Họa sĩ Hứa Thanh Bình sinh ngày 21/6/1957, tại Sài Gòn, trong một gia đình đông con. Năm 1974, ông đã tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật, tại Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định. Sau ngày thống nhất đất nước, ông tiếp tục học thêm 3 năm, hệ Trung cấp Mỹ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, từ 1975-1978. Năm 1981-1985, ông vừa đi làm vừa hoàn thành tốt nghiệp hệ đại học, Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Hứa Thanh Bình, Ngựa hoang, sơn dầu, 2025
Một viên chức mẫu mực
Giới yêu mỹ thuật thường chỉ biết ông là họa sĩ nổi tiếng, tranh được lưu giữ trong các bảo tàng mỹ thuật, các sưu tập trong và ngoài nước, chứ ít ai biết rằng ông còn là một viên chức Nhà nước mẫn cán luôn hết lòng vì công việc. Họa sĩ Hứa Thanh Bình đã từng trải qua nhiều vị trí công tác, không chỉ là họa sĩ sáng tác, mà còn là giảng viên dạy mỹ thuật tại Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM trong 10 năm (2000-2010). Với vai trò là một Trưởng khoa, ông đã có rất nhiều cống hiến cho công tác đào tạo sinh viên mỹ thuật. Không ít người nay đã thành công vẫn không thể quên một người thầy tận tâm, nghiêm khắc nhưng hết lòng vì sinh viên của mình.
Cuộc đời làm viên chức Nhà nước của họa sĩ Hứa Thanh Bình đã bắt đầu bằng công việc của một họa sĩ tại Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh), từ năm 1978 và kéo dài cho đến năm 2000 thì chuyển sang làm giảng viên tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM. Năm 2010, một lần nữa ông lại được điều về Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM với vai trò Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn cho đến khi về hưu. Hiện nay, ông là thành viên Hội đồng Nghệ thuật TP.HCM và vẫn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật của thành phố.
Có thể nói, bảo tàng như duyên, như nợ của họa sĩ Hứa Thanh Bình, bởi ông bắt đầu sự nghiệp và kết thúc công việc Nhà nước cũng từ bảo tàng. Phải chăng, những năm tháng làm việc ở bảo tàng đã cho ông kiến thức và ý thức về vai trò quan trọng của kỹ thuật, chất liệu đối với một bức tranh. Họa sĩ Hứa Thanh Bình là một trong những người luôn có ý thức trách nhiệm với tác phẩm của mình, để tác phẩm có thể được lưu giữ, ít bị hư hỏng nhất có thể. Khi sáng tác, ông không bao giờ dễ dãi về kỹ thuật, chất liệu. Trong quá trình sống và sáng tác, ông luôn tìm tòi học hỏi, thử nghiệm từ chất liệu sơn dầu đến acrylic và những năm gần đây là sơn mài. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được xử lý chất liệu thật kỹ lưỡng, giúp tác phẩm có tuổi thọ dài nhất. Bởi ông hiểu rất rõ vì sao tác phẩm mỹ thuật bị hư hoại không chỉ vì môi trường, trình độ kỹ thuật bảo quản, mà còn do tác giả chưa chú trọng đến sự bền của đứa con tinh thần khi sáng tác.
Hầu hết các đồng nghiệp ở các bảo tàng, nơi họa sĩ Hứa Thanh Bình từng làm việc đều thấy ông là người rất cá tính, bộc trực của người Nam bộ, nhưng sống thật tình cảm, sâu sắc, chân tình, đặc biệt thông minh và hóm hỉnh. Trong công việc, ông luôn là người hết lòng, luôn sáng tạo, luôn đổi mới vì ông là người tự nghiên cứu, tìm học trong sách vở, trong bạn bè. Là người có nhiều dịp ra nước ngoài, thấy điều gì hay ông thường để ý và ghi nhớ để áp dụng một cách hợp lý trong điều kiện, hoàn cảnh của đơn vị. Như công việc trưng bày tranh, tượng ở các bảo tàng lớn trên thế giới, hình thức kho hiện vật, cách lắp đặt ánh sáng trưng bày, xu hướng nghiên cứu trưng bày. Nhưng ông cũng là người biết lắng nghe để hoàn thiện kiến thức cũng như kỹ năng, chia sẻ khó khăn cùng đồng nghiệp để công việc được thực hiện tốt nhất.
Hứa Thanh Bình, Hoài niệm, sơn mài, 2021
Người sống trọn với đam mê sáng tác
Trong gần 40 năm là một viên chức Nhà nước, qua nhiều vị trí công tác từ nhân viên đến lãnh đạo, nhưng họa sĩ Hứa Thanh Bình luôn giữ được mạch sáng tác của mình. Ở vị trí như vậy rất nhiều người không thể giữ được lửa đam mê nghề với nhiều lý do khách quan. Nhiều lần ông từng chia sẻ: “Thực ra, năng khiếu và đam mê là quan trọng, nhưng để giữ được đam mê đó, giữ được mạch sáng tác, rất cần ý chí và nghị lực để vẽ. Nghiêm khắc với bản thân rồi dần dà thành thói quen, thành nhu cầu được vẽ. Khi đó, vẽ lại là lúc mình sống, mình cân bằng, trải lòng… và mới tự nâng cao, tự hoàn thiện khả năng nghề”. Ông luôn tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc để vẽ, thời gian là Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, mỗi năm ông vẫn vẽ vài ba chục bức tranh khổ vừa và lớn. Họa sĩ Hứa Thanh Bình chưa bao giờ ngừng sáng tác, ngay cả khi ông phải vượt qua nỗi mất mát lớn: cha mẹ và người vợ thân yêu lần lượt ra đi. Trong tác phẩm, ông thể hiện rõ những mất mát, nỗi buồn, cô đơn mà ông trải qua. Hiểu được tầm quan trọng trong mạch sáng tác của người nghệ sĩ, do đó, ông cũng luôn tạo điều kiện, khuyến khích các họa sĩ trẻ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vẽ, triển lãm và bán tranh. Nhiều lần ông nói “Chỉ có vẽ liên tục, vẽ không ngừng mới giữ được lửa nghề”.
Là một người rất khiêm tốn, sống nội tâm nên ông ít khi nào muốn tổ chức triển lãm cá nhân, ngay cả khi Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - nơi ông giữ vai trò Phó Giám đốc chuyên môn - đề xuất tổ chức triển lãm cá nhân, ông cũng từ chối vì ngại, sợ người đời cho là quan chức lợi dụng.
Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên mang tranh đi triển lãm ở nước ngoài, từ những năm đầu khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới. Ông từng triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm ở nhiều nước như Pháp, Nga, Mỹ, Đức, Hongkong, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Na Uy… và là một trong 10 họa sĩ từng tham gia triển lãm nhóm họa sĩ trẻ vào thập niên 90 thế kỷ XX. Đó là triển lãm được đánh giá khởi đầu cho xu hướng sáng tác mới tại Việt Nam. Ông là một trong 50 tác giả mỹ thuật tiêu biểu được Bộ VHTTDL vinh danh trong Triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986 - 2016), tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 9/2016.
Hứa Thanh Bình, Đình làng Việt, sơn dầu, 2023
Ông đạt được thành công từ sớm và được vinh danh với nhiều giải thưởng mỹ thuật uy tín: Huy chương Vàng, giải Mỹ thuật của Saigon Tourist (1992); Giải thưởng Nghệ thuật các nước Asian do tập đoàn Philips Morris tổ chức (1996) cùng rất nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam; Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc do Bộ Văn hóa tổ chức; giải thưởng của Hội Mỹ thuật TP.HCM…
Họa sĩ Hứa Thanh Bình như con ong cần mẫn suốt bao năm, luôn không ngừng tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm, khám phá hoàn thiện kỹ thuật với chất liệu, để tìm ra con đường đi riêng của mình. Tranh của ông mang một dấu ấn riêng khi sử dụng ngôn ngữ tạo hình hiện đại nhưng nội dung, phong cách vẫn đậm chất dân tộc. Trong suốt nhiều năm, người ta dễ dàng nhận ra trong tranh của Hứa Thanh Bình thường xuất hiện hình ảnh con rồng thời Lý ẩn hiện, với hình ảnh của những cô gái đẹp thanh mảnh, vẻ dịu dàng, nội tâm sâu lắng và dáng kiêu sa ẩn hiện. Rồi trong hàng loạt tranh của Hứa Thanh Bình, người ta lại thấy hình ảnh con ngựa thật biểu cảm cùng cô gái và các hoa văn họa tiết từ nghệ thuật truyền thống. Hình tượng con ngựa trong tranh ông lúc thì lặng lẽ với ánh mắt buồn, cam chịu, trung thành, cô đơn, khi từ trung tâm bức tranh những con ngựa đang lồng lên, tung vó như muốn xé toạc không gian, muốn bay ra khỏi khung tranh, thoát khỏi mọi sự kìm kẹp… Sự kết hợp tinh tế giữa vẻ đẹp dịu dàng của cô gái và con ngựa - biểu tượng của sự trung thành, sự cam chịu và khát vọng tự do - tạo nên một không gian độc đáo trong tranh ông. Những gam màu ấm áp, hài hòa không chỉ tạo nét đẹp mà còn gợi nhiều cảm xúc, gợi lên những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống nội tâm của người họa sĩ. Thời gian gần đây, trong tranh Hứa Thanh Bình lại thấy xuất hiện những hoa văn họa tiết đậm dấu ấn của nghệ thuật Champa, nghệ thuật dân gian từ những bức phù điêu đình làng, tranh khắc gỗ dân gian.
Khoảng chục năm gần đây ông lại sáng tác những tranh thường có khổ rất lớn, mà theo ông: “Vẽ tranh khổ lớn như vậy nó mới đã!”, mới truyền tải được cảm xúc và nội dung tối đa.
Hứa Thanh Bình hầu như không gửi tranh ở các phòng tranh, ngoại trừ một lần hiếm hoi tại Hà Nội, rồi sau lần đấy ông không bao giờ gửi tác phẩm ở các phòng tranh hay ở một nơi nào khác. Là một họa sĩ sống được bằng nghề, tác phẩm của ông đã có trong sưu tập của các bảo tàng mỹ thuật, các nhà sưu tập trong nước. Tác phẩm của Hứa Thanh Bình có giá khá tốt, thường được săn đón không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng có một điều rất thú vị, họa sĩ lại sẵn sàng hạ giá rất nhiều khi gặp những người muốn mua tranh để treo trong nhà, văn phòng. Bởi ông luôn khuyến khích người Việt Nam biết thưởng thức, biết chơi tranh nghệ thuật: “Tôi muốn cho người ta chơi tranh, để cái thú vui tao nhã ấy được lan tỏa” - họa sĩ tâm sự khi được hỏi sao không giảm giá cho người kinh doanh tranh mà chỉ giảm cho người “chơi tranh”.
Với họa sĩ Hứa Thanh Bình, “sống phải làm người tử tế”, đó là những gì mà cả đời ông học được từ đấng sinh thành. Những vị trí công tác gần 40 năm làm viên chức Nhà nước đã khiến ông cầu tiến, luôn tự hoàn thiện mình, bổ sung tri thức cho nghề nghiệp của một họa sĩ và một con người dễ mến, mộc mạc, chân tình, trách nhiệm. Tất cả đã để lại dấu ấn trong tác phẩm của ông, đã làm nên một Hứa Thanh Bình - một họa sĩ tài năng, một con người sống tử tế được nhiều người yêu quý. Với họa sĩ Hứa Thanh Bình: Tranh là người và Người là tranh.
Hứa Thanh Bình, Thánh Gióng, sơn dầu, 2025
THANH CAO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 610, tháng 6-2025