Hội Dâu và lễ thức rước Phật Tứ Pháp

Lễ rước kiệu cầu mưa thuận gió hòa ở hội chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh)- nguồn ảnh: baobacninh.vn

 

Chùa Dâu và Tứ Pháp

Hẳn chúng ta đều biết, trước khi Phật giáo du nhập vào nước ta thì những cư dân nông nghiệp đã biết tôn thờ các vị thần phù trợ cho mình, trở thành một tín ngưỡng dân gian truyền thống từ trước đó. Vốn là một ngôi đền thờ Thần Mây, mang tên Pháp Vân - chùa Dâu, qua các giai đoạn lịch sử dân tộc và lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo Việt Nam, đã được sửa chữa và trùng tu nhiều lần. Theo văn bia và các thư tịch cổ còn lưu giữ tại chùa: chùa Dâu đã được trùng tu vào các giai đoạn giữa thế kỷ XIII vào đời Lý, cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV vào đời Trần, thế kỷ XVIII vào đời Lê và lần gần nhất là cuối thế kỷ XIX vào đời Nguyễn. Ngôi chùa ngày nay còn mang nhiều dấu ấn của kiến trúc thời Hậu Lê. Lần đại trùng tu vào TK XIII, là do Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đứng ra làm vào năm 1313, như sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi lại: “Đời Trần, Mạc Đĩnh Chi dựng chùa trăm gian, tháp 9 tầng và cầu 9 nhịp, nền cũ nay vẫn còn”. Chùa làm theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Từ Tiền đường, đi qua một sân gạch có tháp Hòa Phong ở giữa, sẽ đến đại Bái Đường và Phật Điện (tòa thượng điện), sau cùng là Hậu Đường. Tất cả nằm giữa bốn dãy nhà dài vây quanh theo hình chữ “quốc”.

Bao quanh tòa thượng điện kiến trúc chữ “Công” là những dãy nhà ngang, nhà dọc vây kín theo kiểu "nội công ngoại quốc". Chính giữa sân chùa trước Bái Đường là tháp Hòa Phong, được thiền sư Pháp Hiền xây dựng vào cuối thế kỷ VI để giữ gìn các di tích xá lợi Phật. Tháp Hòa Phong vốn có 9 tầng, nay tháp chỉ còn 3 tầng, cao 17m, tầng chân tháp hình vuông mỗi cạnh 7m, tường dày, trổ 4 cửa vòm cuốn. Hai cửa chính nhìn ra hướng Đông và hướng Tây có bậc cấp lên xuống. Hai bên bậc cấp là hai con sóc đá trong tư thế nằm dài từ thềm xuống sân mang phong cách rất gần với điêu khắc cổ Chăm-pa và điêu khắc thú tượng trưng trong kiến trúc lăng mộ đời nhà Tùy - Trung Quốc. Dưới chân tháp Hòa Phong có một bức tượng cổ hình một con cừu đá nằm quỳ hai chân trước, tương truyền được tạc từ gần 2.000 năm trước. Tháp Hòa Phong được trùng tu năm 1737 vào đời Lê. Trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh và khánh lớn bằng đồng đúc năm 1837 dưới triều Minh Mạng. Ngôi tháp vuông xây bằng gạch trần mộc to bản, dáng chắc khỏe, nổi bật giữa khung cảnh xung quanh. Tháp tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo một khánh đồng cổ. Tháp Hòa Phong được xây cao với vai trò như một thạch trụ chặn cản luồng gió nghiệp chướng từ cõi vô minh thổi tới.

Trong tòa thượng điện (Phật điện), tượng bà Pháp Vân thờ ở gian giữa cao gần 2m ngồi trên tòa sen, là một pho tượng lớn và đẹp nhất trong hơn 100 pho tượng được thờ trong chùa, pho tượng màu gụ, được ngồi trên tòa sen như tượng Phật, nhưng nét mặt như một người mẹ hiền từ nhìn xuống, bàn tay phải đưa ra như vỗ về an ủi, tay trái đặt trong lòng. Bốn phía tòa sen có các vòng sắt để có thể di chuyển tượng trong ngày lễ hội và rước Phật. Tượng được phủ lớp áo vàng, ngày hội khi làm lễ tắm tượng mới thay áo. Phía trước là nơi đặt Thạch Quang Phật, đặt liền hai bên tượng bà Pháp Vân là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ cao 1,57m mang đặc trưng phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII - XVIII. Với khuôn mặt búp sen, trên đầu vấn trần tóc đuôi gà, áo mớ ba/ mớ bẩy, đường nét thanh tú như dáng vẻ một cô thôn nữ miền quê Kinh Bắc xưa.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Dâu trên đất Luy Lâu xưa với những tích cổ và tín ngưỡng thờ Tứ Pháp vẫn tồn tại như một minh chứng cho một vết tích nền nông nghiệp hết sức phát triển ở khu vực sông Dâu, vùng Dâu - Luy Lâu cũng như cả vùng đồng bằng hạ lưu sông Hồng xưa. Mặt khác, đây còn là nét đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian thờ thần phù trợ cho của cư dân nông nghiệp người Việt và là minh chứng cho những giai đoạn hoàng kim của Phật giáo tại Việt Nam. Chính vị vậy, chùa Dâu được cho là tổ đình Phật giáo Việt Nam.

Sự hình thành quần thể Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu đã được kể lại bằng câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền như sau: Khâu Đà La từ núi Phật Tích băng xuống Luy Lâu giảng kinh, gặp cha mẹ Man Nương là người sùng Phật pháp, cho con gái theo làm đồ đệ. Một hôm nhà sư đi chơi về thấy Man Nương nằm ngủ ở bậc cửa không tiện đánh thức bèn bước qua người, chẳng hay Man Nương động thai giời có chửa. Đến ngày sinh con, cha mẹ nàng rất giận bèn bế trả nhà sư. Khâu Đà La bí quá bế đứa bé đem vào rừng nhờ cây thần Dung thụ (cây Dâu cổ thụ) giúp, nhà sư đọc một bài kệ cây bèn mở thân để nhà sư đặt đứa bé vào trong… Sau đó, từ biệt Man Nương ra đi, nhà sư đưa cho nàng một cây gậy và bảo rằng nếu hạn hán cứ chọc gậy xuống đất chỗ nào có nước thì đào giếng chống hạn. Mùa lũ lụt nọ kéo đổ cây Dung thụ trôi ra sông Dâu, người ta vớt không được, Man Nương chỉ nhẹ nhàng lấy dải yếm kéo cây vào bờ là xong. Sỹ Nhiếp và dân làng mừng vui cho cưa cây làm bốn khúc, tạc bốn pho tượng, sau khi khai quang điểm nhãn thì bầu trời nổi mây, mưa, sấm, chớp và đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện cho thờ ở bốn ngôi đền (sau là chùa). Còn cái nhân cây (đứa bé) biến thành hòn đá (đức Thạch Quang) bị chìm xuống nước, bà Man Nương hô một câu nó nhảy tọt vào lòng bà, hiện hòn đá được đặt trong một khám nhỏ thờ phía trước tượng bà Pháp Vân ở chùa Dâu.

Chùa tổ ở Mãn Xá vốn được xây dựng trên đất khuôn viên gia đình ông Tu Định và bà Ưu Di sinh ra Man Nương (xưa là làng Mèn, nay thuộc thôn Mãn xá, xã Hà Mãn) và bốn ngôi chùa thờ tứ Pháp, gồm: chùa Dâu (làng Khương Tự), chùa Đậu (xưa thuộc làng Đông Cốc, nay đất thuộc làng Đại Tự, xã Thanh Khương), chùa Tướng (nằm ở phía Nam, trên đất nội thành Luy Lâu), chùa Dàn (làng Dàn Câu, xã Trí Quả). Bốn chùa Dâu, Đậu, Tướng, Dàn chính là thờ các vị thần/ Phật Mây – Mưa – Sấm – Chớp. Còn chùa tổ là thờ bà Man Nương sinh ra bốn vị thần thiên nhiên kia.

Chùa Dâu là nơi diễn ra hội chính - nguồn: Internet

Hội Dâu và lễ thức rước Phật Tứ Pháp ngày hội

Với huyền thoại Man Nương, người mẹ đồng trinh (Cô gái làng Mèn xưa – Thôn Mãn Xá, Hà Mãn nay) trở thành Phật Mẫu sinh ra Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) và hình thành một quần thể gồm bốn ngôi chùa thuộc Tổng Khương vùng Dâu – Luy Lâu xưa. Nhưng việc thờ cúng, hội lệ lại liên quan đến 12 làng thuộc tổng Dâu xưa và nay cùng nhau cộng đồng trách nhiệm. Hội Dâu diễn ra trong 4 ngày, từ ngày mồng 6 đến hết ngày mồng 9 tháng 4, chính hội là ngày mồng 8/4 (âm lịch) trùng với ngày Phật Đản.

“ Dù ai đi đâu về đâu

Nhớ ngày mồng 8 thì về hội Dâu …”

    (Ca dao cổ)

Vào dịp này, các tăng ni, Phật tử và khách thập phương từ mọi miền về chùa Dâu vui ngày mở hội như câu ca trên đã nói. Hội chùa Dâu không chỉ là dịp để các Phật tử hành hương về nơi cửa Phật mà còn để tham dự những lễ thức Phật giáo và tín ngưỡng dân gian truyền thống của cư dân nông nghiệp vùng Dâu - Luy Lâu. Hội diễn ra khắp cả tổng Khương xưa và trong các lễ thức Hội Dâu, đáng chú ý hơn cả là phần rước hội diễn ra từ ngày mồng 7 đến hết ngày mồng 8 tháng 4 (âm lịch) với đám rước tưng bừng (gồm rước chào, rước đón, rước đưa) thỉnh các tượng bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn về quy tụ với chị cả là bà Dâu ở chùa Diên Ứng (chùa Dâu). Trong bốn chị em, Pháp Điện trẻ nhất, chùa lại ở xa nhất, vì vậy bao giờ cũng phải đi sớm hơn, nhưng lại đến chùa Dâu trước tiên. Còn khi các bà em đã gặp chị cả Pháp Vân ở chùa Dâu thì phải theo thứ tự mà về thăm Mẫu/ mẹ. Xưa kia, sân phía trước chùa rất rộng mới đủ chỗ cho các cỗ kiệu và nghi trượng, vì vậy Tam Quan chùa Dâu xưa cũng nằm ở ví trí gần bến sông Dâu phía trước chùa.

Diễn tiến chính của hội Dâu như sau: Ngày mồng 6 (âm lịch) hạ tòa phong áo (nghi thức tắm Phật) ở các chùa và sáng ngày mồng 7 (âm lịch) rước tượng Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện về chùa Dâu “công đồng” là thể hiện của sự hội tụ các yếu tố mây, mưa, sấm, chớp. Ban đêm, rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ Đông sang Tây là mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa. Nghi thức “Múa gậy” trong ngày hội không chỉ để dẹp đám, mà nghi thức đó còn là hình thức tái diễn sự tích cây gậy thần kỳ. Giếng cổ trong chùa là dấu vết Man Nương cắm gậy xuống đất làm ra nước cứu sống sinh linh… Sáng ngày mồng 8 (âm lịch), sau lễ múc nước, dâng nước và múa gậy tại sân chùa Dâu, đám rước lại thỉnh 4 tượng (Tứ Pháp) về bái vọng Phật Mẫu Man Nương ở chùa Tổ - Làng Mèn (Mãn Xá - Hà Mãn ngày nay). Trên đường đi, đám rước thỉnh 4 vị (tượng Tứ Pháp) sang bên chùa Tổ (Mãn Xá) có gậy Hồng Côn dẹp đường và đặc biệt là trò rước kiệu xoay tròn... Sáng ngày mồng 9/4 (âm lịch), tại 4 chùa thờ Tứ Pháp tiến hành lễ an vị Phật (Phật nhập tòa) cũng là kết thúc mùa Hội Dâu.

Hội Dâu còn có một sự kiện đặc biệt mà không nơi nào có, đó là cuộc thi “Cướp nước”. Đây là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Người ta bói xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu là bà Mưa (Pháp Vũ) thắng thì năm ấy được mùa. Nếu là bà Sấm (Pháp Lôi) thắng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở. Tương truyền thời xưa các vị vua triều Lý thường rước Phật Pháp Vân về Kinh đô Thăng Long làm lễ “cầu đảo” mong cho mưa thuận gió hòa/ mùa màng bội thu và quốc thái dân an.

Trước kia, khách thập phương đến với Hội Dâu ngoài được xem rước Phật Tứ Pháp còn được thưởng thức múa Sư tử, múa hóa trang Rùa và Hạc, múa Trống, đấu Vật, đánh Cờ người, múa Rối nước - các trò chơi dân gian tổ trên bãi phía trước chùa Dâu… Tất cả tạo nên không khí tưng bừng trong suốt thời gian mở hội.

 

NHO THUẬN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024

;