Nâng cao hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của người khuyết tật- Bài 2: Chung tay chăm lo văn hóa cho người khuyết tật

Nhìn chung, những người khuyết tật gặp không ít trở ngại khi tham gia vào các hoạt động cũng như tiếp cận những thành quả mà xã hội mang lại. Vì thế, các tổ chức xã hội hỗ trợ người khuyết tật ra đời, đóng vai trò nòng cốt trong việc làm cầu nối giúp nhóm đối tượng yếu thế này dễ dàng hòa mình hơn vào các hoạt động của toàn xã hội.

Chung tay với đất nước, thực hiện tốt vai trò cầu nối

Nhằm chung tay cùng với đất nước, hiện thực lời căn dặn “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ khi thành lập, các tổ chức xã hội hỗ trợ người khuyết tật ở các cấp từ trung ương tới địa phương luôn quan tâm tới đời sống, sinh kế, nâng cao năng lực hòa nhập cộng đồng của nhóm đối tượng yếu thế này. Đồng thời, các tổ chức cũng hăng hái xây dựng các chương trình hưởng thụ, phát triển văn hóa cho hội viên nói riêng và người khuyết tật trên địa bàn hoạt động nói chung. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dành cho nhóm đối tượng này cũng đang ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng, phong phú về hình thức thể hiện.

 Hội Người khuyết tật Hà Nội vinh dự là đơn vị bảo trợ truyền thông cho chương trình nghệ thuật “Hoa trên đá” tại Trường Đại học Hà Nội trong tháng 5 vừa qua- Ảnh: DP Hanoi

Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Người mù Hà Nội, hơn 50 năm hình thành và phát triển của Hội Người mù Hà Nội luôn gắn liền với các hoạt động văn hóa. Ông Hoàng Mạnh Cường cho biết, công tác chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho các hội viên luôn được hội duy trì và dành nhiều sự quan tâm. Hội luôn là đầu mối đứng ra tổ chức các sự kiện biểu diễn văn nghệ gắn với dịp kỷ niệm, sự kiện lớn, quan trọng của đất nước, tổ chức các kỳ thi sáng tác văn học, nghệ thuật, khiêu vũ cho hội viên; đồng thời, là cầu nối giữa Trung ương hội với từng cơ sở của Hà Nội, phát động các cuộc thi, cũng như hoạt động văn nghệ. Tiêu biểu là hội diễn Tiếng hát từ trái tim, thu hút sự quan tâm của phần lớn hội viên. Ngoài ra, trong các kỳ họp, hội luôn đưa vào các tiết mục văn nghệ được trình diễn bởi “cây nhà lá vườn”, nhằm tạo cơ hội cho các hội viên được thể hiện tài năng của mình trên sân khấu.

Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào của hội cấp thành phố, các hội ở cấp quận, huyện cũng phát triển những hoạt động văn nghệ, nhằm tuyển chọn, bồi dưỡng các hạt nhân ưu tú trong lĩnh vực này. Nhiều câu lạc bộ nghệ thuật thuộc cấp quận, huyện được thành lập, được biểu diễn trong các nhà trường, doanh nghiệp trên địa bàn sinh hoạt. Qua đó, vừa gây quỹ, vừa tuyên truyền cho các hoạt động của người khuyết tật.

Hoạt động khiêu vũ tại Hội Người mù Hà Nội- Ảnh: Hội Người mù Hà Nội

Đối với Hội Người khuyết tật Hà Nội, bà Dương Thị Vân (Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật, trực thuộc Hội Người khuyết tật Hà Nội) chia sẻ, từ hội cấp thành phố cho tới các hội, nhóm, câu lạc bộ cấp quận, huyện cũng rất tích cực trong việc phát triển các phong trào văn hóa – nghệ thuật cho hội viên. Đáng chú ý, với việc mời các nghệ nhân có kinh nghiệm, thâm niên, các nghệ sĩ có chuyên môn cao về truyền dạy các loại hình nghệ thuật cho người khuyết tật trong địa phương của Hội Người khuyết tật huyện Đông Anh đã mang lại nhiều niềm vui, sự tự tin cho người khuyết tật. Thông qua hoạt động ý nghĩa này, nhiều hội viên đã biết hát và trình diễn các làn điệu quan họ, một trong những giai điệu dân ca mượt mà, sâu lắng của vùng đất Kinh Bắc.

Cùng với đó, nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật, Hội Người khuyết tật huyện Đông Anh đã mời Nhà hát Múa rối Việt Nam về bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, học sinh cùng phụ huynh Trường Chuyên biệt Bình Minh về kỹ năng biểu diễn múa rối. Sau quá trình tập huấn, thầy cô tiếp tục hướng dẫn cho các em học sinh, còn phụ huynh sẽ cùng đồng hành trong xây dựng kịch bản, tổ chức các buổi diễn. Do có nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nên các hội viên thường vận động các nghệ nhân, nghệ sĩ truyền dạy miễn phí, chủ động tìm kiếm các nhà tài trợ. Khi khả năng trình diễn đã đạt đến độ chín muồi nhất định, hội viên và người khuyết tật ở các quận, huyện có thể tự gây quỹ hoạt động bằng các hoạt động biểu diễn.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật  cổ vũ người khuyết tật tham gia các hoạt động cộng đồng

Chia sẻ về ý nghĩa của các hoạt động giao lưu văn hóa – nghệ thuật, ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Người mù Hà Nội cho rằng, đây là một trong những cách giúp cho hội viên hòa nhập nhanh nhất. Mỗi người mới đến với Hội Người mù Hà Nội, luôn được dành ra một khoảng thời gian để cảm nhận và thích nghi với không khí sinh hoạt của hội. Từ việc là người quan sát với những cảm giác rụt rè lúc ban đầu, khi được động viên, khích lệ, mỗi người khiếm thị dần trở thành người đóng vai trò quan trọng vào các hoạt động văn hóa.

Các hội viên Hội Người mù Hà Nội trình diễn nghệ thuật hát xẩm- Ảnh: Hội Người mù Hà Nội

Đồng quan điểm, bà Dương Thị Vân nhận định, việc người khuyết tật tham gia vào các tổ chức của người khuyết tật không chỉ nâng cao năng lực thích nghi với xã hội, mà còn kết nối chặt chẽ với cộng đồng bằng ngôn ngữ văn hóa - nghệ thuật. Sự kết nối ấy giúp tinh thần của người khuyết tật phấn chấn hơn.

Bà Dương Thị Vân cho biết, không ít người khuyết tật trước khi hòa mình vào hoạt động của các tổ chức, đôi khi vẫn còn tâm lý ngần ngại thể hiện bản thân, năng khiếu của mình. Song khi xây dựng cho những người yếu thế cộng đồng thấu hiểu, sẻ chia, mỗi người sẽ thay đổi nhận thức. Từ đó, tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm hơn vào những công việc lớn hơn, vì lợi ích chung của xã hội.

“Đơn giản như nhiều nữ hội viên khi mới tham gia Hội Người khuyết tật Hà Nội đã giãi bày với tôi về tâm lý tự ti, mặc cảm vì khiếm khuyết trên thân thể, nên rất ngại mặc áo dài. Nhưng sau được tôi động viên, khích lệ, hội viên nữ đã hưởng ứng các phong trào của hội phụ nữ, điều đó giúp các chị em dần cảm thấy tự tin hơn, rạng rỡ hơn trong tà áo truyền thống của dân tộc. Tích cực hơn, thông qua tà áo dài, các chị em hội viên còn lan tỏa vẻ đẹp hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nền nã, tinh thế và tinh thần dân tộc theo một cách rất riêng biệt” – bà Dương Thị Vân bày tỏ niềm vui mừng.

Không chỉ tự tin tiếp nhận các giá trị văn hóa, người khuyết tật còn đóng góp sự giám sát, ý kiến của mình trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa công cộng làm sao cho thân thiện với cộng đồng của mình. Để làm được điều ấy, trong suốt thời gian qua, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật đã luôn nỗ lực thúc đẩy việc người khuyết tật hiểu biết quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Ví dụ như độ dốc cho xe lăn yêu cầu ra sao, lan can cần lắp đặt sao cho thuận tiện cho người khiếm thị… Khi tiếng nói được cất lên từ chính những người khuyết tật, nhà đầu tư, đơn vị xây dựng, thi công công trình sẽ có thêm cái nhìn thấu đáo hơn.

Cần những hoạt động hấp dẫn hơn nữa

Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật Dương Thị Vân cũng đánh giá, trong thời gian qua, các hoạt động hưởng thụ, phát triển văn hóa dành cho người khuyết tật nhìn chung ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Điều đó đã góp phần nhân rộng việc mỗi người khuyết tật đều có thể tiếp cận với các sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, để các hoạt động ngày càng phong phú, hữu ích, thu hút đông đảo người khuyết tật tham gia, ông Hoàng Mạnh Cường khuyến nghị, các tổ chức xã hội nên cân nhắc và lồng ghép những sản phẩm phù hợp với từng dạng tật. Chẳng hạn như người khiếm thị có khả năng hưởng thụ tương đồng với mọi người về âm thanh, nên có thể ưu tiên cho đối tượng này những hoạt động thưởng thức âm nhạc. Người khiếm thị cũng có thể đến với điện ảnh, nếu nhà làm phim thể hiện được sự nổi trội trong yếu tố cảm xúc, tiếng động. Qua đó, đối tượng này sẽ ít nhiều cảm thụ được nội dung, diễn biến của tác phẩm, cảm xúc của nhân vật. Còn những dạng khuyết tật khác, trong đó có thị giác thì sẽ bớt hạn chế hơn, nên có khả năng thưởng thức các chương trình biểu diễn khác như xiếc, vũ đạo trên sân khấu…

Hội Người khuyết tật quận Đống Đa (trực thuộc Hội Người khuyết tật Hà Nội) tổ chức chương trình tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho hội viên- Ảnh: DP Hanoi

Dẫu vậy, bà Dương Thị Vân cũng như nhiều người hoạt động trong các tổ chức xã hội đều có chung mong muốn rằng, sẽ có nhiều dấu ấn nổi bật hơn trong thời gian tới. Bà chia sẻ, ở các cấp từ quận, huyện cho tới phường, xã thường có các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa. May mắn, các thiết chế văn hóa ấy thường xuyên phối hợp trong việc tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội hỗ trợ người khuyết tật sử dụng không gian để tổ chức. Tuy nhiên, sự phối hợp về chuyên môn thì chưa có nhiều khởi sắc. Không khó để lý giải thực trạng này, bởi vốn dĩ tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với từng dạng tật của người khuyết tật đã không đơn giản, nên thiết kế ra các hoạt động có tính đột phá lại càng thử thách những người làm văn hóa.

Theo ông Hoàng Mạnh Cường, để có thể tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc sắc, trước tiên, cần bắt đầu từ những nghiên cứu xã hội học. Nên tiến hành khảo sát, nắm được đặc điểm của từng dạng tật, cũng như nhu cầu và khả năng hưởng thụ văn hóa của từng dạng. Đồng thời, mọi sáng tạo cần đảm bảo tôn trọng tính khác biệt ở mỗi đối tượng.

NAM DƯƠNG – AN NGỌC

 

 

;