NHÂN TỐ CHÍNH TRỊ, TINH THẦN TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1968

Cách đây vừa tròn 50 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã nổ ra và đạt được hiệu quả chiến lược trong quá trình chiến đấu giành độc lập, tự do của tổ quốc giai đoạn 1954 - 1975. Thắng lợi to lớn của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thành quả tổng hợp nhiều nguồn sức mạnh, trong đó có sức mạnh chính trị, tinh thần của một dân tộc, khẳng định sức mạnh của đường lối lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến; sự hy sinh gian khổ, mưu trí dũng cảm trong chiến đấu của quân và dân ta.

Trong chiến tranh nhân tố chính trị, tinh thần của các lực lượng tham chiến luôn giữ một vai trò quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến sự thành bại của cuộc chiến. V.I.Lênin đã nhấn mạnh: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường” (1). Sức mạnh nhân tố chính trị, tinh thần được hình thành, phát triển trên cơ sở chế độ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tiến bộ, vai trò giai cấp cầm quyền và mục đích chính trị của chiến tranh.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được khởi xướng khi cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam lên đến đỉnh cao. Cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh nhằm vào hệ thống đô thị trên toàn miền Nam (4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ). Chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã đạt được những thắng lợi to lớn, toàn diện có ý nghĩa chiến lược quan trọng, tạo ra một bước phát triển đột biến trong cục diện chiến tranh và đưa chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng lên một bước mới tạo ra thế tiến công bao vây địch trên tất cả các chiến trường, nhất là trên mặt trận thành thị. Lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị đều phát triển nhanh, các tổ chức quần chúng trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng được mở rộng ở cả thành thị và nông thôn, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ra đời. Thực tiễn diễn biến và thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã chứng minh rằng, nếu không có các lực lượng vũ trang chiến đấu ngoan cường, mưu trí sáng tạo, không có nhân dân hết lòng ủng hộ, sát cánh chuẩn bị và tích cực tham gia chiến đấu, không có sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng cùng với sự hy sinh không tiếc máu xương của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thì chúng ta không thể có thắng lợi to lớn đến như vậy. Đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là khí phách Việt Nam được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trong những thời điểm thử thách, ác liệt nhất.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta có niềm tin sắt son vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Như V.I.Lênin từng nói: “Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng, cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy” (2). Thực tiễn lịch sử chiến tranh cũng đã khẳng định, vũ khí, thể lực, trí lực của quần chúng sẽ được phát huy và sử dụng có hiệu quả hơn chừng nào mà sự giác ngộ chính trị, tinh thần của họ cao hơn. Khi mọi người đã hiểu rõ mục tiêu chiến đấu, con đường đi tới đích, tin tưởng vào thắng lợi, nhận rõ ý nghĩa của cuộc chiến đấu thì họ tự giác và xả thân “chiến đấu” dù có phải trải qua nhiều khó khăn thử thách, hy sinh. Trong Hội nghị 14 Ban chấp hành Trung ương tháng 1 năm 1968, đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Vì chính nghĩa về ta lớn quá. Sự thất bại của Mỹ to quá. Tất cả mọi người trên thế giới đều thấy cái phi nghĩa, đều thấy cái kém hèn, đều thấy cái yếu ớt, đều thấy tất cả cái gì xấu xa đều thuộc về phía Mỹ; còn những cái gì đẹp đẽ nhất của loài người, những cái chính nghĩa đều đưa về phía Mặt trận miền Nam, tất cả đều đưa về phía bên này” (3). Trong khí thế sôi sục đó, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở miền Nam Việt Nam, các thành phố Huế, Sài Gòn - Gia Định đã tập hợp, vận động quần chúng nổi dậy. Ủy ban lãnh đạo toàn quốc của Liên minh đã ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào không chịu tủi nhục mất nước mà đứng lên giành chính quyền, giành độc lập, tự do và cuộc sống ấm no hạnh phúc. Lời kêu gọi của Liên minh đã thôi thúc, hiệu triệu các tầng lớp nhân dân thành thị và nông thôn cùng nổi dậy, sát cánh cùng quân giải phóng, lực lượng cách mạng tiến công vào hang ổ kẻ thù trên khắp miền Nam Việt Nam.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, chúng ta đã có dự kiến sớm và đúng xu hướng phát triển của chiến tranh, nên chủ động đối phó, nhất là khi địch chuyển từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam và có sự thay đổi chiến lược, leo thang chiến tranh mới. Từ tháng 10-1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã họp mở rộng và quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược vào các đô thị trên toàn miền Nam. Đến tháng 1-1968, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa III) sau khi phân tích tình hình đã nhận định, hạ quyết tâm chiến lược: chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, nhiệm vụ đặt ra là động viên, xây dựng được quyết tâm, khí thế, niềm tin đánh Mỹ của cả nước, giữ vững và tiến công đánh thắng địch ngay từ những trận đầu, chiến dịch đầu, giai đoạn đầu. Sau khi chúng ta đã tạo đà chiến đấu thắng lợi khi liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965-1966 và 1966-1967, cũng như đánh thắng chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa của đế quốc Mỹ. Như V.I.Lênin đã nhận định: “Đứng vững về mặt tinh thần có nghĩa là không để mất tinh thần, không để bị rối loạn, là giữ được sự sáng suốt trong việc nhận định tình hình, là giữ vững tinh thần dũng cảm và chí kiên quyết” (4). Thực tiễn cách mạng cũng cho thấy, khi phong trào thoái trào thì phải biết thủ, còn khi cách mạng đã vùng dậy rồi phải biết tiến công, không tiến công là thất bại. Chúng ta thắng địch từ khi đồng khởi đến chiến tranh đặc biệt và giờ là chiến tranh cục bộ, một nguyên nhân lớn về mặt quân sự là ta nắm được chiến lược tiến công. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, chúng ta đã chọn đúng hướng tiến công vào thành thị, sáng tạo cách đánh mới trong đô thị, tạo ra những bất ngờ và hiệu lực làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của địch; làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện lớn, đã gây chấn động dư luận quốc tế, đánh dấu mốc quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc chiến tranh nhân dân tổng lực của ta, giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ, làm rung chuyển nước Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận thương lượng để có thể kết thúc chiến tranh trong danh dự. Đồng thời khẳng định truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược của Đảng. Đánh giá về thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết quyết chiến, quyết thắng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất tổ quốc” (5). Bộ Chính trị đánh giá: “Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris, chấm dứt ném bóm không điều kiện, chủ trương phi Mỹ hóa chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh” (6). Sức mạnh của nhân tố chính trị, tinh thần của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được bắt nguồn từ đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Trung ương Đảng (1-1968); từ sự quan tâm động viên, cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng miền Nam nói chung, đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 nói riêng; từ sự quan tâm giúp đỡ, chi viện động viên, cổ vũ của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam và việc thường xuyên tiến hành tốt công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một trong những chiến công vang dội được coi là mốc son đánh dấu những bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến, khắc ghi sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự và đóng góp được nhiều kinh nghiệm quý vào sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, trong đó có vấn đề sức mạnh nhân tố chính trị, tinh thần và đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, đó là khát vọng về một nền độc lập, tự do cho tổ quốc, một nền hòa bình vững chắc; niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của, vào sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để tạo nên sức mạnh cho đất nước vươn lên, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực vẫn diễn biến nhanh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường, đã và đang đặt ra cả thời cơ, thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh việc chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, phức tạp, nham hiểm hơn; các hoạt động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và xã hội có xu hướng ngày càng phức tạp; đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nắm chắc tình hình, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù để giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, tạo môi trường hoà bình, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Trong chủ trương chiến lược phải đánh giá đúng tình hình thực tiễn, so sánh lực lượng, khả năng và xu thế phát triển ở cả mặt tích cực và mặt tiêu cực, thuận lợi và khó khăn, thời cơ và nguy cơ, thách thức để kịp thời có các chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo phù hợp với điều kiện mới của Việt Nam.

Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yếu tố chính trị, tinh thần, khơi dậy tinh thần yêu nước, quả cảm, ý chí quyết tâm chiến đấu, trí thông minh, sáng tạo, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Đẩy mạnh phát triển tiềm lực quốc phòng, quân sự tạo ra khả năng về vật chất và tinh thần để có thể huy động được cho nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, giữ vững hoà bình, ngăn ngừa mọi âm mưu, hành động gây chiến tranh của các thế lực thù địch, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược ở mọi quy mô, nếu xảy ra. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là “xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân” (7). Thực hiện tốt việc kết hợp hài hoà giữa xây dựng tiềm lực quốc phòng - quân sự với xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội, tiềm lực chính trị - tinh thần, đặc biệt là xây dựng thế trận lòng dân, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ; nghiên cứu vận dụng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân trong chiến tranh giải phóng dân tộc vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trên mọi địa bàn và điều kiện cụ thể.

_____________

1, 2. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tr.147, 147.

3. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 29, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.13.

4. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.284.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.731.

6. Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (khóa III).

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.149.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018

Tác giả : NGUYỄN VĂN THANH - PHAN THANH HẢI

;