Những ngôi chùa nổi tiếng của người Khmer ở Tây Nam Bộ

Tây Nam Bộ còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây. Đây là vùng đất mới khai phá trên dưới 300 năm trở lại đây. Tây Nam Bộ cũng là nơi cư trú, sinh sống của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, rất đặc trưng. Người Kinh đa số theo đạo Phật, đạo “Thờ cúng ông bà”, đạo Thiên chúa, Hòa Hảo, Cao Đài, người Hoa theo đạo Phật, đạo Nho, Lão…; người Chăm theo đạo Islam. Riêng người Khmer, tuyệt đại đa số theo Phật giáo (Nam Tông) và họ rất sùng đạo. Hầu như mỗi xóm làng, phum sóc đều có chùa chiền với kiến trúc truyền thống rất đặc trưng và độc đáo.

Chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu)

Chùa Khmer Xiêm Cán được xây dựng hồi thế kỉ XIX, thuộc ấp Biển Tây, xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu. Đây là một công trình kiến trúc hoành tráng, mang đậm phong cách Angkor với các nhóm chùa, tháp, mộ táng có nhiều hoa văn, phù điêu, hoạ tiết rất chi li, với những gam màu sặc sỡ, thể hiện rất rõ nét văn hóa Phật giáo Nam Tông, giao thoa với văn minh Bà La Môn. Chùa nằm trên một khu đất rất rộng rãi, chánh chính điện quay về hướng Đông, nơi cuối con đường đạt tới chánh quả - theo quan niệm văn hóa của người Khmer. Đối diện chánh điện là trụ biểu với hình tượng của Mãng Xà Vương 5 đầu - nơi đây, dùng để thắp nến vào những ngày lễ, ngụ ý rằng Phật pháp soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn dữ đã được Đức Phật hóa duyên, giác ngộ và hướng thiện.

Chùa chia làm nhiều khu vực như chánh điện, sa la, am cốc, nhà ở các sư sãi, mộ táng, lò thiêu, tháp tro cốt. Trên các vách bên trong nội thất, chánh điện của chùa và các am cốc có nhiều bức bích họa vẽ theo trình tự, kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc giáng sinh đến khi xuất thế nhập Niết Bàn. Trong khuôn viên thoáng đãng của chùa, có những hàng thốt nốt trầm tư, cổ kính; nhiều hoa thơm cỏ lạ cũng thấy trồng ở đây làm cho cảnh vật thêm u nhã, thanh tịnh. Nhiều nhất là hoa hướng dương và hoa lài…        

Bà con dân tộc Khmer có tính cộng đồng rất cao. Ngôi chùa vừa là nơi thiêng liêng thờ Phật nhưng rất gần gũi với nhân dân như một mái nhà chung của thôn ấp, đùm bọc và giúp đỡ mọi người. Chùa Xiêm Cán còn là một trung tâm văn hóa, giáo dục của người Khmer ở khu vực. Tại đây, có trường dạy chữ Khmer, chữ Pa-li, dạy kinh Phật… Các lễ hội  truyền thống thường được tổ chức trang nghiêm và long trọng với rất nhiều người địa phương và khách các nơi về tham dự. Vào những dịp lễ hội lớn như lễ Ok Om Bok, lễ Chôl Chnăm Thmây, lễ Dolta, không khí chùa thật tưng bừng, rộn ràng và đông vui. Bản sắc văn hóa qua các lễ hội và kiến trúc độc đáo của ngôi chùa là dấu ấn rất đặc trưng của bà con dân tộc Khmer, đang từng ngày được gìn giữ, phát huy nhằm làm đẹp hơn, phong phú và đa dạng hơn cho kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Chùa Dơi (Sóc Trăng)

Chùa Dơi tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thành phố Sóc Trăng. Chùa được dựng cách đây hơn 400 năm (1569).

Nằm cạnh một con đường nhỏ ngoại ô, giữa không gian thoáng đãng, u tĩnh, chùa Dơi nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp, hài hòa. Chùa Dơi còn có tên cổ là Sêrây Têchô Mahatúp, hay chùa Mã Tộc. Ngôi chùa nằm giữa một khu vườn rộng chừng 3 ha, có  nhiều  loại cây cổ thụ như sao, dầu, thốt nốt, bằng lăng cao vút um tùm xen với một số cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... Dân gian gọi là chùa Dơi vì ngôi chùa rất nổi tiếng do có một đàn dơi hàng vạn con sinh sống tại đây từ rất lâu đời. Ban ngày, dơi treo ngược đầu ngủ trên các cành cây từng đàn chi chít trông lạ mắt. Ban đêm chúng tỏa ra đi ăn…

Xuyên qua cổng tam quan chùa Dơi là kiến trúc khá ấn tượng. Du khách bước khoan thai trên con đường gạch nhỏ, hai bên mát rượi cây cao, bóng cả. Đi chừng 50m ta sẽ gặp chánh điện chùa Dơi. Trước thềm chùa, phía trái và phải có hai cây sứ cổ thụ, một cây hoa trắng, một cây hoa đỏ, vào mùa xuân trổ bông rất đẹp.

Trong chánh điện chùa thờ pho tượng Đức Phật bằng đá, cao 1,50m. Mái chùa gồm hai tầng dốc lợp ngói ô vuông màu hường nhạt. Trên nóc chùa là những đỉnh tháp nhọn. Trên mỗi đầu những cây cột đỡ bao quanh chùa, có hình tượng tiên nữ Kemnar với đôi cánh xòe và  đôi tay chắp trước ngực theo truyền thống Khmer. Phía cuối mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga vút cong. Khắp trên các vách tường chùa là những bức bích họa sắc màu tươi sáng, nét vẽ tài hoa, miêu tả cuộc đời Đức Phật. Trong khu vườn rộng còn có nhiều bảo tháp, nhà ở của các sư và Sa La (nhà hội). Phía bên hông chùa có ao sen. Hiện nay, chùa là điểm chiêm bái và tham quan du lịch nổi tiếng ở Sóc Trăng. 

Dơi ở chùa Mã Tộc thuộc chủng dơi quạ (Flying-fox). Dơi trưởng thành có sải cánh khoảng 1m và nặng từ 1kg đến 1,5kg. Khi hoàng hôn xuống, ánh nắng mặt trời chiếu xiên qua rừng cây cổ thụ, in bóng trên vách chùa Dơi, hàng vạn con dơi thức giấc, thả cánh bay chập chờn, chiu chíu gọi nhau, đánh lượn mấy vòng chùa, rồi mới bay đi kiếm ăn. Chúng tung cánh bay xa hàng mấy mươi cây số, kiếm ăn trên những miệt vườn khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sáng sớm, khi vầng dương vừa ló dạng, đàn dơi lại bay trở về ngủ trong vườn chùa. Sinh hoạt này đã thành nếp hơn 200 năm.

Chùa Dơi còn là nơi trú ngụ của  những con heo 5 móng, dân gian cho là xui xẻo, vì thông thường heo chỉ có 3 móng, không ai dám nuôi mà cũng không dám giết bèn đem gửi ở chùa. Người ta kể lại rằng, cứ một vài tháng, cả bầy heo khoảng chừng sáu, bảy con lớn trước nhỏ sau, tự kéo nhau “đi dạo” từ chùa ra chợ Sóc Trăng một vòng rồi quay về.           

Vào các dịp lễ hội lớn của người Khmer như Dolta, Chôl Chnăm Thmây, Ok Om Bok…, ở chùa Dơi có biểu diễn nghệ thuật Dù-kê, múa Ram Vong, múa hâm thôn rất đặc sắc và hấp dẫn.                                                                 

Chùa Dơi được công nhận là Di tích Văn hóa quốc gia năm 1999.

Chùa Mồng Rầy (Trà Vinh)

Chùa Mồng Rầy (Kamponnynixprdle) còn có tên dân gian là chùa Hang ở khóm 3, thị trấn Châu Thành (Trà Vinh), được xây dựng từ năm 1637. Ngày xưa nơi đây là một bến sông, đầu bến có một cây đa to. Dân gian quen gọi là chùa Hang vì cổng chùa có kiến trúc giống như cái hang. Vườn chùa rộng hơn 7 ha.

Rừng cây sao, dầu xanh tốt quanh ngôi chùa đã từ lâu trở thành nơi cư trú của hàng ngàn chim cò các nơi kéo về làm tổ trên những ngọn cây cổ thụ. Du khách sẽ thích thú khi tận mắt nhìn thấy các loài chim hoang dã rất dạn dĩ tung cánh bay lượn trên bầu trời của khuôn viên chùa. Có khá nhiều loài chim ở miền đồng cỏ, sông nước. Nhiều nhất là cò trắng, có quắm, cò ma. Tiếp đến là cồng cộc, bìm bịp, quốc, chàng nghịch, bồ nông, bói cá...                             Chùa Hang có phong cách kiến trúc truyền thống Khmer mang dấu ấn văn minh Nam Á với mái ngói dốc, viền rìa mái có nhiều hoa văn, họa tiết. Các góc đỉnh, đầu hồi, cuối mái được tạo hình đuôi rồng, đầu rắn Naga uốn vút cong lên. Các phù điêu được đắp, chạm trổ, trang trí rất tinh xảo. Những hàng cột tròn to gắn tượng chim thần Kây-no nâng mái chính điện. Chùa thanh thoát với màu vàng nhạt chủ đạo, nổi bật giữa giữa rừng cây cổ thụ trong không gian thoáng đãng, u tĩnh. Ngoài vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, chùa Hang còn là một nơi làm ra các sản phẩm điêu khắc rất đặc trưng từ những gốc sao cổ thụ phế phẩm...         

Du khách sẽ bất ngờ, ngạc nhiên khi nhìn thấy tác phẩm mỹ thuật mô tả hình tượng con chim đại bàng dũng mãnh đang chiến đấu với loài thú dữ của rừng xanh. Ngoài ra du khách còn được chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc,  bộ tượng gỗ 12 con giáp, long - lân - quy - phụng, các loài chim thú… Từ những hình dáng đa dạng trên các rễ cây, các nghệ nhân, thầy trò chùa Hang đã sáng tạo, làm ra nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo, mô tả sống động thiên nhiên kỳ vĩ.

Chùa Mồng Rầy ngày nay đã trở thành một điểm tham quan nổi tiếng của Trà Vinh.

 

Chùa Xà - Tón (An Giang)

Chùa Xà Tón nằm ngay ở trung tâm thị trấn Tri Tôn.

Chuyện xưa kể lại: vùng đất bán sơn địa này thuở ấy hãy còn hoang vu và có rất nhiều muông thú. Trên những cành cây cao lớn trong rừng, từng đàn khỉ thi nhau chuyền cành, đùa giỡn, níu kéo. Khi người dân đến đây khai phá, sinh sống và dựng chùa, họ thấy cảnh tượng lạ mắt này, đặt tên cho chùa là Xvayton (Xvay là khỉ, ton là đeo, là níu kéo)... Dân gian lâu ngày gọi thành Xà Tón.

Chùa Xà Tón có kiến trúc đặc sắc mang phong cách Khmer truyền thống. Chính điện chùa nằm ở giữa khu đất theo trục Đông Tây, với hai mái dốc, nóc vút cao, nhọn. Trên đỉnh tháp chùa có đắp hình tượng thần rắn Naga biểu trưng của sức mạnh và bất diệt.

Mái chính điện lợp ngói đỏ, xanh, vàng. Dọc theo lối đi vào chùa, sát bên  ngôi chính điện là những mộ tháp nhỏ lưu giữ tro hài cốt của các sư sãi đã viên tịch. Trên các đỉnh mộ tháp nhỏ này có đầu tượng thần bốn mặt (Bayon).

Trong khuôn viên chùa Xà Tón có một hồ sen khá lớn. Bên hồ, có tượng Phật lớn đang ngồi thiền định dưới cội lâm vồ cổ thụ. Cây lâm vồ này có trên 200 năm tuổi, gốc to khoảng mười người ôm, thân cao lớn, cành lá xum xuê, rợp mát.

Chùa Xà Tón ngoài những giá trị về tín ngưỡng, còn là một di tích nổi tiếng của tỉnh An Giang, nơi lưu giữ trên 100 bộ kinh ghi trên lá cây buông (bộ sách SaTra). Năm 1986, chùa được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

 

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

;