“Nàng tiên cá cuối cùng” - Tiếng vọng từ truyền thuyết nơi đại dương

Chiều 19-7, tại Hà Nội, cuốn sách “Nàng tiên cá cuối cùng” của nữ nhà văn Phần Lan lida Turpeinen chính thức ra mắt độc giả. Chương trình do Nxb Kim Đồng phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và Tổ chức The Initiative of Children's Book Creative Content (ICBC) thực hiện, trong khuôn khổ “Tuần lễ Văn học Phần Lan”.

Toàn cảnh sự kiện

Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto bày tỏ sự vui mừng khi được giới thiệu với độc giả Việt Nam thế giới phong phú và giàu tính tưởng tượng của văn học Phần Lan đương đại thông qua cuốn tiểu thuyết Nàng tiên cá cuối cùng. Ông cho biết, Iida Turpeinen là một trong những tiếng nói nổi bật của văn học đương đại Phần Lan. Nàng tiên cá cuối cùng - tiểu thuyết đầu tay của bà, xuất bản năm 2023 đã đạt được thành công vang dội cả về mặt thương mại lẫn nghệ thuật bởi văn chương thơ mộng, chiều sâu tri thức, và lịch sử cũng như chủ đề sinh thái được đề cập trong tác phẩm. Cấu trúc theo lối chương hồi và việc lựa chọn góc nhìn nữ giới trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử cũng là những yếu tố nổi bật. Tác phẩm được xem là một sự phản chiếu mạnh mẽ về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Đại sứ Phần Lan cho biết, cuốn sách đã được dịch ra hơn 25 thứ tiếng và nhận được nhiều đánh giá tích cực nhờ sự kết hợp độc đáo giữa khoa học, lịch sử và nghệ thuật kể chuyện. Cuốn tiểu thuyết lọt vào danh sách ứng viên sáng giá của giải Sách nước ngoài hay nhất tại Pháp năm 2024, củng cố vị thế Turpeinen như một tiếng nói mới nổi trong văn học toàn cầu. Tác phẩm đã góp phần nâng tầm văn học Phần Lan, chứng minh rằng những câu chuyện mang màu sắc địa phương vẫn có thể mang ý nghĩa phổ quát. Cấu trúc chuyển đổi giữa các thời kỳ và góc nhìn khác nhau trong tác phẩm cũng được đánh giá cao bởi sự tinh tế và chính xác. Những chủ đề như tuyệt chủng, biến đổi môi trường và khát vọng lưu giữ những gì đã mất đặc biệt cộng hưởng mạnh mẽ với độc giả trong bối cảnh xã hội và văn học ngày càng quan tâm tới vấn đề khí hậu và sinh thái. Tác phẩm đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng và có sức ảnh hưởng trong nền văn học Phần Lan đương đại, là một trong những cuốn sách đáng chú ý nhất những năm trở lại đây, với chiều sâu lịch sử và trí tuệ, ngôn ngữ giàu chất thơ và thông điệp sinh thái cấp bách. Đại diện cho một hướng đi mới của văn học Phần Lan: sâu sắc, gắn bó với môi trường và được thể hiện bằng văn phong tao nhã. Đại sứ Keijo Norvanto kỳ vọng cuốn sách sẽ góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật và thúc đẩy đối thoại giữa văn học và khoa học trong cộng đồng độc giả Việt Nam.

Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto phát biểu khai mạc

Nàng tiên cá cuối cùng lấy cảm hứng từ số phận của bò biển Steller, một loài động vật biển có vú từng sống ở vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Năm 1741, nhà tự nhiên học Georg Wilhelm Steller đã phát hiện và có những mô tả chi tiết đầu tiên về loài sinh vật này. Loài bò biển hiền lành nhanh chóng trở thành nạn nhân của các đoàn săn bắt sau khi bị con người phát hiện. Trong vòng chưa đầy 30 năm, chúng đã bị tuyệt chủng hoàn toàn. Điểm nổi bật của cuốn sách nằm ở cách kể chuyện độc đáo, thay vì chỉ thuật lại lịch sử, tác giả Iida Turpeinen đã khéo léo lồng ghép các kiến thức khoa học như giải phẫu, địa chất và tiến hóa vào mạch truyện văn học, tạo nên sự hòa quyện giữa cảm xúc và lý trí. Cách tiếp cận này được đánh giá là hình thức truyền tải khoa học hiệu quả, đặc biệt phù hợp với độc giả trẻ.

Dịch giả Võ Xuân Quế, người chuyển ngữ tác phẩm từ tiếng Phần Lan sang tiếng Việt cho rằng, thành công lớn của Nàng tiên cá cuối cùng nằm ở khả năng dung hòa giữa văn chương và khoa học. Theo ông, việc chuyển hóa một luận án tiến sĩ thành một tác phẩm văn học cuốn hút, thể hiện không chỉ sự am hiểu sâu sắc mà còn là năng lực sáng tạo của tác giả.

PGS, TS Nguyễn Thành Nam - Phó Trưởng Khoa Sinh học, Giám đốc Bảo tàng Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cuốn sách hướng tới thế hệ trẻ bằng tinh thần gắn kết trong khoa học. Cuốn sách là một tác phẩm thấm đượm tính nhân văn, khơi gợi cảm xúc, buộc người đọc phải đối mặt với những câu hỏi lớn về trách nhiệm của con người đối với thế giới tự nhiên và những di sản mà chúng ta để lại. Dưới ngòi bút của Iida Turpeinen, lịch sử không chỉ là những sự kiện vĩ đại mà còn là tổng hòa của những câu chuyện cá nhân, những cuộc đời đã góp phần định hình thế giới của chúng ta.

Bìa cuốn sách

Khéo léo lồng ghép những chi tiết khoa học tỉ mỉ - từ giải phẫu học của các loài động vật đến các khái niệm về địa chất và tiến hóa - vào một mạch truyện đầy tính nhân văn, Nàng tiên cá cuối cùng của Iida Turpeinen mang âm hưởng của một bản giao hưởng bi tráng về sự mất mát và những thay đổi trong nhận thức của con người về thế giới tự nhiên. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự đan cài  giữa các yếu tố khoa học và văn chương, tạo nên một không khí day dứt, đầy chiêm nghiệm xuyên suốt tác phẩm.

Nàng tiên cá cuối cùng đã được nhận Giải thưởng Văn học Helsingin Sanomat dành cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất và lọt vào danh sách đề cử của Giải thưởng Finlandia - giải thưởng văn học lớn nhất tại Phần Lan và Giải thưởng Torch-Bearer - giải thưởng nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học Phần Lan nổi bật trong năm có triển vọng thành công trên thế giới. Tính đến nay, cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới như Đan Mạch, Vương quốc Anh, Pháp, Hy Lạp, Italia, Hungary, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ…

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;