“Ngày hội non sông”: Khơi dậy lịch sử hào hùng bằng ngôn ngữ nghệ thuật xiếc

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ngày hội non sông” chính thức ra mắt khán giả Thủ đô tại Rạp Xiếc Trung ương. Khán giả có cơ hội đắm mình trong không gian nghệ thuật kỳ diệu, nơi những trang sử vàng của dân tộc được tái hiện một cách sống động và đầy cảm xúc bằng ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc.

Chương trình hội tụ các nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật như: xiếc, ảo thuật, kịch, âm nhạc…

Đây là điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi sự kiện nghệ thuật do các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL tổ chức nhân dịp đại lễ chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Chương trình với nhiều hoạt cảnh đặc sắc nhằm lan tỏa mạnh mẽ tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và góp phần gìn giữ những giá trị nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt.

Dưới bàn tay tài hoa của NSND Tống Toàn Thắng, Ngày hội non sông không chỉ là một buổi biểu diễn, mà còn là bản giao hưởng nghệ thuật hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa ký ức hào hùng của dân tộc và những trải nghiệm sống động của ngày hôm nay. Chương trình làm sống dậy những trang sử thiêng liêng bằng ngôn ngữ của hình thể, ánh sáng và cảm xúc, mở ra một không gian tương tác và khám phá, nơi mỗi khán giả trở thành một phần trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Mở đầu chương trình giới thiệu hình ảnh sắc màu đặc trưng văn hóa 3 miền đất nước

Ngày hội non sông với màn trình diễn kết hợp giữa xiếc đương đại và hình tượng người lính trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Với cấu trúc ba phần đặc sắc: Quê hương ba miền, Xẻ dọc Trường Sơn Ngày hội non sông, chương trình đưa người xem qua một hành trình thấm đẫm sắc màu văn hóa dân tộc các vùng miền (Bắc - Trung - Nam), khắc họa tinh thần chiến đấu kiên cường và niềm vui đại thắng rực rỡ của dân tộc. Chương trình có nội dung xuyên suốt được liên kết với nhau, thông qua những câu chuyện kể lại của 2 vợ chồng cựu chiến binh năm xưa cho các cháu của mình nghe. Người bà đã kể lại chiến dịch xẻ dọc Trường Sơn với hình ảnh những đồng đội của mình, với câu chuyện của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc. Người ông kể lại chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, mở màn cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và câu chuyện tình lãng mạn của 2 ông bà giữa bom đạn chiến tranh, rồi được cùng nhau hạnh phúc trong ngày chiến thắng. Có thể thấy, từ hình ảnh người cựu chiến binh đến tiếng hát của người lính giữa chiến trường, từ nét đẹp của chiếc nón lá miền Trung đến tinh thần đoàn kết “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mỗi khoảnh khắc trên sân khấu là một lời nhắc nhở sâu sắc về lịch sử và trách nhiệm của thế hệ hôm nay.

Điểm nhấn của chương trình là tiết mục Ngày hội non sông - một màn trình diễn cao trào kết hợp giữa xiếc đương đại và hình tượng người lính trong Đại thắng mùa Xuân 1975. Những pha nhào lộn nghẹt thở, kỹ thuật hình thể điêu luyện, cùng với sân khấu được dàn dựng hiện đại, tạo nên một bức tranh nghệ thuật sống động, vừa tri ân quá khứ, vừa truyền cảm hứng cho tương lai.

Hoạt cảnh 2 vợ chồng cựu chiến binh kể chuyện lịch sử cho các cháu nghe

Hoạt cảnh “Cúc ơi!” tái hiện hình ảnh10 cô gái ngã 3 Đồng Lộc lay động người xem

Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Anh Thư, ca sĩ Minh Chuyên, Đức Cường, cùng dàn nghệ sĩ xiếc tài năng hàng đầu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Họ không chỉ biểu diễn mà còn kể lại những câu chuyện lịch sử bằng cả trái tim và tài năng, chạm đến những xúc cảm sâu thẳm trong lòng khán giả. Nghệ sĩ trẻ Tiến Duy chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: “Tôi thực sự cảm thấy vinh dự khi được sống lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc qua buổi biểu diễn này. Mỗi động tác, mỗi cử chỉ trên sân khấu đều mang đến cho tôi cảm giác như một người chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, thôi thúc tôi cống hiến hết mình để mang đến những màn trình diễn lay động trái tim khán giả. Tôi được biết, những chiến sĩ thanh niên xung phong năm xưa cũng ở độ tuổi như tôi bây giờ. Sự dũng cảm, kiên cường và tinh thần bất khuất của họ là nguồn cảm hứng vô tận cho tôi. Hoạt cảnh hôm nay đã giúp tôi hình dung rõ hơn về những gian khó mà cha ông ta đã trải qua để giành lấy hòa bình và độc lập cho dân tộc. Đây là một trải nghiệm vô cùng quý giá, tiếp thêm cho tôi động lực để không ngừng nỗ lực, trau dồi bản thân và mang đến những màn trình diễn ngày càng ấn tượng hơn nữa, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với khán giả”.

Sắc màu Tây Nguyên sôi động kết hợp với nghệ thuật xiếc

NSƯT Bùi Hương và NSƯT Thanh Tuấn thực hiện động tác kỹ thuật trên cao đầy mạo hiểm

Mặc dù mang đề tài chính luận, lịch sử, nhưng Ngày hội non sông vẫn thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là người trẻ, nhờ cách thể hiện gần gũi, hiện đại và giàu cảm xúc. Khán giả trẻ Vũ Hoài Anh chia sẻ: “Các tiết mục xiếc gắn với đề tài lịch sử hôm nay đã mang đến cho em nhiều cảm xúc. Em cảm thấy vô cùng biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng chiến đấu để mang lại hòa bình cho dân tộc, cho chúng em có cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay. Hoạt cảnh tái hiện 10 cô gái ngã 3 Đồng Lộc thực sự lay động người xem”. Không chỉ khán giả trẻ, nhiều cựu chiến binh cũng vô cùng xúc động khi xem chương trình. Bà Dương Thị Huê, nữ lái xe Trường Sơn năm xưa chia sẻ cảm xúc sau khi thưởng thức chương trình Ngày hội non sông: “Tôi cảm thấy rất bồi hồi và xúc động khi được xem chương trình xiếc hôm nay, đặc biệt tiết mục Cúc ơi. Các tiết mục xiếc gợi lại cho tôi những kỷ niệm chiến đấu năm xưa và niềm vui lại dâng trào khi nhớ về những ngày đại thắng của toàn dân tộc”.

Không ngừng nỗ lực tiếp tục làm mới các chương trình, Liên đoàn Xiếc Việt Nam không chỉ gìn giữ những giá trị truyền thống mà còn kiến tạo nhịp cầu kết nối các thế hệ, đưa lịch sử đến gần hơn với trái tim khán giả đương đại. Ngày hội non sông tiếp tục ra mắt khán giả Thủ đô với hai suất diễn mỗi ngày (10 giờ và 16 giờ 30) từ ngày 25-4 đến 4-5-2025.

Khán giả ngồi kín rạp xiếc với rực rỡ sắc màu cờ đỏ sao vàng

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;