Ngày 25-10-2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTTDL, Sở VHTT tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo "Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch" tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: TS
Chủ trì và điều hành hội thảo: PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình; Ths, KTS Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích. Hội thảo còn có sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, các sở, ban, ngành tỉnh Ninh Bình; các chuyên gia, nhà khoa học từ các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp.
TS Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình phát biểu khai mạc hội thảo- Ảnh: nhandan.vn
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Hội thảo có mục đích nghiên cứu, thảo luận làm rõ thực trạng triển khai các giải pháp, chính sách, mô hình bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử- văn hóa tiêu biểu, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch ở các bộ, ban, ngành, địa phương hiện nay. Trên cơ sở các căn cứ lý luận khoa học và thực tiễn được bàn luận, hội thảo sẽ gợi mở, đề xuất các giải pháp và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương nhằm thực hiện điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong thời gian tới. Những vấn đề được đề cập, phân tích, các đề xuất giải pháp qua các tham luận tại hội thảo sẽ đem lại kết quả quan trọng và hữu ích cho định hướng quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Ninh Bình, có ý nghĩa sâu sắc cho công tác phát triển bền vững kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian tới, đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ vào năm 2035 theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ths, KTS Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TS
Ths, KTS Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích đã khái quát những kết quả đạt được của công tác bảo vệ, phát huy trị di tích lịch sử - văn hóa phục vụ hiệu quả công tác giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch, thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra những mặt hạn chế, bất cập của công tác bảo vệ, phát huy trị di tích lịch sử - văn hóa phục vụ hiệu quả công tác giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch diễn ra trong nhiều khâu như các chính sách quản lý về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa; công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp các di tích; chất lượng nguồn nhân lực tham gia, vai trò của các bên tham gia. Đặc biệt, là vai trò của cộng đồng chưa có cơ chế rõ ràng xác định trách nhiệm gắn với lợi ích nên chưa tạo ra hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…
Hội thảo nhận được 41 bài tham luận, nội dung các bài tham luận tập trung vào các nhóm chủ đề: Các lý thuyết và quan điểm tiếp cận, khái niệm về bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu phục vụ hiệu quả công tác giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch; Các giải pháp, mô hình, bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa phục vụ hiệu quả công tác giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch ở Việt Nam hiện nay; Các giải pháp đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa phục vụ hiệu quả công tác giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch; Định hướng liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa phục vụ hiệu quả công tác giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch...
Ông Nguyễn Viết Nam Sơn - NgoViet Architects trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: TS
Trong đó, ông Nguyễn Viết Nam Sơn, NgoViet Architects đã đưa ra các mô hình khai thác không gian văn hóa để phát triển du lịch ở các quốc gia trên thế giới như: mô hình ở Thượng Hải, mô hình ở Paris (Pháp),… để Việt Nam có thể tham khảo. Ông Sơn đánh giá Huế, Hội An, Ninh Bình, có thể học tập và xây dựng, khai thác không gian văn hóa trong phát triển du lịch.
Ths, KTS Nguyễn Thị Hương Mai, Viện Bảo tồn di tích đưa ra một vài đề xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản - văn hóa trong phát triển du lịch - Ảnh: TS
Ngoài các bài tham luận, hội thảo còn có nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tổng kết hội thảo - Ảnh: TS
Tổng kết hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, nhấn mạnh: Có thể nói, hầu hết những thành tựu và hạn chế, tồn tại trong việc bảo tồn, tôn tạo các di sản-văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch trong thời gian qua đều đã được đưa ra phân tích, bàn luận kỹ lưỡng từ góc độ khái quát cho đến những trường hợp cụ thể, từ thực tiễn hoạt động trong nước cho đến những kinh nghiệm của một số nước trên thế giới mà chúng ta cần học hỏi, rút kinh nghiệm.
Trước hết, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể; việc sử dụng các di sản - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống cũng được chú ý và đạt được những hiệu ứng tích cực; việc khai thác các di sản - văn hóa tiêu biểu vào mục đích phát triển kinh tế, du lịch đã góp phần nâng cao đời sống cộng đồng những nơi có di tích, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương và đất nước… Việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào công tác bảo tồn, và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng mang lại nhiều lợi ích to lớn. Tuy nhiên, để công nghệ có thể trở thành một công cụ thực sự góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cần có những giải pháp toàn diện và đồng bộ từ phía Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng xã hội…
Từ những vấn đề được đưa ra thảo luận trong hội thảo, bà mong rằng, có thể gợi mở, đề xuất các giải pháp và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương có di tích nhằm điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa.
TUỆ SAM