NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ THÔNG TIN KHOA HỌC TẠI HỌC VIỆN CẢNH SÁT NHÂN DÂN

Thông tin khoa học (TTKH) có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển của các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học, trình độ lý luận chính trị cho đào tạo đại học và sau đại học. Vì vậy, TTKH cần phải được tổ chức quản lý chặt chẽ, khoa học thì mới phát huy được hiệu quả. Học viện CSND là cơ sở giáo dục trọng điểm của ngành công an có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của lực lượng công an. Những năm qua, hoạt động TTKH đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, tích cực đổi mới, tăng cường nguồn lực thông tin đáp ứng cơ bản nhu cầu đối tượng dùng tin đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, tạo dựng điều kiện cần thiết để tiến tới xây dựng Học viện CSND thành cơ sở giáo dục trọng điểm của quốc gia vào năm 2018.

1. Nhận thức chung về công tác TTKH

TTKH ngày càng tỏ rõ là một trong những nguồn lực và nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. TTKH được đánh giá là nguồn tài nguyên quan trọng nhất, là nguồn lực của mỗi quốc gia. TTKH giữ vai trò hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội và chuyển giao TTKH là yếu tố tiên quyết của tiến bộ kinh tế xã hội.

TTKH là một bộ phận của thông tin xã hội, là loại thông tin có lôgíc, hình thành trong quá trình nhận thức của con người, phản ánh khách quan những hiện tượng, những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy, dành cho những đối tượng nhất định, nhằm giúp họ giải quyết những nhiệm vụ cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động. Hoạt động TTKH là phản ánh kết quả tổng kết và nghiên cứu khoa học nhằm đề xuất các phương án tối ưu (mục tiêu, nội dung, phương pháp, chiến lược) để lựa chọn và đưa vào vận hành các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu. Hoạt động TTKH là một dạng của lao động khoa học được hình thành có tổ chức do cán bộ TTKH thực hiện nhằm mục đích nâng cao hiệu quả nghiên cứu và phát triển khoa học. Hoạt động TTKH gồm có: tìm kiếm, thu thập, xử lý, phân tích, tổng hợp, biên soạn, lưu trữ TTKH, đồng thời bao gồm cả việc giới thiệu, cung cấp thông tin cho người dùng tin một cách kịp thời và dưới nhiều hình thức thuận tiện cho người sử dụng. Hoạt động TTKH được xếp vào loại lao động khoa học dựa trên hai luận cứ sau đây:

Thứ nhất, lao động khoa học có hai dấu hiệu đặc trưng: một là hoạt động có mục đích của con người nhằm tìm ra những quy luật của tự nhiên và xã hội; hai là ứng dụng kịp thời những kiến thức thu nhận được vào thực tiễn. Mục đích cơ bản của hoạt động TTKH là truyền bá, sử dụng kịp thời và có hiệu quả trong thực tiễn những kiến thức khoa học đã thu nhận được.

Thứ hai, bất kỳ nghiên cứu, thiết kế nào cũng bắt đầu bằng việc xác định đề tài, nội dung nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết... Thông thường TTKH cần cho nghiên cứu đề tài không chỉ lúc xây dựng đề cương mà trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu. Như vậy, hoạt động TTKH được xếp vào loại lao động khoa học.

2. Thực trạng công tác TTKH tại Học viện CSND

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác TTKH trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, thời gian qua, Học viện CSND đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển công tác này theo hướng bám sát định hướng, mục tiêu phát triển của Học viện, từng bước nâng cao chất lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, giảng viên và học viên Học viện.

Đánh giá các hoạt động TTKH thường căn cứ trên các mặt: xây dựng tiềm lực TTKH, kho tư liệu, các cơ sở dữ liệu, các sản phẩm và dịch vụ TTKH. Tại Học viện CSND, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đã nỗ lực xây dựng nguồn tài liệu dồi dào với hơn 48.849 đầu tài liệu bao gồm nguồn tài liệu nội sinh như luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp; giáo trình tài liệu chính trị xã hội, giáo trình nghiệp vụ và các loại sách, báo tham khảo, tăng số lượng đầu tài liệu, giáo trình, nhất là các tài liệu chuyên ngành và tài liệu nghiệp vụ, nhằm đạt mục tiêu gần 10 vạn đầu tài liệu đến năm 2018, trong đó có 1 vạn đầu tài liệu ngoại văn.

Bên cạnh đó, Trung tâm tập trung thực hiện số hóa tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu toàn văn và chuyên khảo, cập nhật trên trang web phòng đọc bảo mật 1520 khóa luận tốt nghiệp, 135 luận án tiến sĩ, 1340 luận văn thạc sĩ và 316 đề tài khoa học, 24.000 văn bản về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, pháp luật, gần 20 đầu báo, tạp chí điện tử; xây dựng, khai thác, thu thập nhiều đầu tài liệu âm thanh, hình ảnh các hoạt động tội phạm và công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của lực lượng CAND; phim về các hoạt động của học viện, thu thập gần 300 văn bản pháp quy, báo cáo tổng kết năm, báo cáo chuyên đề về công tác bảo vệ an ninh, trật tự, các quy định mới của Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Công an về giáo dục đào tạo. Định kỳ tổ chức biên tập và xuất bản Thông tin chuyên đề về an ninh, trật tự, cung cấp cho cán bộ, sinh viên những thông tin mới nhất về chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và của ngành về công tác bảo vệ an ninh, trật tự, thành tựu khoa học và kinh nghiệm đấu tranh phòng chống tội phạm của công an Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm, thu thập, xử lí, phân tích, tổng hợp, biên soạn, lưu trữ TTKH, cũng như giới thiệu, cung cấp thông tin cho người dùng tin kịp thời và dưới nhiều hình thức còn rất hạn chế do đội ngũ cán bộ TTKH thiếu về số lượng và còn yếu về trình độ chuyên môn, cũng như khả năng ngoại ngữ, tin học để có thể sử dụng có hiệu quả cho hoạt động này. Việc hợp tác trao đổi thông tin với các cơ quan TTKH, thông tin tư liệu trong và ngoài ngành, cũng như với các nước trên thế giới chưa được quan tâm thỏa đáng.

3. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ TTKH đáp ứng nhu cầu của người dùng tin tại Học viện CSND

Lĩnh vực hoạt động TTKH đóng vai trò quan trọng là nhân tố quyết định trong chiến lược phát triển của mỗi cơ quan, tổ chức. Là một dạng lao động khoa học được hình thành có tổ chức do cán bộ thông tin và thư viện thực hiện, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của nghiên cứu khoa học.

Nhiệm vụ chính của cán bộ TTKH là tìm kiếm, thu thập, xử lý, phân tích, tổng hợp, biên soạn và lưu trữ TTKH và cung cấp kịp thời cho các nhà quản lý và nghiên cứu. Để làm tốt việc này đòi hỏi người cán bộ TTKH phải hiểu biết những vấn đề cơ bản của lĩnh vực mình thông tin, biết cách tìm và phân tích thông tin, có các kỹ năng tin học cơ bản, đặc biệt khai thác thông tin từ internet, biết và sử dụng được ngoại ngữ để tìm tin và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn tài liệu và hiểu rõ tâm lý người dùng tin... Do vậy, cán bộ TTKH là cán bộ khoa học và đặc tính lao động của họ, về cơ bản mang tính sáng tạo.

Thời gian qua, hoạt động TTKH được Học viện CSND chú trọng đầu tư và phát triển, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế đã nêu ở trên, vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động TTKH nhằm phục vụ đắc lực cho hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học tại nhà trường, trước hết cần phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác TTKH. Đội ngũ nhân lực này phải đáp ứng các kỹ năng cơ bản sau:

Kỹ năng thông tin

Thời đại hiện nay không chỉ là thời đại công nghệ thông tin với sự phát triển như vũ bão của kỹ thuật số và các công nghệ điện tử mà còn là “thời đại của tri thức”, nơi mà việc sáng tạo, xử lý và ứng dụng thông tin và tri thức vào đời sống chính là ba nhiệm vụ chính yếu. Để đảm nhận những nhiệm vụ này, cần thiết phải có một đội ngũ chuyên gia thông tin, những nhà khoa học thông tin. Cán bộ TTKH - những người được coi là hoa tiêu tri thức có nhiệm vụ thu thập, chắt lọc dữ liệu trong biển ca tri thức số, biến nó trở những thành thông tin hữu ích phục vụ nhu cầu thông tin của cộng đồng. Cán bộ TTKH còn đóng vai trò là một chuyên gia thông tin, vì vậy phải tự trang bị cho mình những kỹ năng và năng lực cần thiết của một chuyên gia thông tin. Trước hết, phải tự trang bị cho mình một nguồn kiến thức thông tin tổng hợp, am hiểu nhiều lĩnh vực, có khả năng xử lý, tổ chức và quản lý thông tin để có thể cung cấp những thông tin hữu dụng cho đối tượng người dùng tin ngày càng đa dạng.

Trong đại dương mênh mông của thông tin được truyền tải hàng ngày qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên mạng         internet, đang đặt ra không ít thách thức đối với những nhà định hướng và cung cấp thông tin. Cán bộ TTKH, với tư cách là một chuyên gia thông tin cần phải phản ứng nhanh nhạy với những các nguồn thông tin bên ngoài, sàng lọc thông tin, đánh giá chất lượng, tính hữu ích của thông tin, kịp thời tổng hợp, phân loại và bổ sung vào nguồn cơ sở dữ liệu thông tin của thư viện điện tử để nhanh chóng biến nó thành sản phẩm thông tin đáng tin cậy phổ biến đến người sử dụng.

Ngoài việc sàng lọc, đánh giá và tổng hợp thông tin, cán bộ TTKH phải biết cách phân tích, tìm hiểu và đánh giá nhu cầu thông tin của người dùng để không ngừng thiết kế và cung cấp cho người dùng tin các dịch vụ và sản phẩm thông tin một cách chính xác, cô đọng và thiết thực nhất với giá trị gia tăng.

Trong tương lai, cán bộ TTKH sẽ đóng vai trò như những nhà “môi giới thông tin” cung cấp các gói thông tin theo yêu cầu của những đối tướng khách hàng đang “khao khát” thông tin nhưng lại eo hẹp về thời gian cũng như hạn chế về năng lực tìm kiếm và khả năng tiếp cận thông tin. Cán bộ TTKH sẽ trở thành những trợ thủ thông tin đắc lực cho khách hàng của mình.

Việc kiểm tra, đánh giá quá trình làm việc là nhu cầu tất yếu, do đó, theo từng thời kỳ, từng giai đoạn, cán bộ TTKH cần kiểm tra, đánh giá chất lượng phục vụ TTKH, kết quả sử dụng các dịch vụ và tài nguyên thông tin, từ đó nghiên cứu tìm ra các giải pháp nhằm cung cấp cho khách hàng dịch vụ thông tin tối ưu nhất.

Nghiệp vụ cảnh sát

Là cán bộ TTKH tại Học viện CSND, đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường và thông tin chủ yếu cần tìm kiếm, thu thập, xử lý, biên soạn và phổ biến liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khoa học cảnh sát. Đo đó, để có thể thông tin chính xác, đa dạng, cần thiết đội ngũ cán bộ TTKH tại Học viện CSND cần am hiểu các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ cảnh sát.

Kỹ năng nghiên cứu khoa học

Như đã đề cập ở trên, hoạt động TTKH cũng là hoạt động nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ TTKH cũng là cán bộ nghiên cứu khoa học, vì vậy, đội ngũ này cần phải có những kỹ năng nghiên cứu khoa học, đảm bảo sản phẩm thông tin của họ phải có hàm lượng khoa học nhất định.

Tìm ý tưởng: để làm tốt công tác TTKH, đội ngũ cán bộ này phải biết cách tìm đề tài. Đề tài này phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dùng tin. Việc tìm đề tài là một quá trình tổng hợp, gồm nhiều bước như khảo sát, nỗ lực tìm kiếm hay khám phá những sự kiện hay thông tin, kiến thức mới bằng các biện pháp có hệ thống và khoa học về một lĩnh vực nào đó, với mục đích mở rộng hay đào sâu hơn kiến thức về một chủ đề trong lĩnh vực đã chọn.

Lập đề cương: để đạt được một sản phẩm thông tin hiệu quả, sau khi phát hiện đề tài cần thiết phải lập đề cương chi tiết để xác định được nội dung cần thông tin, phương pháp thông tin, nguồn thông tin, dự trù các điều kiện khách quan và chủ quan cần thiết khác cho quá trình TTKH.

Kỹ năng thu thập thông tin tài liệu: khi phát hiện ra đề tài, lập đề cương, cán bộ thông tin cần thu thập thông tin tài liệu để hoàn thiện đề cường, biến đề cường trở thành sản phẩm TTKH hoàn chỉnh. Điều này đòi hỏi họ phải có kỹ năng tìm kiếm, khai thác, thông hợp thông tin. Đậy chính là một phần trong kỹ năng thông tin của cán bộ TTKH đã được đề cập ở trên.

Kỹ năng về công nghệ

Cán bộ TTKH là một phần không thể thiếu trong hoạt động thư viện. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay, thư viện là nơi cung cấp một hệ thống thông tin đa phương tiện được lưu trữ dưới dạng hình ảnh, âm thanh, video hay các tài liệu văn bản đã được số hóa... Tính đa phương tiện của kho tri thức nhân tạo khổng lồ này đòi hỏi đội ngũ cán bộ TTKH phải là những người có chuyên môn cao, am hiểu sâu về công nghệ thông tin để quản lý và tổ chức cả về kỹ thuật lẫn nội dung, đồng thời khai thác, xử lý thông tin phục vụ cho công tác TTKH.

Bên cạnh đó, kỹ năng công nghệ sẽ giúp cán bộ TTKH ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu, cung cấp thông tin cho người dùng tin dưới nhiều hình thức nhanh chóng, thuận tiện, đạt hiệu quả cao.

Kỹ năng ngoại ngữ

Trong thời đại công nghệ và tri thức, hầu hết những nguồn tài liệu có tính khoa học cao đều xuất phát từ các nước phát triển, trong đó phải kể đến các ngôn ngữ chính được sử dụng là: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nhật. Để có thể hiểu, đánh giá được nội dung tài liệu, từ đó quyết định có nên thông tin, phổ biến đến người dùng tin hay không, đòi hỏi cán bộ TTKH phải tự trang bị cho mình ít nhất một ngoại ngữ.

Hoạt động thông tin ngày càng phát triển, dần xóa bỏ khoảng cách về không gian, thời gian giữa cán bộ TTKH và người dùng tin. Họ sẽ không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin của một nhóm độc giả đến tìm kiếm thông tin tại một nơi nhất định mà thay vào đó là phục vụ mọi đối tượng có nhu cầu dùng tin trên toàn thế giới ở bất cứ nơi đâu tại bất cứ thời điểm nào. Do đó, cán bộ TTKH cũng cần thường xuyên trau dồi kiến thức ngoại ngữ để giao tiếp và phục vụ đông đảo đối tượng dùng tin.

Kỹ năng giao tiếp

Cán bộ TTKH đóng vai trò là cầu nối trung gian đưa người dùng tin và nguồn thông tin tiếp cận với nhau thông qua các công cụ hỗ trợ có sẵn tại thư viện điện tử, do vậy kỹ năng giao tiếp rất cần thiết đối với một cán bộ TTKH. Trong quá trình định hướng và cung cấp thông tin, cán bộ TTKH phải biết cách trình bày được các giá trị thông tin với người dùng tin. Trong quá trình giao tiếp phải rõ ràng và biết lắng nghe những mong muốn của người dùng tin một cách tích cực; trong quá trình tư vấn thông tin phải trình bày một cách dễ tiếp nhận đối với người dùng tin, sử dụng các kỹ thuật trình bày khác nhau để truyền tải thông tin tới người dùng bằng nhiều hình thức tìm hiểu khác nhau.

Có thể nói, trong tất cả các yếu tố góp phần làm tăng chất lượng, hiệu quả của hoạt động TTKH, con người là yếu tố quan trọng nhất mang tính quyết định. Cán bộ TTKH với vai trò là cầu nối trung gian giữa người dùng tin và thông tin, là hoa tiêu trong biển cả tri thức, hỗ trợ hiệu quả hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học, họ phải đáp ứng các yêu cầu vừa là một chuyên gia thông tin, một nhà nghiên cứu khoa học, am hiểu sâu về công nghệ thông tin, thành thạo ngoại ngữ, có kỹ năng giao tiếp. Do vậy, các cán bộ TTKH phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, tự trang bị cho mình những kỹ năng, năng lực cần thiết để có thể đảm nhận tốt các nhiệm vụ đặt ra đối với công tác TTKH hiện nay tại Học viện CSND.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018

Tác giả : HỒ THỊ XUÂN THANH - LÊ ĐÌNH HOÀNG

;