Trong hai ngày (1 và 2-10) tại cụm di tích tháp Chăm Pô Sah Inư, TP.Phan Thiết (Bình Thuận) hàng ngàn đồng bào Chăm, nhân dân, du khách trong và ngoài nước đã được tham dự và hòa cùng không khí rộn ràng, ấm cúng cùng nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của Lễ hội Katê năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng tặng quà chúc mừng Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn
Lễ hội Katê là một sự kiện văn hóa truyền thống quan trọng nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch (năm 2024 nhằm ngày 1 và 2-10) tại tỉnh Bình Thuận và một số vùng khác có cộng đồng người Chăm sinh sống. Lễ hội Katê thường bắt đầu được tổ chức tại các đền, tháp cổ - nơi thờ phụng các vị thần như Pô Inư Nưgar và các vị vua anh hùng của dân tộc Chăm. Năm 2005, Lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Ngày 4-4-2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã quyết định đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hội thi Trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng
Theo ghi nhận từ sáng sớm ngày 1-10, các vị chức sắc và hàng trăm đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở 6 huyện (Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Hàm Tân) đã di chuyển về cụm tháp Pô Sah Inư để tham dự Lễ hội Katê năm 2024. Ý nghĩa của Lễ hội là tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Do vậy, các hộ gia đình đều mang theo các lễ vật như: gạo nếp (nấu xôi), bánh tét, bánh ít, bánh gừng, nải chuối, trứng… để dâng cúng theo phong tục. Ngay sau khi tề tựu đông đủ ở xung quanh khu vực tháp Pô Sah Inư, từ trưa đến đêm ngày 1-10 các vị chức sắc và đồng bào Chăm đã tiến hành các nghi lễ cúng Cầu an và nghi thức múa mừng, thỉnh mời thần linh tại tháp chính; tham gia hội thi thổi kèn Saranai, trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế Nữ thần Pô Sah Inư và trò chơi dân gian Đội nước vượt chướng ngại vật, biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm phục vụ nhân dân và du khách... Trong không gian tháp cổ, những điệu múa trống Ginăng, điệu múa truyền thống của người Chăm, cùng tiếng kèn Saranai và sự thành kính, tất bật (chuẩn bị lễ vật) đã tạo nên không khí lễ hội trang nghiêm, rộn ràng và đoàn kết của cộng đồng dân tộc Chăm cùng nhân dân, du khách.
Múa hát chào mừng Lễ công bố bảo vật quốc gia và khai mạc Lễ hội Kate 2024
Trong Lễ hội Katê năm 2024 ở tháp Pô Sah Inư năm nay, Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận kết hợp tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đợt 12, năm 2023. Sáng ngày 2-10 đã chính thức diễn ra Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, Bình Thuận và Khai mạc Lễ hội Katê năm 2024 với sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh, các chức sắc tôn giáo, trí thức, nghệ nhận cùng đồng bào Chăm và du khách.
Chuẩn bị nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư
Theo Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận, Khu di tích tháp Chăm Po Dam đã được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1996. Năm 2013 - 2014 Sở VHTTDL tỉnh phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ tổ chức 2 đợt khai quật khảo cổ tại đây, và đã phát hiện Linga vàng cùng nhiều hiện vật khác có giá trị góp phần khẳng định thêm giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng thờ sinh thực khí của người Chăm. Sở VHTTDL tỉnh đã triển khai xây dựng hồ sơ hiện vật Linga vàng, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Ngày 18-01-2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết đinh số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 năm 2023, trong đó có Linga vàng tỉnh Bình Thuận. Ngày 5-3-2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 736/KH-UBND về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng.
Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính
Phát biểu tại Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng và Khai mạc Lễ hội Katê năm 2024, Sư cả Thường Xuân Hữu – Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá Chăm, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Chăm địa phương.
“Cộng đồng người Chăm chúng tôi xin hứa sẽ nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc mình. Đặc biệt, đối với Lễ hội Katê, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo quản, gìn giữ và phát huy tốt giá trị của Lễ hội để phục vụ đời sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng vốn gắn chặt với cộng đồng người Chăm từ bao đời nay” - Sư cả nhấn mạnh.
Chức sắc người Chăm tham quan khu vực giới thiệu về bảo vật quốc gia
Ngay sau phần Khai mạc, dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo Lễ hội Katê bước vào nghi thức quan trọng nhất là lễ Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư. Trong tiếng trống Paranưng rộn rang, tiếng kèn Saranai réo rắt và sự dẫn đường của những cô gái người Chăm nhịp nhàng múa điệu múa dân tộc uyển chuyển, dòng người rước y trang Nữ thần kéo dài từ sân lễ đến tháp chính. Bên cạnh vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của cụm di tích tháp Pô Sah Inư là tiếp nối các nghi lễ chính theo quy định tôn giáo, phong tục truyền thống của người Chăm như: Lễ mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga-Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng tạ ơn Nữ thần Pô Sah Inư và các vị Thần linh…
Dệt vải thổ cẩm truyền thống Chăm
Dịp này, trong khuôn viên tổ chức Lễ hội Katê, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận còn bố trí một không gian trưng bày giới thiệu bảo vật quốc gia Linga vàng và các di sản văn hóa truyền thống Chăm; giới thiệu hình ảnh về văn hóa Chăm, Lễ hội Katê và nghệ thuật gốm Chăm Bình Đức bằng video; khu vực trình diễn và trải nghiệm về nghề gốm, dệt thổ cẩm, làm bánh gừng... phục vụ sự tham quan, tìm hiểu của du khách.
Những hoạt động, sự kiện lễ - hội phong phú, đặc sắc của Lễ hội Katê năm 2024 kể trên, theo UBND tỉnh Bình Thuận là nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về giá trị, ý nghĩa và nét đặc sắc Lễ hội Katê của người Chăm và bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Katê. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Chăm và tham quan, khám phá, trải nghiệm của du khách. Từ đó dần đưa Lễ hội Katê trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn có sức thu hút Nhân dân, du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Được biết, cùng diễn ra Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư, các huyện khác trong tỉnh Bình Thuận có đền, tháp cổ cũng tổ chức Lễ hội Katê ở địa phương. Sau khi tham dự Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư, các chức sắc và đồng bào Chăm trở về địa phương tiếp tục tổ chức các hoạt động vui chơi, đón Tết Katê ở thôn làng, dòng tộc, gia đình...
Bài, ảnh: XUÂN HƯỚNG