Trưng bày hiện vật, giới thiệu hình ảnh, quảng bá về văn hóa Chăm và một số hoạt động chào mừng lễ hội Katê năm 2024

Sáng ngày 2-10-2024, tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (số 28 đường Tô Hiệu, phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày hiện vật, giới thiệu một số hình ảnh quảng bá về văn hóa Chăm và các hoạt động chào mừng lễ hội Katê năm 2024.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của  du khách- Ảnh: Tuấn Minh

Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận đã hình thành và phát triển 31 năm. Với nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu về văn hóa Chăm nhằm mục đích tạo sự hiểu biết, giao lưu văn hóa lẫn nhau giữa các tộc người trong tỉnh, khách trong nước và quốc tế muốn tìm hiểu về văn hóa Chăm. Trung tâm đã tổ chức khảo cứu chuyên đề văn hóa Chăm và lần lượt công bố các bản thảo nghiên cứu. Từ đó, làm tiền đề cho các chuyên khảo nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn các công trình nghiên cứu mới về tộc người Chăm.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Xuân Lợi – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm cho biết: “Lễ hội Katê diễn ra trong một không gian rộng lớn từ cộng đồng làng theo khu vực đền tháp, đến các làng và các gia đình, dòng họ. Lễ hội được tổ chức trước hết để dâng lễ, tạ ơn các vị thần linh có công với quê hương, xứ sở; tưởng nhớ các bậc tiền nhân, ông bà, tổ tiên của người Chăm, đồng thời tổ chức các hoạt động lễ hội gắn kết cộng đồng, tạo niềm phấn khởi cho thời gian tới. Sau hơn 30 năm hoạt động, Trung tâm đã sưu tầm gần 1.900 hiện vật về văn hóa Chăm. Trong đó có hơn 875 hiện vật được các nhà sưu tập tư nhân hiến tặng. Năm nay, nhân lễ hội Kate, Trung tâm tổ chức trưng bày chuyên đề chào mừng lễ hội Katê năm 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá những đặc trưng của nền văn hóa Chăm nói chung và lễ hội Katê truyền thống nói riêng; trưng bày các hiện vật quý giá được các nhà sưu tầm hiến tặng cho Trung tâm, đồng thời giới thiệu về Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm cho du khách tham quan và giới nghiên cứu”.

Các trang sức quý giá, tinh xảo của người Chăm được trưng bày tại triển lãm- Ảnh: Tuấn Minh

Tượng thờ Vua Po Klaong Girai – Bảo vật quốc gia được số hóa với mã quét QR- Ảnh: Tuấn Minh

Triển lãm lần này trưng bày nhiều trang sức quý giá, tinh xảo của người Chăm như: vòng, nhẫn, khuyên tai… Vì nghề luyện kim sớm phát triển nên người Chăm đã sản xuất ra nhiều đồ trang sức đa dạng và độc đáo. Những cổ vật của người Chăm đáng chú ý được biết đến là các loại vương miện, khuyên tai hai đầu thú, hình vành khăn, bông tai, hạt chuỗi bằng đá, thủy tinh, vàng, bạc… Một số trang sức được chế tác tinh xảo dùng để dâng cúng cho thần thánh, phục vụ vua chúa, giai cấp quý tộc…

Bên cạnh trưng bày chuyên đề về trang sức của người Chăm, Trung Tâm còn  trưng bày về trang phục truyền thống của người Chăm, các nhạc cụ dân tộc Chăm, các mô hình nhà của người Chăm… Được biết, công tác sưu tầm hiện vật, giới thiệu di sản văn hóa Chăm ở Trung tâm đang ngày càng đổi mới, thường xuyên xây dựng kế hoạch trưng bày chuyên đề về văn hóa truyền thống thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm cũng ứng dụng những công nghệ hiện đại như mã quét QR song ngữ Anh – Việt đối với một số hiện vật là bảo vật quốc gia như: tượng thờ Vua Po Kalong Girai, phiên bản số hóa phù điêu Po Ramé giúp khách tham quan trong nước và quốc tế dễ dàng tìm hiểu về hiện vật trưng bày…

Tại lễ hội Katê năm nay, các du khách khi đến Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Chăm, hòa mình vào các bài hát dân tộc Chăm.

Một số đầu sách là kết quả nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm- Ảnh: Liên Hương

Không gian trưng bày nhạc cụ truyền thống của người Chăm - Ảnh: Tuấn Minh

Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm là một trong những điểm đến tham quan du lịch tại Ninh Thuận thu hút các nhà khoa học, lãnh đạo cấp cao, học sinh, sinh viên đến đây để tham quan, học tập và nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu khoa học của Trung tâm sau khi được nghiệm thu, công bố, sẽ xuất bản thành sách, làm cơ sở khoa học để xây dựng các chính sách phát triển cộng đồng Chăm nói riêng và các tộc người thiểu số nói chung. Cho đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã công bố, xuất bản hàng loạt các công trình nghiên cứu, tư liệu điền dã có giá trị khoa học và thực tiễn như: Truyện cổ dân gian Chăm (2000), Hệ thống thủy lợi và lễ nghi nông nghiệp cổ truyền Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận (2002), Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm và Raglai Ninh Thuận (2010), Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận (2014), Trò chơi dân gian người Chăm Ninh Thuận (2015), Truyện cổ và truyền thuyết dân gian Chăm (2019), Văn hóa truyền thống làng Chăm Tân Bổn và Vụ Bổn (2021), Khảo cứu văn hóa dân gian người Chăm (2022)...

Đoàn công tác của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật làm việc với Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hương - Ảnh: Tuấn Minh

Cũng nhân dịp này, đoàn công tác của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã có buổi làm việc với ông Lê Xuân Lợi - Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm, ông Phạm Văn Hương – Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận và các chuyên viên nghiên cứu của Trung Tâm để trao đổi về tình hình nghiên cứu văn hóa cổ truyền của người Chăm, đặc biệt việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Chăm trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

LIÊN HƯƠNG

;