Tóm tắt: Bài viết đi sâu nghiên cứu về các loại cồng chiêng trong đời sống văn hóa của tộc người Xơ Đăng. Tộc Xơ Đăng, cư trú lâu đời bên triền Đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ thuộc miền Tây Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi sẽ trình bày về: bộ ching 3 chiếc; Bộ ching Can 4 chiếc; Bộ ching Năng 6 chiếc; Bộ ching 7 chiếc; Bộ ching H’lênh (gồm các biên chế: 8, 9, 10, 12-15 chiếc); Một số bài bản ching Xơ Đăng. Qua đó, bài viết làm sáng tỏ các vấn đề về nhạc khí học, các thông số khoa học về hình dáng, kích cỡ của từng bộ ching; cách đặt tên từng chiếc ching trong từng bộ ching; cũng như vấn đề chức năng, môi trường diễn xướng và bài bản của ching trong đời sống của cộng đồng Xơ Đăng.
Từ khóa: cồng chiêng Xơ Đăng, nhạc khí Xơ Đăng, âm nhạc dân gian Cadong, nhạc khí Cadong.
Abstract: This article presents an in-depth study of the diverse sets of chings (ching) within the cultural life of the Xơ Đăng people, an indigenous group residing on the eastern slopes of the majestic Trường Sơn mountain range in northwestern Quảng Ngãi province. We will examine the following: the three-piece ching set; the four-piece can ching set; the six-piece năng ching set; the seven-piece ching set; the h’lênh ching set (with configurations ranging from 8 to 15 pieces); and a number of Xơ Đăng ching compositions. This study will address organological issues, including the scientific parameters concerning the shape and size of each ching set; the nomenclature of each ching within the sets; as well as the function, performance environment, and repertoire of ching in the life of the Xơ Đăng community.
Keywords: Xơ Đăng chings, Xơ Đăng musical instruments, cadong folk music, cadong musical instruments.
Bộ ching 7 chiếc + 1 trống của người Xơ Đăng ở Quảng Ngãi - Ảnh: Thế Truyền
Người Xơ Đăng gọi chiêng là ching; có 2 loại ching, ching không núm (ching bằng) và ching có núm (goong hay ching goong). Trong bài viết này, khi đề cập đến chiêng của tộc người Xơ Đăng, chúng tôi sẽ sử dụng từ ching.
Trong bài viết Nhạc khí họ dây trong đời sống văn hóa của dân tộc Xơ Đăng ở Quảng Ngãi được xuất bản trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 542, 2023, chúng tôi đã có dịp giới thiệu về dân tộc Xơ Đăng. Một số vấn đề về địa lý, môi trường tự nhiên và văn hóa; phân loại nhạc khí; chất liệu chế tác nhạc khí và những vấn đề chung. Do đó, chúng tôi sẽ không nhắc lại những vấn đề đó trong bài viết này.
Nghệ nhân Đinh Thị Lu độc tấu dàn ching 9 chiếc - Ảnh: Thế Truyền
Đây là một nghiên cứu được thực hiện dựa trên kết quả của quá trình khảo sát, điền dã của chính tác giả tại các xã có người Xơ Đăng sinh sống: Sơn Bua, Sơn Tân, Sơn Mùa, Sơn Dung (huyện Sơn Tây); Trà Kem, Trà Xinh (huyện Tây Trà) tỉnh Quảng Ngãi và một số xã thuộc huyện KonPlong, Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.
Người Xơ Đăng gọi chiêng là ching, đánh ching: nghĩa là dùng dùi để tạo âm; đấm ching: nghĩa là dùng nắm tay đấm vào ching để tạo âm; gõ ching: nghĩa là dùng đốt ngón tay gõ vào ching để tạo âm.
Khác hẳn với các nhạc khí được làm bằng chất liệu tre, lá, nứa, da, gỗ; ching là một nhạc khí được coi là chủ lực của người Xơ Đăng được làm bằng đồng thau. Không như các nhạc khí khác, nghệ nhân đồng thời là người tự chế tác các nhạc khí. Riêng đối với ching (kể cả những chiếc lục lạc), cho đến nay người Xơ Đăng chưa sản xuất được. Họ phải mua bán hoặc đổi chác với người Việt từ làng Phước Kiều, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hoặc từ những vùng khác, có khi phải qua tận Myanmar để mang về những bộ ching quý giá.
Chiếc Hơgưr của người Xơ Đăng - Ảnh: Thế Truyền
Người Xơ Đăng ở Quảng Ngãi có phong tục cúng ching mới, sau khi mua (hoặc đổi chác) về. Để thực hiện tập tục này, chủ ching phải mời thày cúng (p’dâu) tới nhà làm lễ cúng thần ching trước khi dùng. Buổi lễ cúng ching mới phải cắt cổ một con gà lông màu trắng, lấy máu gà bôi vào các ching mới. Thày cúng khấn cầu ching đừng gây phiền nhiễu cho gia chủ. Sau khi tổ chức cúng ching mới, chủ nhà được quyền sử dụng ching của mình mà không lo bị thần linh quở phạt, xúi quẩy… Ching của người Xơ Đăng không chỉ được coi là tài sản có giá trị vật chất lớn, được tính bằng trâu, bò, ché… mà giá trị tinh thần của nó cũng giữ một vị trí to lớn. Do quan niệm ching là một vật thiêng trong gia đình, nên sau khi sử dụng, người Xơ Đăng cất ching vào nơi quy định riêng, gọi là “góc thiêng”.
Nhạc khí thuộc họ thân vang nói chung là những nhạc khí được tạo âm do gõ, đánh bằng dùi (để trần hoặc bọc), bằng vồ, bằng nắm tay, bằng chày hoặc bằng que dài. Ví dụ như: phách, chuông, song loan (Việt); đuống (Mường); t’rưng (Xơ Đăng, Mơ Nông, Gia Rai); mõ sừng trâu (nhiều dân tộc); thanh la (Nùng, Giáy, Mường, Việt), và cồng chiêng (nhiều dân tộc)…
1. Bộ ching 3 chiếc
Bộ ching 3 chiếc của người Xơ Đăng ở Quảng Ngãi có 2 loại: ching thường 3 chiếc và ching khung.
Bộ ching thường 3 chiếc
Trên cạnh thành của từng chiếc ching, người ta đục 2 lỗ để xỏ dây xách. Ching mẹ (Vồng) có đường kính 40,5cm, độ dày 5mm, cạnh thành cao 7,3cm; ching cha (K’tum) có đường kính 39,4cm, độ dày 3mm, cạnh thành cao 6,8cm; ching con (Túc) có đường kính 36,5cm, độ dày 5mm và cạnh thành cao 6,5cm.
Vai trò và tư thế diễn tấu bộ ching thường 3 chiếc như sau: ching Vồng giữ bè trầm, nhịp và tư thế hơi nghiêng; ching K’tum giữ nhịp và nằm trên đùi; ching Túc trong vai trò tiết tấu với tư thế được treo lên để diễn tấu.
Dân tộc Xơ Đăng yêu chuộng và sử dụng những dàn ching có quy mô lớn: bộ 7 chiếc, 9 chiếc, 11 chiếc, 13 chiếc, 15 chiếc. Trong các sinh hoạt của cộng đồng, lễ hội truyền thống, bộ ching 3 chiếc rất ít sử dụng, nhưng lại rất phổ biến ở một dân tộc láng giềng đó là H’rê. Theo chúng tôi, có thể bộ chiêng này chính là bộ chinh 3 của tộc H’rê, một tộc người sống cận cư, xen cư và có yếu tố hòa huyết lâu đời với tộc Xơ Đăng, nên quá trình giao thoa, hội nhập văn hóa đã diễn ra như một quy luật. Đối với loại chiêng 3 chiếc này, từ tên gọi đến tư thế diễn tấu và bài bản đều tương đương với chinh 3 của tộc H’rê.
Bộ ching khung 3 chiếc
Bộ ching 3 chiếc + 1 Hơgưr (trống) của người Xơ Đăng còn gọi là bộ ching khung. Đội chinh ở đây có 4 người, gồm 3 người đánh ching và 1 người đánh trống. Ching lớn nhất gọi là ching tổ, còn gọi là chinh P’rang giữ vai trò bè trầm; ching lớn thứ nhì gọi là ching H’lay có vai trò giữ nhịp; ching nhỏ nhất gọi là ching P’rơng có vai trò tiết tấu.
Người Xơ Đăng ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà thường sử dụng bộ ching 3 chiếc + 1 trống để chơi bài Tổ khung khi dân làng cúng trâu, cúng heo. Nam nữ thanh niên, người già, người trẻ cùng múa vui hát nhảy và đi vòng tròn theo ngược chiều kim đồng hồ, tay cầm những gron (lục lạc to nhỏ) rung lên nghe rất lạ tai.
2. Bộ ching Can 4 chiếc
Bộ ching 4 chiếc của người Xơ Đăng ở Quảng Ngãi được gọi là ching Can (ching mẹ). Gồm có các ching theo thứ tự từ lớn đến nhỏ như sau: ching Can có đường kính trong là 38,7cm, đường kính ngoài 39cm, thành ching 6,4cm; ching Tok Căn (ching bà) có đường kính trong là 38,7cm, đường kính ngoài 38,7cm, thành ching 6,1cm; ching Moan (con lớn) có đường kính trong là 38,6cm, đường kính ngoài 38,7cm, thành ching 6cm; ching Tok Moan (con nhỏ) có đường kính trong là 37cm, đường kính ngoài 37,5cm, thành ching 6,2cm và 1 chiếc trống.
Khi diễn tấu, người nghệ nhân đánh bịt âm ở ching bà tạo những âm ngắt nghe nhỏ nhẹ hơn các ching khác. Trong khi đó ching mẹ tấu những tiết tấu có nhiều đảo phách, ching con lớn và ching con nhỏ đều cùng giữ nhịp. Phương thức trình diễn chủ yếu của dàn ching này là các chinh đều được treo lên cố định, người diễn tấu đứng ở vị trí tương đối cố định.
Vai trò và ngôi thứ từng chiếc ching trong bộ ching Can: ching Can giữ vai trò tiết tấu, có nhiều đảo phách; ching Tok Căn đánh ngắt tiếng và nhỏ nhẹ; ching Moan giữ nhịp; ching Tok Moan giữ nhịp.
3. Bộ ching Năng 6 chiếc
Bộ ching 6 chiếc còn gọi là ching Năng, cũng được người Xơ Đăng yêu thích và sử dụng rộng rãi, có nhiều khi người ta dùng bộ ching 6 chiếc thay cho loại 4 chiếc. Thông tin về bộ ching này bao gồm: biên chế bộ ching, tên gọi theo ngôi thứ trong gia đình, các thông số khoa học (kích cỡ) và vai trò của từng chiếc ching trong khi diễn tấu.
Biên chế, kích cỡ và vai trò của bộ ching Năng (6 chiếc) như sau: ching Can gồm 2 chiếc có đường kính 40,5cm, thành ching 6,7cm có vai trò nổi bật trong những âm ngắt; ching Tok chỉ 1 chiếc có đường kính 39cm, thành ching 6,63cm, có vai trò giữ nhịp; ching Tok Moan gồm 2 chiếc có đường kính 39cm, thành ching 6,6cm, có vai trò giữ nhịp; ching Kuân (con út) chỉ 1 chiếc có đường kính 38cm, thành ching 6cm, giữ vai trò tiết tấu.
4. Bộ ching 7 chiếc
Bộ ching 7 chiếc + 1 trống của người Xơ Đăng ở Quảng Ngãi được sử dụng khá rộng rãi trong đời sống cộng đồng, nhất là trong các lễ hội của dân làng. Dùi ching được làm bằng cây Ta (người Cor gọi là Xà nố hay cây Mẫn Đậu), dài chừng 29cm, đường kính 3cm thường được phơi khô ngoài nắng trước khi sử dụng.
Kích thước của bộ ching 7 chiếc như sau: ching 1 đường kính trong và ngoài là 40cm, thành ching 7,5cm; ching 2 đường kính trong 40cm, đường kính ngoài 40,5cm, thành ching 7,5cm; ching 3 đường kính trong 39,1cm, đường kính ngoài 39,5cm, thành ching 6,4cm; ching 4 đường kính trong 38,4cm, đường kính ngoài 38,5cm, thành ching 7cm; ching 5 đường kính trong 38,4cm, đường kính ngoài 38,8cm, thành ching 6,6cm; ching 6 đường kính trong 38,1cm, đường kính ngoài 39,6cm, thành ching 7cm; ching 7 đường kính trong 38,7cm, đường kính ngoài 38,7cm, thành ching 6,8cm.
5. Bộ ching H’lênh
Ching H’lênh là từ dùng chung cho các bộ ching Xơ Đăng, có các loại biên chế sau đây: 8 chiếc, 9 chiếc, 10 chiếc, 12 chiếc, 13 chiếc, 14 chiếc và 15 chiếc, trong đó thường là:
Bộ ching H’lênh 8 chiếc: 7 chiếc bằng + 1 chiếc có núm; bộ ching H’lênh 9 chiếc: 9 chiếc bằng + 1 trống; bộ ching H’lênh 10 chiếc: 9 chiếc bằng + 1 chiếc có núm; bộ ching H’lênh 12 chiếc: 11 chiếc bằng + 1 chiếc có núm; bộ ching H’lênh 13 chiếc: 8 chiếc bằng + 5 chiếc có núm; bộ ching H’lênh 14 chiếc: 11 chiếc bằng + 3 chiếc có núm; bộ ching H’lênh 15 chiếc: 12 chiếc bằng loại nhỏ + 3 chiếc có núm.
Biên chế các bộ ching trên, còn có thêm 1 chiếc trống, bộ ching H’lênh được cấu tạo bằng 2 loại ching có núm và không núm. Số lượng ching có núm cũng như ching không có núm bao giờ cũng nằm ở số lẻ, trừ trường hợp bộ ching 15 chiếc. Tư thế trình diễn của nghệ nhân khi diễn tấu dàn dựng H’lênh là ở đứng tại chỗ hoặc đi vòng tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Tay trái xách ching, tay phải cầm dùi gõ vào mặt trong của ching.
Tên gọi, kích cỡ và vai trò của từng chiếc ching trong bộ 10 chiếc, như sau: ching Goong Can (mẹ) có núm, đường kính bên trong 56,3cm, bên ngoài 60,4cm, thực hiện âm nền trì tục; ching Tok Căn có núm, đường kính bên trong 42,8cm, bên ngoài 45,5cm, thực hiện âm nền lẫn tiết tấu; Pan dông goong (anh) có núm, đường kính bên trong 23cm, bên ngoài 34cm, thực hiện hòa âm và giai điệu; Goong Doh (em) không núm, đường kính bên trong 40,5cm, thực hiện hòa âm và giai điệu; ching Can không núm, đường kính bên trong 38cm, thực hiện hòa âm và giai điệu; ching H’lênh (chị cả) không núm, đường kính bên trong 35cm, ching này dẫn đầu các ching nhỏ khi hòa tấu; Pan dông tiêu (anh thứ) không núm, đường kính 32,5cm, thực hiện đi giai điệu; Linh lang ching (chị thứ) không núm, đường kính bên trong 30,2cm, thực hiện đi giai điệu; Pan dông ching (anh) không núm, đường kính 28cm, thực hiện đi giai điệu; ching Con (con) không núm, đường kính 25cm, thực hiện đi giai điệu.
Dàn ching 13 chiếc: gồm 8 ching bằng và 5 ching goong (loại có núm) đi cùng với một chiếc trống. Trong số 8 chiếc ching bằng có ching Can ở đầu tiên của dàn ching và ching Kuân ở cuối dàn ching. Đây là 2 ching riêng lẻ không xếp theo cặp. Các ching còn lại được xếp thành 3 cặp được gọi tên theo ngôi thứ của những người trong gia đình như sau: con cả, con thứ, con áp út trong gia đình. Mỗi đôi ching được xem như một cặp âm dương, hay như nghệ nhân vẫn quan niệm đó là những cặp vợ chồng. Mỗi cặp ching này, khi diễn tấu có tính chất đối lập nhau - nghĩa là ching chồng hỏi, ching vợ trả lời. Ba cặp ching có tên gọi và sắp xếp như sau: cặp thứ nhất là 2 ching tố tiêu và tạo tiêu tức ching tiêu chồng và ching tiêu vợ (tiêu ka lô và tiêu ka zi); cặp thứ hai là 2 ching tố linh lang tiêu và tạo linh lang tiêu (tức ching linh lang tiêu chồng và linh lang tiêu vợ) (linh lang tiêu ka lô và linh lang tiêu ka zi); cặp thứ ba là tố lênh lênh và tạo lênh lênh (tức là chinh lênh lênh chồng và chinh lênh lênh vợ) (lênh lênh ka lô và lênh lênh ka zi) và cuối cùng là chinh Kuân (con út).
Bên cạnh dàn ching bằng 8 chiếc với trật tự ngôi thứ như đã nêu, là nhóm ching Goong 5 chiếc gồm: Goong mang - ching núm nhỏ; Goong tiêu - ching núm vừa, được coi là con thứ trong gia đình; Goong put là ching núm cha, có nhiệm vụ giữ nhịp và điều khiển nhịp độ cho cả dàn ching; Goong can là ching núm mẹ; Goong căn là ching núm bà có kích thước lớn nhất và âm trầm nhất dàn ching. Hòa cùng dàn ching 13 chiếc còn có 1 trống.
Dàn ching 15 chiếc: bao gồm 12 ching bằng loại nhỏ được gọi là ching H’lênh và 3 ching núm. Số lượng ching bằng ở trường hợp này được tăng nhiều, thực ra đó là sự tăng cường các ching ở vị trí giữa dàn ching. 12 ching bằng ở đây được sắp xếp theo quan hệ gia đình mẫu hệ (không xuất hiện vị trí người cha), gồm: 1 ching Kol hay còn gọi là ching Mang (tức ching con út) trong gia đình ching; 1 ching Can tức ching mẹ và 5 cặp ching khác nhau: tố tiêu/ tạo tiêu, tố nai/ tạo nai, tố b’roong/ tạo b’roong, tố linh/ tạo linh linh, tố lênh lênh/ tạo lênh lênh. Các cặp ching này được xếp theo trật tự quan hệ trong gia đình ching. Như vậy gợi cho ta liên tưởng tới mô hình chiếc nhà sàn dài cổ truyền với nhiều gia đình nhỏ cùng chung sống bên nhau.
6. Trống Hơgưr
Hơgưr là loại trống nhỏ của người Xơ Đăng, loại trống này có kích cỡ và cấu tạo tương tự như trống của người Cor, H’rê. Hơgưr có chiều dài 41-45cm, đường kính hai mặt trống là 25cm, tang trống được khoét từ một thân gỗ (loại cây có quả chín chim thường tới ăn). Phần vỏ ngoài tang trống được đan bằng hơn một trăm sợi dây mây theo hình quả trám, bên trong người ta bỏ vài viên sỏi cuội để tăng âm thanh cho trống, mặt trống được bưng bằng da nai, da mang, da dê hoặc da bò (không dùng da trâu). Người diễn tấu đeo trống trước bụng và vỗ trống bằng tay (không dùng dùi), chủ yếu là giữ nhịp khi hòa tấu. Hơgưr thường tham gia hòa tấu cùng dàn ching trong nhiều hội lễ, ngày vui của cộng đồng; cũng như nhiều nhạc khí khác của người Xơ Đăng, nó cũng không được phép sử dụng trong tang lễ.
Theo các nghệ nhân cao tuổi, tộc người Xơ Đăng không bưng trống bằng da trâu vì theo các nghệ nhân, trâu là vật hiến tế thần linh trong lễ đâm trâu, hơn nữa hình ảnh con trâu rất gần gũi và thân thương trong đời sống của họ. Để làm những chiếc trống, người Xơ Đăng thường chọn da nai, da mang, da bò. Theo họ, thì các loại da này làm trống sẽ vang và hay hơn các loại da khác.
7. Một số bài bản ching Xơ Đăng
Biên chế, chủng loại của ching Xơ Đăng rất phong phú và đa dạng. Điều này, khẳng định vị trí của ching trong đời sống văn hóa của người Xơ Đăng, cũng như cho thấy sự phát triển “vượt trội” trong nghệ thuật trình diễn âm nhạc ching của họ. Tuy nhiên, bài bản của các dàn ching cũng không nhiều. Các bài bản ching Xơ Đăng thường nhộn nhịp, vui tươi như bài: Mừng lúa mới, Mừng chiến thắng, Ơi anh ơi, Đăk tu... Ở đây, chúng tôi cũng không có ý định đi sâu nghiên cứu về bài bản, cũng như cách thức hòa âm của nó. Hầu hết các sinh hoạt, ngày vui của cộng đồng Xơ Đăng đều vang lên những âm thanh của các bài bản trên. Ví dụ bài ching Mừng chiến thắng (trích giai điệu), do Thế Truyền sưu tầm và ký âm.
Bài ching Mừng chiến thắng vỏn vẹn chỉ có 6 ô nhịp, nhưng nó được tấu đi tấu lại rất nhiều lần.
Còn đây là bài ching Ơi anh ơi! (trích giai điệu), do Thế Truyền sưu tầm và ký âm.
Nằm trong số bài bản ching được người Xơ Đăng đặc biệt yêu thích Ơi anh ơi! là một kiệt tác trong nghệ thuật trình diễn dân gian của người Xơ Đăng. Khi bài ching này cất lên, thì có lẽ hầu hết già trẻ, gái, trai trong làng đều muốn hòa mình chung vui. Họ vừa đi, vừa múa theo hình vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ.
Còn đây là bài ching Mừng lúa mới (trích giai điệu), do Thế Truyền sưu tầm và ký âm.
Ching Mừng lúa mới được sử dụng khi mùa màng được thu hoạch xong, hoặc những đêm trăng hay những dịp hội hè người Xơ Đăng thường diễn tấu ching. Những bài ching vang vọng khắp núi rừng, làm xao xuyến lòng người. Trong các dịp lễ tết, lễ đâm trâu, hội mùa, đồng bào thường hay hát ranghế (lối hát tự do theo cảm hứng) và chơi ching Mừng lúa mới... Bài ching này được diễn tấu với bộ ching 8 chiếc.
Cũng như bài ching Mừng chiến thắng và bài Ơi anh ơi, bài ching Mừng lúa mới được tấu đi tấu lại rất nhiều lần khi trình diễn trong cộng đồng. Âm điệu của Mừng lúa mới nghe sang sảng, vui tươi, rộn ràng có sức thu hút mọi người.
Bài ching Mừng lúa mới không nhất thiết chỉ dùng để mừng lúa mới, họ sử dụng bài ching này hầu như trong tất cả các sinh hoạt ngày vui của cộng đồng, như: lễ hội, đám cưới, mừng săn được con thú…
Kết luận
Ching của tộc người Xơ Đăng được diễn tấu trong cơ chế mở, đây cũng chính là nét đặc thù của âm nhạc cũng như trong nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung. Biên chế các bộ ching Xơ Đăng rất phong phú và đa dạng, vượt trội các dân tộc láng giềng như: Cor, H’rê… Các thông số khoa học về nhạc khí ching qua các số đo về đường kính trong, đường kính ngoài cũng thể hiện sự đa dạng trong kích thước của từng chiếc ching trong từng bộ ching khác nhau của người Xơ Đăng.
Người Xơ Đăng quan niệm mỗi bộ ching là một gia đình, trong đó từng thành viên gia đình là những chiếc ching. Điều này thể hiện trong cách họ đặt tên cho từng chiếc ching, như ching mẹ, ching chị, ching anh, ching con… Ching mẹ bao giờ cũng là ching lớn nhất về kích thước và giữ vai trò quan trọng trong diễn tấu. Có thể nói, đây là một dấu vết còn lưu lại về một xã hội mẫu hệ có từ thời công xã thị tộc rất xa xưa; những ngôi nhà sàn truyền thống của họ với những gian được phân chia cũng nói lên được điều này.
Âm nhạc của tộc Xơ Đăng là một di sản văn hóa vô giá không chỉ của chính họ, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của âm nhạc khu vực Đông Nam Á. Chính vì những giá trị này, ching Xơ Đăng cùng với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào ngày 25-11-2005.
Các vấn đề nguồn gốc lịch sử và giá trị văn hóa của nhạc khí dân gian trong đời sống xã hội của người Xơ Đăng cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về chức năng của nó ở những dự án tương lai.
____________________
Tài liệu tham khảo
1. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984.
2. Tô Ngọc Thanh, Giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn nghệ, Trung tâm Văn hóa dân tộc TP.HCM, 1995.
3. Von Hornbostel, Erich and Curt Sachs, Classification of Musical Instruments (Phân loại nhạc cụ), được dịch bởi Anthony Baynes và Klaus P. Wachsmann, Tạp chí Galpin Society, 1961.
Ngày Tòa soạn nhận bài:30-10-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa:19-11-2024; Ngày duyệt đăng: 5-1-2025.
PGS, TS NGUYỄN THẾ TRUYỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025