Bộ có nhiều bài thơ được phổ nhạc nhất và được công chúng cả nước yêu thích. Năm nay ông vừa tròn tuổi 90 với một hành trình hơn 60 năm cầm bút.

Nhìn lại hành trình thơ Hoài Vũ, bài thơ nổi tiếng đầu tiên đưa tên tuổi ông đến với công chúng là Vàm Cỏ Đông, sáng tác năm 1964. Bài thơ gồm 11 khổ với 44 câu thơ như một tiếng lòng tha thiết của người miền Nam hướng về miền Bắc, cùng chung quyết tâm đánh giặc cứu nước. Lời gọi tha thiết như cầu nối hai miền được cất lên ở khổ thơ mở đầu và khổ thơ kết thúc tác phẩm: Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông! Không gian Nam Bộ hiện ra trong bài thơ thật đặc trưng với những rặng dừa, chiếc xuồng, thửa ruộng đen màu mỡ và đặc biệt là những con người quả cảm anh hùng: Tóc còn xanh lắm tuổi đôi mươi/ Dám đổi thân mình lấy tàu giặc/ Nụ cười khi chết hãy còn tươi. Vàm Cỏ Đông ngay khi vừa ra đời đã có sức lan tỏa rộng rãi, đặc biệt khi nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ thành ca khúc cùng tên vào năm 1966, Vàm Cỏ Đông trở thành một trong những nhạc phẩm tiêu biểu nhất cho ca khúc kháng chiến vùng Nam Bộ. Có thể nói, con sông Vàm Cỏ đã trở thành máu thịt trong thơ Hoài Vũ, trở đi trở lại nhiều lần trong thơ ông, dù ông không phải người gốc Nam Bộ. Con sông Vàm Cỏ gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà thơ với biết bao tâm sự nỗi niềm: Anh ở đầu sông em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín ba mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông (Gửi miền hạ), Đời hai ta gắn bó với hai sông/ Em Vàm Cỏ Tây anh Vàm Cỏ Đông/ Mỗi tối triều lên chao sóng nước/ Bìm bịp kêu xao xác cả hai dòng (Thì thầm với dòng sông). Sau năm 1975, dòng sông này vẫn còn in dấu trong thơ Hoài Vũ: Ơi Vàm Cỏ Đông ta ơi/ Chia tay chi giữa sắc trời hoàng hôn (Trời mênh mông, nước mênh mông…). Nhưng không chỉ có Vàm Cỏ Đông, nhiều dòng sông dòng suối khác cũng xuất hiện dày đặc trong thơ Hoài Vũ, mang đậm chất không gian và con người Nam Bộ. Có thể kể đến Sông Bé trong bài Gửi sông Bé yêu thươngSông Bé chiều nay, suối Ơ ri trong bài Suối Ơ ri lại soi bóng em, sông Hậu trong bài Xa rồi sông Hậu, sông Sài Gòn trong bài Gửi Khánh Hội yêu thương, Suối Tiên trong bài thơ cùng tên, Sông Nhà bè trong bài Tâm tình trước ngã ba sông. Tình cảm với những dòng sông có thể xem là một tình cảm mang tính phổ niệm, có trong hầu hết mỗi người Việt, đi vào thơ vào nhạc của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Và không chỉ có những dòng sông, vô vàn các địa danh Nam Bộ tràn ngập trong thơ Hoài Vũ, như thể ghi nhớ tất cả những không gian ông đã đi qua: Khánh Hội ơi gần nhau trong gang tấc/ Đây cầu Quay, kia bến Nhà Rồng (Gởi Khánh Hội yêu thương), Ta chọn nơi này làm bạn với nhau/ Những chiếc xe hoa qua cầu Công Lý (Những chiếc xe hoa qua cầu Công Lý), Ôi nếu hóa rặng dừa rậm lá/ Quanh Gò Đen, Mương Trám, Ấp Đồng (Gởi Bến Lức), Phước Long, Nhà Đỏ, Bông Trang/ Bình Long, Đất Cuốc, Bàu Bàng, Cam Xe (Gởi sông Bé yêu thương)

Thơ Hoài Vũ chinh phục người đọc bằng chất giọng hồn hậu, thủ thỉ tâm tình. Ông không bao giờ phải cao giọng hay nói những điều to tát mà thơ ông cứ như dòng nước mát lành thấm vào người đọc. Cái chất phác, thành thật, chân tình của người Nam Bộ đã đi vào thơ ông thật tự nhiên, câu chữ cũng không cần phải gò ép hay quá trau chuốt. Một loạt bài thơ của ông được viết như những bức thư. Có thể nhận thấy chất tâm tình ấy ngay từ tên mỗi tác phẩm như: Gởi người bạn gái trong tù, Gởi sông Bé yêu thương, Gởi Bến Lức, Gởi Khánh Hội yêu thương, Gởi em, cô gái Gò Công, Gởi lại Hóc Môn, Gởi lại Chư Sê…

Chất giọng thơ Hoài Vũ đã nhận được sự đồng cảm đồng điệu của nhiều nhạc sĩ. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc tới 14 bài thơ của Hoài Vũ, trong đó có 2 bài nổi tiếng nhất là Anh ở đầu sông em cuối sông (phổ nhạc từ bài thơ Gửi miền hạ) và Người ấy bây giờ đang ở đâu. Nhạc sĩ Thuận Yến phổ 6 bài thơ của Hoài Vũ, trong đó có 3 bài được biết đến rộng rãi là: Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sôngChia tay hoàng hôn (phổ từ bài Hoàng hôn lặng lẽ). Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác đều có các ca khúc phổ từ thơ Hoài Vũ như Trương Quang Lục (phổ bài Vàm Cỏ Đông), Phạm Thế Mỹ (phổ bài Gởi lại Chư Sê), Thế Bảo (phổ bài Nỗi niềm), Lư Nhất Vũ (phổ bài Cô thợ thêu ấy), Lê Lôi (phổ bài Gởi em cô gái Gò Công). Thơ Hoài Vũ đầy ắp nhạc tính, luôn chú trọng vần điệu nên rất dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thấm vào lòng người đọc

Có thể chia thơ Hoài Vũ làm hai chặng lớn, đó là trước và sau 1975. Có một bài thơ quan trọng mang tính bản lề, đánh dấu hai giai đoạn trong thơ Hoài Vũ. Đó là bài Long An ngày trở lại, được ông sáng tác năm 1975, ngay sau khi đất nước thống nhất. Với thi phẩm này, Hoài Vũ thể hiện ân tình sâu nặng với Nam Bộ nói chung, với Long An nói riêng, khẳng định tình cảm gắn bó máu thịt của mỗi người nghệ sĩ - chiến sĩ với nhân dân và cách mạng: Như đứa con đi xa về với mẹ/ Như người yêu đến với người yêu/ Long An ơi, lòng ta sao bề bộn thế/ Thương rất nhiều mà chẳng nói được bao nhiêu!. Để có được một ngày đất nước hòa bình thống nhất, không thể quên bao máu xương đã đổ xuống, bao con người đã hy sinh thầm lặng: Có ai đã qua những nghìn ngày cay đắng/ Những con sông vơi đầy và những dòng nước mắt đầy vơi/ Mới thấy hết nỗi vui, giữa ngày rực nắng/ Gặp một đóa hoa hồng chợt xòe nở đỏ tươi

Hoài Vũ là một người ham sống, ham đi. Khi đất nước còn chiến tranh, mỗi bước đi của ông gắn với nhiệm vụ cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đi để trải rộng lòng mình, để thêm yêu quê hương đất nước, để đến với bao miền đất mới. Không chỉ dừng lại ở không gian Nam Bộ, Hoài Vũ có những bài thơ như Bến Thượng Hải, Đầu đông xứ tuyết, Tình ca Đa nuýp, Qua Xi bia, Người đẹp Hàng Châu. Thơ ông sau bao năm tháng vẫn trẻ trung tươi tắn, vừa đậm chất cổ điển lại vừa hiện đại: Đêm nay chung ngược Hàng Châu/ Mỹ nhân hiệp khách gặp nhau giữa đường/ Cũng là một kiếp tha hương/ Phong trần giữ lại hạt sương trên đầu (Người đẹp Hàng Châu).

Một mảng đặc biệt quan trọng, nối từ trước 1975 đến sau 1975 trong thơ Hoài Vũ chính là những bài thơ tình. Tình yêu thời kháng chiến hiện lên thật rõ nét qua những bài thơ như Vàm Cỏ Đông hay Gửi miền hạ: Vàm Cỏ Đông đây ta quyết giữ/ Từng mái nhà nép dưới rặng dừa/ Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ/ Từng mối tình hò hẹn sớm trưa; Ăn hạt gạo quê nhà em gởi/ Biết mấy yêu thương, mấy nghĩa tình/ Anh hiểu giữa bom rền, pháo dội/ Em dám bỏ mình cho cây lúa hồi sinh. Tình yêu ấy đã vượt lên muôn ngàn khó khăn, vượt lên mưa bom bão đạn, vượt lên cái chết, chiến thắng cả sự tàn khốc của chiến tranh. Thế nhưng đặc biệt hơn nữa, Hoài Vũ có những bài thơ tình viết trong thời chiến mà không hề thấy dấu vết của bom đạn, ở đó chỉ còn lại những niềm thao thức đợi chờ, lời nhắc nhở thủy chung sâu nặng: Vẫn xa vời và ngút mắt mênh mông/ Hết nửa dòng sông mấy cánh đồng/ Hoa giấy nhà ai trông đỏ quá/ Trưa anh về, em có đợi anh không (Thì thầm với dòng sông), Dù đi đâu và xa cách bao lâu/ Anh vẫn có bóng em, giữa bóng tràm bát ngát/ Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh ngát/ Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao (Đi trong hương tràm). Đằng sau những câu thơ trong bài Đi trong hương tràm là cả một câu chuyện buồn thương. Trong những ngày kháng chiến ác liệt, Hoài Vũ bị thương nặng và được một cô giao liên tên là Lan chăm sóc. Hòa bình lập lại, ông tìm về chốn xưa thì mới biết tin cô đã bị giặc bắn chết ngay trong vườn tràm. Hai chai dầu thơm định tặng cho Lan, nhà thơ chỉ còn biết mang ra mộ, lá tràm khi ấy đã rụng đầy…Sau này, thơ tình Hoài Vũ vẫn đằm thắm, tha thiết, vẫn rưng rưng những sâu nặng nghĩa tình, như trong bài Em về bên kia sông viết năm ông đã 80 tuổi: Có phải dễ yên bề, em về bên ấy/ Cách một dòng sông cho bớt gió dông/ Cách một dòng sông, cho yêu không sống lại/ Nỗi nhớ là tro, không phải than hồng!

Thơ Hoài Vũ không nhiều lắm về số lượng song ông sáng tác rất đều đặn trong tất cả các giai đoạn, thời kỳ. Hoài Vũ sở trường với thể thơ tự do, mỗi câu thơ thường dịch chuyển từ 7 chữ cho đến 10 chữ, âm điệu vấn vít nhớ thương quyến luyến. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, các bài thơ của ông mang thêm nhiều trạng thái của đời sống hiện đại, tình tứ và trẻ trung, gây ấn tượng thêm cho người đọc bằng một số bài lục bát độc đáo mà Một thoáng sân bay là một trường hợp tiêu biểu: Anh rời thành phố chiều nay/ Người ra tiễn ít, gió mây lại nhiều/ Lạ lùng vậy đó em yêu/ Không em mà mắt đăm chiêu dõi tìm…

 

ĐỖ ANH VŨ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 604, tháng 4-2025

;