Lĩnh vực VHTTDL tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên nhiều phương diện

Chiều ngày 3-10-2024, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Họp báo thường kỳ Quý III năm 2024. Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh buổi Họp báo

Tham dự Họp báo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị của Bộ VHTTDL; và đông đảo phóng viên của các cơ quan báo chí.

Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế

Tại buổi họp báo, thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ quý III năm 2024 của Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị; dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, lĩnh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên nhiều phương diện.

Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Hữu Ngọc báo cáo kết quả hoạt động quý III năm 2024 của Bộ VHTTDL

Bộ đã hoàn thiện hồ sơ Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và các dự thảo văn bản quy định chi tiết Luật Di sản văn hoá (sửa đổi); hồ sơ dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Xây dựng hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 991/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền thông qua một số văn bản quy phạm pháp luật khác đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024.

Về di sản văn hóa, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 3 di tích quốc gia đặc biệt đợt 15; phê duyệt 01 Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; quyết định đưa 18 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ VHTTDL đã tập trung tổ chức các sự kiện văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng để làm mẫu, làm điểm dẫn dắt cho cả nước. Thực hiện đồng bộ, theo hướng phân cấp ngày càng sâu cho địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thông qua đó phát hiện những điểm nghẽn để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ cho địa phương, người dân và doanh nghiệp: đồng thời phát hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo từ cơ sở để nhân rộng ra toàn quốc, nhất là mô hình xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục.

Về Thể dục, thể thao, phối hợp với các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức 80 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam và 4 lớp tập huấn theo kế hoạch; tập trung cho Đoàn Thể thao người khuyết tật tham dự Paralympic Paris; kết quả Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 01HCĐ (Vận động viên Lê Văn Công môn cử tạ với thành tích 171 kg).

Đồng thời, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X tại Hải Phòng; cùng các địa phương tổ chức 8 giải thể thao quần chúng cấp quốc gia và 1 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ TDTT cho 175 cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT cơ sở.

Tập trung cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội mùa hè (Olympic) lần thứ 33 tại Paris, với 16 vận động viên tranh tài. Dù các vận động viên đã rất nỗ lực hết mình nhưng chúng ta không đạt được huy chương tại Olympic Paris 2024. Bộ đã chỉ đạo Cục Thể dục, thể thao nghiêm túc tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; đồng thời xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng chuẩn bị lực lượng vận động viên cho ASIAD 20 năm 2026, Olympic năm 2028.

Về Du lịch, theo thống kê, tổng lượng khách quốc tế trong 8 tháng ước đạt 11,416,703 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 89,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch trong 8 tháng ước đạt 586,1 nghìn tỷ đồng. Riêng quý III, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,5 triệu lượt người, tăng 3,4% so với quý trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Các hoạt động sôi nổi: tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường (Úc và NewZealand; Nga); chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ; xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hội chợ ASEAN - Trung Quốc; chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Nhật Bản trong khuôn khổ Lễ hội xúc tiến du lịch-văn hóa Việt Nam; Diễn đàn du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi số - Du lịch Net Zeo - kiến tạo tương lai” trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC 2024...

Tăng tốc, sáng tạo, về đích

Thời gian tới, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo triển khai Chương trình hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05/3/2024 của Chính phủ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2024.

Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", với phương châm "Tăng tốc, sáng tạo, về đích", tích cực góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Tập trung chỉ đạo xây dựng các Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 và đăng ký Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2025.

Tập trung chỉ đạo xây dựng các Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 và đăng ký Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2025. Triển khai thực hiện Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 và Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch” giai đoạn 2021-2025.

Triển khai kế hoạch của Bộ VHTTDL thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Giải đáp nhiều vấn đề báo chí quan tâm

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi thắc mắc của phóng viên liên quan đến nhiều vấn đề dư luận quan tâm đã được lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ giải đáp.

Trả lời phóng viên về bộ phim sử dụng ngân sách Nhà nước thông qua đấu thầu đầu tiên “Bà già đi bụi” , Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, quá trình đấu thầu gặp nhiều khó khăn.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành trao đổi những vấn đề báo chí quan tâm

Ông Thành cho rằng, trong điện ảnh, kịch bản và nhà sản xuất luôn phải đi liền với nhau. Không thể có chuyện lấy kịch bản của đơn vị nào đó ra đấu thầu và giao kịch bản cho một đơn vị khác thực hiện. Việc này chỉ khả thi khi chúng ta có ngân hàng kịch bản do Nhà nước đầu tư, do Nhà nước sở hữu. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ có ngân hàng kịch bản thuộc sở hữu của Nhà nước. Các đề tài lịch sử, cách mạng, về các vị lãnh tụ, miền núi dân tộc... được ưu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện. Phim “Bà già đi bụi” thuộc đề tài gia đình nên bắt buộc phải trải qua quá trình đấu thầu. 

Tại họp báo , ông Vi Kiến Thành cũng giải thích về trường hợp các phim tham dự các liên hoan phim quốc tế nhưng chưa có giấy phép phát hành. Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh phim dự liên hoan phim quốc tế bắt buộc phải có giấy phép phân loại phim, nếu không có nghĩa là phạm luật. Ngay sau khi phát hiện phim vi phạm, Cục Điện ảnh sẽ báo cáo Thanh tra Bộ VHTTDL, đại sứ quán đất nước tổ chức liên hoan phim đó để dừng công chiếu phim.

Ông Thành cũng cho biết, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), phim “Đào, phở và piano” sẽ được chiếu miễn phí tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội). Trở lại rạp lần này, “Đào, phở và piano” sẽ được chiếu từ ngày 6 đến 10-10, mỗi ngày 2 suất vào lúc 10h và 20h15. Khán giả nhận vé xem phim miễn phí tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia từ ngày 4-10. Bên cạnh đó, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội sẽ chiếu phim này vào ngày 9 và 10-10 và Đài Truyền hình Việt Nam sẽ chiếu vào ngày 13-10 tới đây".

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cung cấp, trao đổi thông tin tới các nhà báo

Về vấn đề quản lý hành vi, trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết: “Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về yêu cầu nội dung quảng cáo phải đảm bảo tính trung thực, chính xác đối với các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người”, bà Hương nhấn mạnh. Bên cạnh đó, về quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng, dự thảo Luật nhấn mạnh vai trò của Bộ TTTT. Một trong những giải pháp khắc phục hiện trạng bất cập nói trên là quy định vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

“Khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng được đưa vào phù hợp với Luật bảo vệ người tiêu dùng, trong đó bao gồm các đối tượng như văn nghệ sĩ , người  nổi tiếng và quy định rõ những đối tượng này phải  có sự ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi khi quảng cáo. Đặc biệt, phải đảm bảo tính trung thực, chính xác về sản phẩm hàng hóa quảng cáo…”.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc giải đáp thông tin tại buổi họp báo

Trả lời câu hỏi về mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 có thể hoàn thành hay không, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho biết: “Mặc dù thời gian qua, nhiều địa phương chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hoạt động du lịch nhanh chóng được phục hồi. Trong những tháng cuối năm là mùa du lịch quốc tế, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế là hoàn toàn nằm trong khả năng của du lịch Việt Nam”.

Q.Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly trao đổi tại họp báo

Liên quan đến nội dung về Nghị định văn học, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, Cục đang triển khai các công việc theo đúng quy định để trình hồ sơ lập Nghị định về văn học.

“Từ trước đến nay hoạt động văn học chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào để quản lý, vì vậy, Bộ VHTTDL đã  chỉ đạo để sớm có hành lang pháp lý để khuyến khích hoạt động văn học phát triển tốt nhất” – Bà Trần Ly Ly nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Danh Hoàng Việt bày tỏ sự cảm ơn, đồng hành của các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên đối với các lĩnh vực hoạt động của Bộ VHTTDL trong thời gian qua.

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt phát biểu

Ông Việt nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm và thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030…

Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Danh Hoàng Việt khẳng định: “Với phương châm “Tăng tốc, sáng tạo, về đích”, ngành VHTTDL sẽ tiếp tục tích cực góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2024. Trong hành trình đó, sự đồng hành, quan tâm của báo chí, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng”.

Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

 

 

 

 

;