Lãng Thanh, một chuyến đi xa...

Lãng Thanh từ biệt thế giới này khi mới 25 tuổi trong một tai họa bi thảm bất ngờ. Nhưng thơ Lãng Thanh đã trở thành một hiện tượng nổi bật trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21. Với 14 bài thơ dài ngắn khác nhau (có những bài trường độ như một trường ca) tập thơ HOA đã gây một tiếng vang lớn trên thi đàn và được trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2004. Thơ Lãng Thanh được rất nhiều bạn đọc yêu mến và nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã viết về thơ Lãng Thanh với sự trân trọng đặc biệt.

Tên thật của Lãng Thanh là Lê Quốc Tuấn. Quê anh ở Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ; lớn lên ở Việt Trì trong một gia đình công chức. Anh tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế và Đại học Ngọai thương. Thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc chữ Hán cổ và chữ Nôm. Anh xuất sắc trong nghệ thuật thư pháp và còn là một tài năng hội họa. Nhưng trước hết và hơn cả có lẽ vẫn là thơ. 

Lãng Thanh nuôi dự định viết sách về thư pháp để trình bày những kỹ năng và phương thức thể hiện các kiểu chữ: chân, thảo, triện, lệ... mà ngày nay trong giới trẻ dường như còn ít người hiểu được. Anh đang hoàn thành công trình nghiên cứu vạch ra con đường cải cách thư pháp Việt Nam, vừa kế tục truyền thống, vừa hiện đại lại có bản sắc riêng. Anh thể hiện hàng trăm bức thư pháp, đầy sáng tạo với tinh thần cách tân mạnh mẽ trên nhiều chất liệu phong phú: giấy dó, lụa, gốm sứ. Anh viết bằng cả chữ Hán cổ, bằng chữ Nôm, bằng chữ quốc ngữ... 

Chính Lãng Thanh cũng có một bài thơ về thư pháp: 

"Nét cuồng thảo vọt như máu, ngưng như lệ

Sóng bút điên cuồng nương theo áng thơ

Cánh tay dịu dàng của thơ bao la như tình biển mẹ

Điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay, điên cuồng
 chữ bay..." 

          (Thư pháp)

Lãng Thanh cũng đầy khát vọng cải cách trong hội họa. Tranh Lãng Thanh trau chuốt về đường nét, sống động về sắc màu, vừa mang đến một trực cảm sung mãn lại gợi những liên tưởng bao la... Lãng Thanh vẽ nhiều hoa, nhưng đó không còn là những đoá hoa cụ thể mà là hoa của tâm tưởng. Hoa mang một triết lý sâu xa: Hoa là tinh tuý của thiên nhiên. Là biểu trưng cái đẹp của sự sống. Hoa cũng là biểu tượng những ước mơ, khát vọng không bao giờ tắt của con người. 

Hình tượng Hoa xuyên suốt trong các họa phẩm và thi phẩm của Lãng Thanh. Đó là một ám ảnh lớn lao và cũng là một cảm thức đau đớn: 

"Những đoá hoa đánh con đau quá

Con trở về băng vết máu đầy tay"

          (Thư pháp)

Tất cả, tất cả những dự định và khát vọng đó, những công việc đầy nhiệt huyết đó đều dang dở trước cái chết bất ngờ ập xuống vào một buổi sáng định mệnh, chủ nhật 20-7-2002. 

*

Trong số những người bạn thường xuyên lui tới căn nhà nhỏ của tôi ở Khương Đình ngày ấy có một chàng sinh viên nhỏ thó, gầy guộc và ít nói, đó là Lãng Thanh. Anh đeo cặp kính cận dày, đôi mắt thường ưu tư. Câu chuyện của chúng tôi thường liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và các xu hướng sáng tác, các thiên tài văn học trên thế giới. Cuối năm 2001, một hôm Lãng Thanh đến và mang tặng tôi bản thảo tập thơ HOA, một bản thảo mỏng, in trên giấy khổ A4 có bìa màu xanh và anh nhờ tôi giúp anh liên hệ xin cấp phép xuất bản tác phẩm này. Tiếc rằng, vì nhiều lý do, tập thơ đã không kịp xuất bản trước khi Lãng Thanh qua đời. Và đáng buồn là Lãng Thanh đã lặng lẽ rời xa thế giới này khi chưa một bài thơ nào được in, niềm mong mỏi được nhìn thấy đứa con tinh thần của mình chào đời đối với Lãng Thanh đã không còn thực hiện được. 

Lãng Thanh, Vương Thúy Kiều

Sau sự ra đi đầy bất ngờ và đau đớn của anh, trong đêm sâu khó ngủ, tôi lật lại những trang bản thảo được người bạn thơ ký thác. Từ những bài thơ, những câu thơ hay tôi nhận diện gương mặt thi sĩ khác thường của Lãng Thanh. 

"Em đến bàng hoàng như cơn sốt

Bỗng môi tôi bất lực

Nụ hôn ơi người khoá cả linh hồn".

          (IV, thơ trước 21 tuổi)

Một cách giãi bày trực diện mà tình, ý, lời, nhạc hoà quyện nhuần nhuyễn. 

Một chỗ khác, có cách nói xa xôi hơn, duyên dáng và gợi cảm suy: 

“Lá thu! Như lãng quên hiện về đỏ sẫm”

“Lá thu! Những lá vàng chờ đợi xôn xao”

“Lá rơi vì gió sao lá rơi vào giếng”

          (VIII, thơ trước 21 tuổi).

Lãng Thanh còn tìm trong thiên nhiên, tạo vật những dáng nét, phong vị của tình yêu. Những trường hợp như vậy, khả năng liên tưởng, tưởng tượng được bộc lộ đặc biệt tinh tế và phong phú: 

- “Nhạc reo xa thoáng lạnh từng chân tóc

Cỏ thu xa vuốt ve đôi mày đẹp”

- “Gió ợ mùi chua, tình đã dậy men, đất hình như mặn,

Một chiếc lá đỏ mặt, một chiếc lá lên gân

Sắc mùa thu ấm hơn màu tình ái”.

          (Thượng - Mùa thu)

Không dừng lại ở thơ tình yêu nam nữ. Lãng Thanh có cách nhìn đời, nhìn người không giống cách bình thường. Và dù về đề tài nào cũng để lại những dấu ấn khác lạ. Cùng một hình tượng nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau có cách biểu đạt hết sức độc đáo: 

“Người ta bảo mắt em là mặt trời đen”

“Mắt em đong đầy hoa cúc tím”

Và đây, ta gặp một câu thơ vô tiền khoáng hậu: 

“Nước mắt hung dữ như một viên đạn bắn trượt”

          (Hạ - Mùa thu)

Đây nữa, những câu thơ về nỗi cô đơn khủng khiếp của con người: 

“Từng mặt người đang ghép lại thành một thể cô đơn

mênh mang, sâu lắng hơn

Hai người lăn tròn vào nhau như hai bánh răng”

          (Hạ - Mùa thu)

Cái nhìn sắc lạnh đến kinh sợ. Dường như chưa có thi sỹ nào dám mang cái nhìn ấy vào thơ.

Tuy nhiên, Lãng Thanh lại có những câu thơ về tình yêu quê hương thật sâu nặng, độc đáo: 

“Cánh cò trắng muốt cắt đôi bầu trời

Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà

Bầu trời bên phải kéo cha mẹ về ruộng đất quê tôi” 

          (Những mảnh vỡ)

Và đây là khát vọng hướng đến ánh sáng, chân lý: 

“Trái tim con nghiêng giấc ngủ về phía mặt trời”

“Buổi sớm mai trở dậy tim con mọc ở đằng Đông” 

          (Thư pháp)

Một năm sau khi Lãng Thanh đi xa, nhà xuất bản Thanh Niên do nhà thơ Phạm Đức đứng đầu đã quyết định cấp phép cho tập thơ HOA của anh và nhóm bạn Chí Tâm của chúng tôi đã đưa thơ anh đến với bạn đọc trong cả nước. Tập thơ được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc nhiều thế hệ. Năm 2009, tuyển tập Lãng Thanh Hoa và những trang viết để lại được ấn hành, cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đầy đủ hơn về những cống hiến nhiều mặt của anh cả về hội họa, thư pháp và đặc biệt là thơ.

Là một tác giả trẻ, Lãng Thanh luôn có ý thức cách tân, vượt thoát khỏi những khuôn thức cũ để tìm đến những chân trời mới của sáng tạo. Và qua những sáng tác của anh để lại, Lãng Thanh đã được khẳng định như một hiện tượng tiêu biểu trên hành trình đổi mới của thơ ca Việt. Tác phẩm của anh có sự kết tinh của những giá trị phương Đông và phương Tây, khoáng đạt, sang trọng và độc đáo. Đúng như thơ Phạm Đức có lần đã nhận xét, nêu lên cái thần thái của thơ anh: “Có những câu sắc nét như dao, có những câu mịn màng như lụa, có những chữ khiến ta ngỡ ngàng, có những ý làm ta lạnh toát”. 

Bìa tập thơ Hoa của Lãng Thanh

Với khát vọng mãnh liệt, Lãng Thanh chủ trương “mở rộng biên giới thơ” cả ở khía cạnh nội dung và hình thưc thể hiện. 

Người đọc nhận thấy nhiều bài thơ của anh vượt qua sự gò bó về vần điệu truyền thống, tạo ra sự hòa phối tinh tế và đa dạng các cung bậc âm thanh, tránh sự đơn điệu với những câu thơ dài ngắn khác nhau và sự kế tiếp của thang âm phù hợp với trường độ và sự vận động của cảm xúc. 

Lãng Thanh thể hiện ba dạng cấu trúc khá tiêu biểu: dạng thứ nhất - bài thơ trong bài thơ. Ở dạng này, Lãng Thanh cấu tạo một bài thơ lớn hàm chứa trong nó những bài thơ nhỏ hơn khá trọn vẹn có thể đứng độc lập (tiêu biểu là bài Thơ trước 21 tuổi; dạng thứ hai - kết cấu chiều dọc, nghĩa là từ đầu đến cuối tác giả vẫn duy trì một đối tượng thể hiện và triển khai dần những khía cạnh tinh tế của nó từ đầu đến cuối tác phẩm (có thể kể đến các tác phẩm như: Mùa thu, Thư pháp, Bài ca trái tim, Con mèo đen…) Một loại kết cấu khác - kết cấu chiều ngang, loại kết cấu này được xem như một điểm đặc sắc có tính cách tân trong thơ Lãng Thanh. Đặc điểm của loại kết cầu này là không duy trì một đối tượng thể hiện từ đầu đến cuối mà biên độ của liên tưởng liên tục mở rộng ra nhiều hướng. Đây có thể coi là nét tiêu biểu trong nghệ thuật cấu trúc của Lãng Thanh thể hiện qua các tác phẩm như: Bài ca phương Đông, Nhật ký, Những mảnh vỡ, Hồi kịch bất kỳ... Ở dạng thức này, mỗi bài thơ là một thế giới phức hợp, ngổn ngang, đa chiều, với hệ thống các tín hiệu thẩm mĩ được sắp đặt một cách kỳ lạ, đầy quyến rũ. 

*

Thấm thoắt thời gian, 20 năm đã trôi qua kể từ ngày Lãng Thanh rời xa thế giới này. Khi cái nắng vừa lên, nghĩ đến Lãng Thanh, lòng tôi lại nhói đau khi nhớ lại cái ngày định mệnh ấy. Mở lại một trang sách cũ, gặp lời tâm sự của anh: “Nhà thơ là người phiêu du. Người đi về đâu? Đông, Tây, Nam, Bắc đều là đường. Không có nơi nào nhà thơ không muốn đến, nếu không thể cho một thứ gì, có lẽ may mắn Người nhận được thứ khác. Chuyến đi xa nào Người cũng mang về nhiều hoa và trái. Bạn bè vây quanh xúm hỏi: Sao ngài hái được nhiều hoa thơm trái lạ vây? Nhà thơ đáp: vậy mà tôi vẫn chưa đi hết những lối mòn”. Vâng, đúng là chưa thể đi hết những lối mòn, nhưng Lãng Thanh đã biết hướng lòng mình ra với sự phức hợp mênh mông và kỳ diệu của cuộc đời và để lại những dấu ấn đẹp đẽ lạ thường, mở rộng kích tấc của sáng tạo thơ.

THIÊN SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;