Những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Co của tỉnh Quảng Ngãi

Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nơi hội tụ nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với nhiều di sản văn hóa đặc sắc của các đồng bào dân tộc thiểu số. Trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Quảng Trị năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đã giới thiệu với du khách những di sản văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Co ở huyện Trà Bồng tại không gian trưng bày của tỉnh.

Cây nêu là hình ảnh nổi bật trong không gian hàng trưng bày của tỉnh Quảng Ngãi. Đối với dân tộc Co, cây nêu có các loại như: Nêu Phướn, Nêu Thượng và Nêu Dù. Trong đó, Nêu Phướn là cây nêu đẹp nhất, lớn nhất của dân tộc Co, được trạm khắc, trang trí cầu kỳ, với nhiều tua được đan kết. Cây Nêu Phướn gồm có ba phần: đế thân và ngọn tượng trưng cho trời, đất và nước, với nhiều hoa văn tinh xảo có hình tượng chim chèo bẻo trên đầu cây nêu.

 

Nhạc cụ và các vật dụng của người Co tỉnh Quảng Ngãi

Phần đế cây nêu là một khúc gỗ chò dài, chia làm hai đoạn, đoạn từ mặt đất lên quá đầu người dùng để tròng nài mây buộc trâu. Đoạn còn lại có nền màu trắng với các dải hoa văn đen, đỏ khác nhau được trang trí liên kết thành từng dải; phần thân được tạo thành hệ thống các dãy hoa văn liên tục, với hình tượng của núi rừng, ché rượu, hạt cườm, hàng rào, ngôi sao, con sóc… để trang trí lên thân cây nêu. Màu đỏ trên thân cây nêu là màu chủ đạo, thể hiện mong ước của dân làng về sự no đủ; phần ngọn được làm bằng cây lồ ô hoặc tre, nối liền với thân nêu, ngọn nêu có lá phướn được làm bằng nan, nứa dài có đuôi thon dài mắc vào đỉnh cây nêu. Hai bên lá phướn có gắn cặp chim chèo bẻo làm bằng gỗ tô màu đen. Đặc biệt, người Co chỉ cần nhìn hình dáng của cây nêu và cách trang trí sẽ biết được quy mô của lễ hội được tổ chức lớn hay nhỏ.

Cùng trong khuôn viên trưng bày, du khách được chiêm ngưỡng trang phục truyền thống của thiếu nữ Co với hai màu cơ bản: áo trắng và váy xanh đen, cùng với các đường viền trang trí, tạo sự thoải mái, hài hòa với môi trường trong cuộc sống thường nhật. Đi cùng với các trang phục của nữ là bộ trang sức gồm có cườm đầu, cườm cổ, cườm hông và các tua màu làm tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Co.

Giống như các dân tộc khác, nhạc cụ dân tộc gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người Co. Trong không gian trưng bày, các nghệ nhân đã giới thiệu với du khách các nhạc cụ như chiêng, trống, đàn pró, sáo Ta lía, kèn a map. Với đồng bào Co tỉnh Quảng Ngãi, trong lễ hội chỉ sử dụng 2 chiêng và 1 trống. Mỗi chiêng chỉ có 1 âm và đây được coi là nhạc cụ linh thiêng nên được đồng bào gìn giữ và sử dụng trong mỗi lễ hội quan trọng.

Hấp dẫn với ẩm thực của đồng bào Co

Một trong những điều thu hút du khách tại gian trưng bày của tỉnh Quảng Ngãi đó là mâm ẩm thực với đa dạng các món ăn được trình bày hấp dẫn, nhiều màu sắc. Với chủ đề “Hành trình về với người Co”, các nghệ nhân đã giới thiệu 11 món ăn thân quen, được sử dụng hằng ngày và trong lễ hội đến với đông đảo du khách. Theo lời giới thiệu của người chế biến ẩm thực, đối với đồng bào Co tại Quảng Ngãi, thịt gà và thịt heo là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hội hay cúng giỗ. Vì được dâng lên các vị thần linh, tổ tiên trong những ngày quan trọng, nên gà và lợn sẽ được các gia đình nuôi thả, ăn cây rừng tự nhiên, nên khi chế biến, thịt có vị ngon, ít mỡ, thơm và ngọt.

Tiếp theo là món cá niên nướng muối ớt. Đây là món ăn thân thuộc với đồng bào Co cũng như nhiều dân tộc các tỉnh miền núi. Cá niên sống ở suối, có hàm lượng dinh dưỡng cao, chính vì thế thường được người Co sử dụng mỗi khi đãi khách quý hay dịp gia đình có việc quan trọng.

Ốc đá om sả ớt là món ăn dân dã, quen thuộc với nhiều đồng bào, trong đó có dân tộc Co, đây cũng là món cuốn hút du khách bởi cách thưởng thức mới lạ cùng với vị cay của ớt, thơm mùi sả…

Không thể thiếu trên mâm cơm của đồng bào Co là các món cơm gạo rẫy với muối mè; bên cạnh đó là bánh lá đót được làm từ gạo nếp trồng trên nương rẫy. Vị bánh có sự hòa quyện giữa mùi thơm của nếp và lá đót mang một hương vị đặc biệt. Đây là loại bánh truyền thống và không thể thiếu trong tất cả các mùa lễ hội của đồng bào Co…

Sản phẩm ocop của địa phương

Cùng với sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa, ẩm thực, sản phẩm ocop - quế nổi tiếng của địa phương, vùng đất Trà Bồng nơi sinh sống của đồng bào Co còn có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng như thác Cà Đú, suối Trà Bói... Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, du khách được biết nhiều hơn về du lịch của địa phương này, trong đó có điện Trường Bà - một di tích văn hóa độc đáo với sự giao thoa tín ngưỡng giữa hai dân tộc Kinh, Co và cả dân tộc Chăm. Điện Trường Bà được cư dân các dân tộc Kor, dân tộc Kinh (ở bản địa - huyện Trà Bồng) thờ phụng trang nghiêm. Hằng năm, Lễ hội điện Trường Bà, được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 4 Âm lịch, còn có người Chăm ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) và người Việt gốc Hoa ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) cùng về đây tề tựu dâng hương, lễ vật và tưởng nhớ công đức nữ thần Ponagar.

Điện Trường Bà được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 2014; Lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017.

Bài, ảnh: THÁI AN

;