Thực hiện Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 7-9-2023 của UBND tỉnh Thái Bình về việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông (1726-2026), ngày 30-9-2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp” tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan trung ương có: Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương; Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Nông Quốc Thành; Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa, thành viên Ủy ban di sản thế giới UNESCO GS, TS Nguyễn Văn Kim; Phó Vụ trưởng Vụ ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Đào Quyền Trưởng.
Về phía tỉnh Thái Bình có: Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm; cùng lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình; tỉnh Hà Nam, tỉnh Hưng Yên, đại diện dòng họ Lê toàn quốc, họ Lê tỉnh Thái Bình, dòng họ Lê huyện Hưng Hà (Thái Bình) và gia tộc họ Lê thôn Phú Hiếu (xã Độc Lập, huyện Hưng Hà), đại diện dòng họ bên nội, bên ngoại của danh nhân Lê Quý Đôn ở tỉnh Hà Nam, tỉnh Hưng Yên; các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo ở Việt Nam và nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Áo; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và tỉnh Thái Bình.
Các nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng đông đảo đại biểu đến tham dự Hội thảo
Hội thảo đã nhận được 88 bài tham luận của các tác giả trong và ngoài nước; được chia thành 4 tiểu ban thảo luận chính, mỗi tiểu ban là một bức tranh khắc họa rõ nét hơn về tài năng và tầm vóc của danh nhân Lê Quý Đôn: Tiểu ban 1 là Quê hương và gia tộc danh nhân Lê Quý Đôn; Tiểu ban 2 là Sự nghiệp của danh nhân Lê Quý Đôn tiếp cận tổng thể và tiếp cận từ các tác phẩm cụ thể về thơ, văn, triết học, sử học, địa chí, thư mục học... khẳng định những đóng góp cụ thể của danh nhân; Tiểu ban 3 là Sự nghiệp của danh nhân Lê Quý Đôn tiếp cận từ những hoạt động như: dạy học, làm quan, hành trình đi sứ… khẳng định những đóng góp tiêu biểu của danh nhân và Tiểu ban 4 là Bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Lê Quý Đôn trong bối cảnh hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm phát biểu chào mừng Hội thảo
Hội thảo “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”, nhằm tiếp tục khẳng định những đóng góp to lớn của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ở nhiều phương diện: tư tưởng, vǎn hóa, giáo dục và khoa học; bổ sung các kết quả nghiên cứu, cách nhìn nhận, đánh giá sâu sắc và toàn diện hơn về những đóng góp của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn cho văn hóa Việt Nam, văn hóa khu vực và thế giới; củng cố các căn cứ khoa học để hoàn thiện Hồ sơ khoa học đệ trình, đề xuất UNESCO tham gia cùng hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn vào năm 2026, nhằm vinh danh Lê Quý Đôn, người đã góp phần không nhỏ vào việc dựng xây nền văn hóa, khoa học của Việt Nam, đồng thời khẳng định bản sắc dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Lê Quý Đôn không chỉ là một vị quan yêu nước thương dân, mà còn là một học giả uyên bác của thế kỷ XVIII, với một sự nghiệp trước tác đồ sộ bao quát nhiều lĩnh vực, đến nay vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy trong nhiều ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn. Vì thế, có lẽ con người khoa học, bác học của Lê Quý Đôn từ trước đến nay vẫn được nhìn nhận “lớn hơn” con người quan chức của ông. Điều này xuất phát từ di sản trước tác mà ông còn để lại đến ngày nay: hơn 50 bộ sách đều đi sâu vào hầu hết mọi lĩnh vực: lịch sử, thơ ca, văn học, triết học, nông học, địa lý, thiên văn, văn hóa dân gian…; trong đó tiêu biểu là các bộ như Vân đài loại ngữ, Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, Toàn Việt thi lục, Thư kinh diễn nghĩa, Bắc sứ thông lục… Ngày nay, muốn tìm hiểu bất cứ một lĩnh vực nào của dân tộc ở thế kỷ XVIII chúng ta đều phải “hỏi” ông... Không chỉ có thế, những tri thức mà nhà bác học Lê Quý Đôn nắm được còn vượt qua tư duy truyền thống Nho giáo đương thời để vươn tới những kiến thức khoa học hiện đại, như tri thức về thiên văn, địa lý, biển đảo… Đồng thời, giá trị của di sản trước tác của Lê Quý Đôn không chỉ ở những tri thức uyên thâm được thể hiện ở trong các tác phẩm, mà còn ở những tư tưởng tiến bộ, nhân văn của tác giả thấm đẫm trong từng trang sách. Tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc đã bao trùm trong tất cả các sáng tác của Lê Quý Đôn, được thể hiện qua sự khẳng định và đề cao truyền thống văn hóa, văn hiến Đại Việt, cũng như ý thức luôn thẳng thắn bác bỏ sự xuyên tạc, bóp méo thông tin của các học giả chưa hiểu rõ về những truyền thống này của chúng ta.
PGS, TS Nina V.Grigoreva, Đại học HSE, St. Petersburg, Liên bang Nga trình bày tham luận
Đánh giá những thành tựu cống hiến của nhà bác học Lê Quý Đôn, PGS, TS Nina V.Grigoreva, Liên bang Nga nhấn mạnh: Lê Quý Đôn là vị quan, nhà trí thức và nhà bác học lớn thời Lê Trung Hưng. Ông sống, hoạt động và sáng tác trong những thập niên giữa thế kỷ XVIII mà trong lịch sử thế giới được gọi là thế kỷ Khai sáng ở phương Tây.
GS, TS Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, Nhật Bản với tham luận “Vài trò của Lê Quý Đôn trong quá trình hình thành ngôn ngữ học tại Việt Nam: So sánh với tình hình Nhật Bản thế kỷ XVIII”
Ông Đinh Bá Khải (UBND huyện Hưng Hà) với tham luận: “Quê hương và gia tộc danh nhân Lê Quý Đôn”
Tổng kết Hội thảo, GS, TS Nguyễn Văn Kim khẳng định, với những kết quả quan trọng đạt được tại Hội thảo Khoa học quốc tế này, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa sẽ có thêm cơ sở luận cứ khoa học để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO tôn vinh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn. Chúng ta, những nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, cùng chia sẻ, lan tỏa giá trị để tên tuổi sự nghiệp cống hiến của Lê Quý đôn được vinh danh đúng vào dịp 300 năm ngày sinh của ông.
Trước đó, ngày 29-9-2024 các đại biểu đã đến thắp hương tại Từ đường gia đình danh nhân Lê Quý Đôn tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
Bài, ảnh: HÙNG MẠNH