Độc đáo Lễ rước y trang nữ thần Pô Inư Nưgar

Chiều ngày 1-10, Lễ hội Katê năm 2024 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận đã khai mạc tại sân vận động thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Đồng thời, Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức truyền thống làm Lễ đón và rước y trang nữ thần Pô Inư Nưgar - còn được gọi thần Mẹ xứ sở - người dạy đồng bào Chăm trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, giúp người dân có cuộc sống no ấm.

Người Raglai có trách nhiệm giữ trang phục thần của vua Chăm, họ mang trang phục xuống vào dịp lễ hội Katê để trao cho người Chăm

Là hoạt động khởi đầu cho mùa Lễ hội Katê 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Lễ rước y trang và mừng đón lễ hội Katê 2024 đã thu hút hàng ngàn du khách và nhân dân địa phương đến xem. Lễ rước do nhân dân các thôn: Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước tổ chức, rước y trang nữ thần Pô Inư Nưgar từ đồng bào người Raglai thôn Tà Nô, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam về đền thờ trong thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

Người Chăm đến đón y trang do người Raglai trao

Tại một địa điểm đã chuẩn bị sẵn trong làng bà con nô nức đón chờ cuộc đón rước, trao y trang của nữ thần, người Raglai đưa y trang xuống và người Chăm đón về. Đúng 13 giờ, sau hồi chiêng, trống báo hiệu, đoàn rước chính thức khởi hành. Dẫn đầu là các vị chức sắc Chăm theo đạo Bàlamôn. Tiếp đến là đội khiêng kiệu với cờ lọng. Đoàn người lớn, bé và du khách đi thành hàng dài phía sau cùng. Tất cả di chuyển về một địa điểm đã chuẩn bị sẵn trong làng để làm lễ đón rước y trang. Để thực hiện lễ đón y trang, những người già trong làng chuẩn bị đốt sáp, trầm, soạn lễ vật trầu, cau, trứng, rượu… bày biện trên chiếu, sau đó các chức sắc trong làng đến làm lễ trao y trang. Lễ trao y trang hoàn thành, cũng là lúc các chức sắc đánh lên những hồi chuông để lễ rước chuyển hướng đến sân vận động thôn Hữu Đức và cuối cùng là về đền thờ trong thôn Hữu Đức.

Các chức sắc trong làng thực hiện nghi thức đón rước, trao y trang của nữ thần

Theo truyền thuyết, người Chăm và Raglai là chị em ruột, người Chăm là chị cả, người em út là Raglai. Theo chế độ mẫu hệ, người con gái út ở với bố mẹ, phụ trách phục dưỡng và thờ cúng tổ tiên, nên người Raglai có trách nhiệm giữ trang phục thần của vua Chăm, chỉ mang xuống vào các dịp lễ hội Katê hay cúng đầu năm mới. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn đền Po Inư Nagar ở Hữu Đức là còn lễ đón y trang do dòng họ Chamalea người Raglai (Phước Hà) cất giữ. Còn y trang của Vua Po Klong Garai và Vua Po Rome thì người Raglai đã giao lại hẳn cho đồng bào Chăm cất giữ.

Sau nghi lễ đón rước là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại sân vận động. Các chàng trai, cô gái Chăm từ các thôn: Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu cùng nhau cất lên những lời ca, tiếng hát ngân vang. Khán giả được thưởng thức những điệu múa quạt duyên dáng trong tiếng trống Paranưng bập bùng và tiếng kèn Saranai réo rắt. Tất cả cùng hòa quyện, tạo nên một không khí lễ hội rộn ràng, hấp dẫn làm say lòng người.

Kiệu rước y trang nữ thần Pô Inư Nưgar

Trong ngày lễ chính, tại các đền, tháp Chăm diễn ra nhiều nghi lễ trang trọng gồm: Lễ rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục và đại lễ. Sau ngày lễ chính, lễ hội tiếp tục diễn ra tại các làng Chăm, tộc họ và gia đình người Chăm theo đạo Bàlamôn. Các địa phương kết hợp tổ chức các trò chơi dân gian, các hội thi nghệ thuật làm gốm, văn nghệ, thể thao, ẩm thực, trình diễn trang phục... để người dân và du khách vui chơi, giải trí.

BÍCH NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH

;