Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 6-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN gắn với phát triển văn hóa
Trình bày tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, trong hơn 10 năm qua, Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Trên cơ sở đó, KH&CN đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật KH&CN 2013 cho thấy pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội…
Về mục đích ban hành Luật KHCN&ĐMST, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh, nhằm tạo hành lang pháp lý để KHCN&ĐSMT đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.
Về quan điểm xây dựng Luật KHCN&ĐMST, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KHCN&ĐMST để phát triển Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới; Kế thừa các quy định của Luật KH&CN 2013 còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn phát triển KH&CN của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu KHCN&ĐMST, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm, các đại học và viện nghiên cứu là các chủ thể hỗ trợ cùng hướng tới mục tiêu hoạt động KHCN&ĐMST phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng; Chính thức hóa những cơ chế tháo gỡ điểm nghẽn trong Nghị quyết số 193/2025/QH15 để đưa thành quy định ổn định, lâu dài trong luật.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật KHCN&ĐMST
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, về bố cục, dự thảo Luật KHCN&ĐMST gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung ĐMST và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành)… Dự thảo Luật KHCN&ĐMST đã bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 3-8-2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7-2024.
Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, CĐS toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động KHCN&ĐMST. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Kế thừa tối đa những nội dung của Luật KH&CN 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển KHCN&ĐMST hiện nay.
Dự thảo Luật KHCN&ĐMST được xây dựng trên cơ sở tiếp tục kế thừa nhiều nội dung quan trọng của Luật KH&CN 2013 đã được triển khai có hiệu quả, được thực tiễn kiểm nghiệm và còn phù hợp với yêu cầu phát triển KH&CN. Luật KHCN&ĐMST tiếp tục khẳng định KHCN&ĐMST giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN gắn với phát triển văn hóa và nâng cao dân trí; tăng nhanh và sử dụng có hiệu quả tiềm lực KH&CN của đất nước bên cạnh việc nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu KH&CN hiện đại trên thế giới; hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng KH&CN.
Trong đó, việc đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động trong thời gian qua đã là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN. Bên cạnh đó, phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức KH&CN trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm; cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu; các đơn vị sự nghiệp KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Áp dụng phương thức khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN; phát triển các doanh nghiệp KH&CN, các quỹ trong lĩnh vực KH&CN; xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân lực, nhân tài KH&CN; thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì sự phát triển của đất nước...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật KHCN&ĐMST
Dự thảo Luật KHCN&MT cần có chính sách thúc đẩy xây dựng văn hóa sáng tạo
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật KHCN&ĐMST, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh, Ủy ban KHCN&MT cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng Luật; thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, “chủ thuyết” phát triển trong lĩnh vực KHCN&ĐMST; có quy định mang tính đột phá, vượt trội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng chính sách kiến tạo phát triển đồng bộ với quản lý theo cơ chế phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban KHCN&MT tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động KHCN&ĐMST (Điều 9); cần bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh lạm dụng. Nhất trí với sự cần thiết và cơ bản thống nhất với nội dung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (từ Điều 20 đến Điều 23) nhưng cần thiết kế mang tính nguyên tắc chung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật...
Về thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp và nền kinh tế (Chương IV), Ủy ban KHCN&MT thấy rằng doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy ĐMST, cung cấp nguồn lực tài chính, nhân lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đưa sản phẩm, công nghệ mới ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước. Do đó, cơ bản tán thành các quy định này và đề nghị rà soát việc gắn kết đồng bộ, thống nhất với các quy định về đầu tư, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hệ sinh thái và phát triển thị trường KHCN&ĐMST để bảo đảm tính khả thi.
Về phát triển nhân lực, nhân tài KHCN&ĐMST (Mục 2 Chương V), nghiên cứu quy định về xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao và kỹ năng công nghệ mới, có cơ chế luân chuyển nhà khoa học giữa viện - trường - doanh nghiệp, cơ chế thu hút chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài tham gia các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ KHCN&ĐMST mang tầm chiến lược. Đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí chuyên gia, nhân tài; quy định đầy đủ, phù hợp về quyền, nghĩa vụ nhất là tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính. Cần có quy định khuyến khích triển khai chương trình giáo dục STEM, STEAM; có chính sách thúc đẩy xây dựng văn hóa sáng tạo.
Về tài chính cho KHCN&ĐMST (Mục 4 Chương V), cần rà soát, bổ sung các quy định để thu hút, khơi thông nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng, xã hội và từ khu vực tư nhân. Nghiên cứu, hoàn thiện quy định liên quan đến các quỹ; bổ sung quy định việc kết nối, liên thông, phối hợp, đối ứng giữa các quỹ bộ, ngành, địa phương với Quỹ phát triển KH&CN quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tránh manh mún, dàn trải; đề nghị giải trình về tính phù hợp, cơ chế quản lý, nguồn ngân sách chi cho các quỹ, hiệu quả sử dụng khi quy định 5 loại quỹ trong dự thảo Luật. Về cơ chế quản lý kinh phí, đề nghị cần nghiên cứu quy định về cơ chế rút gọn thủ tục đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng KHCN&ĐMST trọng điểm…
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng TTĐTQH