Khánh thành Tượng đài “Vì bình yên cuộc sống” tại TP Hồ Chí Minh

Chiều ngày 29/4, hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của cả nước hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), thiết thực hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), Bộ Công an phối hợp với UBND TP.HCM long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình tượng đài Công an Nhân dân (CAND “Vì bình yên cuộc sống” đặt tại Công viên Âu Lạc (Q.5).

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự lễ khánh thành tượng đài - ảnh: Thành Linh

 

Dự Lễ khánh thành Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” có đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân - nguyên Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Lương Tam Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài CAND; Nguyễn Văn Được - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ VHTTDL.

Phát biểu báo cáo tại Lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ - Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài CAND nhấn mạnh: “Công an Nhân dân Việt Nam từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ, dựa vào Nhân dân mà làm việc. Nhân dân luôn là cội nguồn, là sức mạnh to lớn của sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự. Công an Nhân dân Việt Nam ra đời trong cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Công an Nhân dân được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, tổ chức, giáo dục và rèn luyện; được sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và bạn bè quốc tế; được nhân dân tin yêu ủng hộ và giúp đỡ…”.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cắt băng khánh thành tượng đài - ảnh: Thành Linh

 

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an Nhân dân đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, mưu trí, dũng cảm lập nên nhiều thành tích, chiến công liên tục, tiếp nối; viết tiếp những trang sử vàng truyền thống vẻ vang Công an Nhân dân Việt Nam.

“Việc xây dựng Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” không chỉ nhằm tri ân, tôn vinh những chiến công, vẻ vang của các thế hệ chiến sĩ lực lượng Công an Nhân dân. Mà đây còn là công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa. Đặc biệt tới đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống giữa các thế hệ chiến sĩ và nhân dân nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ máu thịt gắn bó giữa Công an Nhân dân với nhân dân. Cùng với đó là củng cố niềm tin, phát huy về sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an Nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm…”- Đồng chí Thứ trưởng chia sẻ.

Với mong muốn, Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống“ không chỉ là công trình có ý nghĩa biểu tượng, mang giá trị nhân văn sâu sắc của lực lượng Công an Nhân dân; mà còn là một công trình văn hóa - kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu, góp phần nâng tầm giá trị cảnh quan đô thị; trở thành một địa điểm đến hấp dẫn và ấn tượng trong hành trang du khách đến với TP.HCM, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ trân trọng đề nghị UBND TPHCM, các đơn vị chức năng của thành phố tiếp tục phối hợp làm tốt công tác quản lý, giữ gìn và phát huy công trình tượng đài một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất trong thời gian tới.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Lễ khánh thành tượng đài- ảnh: Thành Linh

 

Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” có phần cụm tượng cao 4,1m, khối bệ cao 2,97m, gồm 7 nhân vật: người Mẹ Việt Nam, em bé thiếu nhi và 5 chiến sĩ Công an (Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát giao thông và Công an cơ sở). Bằng ngôn ngữ nghệ thuật điêu khắc công trình đã thể hiện hình ảnh lực lượng Công an Nhân dân vừa trang nghiêm, vừa gần gũi, đồng thời thể hiện được vai trò, nhiệm vụ cao cả của lực lượng Công an Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công trình còn mang ý nghĩa chính trị, lịch sử sâu sắc, thể hiện mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lực lượng Công an với Nhân dân Thành phố mang tên Bác.

Tượng đài sử dụng chất liệu ép đồng công nghệ mới. Nhận định về công trình này, các thành viên Hội đồng nghệ thuật khẳng định: Tượng đài có bố cục hình khối rõ ràng, chắc khỏe, hài hòa, thể hiện thần thái của người chiến sĩ CAND. Cụm tượng góp phần tạo nên không gian hài hòa, phù hợp với cảnh quan kiến trúc, tạo điểm nhấn cảnh quan cho khu vực đặt tượng đài - Công viên Âu Lạc.

Đội quân nhạc CAND biểu diễn chào mừng Lễ khánh thành tượng đài- ảnh: Thành Linh

 

Công viên Âu Lạc nằm trong khu vực tiếp giáp Ngã Sáu Cộng Hòa-nơi hội tụ của 6 con đường lớn: Nguyễn Minh Khai, Phạm Viết Chánh (Q.1) Lý Thái Tổ (Q. 3 và Q.10), Hùng Vương, Trần Phú và Nguyễn Văn Cừ (Q.5). Đây là một vị trí đẹp, rất thuận lợi cho người dân và du khách đến tham quan, chiêm ngắm Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống”. Chắc chắn, tượng đài sẽ phát huy được ý nghĩa biểu tượng cùng giá trị nhân văn sâu sắc của lực lượng Công an Nhân dân và của một trong những công trình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cụm tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” - ảnh: Xuân Hướng

 

 

XUÂN HƯỚNG

 

 

;