Khai mạc Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024

Tối 25-10 tại Nhà biểu diễn, Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ (P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều) đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024.

Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024  do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL TP. Cần Thơ; Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.

Tiết mục khai mạc Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024

Đến dự Lễ khai mạc có: Ủy viên  dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung Ương Đỗ Văn Phớn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện - Phó Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Ly Ly; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thuý Mùi; các Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Trần Hướng Dương - Trưởng BTC Liên hoan và Hà Minh Thắng; Giám đốc Sở VHTTDL TP Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn - đồng Trưởng BTC Liên hoan; các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên, cùng đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật cải lương.

Phát biểu khai mạc Liên hoan, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết, cải lương là một loại hình nghệ thuật truyền thống đã hình thành và phát triển hơn 100 năm. Nhiệm vụ của chúng ta là gìn giữ và phát huy, sáng tạo giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật sân khấu cải lương. 

Thứ trưởng nhấn mạnh, Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc là một hoạt động vô cùng có ý nghĩa, là một dịp để học hỏi lẫn nhau, một dịp để tôn vinh nét đẹp và sự hấp dẫn của sân khấu cải lương, cũng là dịp để công chúng, du khách gần xa thưởng thức những tác phẩm cải lương đắm say lòng người.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu khai mạc Liên hoan

Thứ trưởng Hồ An Phong mong muốn và đề nghị Hội đồng nghệ thuật bao gồm những người có uy tín, có nghiệp vụ chuyên sâu trong nghệ thuật sân khấu cải lương tham gia làm việc một cách nhiệt tình, công tâm, khách quan để lựa chọn các tác phẩm có giá trị, lựa chọn những tập thể cá nhân tiêu biểu để tôn vinh, nhằm động viên và thúc đẩy nghệ thuật sân khấu cải lương phát triển".

Phát biểu chào mừng Liên hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện bày tỏ niềm vui khi TP Cần Thơ rất vinh dự được Bộ VHTTDL chọn là địa phương đăng cai tổ chức Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024. Cùng với cả nước Cần Thơ được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ, là quê hương của nhiều soạn giả, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, trong đó có cố soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền, người được suy tôn là Hậu tổ nghệ thuật cải lương.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh, Liên hoan là dịp để TP Cần Thơ giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch, những hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Cần Thơ... đến với các tỉnh, thành trên cả nước.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu chào mừng tại buổi lễ

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 là hoạt động định kỳ của Bộ VHTTDL nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương trong giai đoạn hội nhập; phát hiện những tài năng mới, động viên các diễn viên, nghệ sĩ có những đóng góp cho sự nghiệp sân khấu cải lương. Đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng quản lý đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên hiện nay, từ đó đưa ra giải pháp bồi dưỡng, đào tạo phù hợp cho lực lượng này trong thời gian tới. Liên hoan cũng sẽ tạo điều kiện để các nghệ sĩ, diễn viên cả nước được giao lưu, học tập, nâng cao chuyên môn, bổ sung nguồn lực trẻ và mới cho nghệ thuật sân khấu cải lương.

Liên hoan diễn ra từ ngày 25-10 đến ngày 15-11 với sự tham gia của khoảng 1.200 diễn viên và nhạc công thuộc 29 đơn vị nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp trong và ngoài công lập, đơn vị nghệ thuật trung ương và nghệ thuật địa phương, gồm: Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định, Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau), Nhà hát Cải lương Hà Nội, Trung tâm VHNT tỉnh Đồng Tháp, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa, Công ty TNHH sự kiện và giải trí WE, Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt, Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Bạc Liêu, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh, Sân khấu Sen Việt, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Công ty TNHH giải trí sân khấu Kim Ngân, Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Công ty TNHH tổ chức sự kiện và đào tạo năng khiếu Bảo Sơn, Công ty TNHH Nghệ thuật Việt Star, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long; Công ty Giải trí Vũ Luân Entertaiment, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, Công ty TNHH Hồng Lạc Xuân, Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Thiên Long, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Kiên Giang, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang.

Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phớn và Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi tặng hoa cho các đoàn nghệ thuật, nhà hát tham dự Liên hoan

Ban tổ chức Liên hoan không hạn chế đề tài, tuy nhiên các vở diễn tham gia phải được dàn dựng mới hoặc được phục dựng với đội ngũ sáng tạo mới từ năm 2017 đến nay. Ban tổ chức khuyến khích nội dung hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Năm nay có 33 vở diễn mới dự thi Liên hoan, như: Xuân Hương nữ sĩ, Sóng dậy giữa vương triều (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Đồng chí (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai), Chói rạng sơn hà (Sân khấu Sen Việt), Lưu vong - Khí tiết một trung thần (Công ty Lạc Xuân), Khúc tráng ca thành Gia Định, San hô đỏ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Truyền tích Cổ Loa xưa (Công ty Bảo Sơn), Công chúa Huyền Trân (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Nam Định), Người mang chín án tử (Công ty Giải trí We ), Người ven đô (Công ty Song Việt)... Có thể thấy đề tài sử Việt được nhiều đơn vị nghệ thuật chọn dự thi Liên hoan năm nay.

Thứ trưởng Hồ An Phong và Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu tặng hoa cho Hội đồng nghệ thuật

Ban Giám khảo của Liên hoan gồm: NSND Thanh Điền, nhà văn Bích Ngân, nghệ sĩ Nguyễn Sĩ Chức - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, NSND Vương Hà, NSND Đỗ Doãn Bằng, nhạc sĩ Huỳnh Khải, đạo diễn Trần Thắng Vinh. Đối với phần khen thưởng, Bộ VHTTDL sẽ tặng HCV, HCB cho các vở diễn có chất lượng nội dung và nghệ thuật cao, các cá nhân nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc. Bên cạnh đó, BTC sẽ trao giải Xuất sắc (nếu có) cho từng thành phần sáng tạo trong các vở diễn gồm: Chỉ đạo Nghệ thuật, Tác giả, Tác giả chuyển thể, Đạo diễn, Nhạc sĩ, Dàn nhạc, Thiết kế mỹ thuật, Biên đạo múa.

Ngay sau phần Lễ khai mạc Liên hoan là vở diễn dự thi mở màn Chất ngọc - Cầm Thi giang (tác giả- đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt, phóng tác- chuyển thể: Nguyễn Nhật Hào, Dương Thanh Đề) của Nhà hát Tây Đô, nội dung ca ngợi những đóng góp của soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền với nghệ thuật sân khấu cải lương. Được chuẩn bị chu đáo và công phu,vở diễn đã tạo được ấn tượng đẹp với khán giả.

NSND Trần Ly Ly và Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện tặng quà cho đại diện các đoàn nghệ thuật, nhà hát tham dự Liên hoan

Phần diễn thi của Liên hoan tiếp tục từ ngày 26-11 đến hết ngày 13-11, mỗi ngày có hai đoàn diễn thi vào 9h30 sáng và 19h30 tối (riêng buổi sáng các ngày 29-10, 2-11, 6-11 và 11-11 nghỉ diễn thi) tại Nhà biểu diễn, Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ.

Lễ Bế mạc, Tổng kết và trao giải thưởng của Liên hoan sẽ diễn ra lúc 20h ngày 15-11.  

Cảnh trong vở diễn Chất ngọc - Cầm Thi giang dự thi của Nhà hát Tây Đô trong đêm khai mạc Liên hoan

Tin, ảnh: XUÂN HƯỚNG

;