Nhà thơ Nông Quốc Chấn - cánh chim đầu đàn trong nền văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số Việt Nam

Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Nông Quốc Chấn, trong ngày 17 và 18-11-2023, tại tỉnh Bắc Kạn, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức chương trình Đêm thơ - nhạc với chủ đề “Cánh chim Việt Bắc” và Hội thảo “Nhà thơ Nông Quốc Chấn với quá trình phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong những năm qua”.

Các tiết mục văn nghệ trong Đêm thơ - nhạc

Nhà thơ Nông Quốc Chấn tên thật là Nông Văn Quỳnh, sinh ngày 18-11-1923 tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; là một trong những cánh chim đầu đàn trong nền văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông là nhà thơ dân tộc Tày, là người con ưu tú của quê hương Bắc Kạn và đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông cũng là một trong những nhà thơ, nhà văn đặt nền móng cho văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, ông đã để lại nhiều tác phẩm lớn, có giá trị văn hóa, nghệ thuật được Đảng và Nhà nước ghi nhận, được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý, đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Để tưởng nhớ, tri ân nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn với tấm lòng, tình cảm, niềm tự hào dành cho quê hương, cho nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà và nhằm cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc… Đồng thời, tôn vinh những cống hiến to lớn của nhà thơ đối với quê hương, đất nước… Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức cuộc Hội thảo cùng Đêm thơ - nhạc đặc biệt với sự thể hiện của đông đảo các văn nghệ sĩ ưu tú là người dân tộc thiểu số trong cả nước.

Đêm thơ - nhạc: “Cánh chim Việt Bắc”

Trong Đêm thơ - nhạc về nhà thơ Nông Quốc Chấn, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã phát biểu, khẳng định giá trị to lớn và những thành tựu đáng ghi nhận: “Thơ của Nông Quốc Chấn đã có một vai trò rất to lớn trong công tác tuyên truyền cổ vũ quần chúng nhân dân tham gia cách mạng, khơi gợi lòng yêu quê hương đất nước, nhất là những bài thơ sáng tác về dân tộc... đã nằm lòng nhiều thế hệ bạn đọc và trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn góp phần vào công cuộc bảo vệ đất nước, trong đó có nhiều tác phẩm đạt giải trong nước và quốc tế với nhiều thể loại sáng tác như âm nhạc, thơ ca, dịch giả… Với hoạt động tổ chức Hội thảo, giao lưu về thơ ca sáng tác của nhà thơ Nông Quốc Chấn rất có ý nghĩa, là sự thể hiện ghi nhận, tôn vinh những cống hiến và công lao đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp phát triển văn hóa văn nghệ của đất nước, đặc biệt là đối với sự nghiệp phát triển của nền VHNT các dân tộc thiểu số…”.

Chương trình Đêm Thơ - Nhạc và giao lưu cùng văn nghệ sĩ với chủ đề “Cánh chim Việt Bắc”, nhiều tác phẩm thơ của Nông Quốc Chấn đã được biểu diễn như: Dọn về làng, trích đoạn tiêu biểu, những ca khúc cách mạng do nhà thơ Nông Quốc Chấn đặt lời và những ca khúc của các nhạc sĩ do ông dịch sang lời Tày… cùng sự kết hợp ca khúc: Tiếng lượn từ Cốc Đán – Đặt lời NSND Nông Xuân Ái; Hát múa: Đảng Người mẹ Quang Vinh, sáng tác Đỗ Minh, do NSND Nông Xuân Ái và tập thể nghệ sĩ diễn viên đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn và tác phẩm thơ Nhớ được thể hiện xúc động qua giọng đọc của Quang Luận. 

PGS, TS, nhà văn Trần Thị Việt Trung nhạc sĩ Nông Văn Nhủng - nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn, tham gia đàm luận

Giao lưu khách mời tại Đêm thơ – nhạc, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, PGS, TS, nhà văn Trần Thị Việt Trung chia sẻ: “…không thể không nói đến các tác phẩm của nhà thơ Nông Quốc Chấn – một nhà thơ, một nhà lý luận phê bình, một nhà quản lý văn hóa và một nhà văn hóa lớn của dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông là một đại diện rất tiêu biểu của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, lần đầu tiên được xuất hiện trong đời sống thơ ca hiện đại, và sau đó mới có thêm các nhà thơ khác có sắc màu của thơ ca mới, đó là một vẻ đẹp mới mẻ trong thơ ca của dân tộc thiểu số… Bên cạnh đó, trong các tác phẩm nghiên cứu Lý luận phê bình cũng vậy, nó đã mang tính định hướng sự sâu rộng cho văn học dân tộc thiểu số tại thời điểm này, được phát triển mạnh mẽ, lành mạnh và đúng hướng. Cũng có thể nói, từ lý thuyết cho đến thực tiễn trong các cuốn sách của ông viết, tôi, chúng ta luôn xem như là nguyên tắc lớn trong cách sáng tác, cũng như là dựa vào đó xem như những tiêu chí để đánh giá các tác phẩm văn chương nghệ thuật của dân tộc thiểu số… Bởi vậy, có thể thấy, ông hoàn toàn xứng đáng là một cánh chim đầu đàn trong nền thơ ca mới của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nông Văn Nhủng- nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng: “những đóng góp của nhà thơ Nông Quốc Chấn không những là cây bút viết văn, nhiên cứu phê bình lý luận, mà còn là một dịch giả, dịch các tác phẩm lớn từ tiếng phổ thông sang tiếng Tày; Ông là người đã thành lập Hội văn hóa Bắc Kạn từ năm 1949, sau đó, dành thời gian tìm hiểu và chỉ đạo cho Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn thành công và thành lập Chi Hội Văn học nghệ thuật thiểu số Việt Nam… những công việc đó đã khẳng định những công lao to lớn của bác Chấn đối với tỉnh Bắc Kạn là quê hương của bác. Sau này, những người như tôi và các con cháu rất biết ơn đến công lao và sự đóng góp đó của bác...”.

Ông Nông Quốc Thành- con trai của nhà thơ Nông Quốc Chấn chia sẻ tại Đêm thơ - nhạc

Về dự Hội thảo và Đêm thơ - nhạc, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL - con trai của nhà thơ Nông Quốc Chấn đã rất xúc động bày tỏ cảm xúc trong sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Nông Quốc Chấn: “Bố tôi đã có được những đức tính tốt đẹp đó là nhờ vào truyền thống của gia đình, yêu thương con cháu thuận hòa đoàn kết, bố tôi luôn lấy chữ “hòa” làm ừng xử trong cuộc sống, trong công việc cũng vậy, ông rất chỉn chu và đặc biệt ông rất đam mê… và các con cháu chúng tôi luôn học tập tấm gương của ông. Tôi may mắn được trực tiếp công tác, làm việc với các địa phương, cộng đồng chủ thể các Di sản văn hóa - ở đó được gặp các chú, các anh trước đây đã từng làm việc và biết tới bố tôi, và tôi luôn nhận được những lời chia sẻ về bố tôi, ông có một đức tính nhã nhặn, ôn hòa và rất hiền. Bố tôi mất đi! để lại cho chúng tôi một tình yêu thương lớn mà ông đã dành cho gia đình, vợ, các con, các cháu, tình đồng nghiệp và bạn bè khắp nơi… đó là những cái mà chúng tôi trân trọng nhất trong cuộc sống…”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo ngày 18-11

“Nhà thơ Nông Quốc Chấn với quá trình phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong những năm qua”

Ngày 18-11, Hội thảo về “Nhà thơ Nông Quốc Chấn với quá trình phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong những năm qua” diễn ra sôi nổi, với hơn 30 bài tham luận gửi đến đăng trên Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, trong đó có 7 tham luận được trình bày trước hội thảo. Đặc biệt, tại Hội thảo, các nhà học giả, nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa, người yêu văn học nghệ thuật và yêu mến nhà thơ Nông Quốc Chấn trên cả nước đã được xem bộ phim tài liệu về nhà thơ Nông Quốc Chấn. Bộ phim đã thể hiện và khắc họa được cuộc đời và hoạt động công tác của nhà thơ Nông Quốc Chấn.

Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội thảo

Nhà Văn Cao Duy Sơn, Chánh Văn phòng Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam phát biểu: “Khi nói đến nhà thơ Nông Quốc Chấn chúng ta nhớ đến một chiến sĩ cách mạng tiền khởi nghĩa, một nhà thơ có nhiều thành tựu đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam và phát triển của nền văn học thiểu số Việt Nam, trải dài suốt hơn nửa thế kỷ qua”. Ông khẳng định: “Nông Quốc Chấn là một nhà thơ lớn, ông đã dành tâm huyết, tận tụy cho công việc này và ông đã có nhiều tác phẩm, các công trình văn hóa để lại cho hậu thế, và ông là người đầu tiên đặt viên gạch cho nền văn học thiểu số Việt Nam hiện đại. Các công trình đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật và đóng to lớn cho nền văn học nước nhà”.

Ông Cao Duy Sơn, Chánh Văn phòng Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam phát biểu

Đại biểu Vi Hồng Nhân tình bày tham luận: Nông Quốc Chấn, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa “Con chim đầu đàn” của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông đã chia sẽ những ấn tượng của bản thân về nhà thơ Nông Quốc Chấn trên các phương diện như là một người cán bộ mẫu mực, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa, nhà thơ.   Nông Quốc Chấn đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét với những thành tựu đáng kể.

Đại biểu Vi Hồng Nhân tham luận tại Hội thảo

Bên cạnh đó, nhiều tham luận khác cũng đã tập trung nghiên cứu và viết rất tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc trong Hội thảo. Các vấn đề đánh giá chuyên sâu về con người và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nông Quốc Chấn, hơn thế, các tham luận đã nghiên cứu và đưa ra những nhận định quý báu về giá trị khoa học thông qua các tác phẩm sáng tác văn học nghệ thuật của ông.

Hội thảo khoa học và Đêm thơ - nhạc kết thúc thành công tốt đẹp, lan tỏa sâu rộng giá trị đặc sắc về những tác phẩm của nhà thơ Nông Quốc Chấn. Chúng ta luôn biết ơn và trân trọng về ông, như đại biểu InraSara, nhà thơ Trung Đỉnh chia sẻ trước hội thảo với những kỷ niệm của mình với nhà thơ Nông Quốc Chấn; PGS, TS Cao Thị Hảo với tham luận đánh giá một số giá trị tiêu biểu về thơ tiếng Việt và tiếng Tày của Nông Quốc Chấn, qua đó khẳng định những đóng góp và vị trí của Nông Quốc Chấn trong dòng chảy thơ Tày hiện đại.

Đại biểu InraSara phát biểu tại Hội thảo

PGS, TS Cao Thị Hảo phát biểu tham luận tại Hội thảo

Nhà thơ Nông Viết Toại – em ruột của nhà thơ Nông Quốc Chấn đến tham dự và chia sẻ những kỷ niệm về người anh của mình

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG

;