Kon Rẫy giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Về thăm huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), du khách đã quen thuộc với những bản làng của bà con Bahnar, Xơ Đăng, Tơ Đrá cùng những ngôi nhà Rông sừng sững, những nếp nhà sàn đơn sơ, mộc mạc, giản dị, người dân thân tình, mến khách… Và nếu có dịp đi sâu vào nghiên cứu văn hóa truyền thống của bà con nơi đây, du khách sẽ thấy những giá trị văn hóa truyền thống đang được bà con trân trọng, gìn giữ như dệt thổ cẩm, đan lát… để phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày trước những biến đổi của nhịp sống xã hội hiện đại.

Đến Kon Rẫy, ghé vào bất kỳ hàng chợ hoặc shop quần áo thời trang nào, tùy theo túi tiền, người mua có thể dễ dàng lựa chọn cho mình bất kỳ một loại vải vóc nào đó để may quần áo, trang phục theo sở thích của riêng mình. Ấy thế mà có khi nào bạn nghĩ đến hình ảnh những người dân nơi đây vẫn miệt mài se sợi, dệt vải thổ cẩm hay không? Việc gì phải vất vả làm ra những dụng cụ se sợi thủ công? Việc gì phải làm ra những khung cửi đơn sơ đến vậy? Rồi phải ra ngoài tự nhiên để lấy những nguyên liệu tạo màu trước khi nhuộm, làm ra những tấm thổ cẩm với những đường nét hoa văn tinh tế, kỳ công và đặc sắc đến vậy?

Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra trong đầu bấy lâu nay, để rồi một ngày kia lặn lội cùng Đoàn nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ VHTTDL) vào Tây Nguyên công tác, rong ruổi về những bản làng của bà con Xơ Đăng (xã Đắk Kôi), bà con Bahnar (xã Đắk Tờ Re, xã Đắk Pne), bà con Tơ Đrá (xã Đắk Tơ Lung) của huyện Kon Rẫy, tôi mới có dịp gặp gỡ các mẹ, các chị,… những nghệ nhân thực thụ trong làng dệt thổ cẩm để được nghe, tìm hiểu về sự đặc sắc, ý nghĩa của từng đường nét hoa văn tinh tế.

Ông A Rô - người Xơ Đăng (thôn 10, làng TuRbang, xã Đăk Kôi) nói về những hoa văn trên tấm thổ cẩm Xơ Đăng do vợ mình (bà Y Đrôi) dệt ra
 

Trước tiên, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con cho đến ngày nay vẫn được duy trì, gìn giữ nhưng số lượng người làm nghề còn khá ít - chủ yếu do các mẹ, các chị, những người cao niên trong làng bản vẫn còn yêu cái nghề đơn sơ, mộc mạc của ông bà xưa để lại. 

Việc truyền dạy nghề dệt thủ công này phần lớn được các mẹ, các chị truyền dạy trong gia đình: bà dạy cho cháu gái, mẹ truyền dạy cho con (trước khi lấy chồng),… để còn lo cho cuộc sống gia đình mai sau. Chị em người Bahnar, Xơ Đăng, Tơ Đrá từ xưa đã quan niệm rằng, gia đình nào dưới nhà sàn củi không chất đầy, con gái không biết dệt vải và không biết nấu nướng thì khó lấy được chồng. Cô gái nào chăm chỉ chặt củi để nhà có cái để đốt, giữ cho lửa lúc nào cũng đỏ trên bếp, lại khéo léo trong dệt vải thì chồng và gia đình nhà chồng mới yêu quý, trân trọng. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được bà và mẹ tập cho dệt vải.

Kể về nghề dệt thổ cẩm truyền thống này, chị Y Ban (người Tơ Đrá, làng Kon Túc, thôn 1, xã Đắk Pne) cho hay: chị đã được mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm từ khi còn bé. Từ thuở ấu thơ, chị đã thấy bố giúp mẹ làm ra dụng cụ se sợi bông; lên rừng lấy cây về làm khung dệt vải; trồng bông để lấy nguyên liệu se sợi. Nhuộm màu cho vải thì tìm từ các nguyên liệu trong tự nhiên như cây vàng đắng để tạo chất nhuộm màu vàng, rong rêu dưới suối để để tạo ra phẩm màu đen…

Người viết được các mẹ, các chị tận tình cho biết: những đường nét hoa văn tinh tế trên tấm thổ cẩm mà ta thường thấy được lấy ý tưởng, cảm hứng từ các hình ảnh sống động ngoài tự nhiên và trong cuộc sống hằng ngày như hình ảnh ngôi sao lấp lánh hằng đêm trên bầu trời, cái đuôi sặc sỡ của một loài chim rừng; rồi hình ảnh nhà Rông, nhà sàn, thiếu nữ miền sơn cước trong điệu xoang, hay đơn giản như hình ảnh của râu ngô (râu bắp), hạt dưa hấu… cũng được các mẹ, các chị - những nghệ nhân dệt thổ cẩm đưa vào tác phẩm của mình để tạo nên vô số đường nét hoa văn mộc mạc, đơn sơ, theo một trật tự, quy luật nhất định nào đó nhưng không kém phần hấp dẫn, sống động… 

Bà Y Đrôi - người Xơ Đăng (thôn 10, làng TuRbang, xã Đắk Kôi)  với dụng cụ se sợi và những tấm thổ cẩm được se sợi từ bông
 

Nguồn nguyên liệu dệt ngày nay đã phong phú, đa dạng hơn xưa rất nhiều. Các mẹ, các chị không chỉ vận dụng nguồn nguyên liệu từ tự nhiên để se sợi, dệt vải mà còn tìm mua các loại sợi dệt trên thị trường để tạo ra các tác phẩm có giá trị, đa dạng, phong phú và cũng đẹp hơn để phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Ngày nay, tìm về những bản làng của bà con Xơ Đăng, Bahnar, Tơ Đrá của huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), ta thấy các mẹ, các chị không chỉ dệt và làm ra những tấm đắp, tấm áo choàng, tấm váy như xưa kia, mà còn may thành những chiếc váy áo, áo dài… rất đẹp và duyên dáng để chị em diện khi Tết đến xuân về, hay dành cho các thiếu nữ miền sơn cước điệu đà, dịu dàng, duyên dáng trong điệu xoang truyền thống, hòa chung với nhịp cồng chiêng của những chàng trai lực lưỡng những đêm hội làng,… 

 

 

PHẠM VIẾT THẠCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;