Lễ hội đua mảng trên suối Thia – Ao Luông, Xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái

Ngày 22-12-2024, tại xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức khai mạc Giải đua mảng - mở rộng. Đây là hoạt động trong chuỗi các hoạt động Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2024; Lễ công bố Quyết định và đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Lễ “Xên Đông” (Cúng rừng) của đồng bào dân tộc Thái thị xã Nghĩa Lộ; Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân; hòa chung không khí thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

 

Tới dự khai mạc có: ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL);  bà Hoàng Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nông Việt Yên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái; Đại tá Đinh Xuân Hiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái; cùng đông đảo bà con nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Giải đua mảng không chỉ khuyến khích tinh thần rèn luyện sức khỏe mà còn là cơ hội để bảo tồn và gìn giữ nghề đánh bắt cá với phương tiện thô sơ truyền thống là máng tre được người dân nơi đây sử dụng để đánh bắt cá trên dòng suối Nặm Thia từ nhiều đời nay. Đua mảng là văn hóa đặc trưng của nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ nói chung và xã Sơn A nói riêng.

Đại biểu tham dự Khai mạc Giải đua Mảng tại suối Nậm Thia

 

Ông Quách Xuân Thưởng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Bà con bản làng xã Sơn A đã bao đời có truyền thống đoàn kết, cùng nhau tăng gia sản xuất và đánh bắt cá nhằm nâng cao đời sống của bà con và hoạt động đua mảng này trên sông Thia cũng là dịp giới thiệu cho du khách thập phương trong và ngoài nước biết đến những cảnh đẹp thơ mộng của địa phương. Năm nay, xã Sơn A cũng đã tham gia các hoạt động văn hóa du lịch nhằm đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương của thị xã Nghĩa Lộ, của Tỉnh Yên Bái về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch địa phương của thị xã Nghĩa Lộ… Chúng tôi mong muốn trong đợt giải Đua Mảng lần thứ nhất này, nhân dân, du khách thập phương sẽ biết đến những giá trị truyền thống, cội nguồn của con người và văn hóa bản làng của xã Sơn A và hy vọng mỗi người dân nơi đây sẽ có ý thức đóng góp cho sự phát triển văn hóa và du lịch của địa phương, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho bản thân, cũng như bản làng”.

Đồng chí Sầm Minh Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Sơn A phát biểu khai mạc

 

Trong bài phát biểu, ông Sầm Minh Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn A nhấn mạnh: “Thông qua sự kiện này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần lưu giữ được nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường,... trên địa bàn xã Sơn A. Thông qua các lễ hội như: Lễ hội xuống đồng, Hội Du xuân, giải đua mảng...  góp phần vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao nói chung và môn bơi mảng truyền thống nói riêng. Qua đó, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước" trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng để phục vụ học tập, lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc’’.

Ban Tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia giải

 

Giải Đua mng lần thứ nhất có sự tham gia của 16 đội thi đến từ các bản trên địa bàn xã với các quy định: vận động viên có sức khỏe tốt, không phân biệt độ tuổi, mỗi vận động viên chỉ được thi đấu cho một bản. Số lượng các cặp có đủ theo mỗi mảng 2 vận động viên: đội Nam có 12 cặp đấu; đội Nữ có 4 cặp đấu. Về mảng thi đấu: Là loại mảng có chất liệu truyền thống làm bằng cây tre to, từ 4 đến 5 cây, dài tối thiểu 6m. Hoạt động thi đấu: điểm xuất phát đồng thời là đích của 1 vòng đấu. Khoảng cách giữa các cặp dự thi là 300m và thời gian cuộc đấu là 4 phút/vòng. Đường đua được Ban tổ chức căng dây ngang dòng suối và cắm cờ làm mốc ở cuối vòng đua; các đội bắt buộc phải vượt qua cờ, vòng qua phía bên trái và quay lại vạch xuất phát cũng là Đích cuối của vòng đấu. Đội nào không vòng qua cờ sẽ phạm qui và bị loại. Với quy mô chặt chẽ, nghiêm túc trong quy định, các đội thi đã chấp hành đúng và nghiêm túc.

Đua mảng trên dòng suối Nậm Thia không chỉ đơn thuần là một cuộc thi thể thao mà còn là sự kiện văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, với nhiều hoạt động hấp dẫn diễn ra bên lề như trưng bày và bán các sản phẩm du lich, những món ăn được chế biến từ nông sản tự tay người nông dân ở đây chế biến ra như ngô, khoai sắn, thịt lợn mán… Những hoạt động này không chỉ giúp làm phong phú thêm cho lễ hội mà còn góp phần tạo nên một không khí vui tươi, sôi động và đậm đà bản sắc địa phương.

Theo ông Sầm Minh Tuấn, đây là lần thứ nhất giải được diễn ra và tổ chức với quy mô tuy chưa lớn, nhưng bà con và các cấp chính quyền xã đã rất nghiêm chỉnh và quan tâm; tôi nghĩ rằng các lần tiếp theo sẽ đạt được nhiều thành công hơn, điều đó sẽ khích lệ bà con thực hiện tốt nhiệm vụ duy trì bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương.

Ban tổ chức giải mong muốn lãnh đạo các cấp cần có chủ trương quan tâm hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện cho địa phương có những sân chơi bổ ích, động viên bà con nhằm tạo động lực trong lao đông tăng gia sản suất tích cực hơn, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn và xây dựng một nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.

Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức đã trao: Đội Nam: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giai giải Ba, 1 giải Tư và 8 giải khuyến khích; Đội Nữ: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Tư.

Ban tổ chức trao giải cho cặp đôi Giải Nhất trong cuộc đua

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình phát triển du lịch gắn với văn hóa, cũng là nét đẹp cần được bảo tồn và lưu giữ của đồng bào dân tộc Thị xã Nghĩa Lộ nói chung và bà con dân bản xã Sơn A nói riêng.

 

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG

 

 

;