Đến với Lễ hội Katê 2024 tại tỉnh Ninh Thuận, người dân và du khách được thưởng thức, trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Qua đó hiểu hơn về ý nghĩa của lễ hội, cũng như tình cảm của người Chăm đối với quê hương, đất nước.
Hòa trong Lễ hội Katê, chúng tôi được đến với chương trình nghệ thuật đặc sắc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận, được thưởng thức những điệu múa nhịp nhàng, những lời ca bay bổng của các chàng trai, cô gái Chăm và người dân nơi đây. Cùng với sắc tím của hoa tagalaw đặc trưng trong lễ hội ka tê, là điệu trống Ginăng, tiếng kèn saranai véo von, cộng đồng người Chăm sum vầy múa hát. Katê là ngày hội quan trọng, là ngày đoàn tụ, nên những người con đồng bào Chăm dù đi bất cứ nơi đâu đều trở về với buôn làng và cùng nhau múa hát quan đồi tháp cổ Po Romê.
Ở Lễ hội Katê, người dân và du khách được thưởng thức những điệu dân ca, điệu múa được người Chăm lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Trong đó có “Múa Biyen”, là điệu múa dân gian đặc sắc, tiểu biểu của nghệ thuật múa đân tộc Chăm, đầy đủ phong cách và đặc sắc. Điệu múa này chỉ dành riêng cho nữ và được múa trong ngày hội, lễ của cộng đồng. Trên cơ sở động tác, điệu bộ của chim Phượng hoàng, người Chăm đã quan sát, mô phỏng, sáng tác ra những động tác đẹp. Với đôi tay khéo léo, hai tay cầm hai chiếc quạt, có lúc tượng trưng cho đôi cánh, và có cả khi tượng trưng cho đuôi chim Phượng hoàng xòe ra nhẹ nhàng bay lượn trong không trung. Với các động tác miêu tả chim phượng hoàng nghiêng nghiêng lượn cánh bay, khi đổi tay quạt uốn, lượn lên xuống trông như bay trong gió. Động tác của cánh tay lượn lên xuống như chim Phượng hoàng đang bay. Đặc biệt, nét đặc sắc của điệu múa còn biểu hiện ở cổ tay bạt, hất, nẩy tạo nên phong cách đặc trưng riêng của điệu múa dân gian Chăm.
“Múa Biyen” - với phong cách đặc trưng riêng của điệu múa dân gian Chăm.
Cùng với điệu múa dân gian đặc sắc, người xem còn được thưởng thức Xướng ca Pô rômê và điệu múa Rija. Xướng ca Pô Rômê được xuất phát từ một điều đặc biệt, đó là cả người Chăm Bàni và Chăm ảnh hưởng Bàlamôn đều thờ Pô Rômê như biểu tượng của sự hòa hợp. Tương truyền, Pô Rômê sinh ra tại làng Tường Loan, Phan Rí, tên Jakathaot. Ngài có công dẫn thủy nhiệp điền, hướng dẫn người dân đắp đập ngăn sông, dẫn nước về cho dân chúng làm ruộng. Tín ngưỡng thờ cúng Pô Rômê đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh từ lâu đời trong cộng đồng người Chăm. Hằng năm, người Chăm thường tổ chức các lễ nghi trên đền tháp Pô Rômê để cầu xin Ngài ban sự bình an và những điều tốt lành trong cuộc sống, đặc biệt là đối với cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp.
Đội âm nhạc Mã la của cộng đồng người Raglai ở xã Phước Hà cùng tham dự, giao lưu trong Lễ hội Katê của thôn Hậu Sanh
Tại lễ hội, không thể thiếu những làn điệu dân ca của người Chăm với những lời tha thiết, dạt dào trong bài Nhớ rừng và hái rau rừng: "Dân ca Chăm say đắm lòng người, như lời mẹ ru/ Trên cánh đồng, trong rừng sâu thăm thẳm/ Lời hát ru thắm đượm nghĩa tình..."; hay các bài hát với giai điệu là những lời gửi gắm của những người con Chăm bày tỏ lòng thành kính đến tổ tiên, các bậc sinh thành và cầu nguyện cho dân làng được bình an, mùa màng tốt tươi. “Katê về trên Tháp, đàn Ka-nhi mai rùa véo von/ Katê về palei Chăm, mừng mẹ cha tuổi già kính yêu/ Katê về trên Tháp, người Raglai thúc giục Mã La/ Katê về palei Chăm, kỷ niệm xưa lúc còn tuổi thơ…”.
Các chàng trai, cô gái Chăm cùng hòa chung trong điệu múa, giai điệu liên khúc "Paduranga" và "Tiếng trống hội Katê"
Tháp Po Romê thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận. Nơi đây còn lưu giữ bảo vật quốc gia - bức phù điêu vua Po Rome đặt ngay trung tâm của tháp chính. Phù điêu Vua Po Rome có đội mũ hình trụ cao khoảng 1,2 mét được làm bằng đá dưới hình thể Mukhalinga thể hiện hình ảnh Thần – Vua rất đặc biệt trong nghệ thuật cổ Chămpa. Tháp Chăm Pô Rome cũng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích cấp quốc gia thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.
BÍCH NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH