Những trăn trở về cải lương hiện nay

Một thời kỳ rực rỡ

Năm 1917, nghệ thuật sân khấu cải lương ra đời, nhanh chóng trở thành một bộ môn nghệ thuật máu thịt của người dân Nam Bộ và lan tỏa mạnh mẽ ra cả nước. Cải lương được thoát thai từ nguồn gốc đờn ca tài tử, phát triển thành ca ra bộ và trở thành cải lương như tên gọi ngày nay. Cải lương xuất hiện đã bổ sung vào kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc một loại hình hết sức đặc sắc, mang trong mình cả tinh hoa truyền thống khu vực, đồng thời giao lưu, tiếp nhận cả tinh hoa sân khấu phương Tây hiện đại và thế giới. Vì vậy, nó đáp ứng được nhu cầu thị hiếu và tâm lý của rất nhiều tầng lớp khán giả. Từ đó, cải lương đã phát triển một cách nhanh chóng và lan rộng khắp cả nước, suốt thời gian dài được khán giả ưa chuộng vào bậc nhất, thu hút khán giả hơn nhiều loại hình nghệ thuật khác với những vở diễn kinh điển được công diễn cả trăm suất với tần suất dày đặc nhưng vẫn “cháy vé”. Nhiều tên tuổi lớn ở phía Nam như: Thanh Nga, Thanh Sang, Lệ Thủy, Minh Vương, Út Bạch Lan... còn vang danh mãi cho đến ngày nay.

Trải qua các cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước, cải lương chính là một chiến sĩ tinh nhuệ trên mặt trận văn hóa tinh thần để cổ vũ lòng yêu nước, khích lệ quần chúng nhân dân tham gia vào các phong trào cách mạng. Nhiều vở diễn đã đi vào lịch sử cải lương, thấm đẫm trong ký ức của nhiều thế hệ công chúng. Cải lương cũng chính là môn nghệ thuật truyền thống đầu tiên được đi trình diễn tại Paris (Pháp) từ nửa đầu TK XX.

Vài nét về thực trạng sân khấu cải lương hiện nay

Từng có những bước phát triển rực rỡ nhưng hơn một thập kỷ trở lại đây, sân khấu cải lương ngày càng gặp nhiều khó khăn. Có thể thấy rõ, lượng khán giả đến với sân khấu không còn đông đảo như trước, nhất là sân khấu truyền thống, đến mức có vở diễn dù không bán vé nhưng người xem cũng hờ hững và không mấy quan tâm. Sân khấu cải lương không nằm ngoài thực trạng đó. Việc tìm lại ánh hào quang giúp cải lương có chỗ đứng trong lòng khá giả đang là điều trăn trở khôn nguôi của những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này.

Không thể chấp nhận việc cải lương giờ chỉ còn là “vang bóng một thời”, hiện nay, giữa dòng giải trí ngày càng đa dạng và trẻ hóa, cải lương đang cố gắng chuyển mình bằng những hướng đi mới với nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức các cuộc thi truyền hình, gameshow; thành lập câu lạc bộ để biểu diễn và giao lưu với khán giả hay kết hợp biểu diễn với các chương trình ca nhạc, hài kịch khác... Bên cạnh đó, đội ngũ những người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật cải lương 2 miền Nam - Bắc cũng đang nỗ lực đầu tư cho những đứa con tinh thần của mình được chỉnh chu và lộng lẫy nhất, từ khâu kịch bản được chọn lựa kỹ càng, đến dàn dựng, cảnh trí, trang phục, diễn viên... Đã có những vở diễn kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ nhưng vẫn níu được chân nhiều khán giả trung thành - người mộ điệu đến phút cuối với những tràng pháo tay khen ngợi. Qua đó nổi lên những cá nhân tiêu biểu, là những người đứng mũi chịu sào, dìu dắt tác phẩm đến với thành công được Nhà nước và khán giả ghi nhận như: đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên, đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai... Bằng nhiều cách khác nhau, họ đã góp phần duy trì và đẩy mạnh sự phát triển của cải lương trong chính bối cảnh khó khăn ngày nay.

Dù những người làm nghề đau đáu và tâm huyết nhưng thực tế sân khấu cải lương đối diện với những khó khăn khi mà tình yêu cải lương chủ yếu chỉ còn được duy trì và nuôi dưỡng ở một bộ phận khán giả cũ, những người đã từng “ăn ngủ cùng tiếng đàn kìm réo rắt”. Còn, những khán giả trẻ, những thế hệ tương lai kế cận lại dường như ít quan tâm tới bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Khán giả trẻ hiện nay phần lớn ưa thích khám phá, trải nghiệm những cái mới lạ, hướng đến những cái hiện đại, hợp thời, nhất là văn hóa phương Tây, Hàn Quốc…, từ đó một bộ phận vô tình quên lãng đi nghệ thuật dân tộc.

Thí sinh Hải Yến (Hà Nội) giành Huy chương Bạc trong Cuộc thi Tài năng diễn viên Sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 - Ảnh H.K

Từ thờ ơ với việc thưởng thức nghệ thuật truyền thống, thế hệ trẻ ngày nay cũng không mặn mà với việc gìn giữ những bộ môn nghệ thuật này. Có thể thấy điều đó rất rõ trong việc tuyển sinh của các trường đào tạo nghệ thuật hàng đầu của cả nước. Mỗi năm, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi các ngành nghệ thuật truyền thống ngày càng ít. Bên cạnh một số ngành khác của mảng sân khấu đã phải cắt bỏ hẳn chuyên ngành do nhiều năm không tuyển được sinh viên thì cũng có năm, ngành Cải lương không thể mở lớp do thiếu hụt hồ sơ đăng ký dự thi. Cụ thể như tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã 2 năm liên tiếp (2021, 2022) không thể mở lớp Diễn viên Cải lương hệ Đại học chính quy do không đủ hồ sơ theo chỉ tiêu quy định.

Nguyên nhân chủ yếu khiến sân khấu cải lương đang mất dần khán giả là do nền công nghiệp âm nhạc đang phát triển quá mạnh mẽ với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại hình giải trí hấp dẫn và hiện đại trên thị trường. Nhiều năm về trước, chúng ta có thể dễ dàng được nghe, xem cải lương hằng ngày qua các chương trình của đài truyền hình, đài phát thanh, phát vào nhiều khung giờ cố định, trong đó có không ít khung “giờ vàng”. Thời gian gần đây, tần suất phát sóng của những chương trình về nhạc dân ca và sân khấu ngày càng ít đi. Cho đến nay, các chương trình cải lương được phát sóng truyền hình chủ yếu vào những khung giờ khuya hoặc giờ đi làm.

Đề xuất một số giải pháp gìn giữ và phát huy nghệ thuật cải lương

Quảng bá trên các kênh truyền thông

Sức mạnh của truyền thông thực sự rất lớn. Thông qua truyền thông, cải lương được khán giả biết đến một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Theo đó, cần có chính sách để đẩy mạnh tần suất phát sóng cải lương trên các kênh truyền hình, để khán giả được nghe, xem cải lương nhiều hơn. Khán giả phải được tiếp cận nhiều mới thấy được cái hay, cái đẹp, những giá trị nghệ thuật của cải lương, từ đó dần dần mới yêu thích và muốn gắn bó với nghệ thuật này.

Tổ chức các cuộc thi, chương trình nghệ thuật về cải lương mang tính quy mô lớn và chất lượng, phát trên sóng truyền hình quốc gia, ưu tiên tổ chức cuộc thi theo từng miền, bởi riêng cải lương Nam và Bắc đều có những phong cách riêng. Đã có một số cuộc thi truyền hình về cải lương như: Bông lúa vàng, Chuông vàng Vọng cổ, Tài năng cải lương Trần Hữu Trang và gần đây là gameshow Đường đến Danh ca vọng cổ với thành phần Ban giám khảo là những nghệ sĩ lớn, có tên tuổi và chuyên môn giỏi. Các chương trình đều khá thành công, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng, thu hút được khán giả, đồng thời phát hiện thêm được những tài năng trẻ, có năng khiếu vượt trội, đào tạo và cống hiến cho chính sân khấu cải lương. Tuy nhiên, các chương trình như vậy còn quá ít, chưa được công chiếu rộng rãi trên sóng truyền hình quốc gia, để giúp cải lương vực dậy, kế hoạch truyền thông cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ sĩ đang hằng ngày trực tiếp gánh vác sứ mệnh duy trì và phát triển cải lương

Từ đội ngũ tác giả kịch bản, đạo diễn đến diễn viên, với họ, tiền lương chính là một vấn đề lớn. Chúng ta hãy lấy một ví dụ cụ thể: Với một diễn viên cải lương, sau khi tốt nghiệp 4 năm học Đại học, nếu được nhận về các nhà hát ở thành phố lớn, lương thử việc của họ là 2,5 triệu/tháng. Nếu về các đơn vị là đoàn nghệ thuật tại các tỉnh, lương của họ là 1,7 triệu/tháng. Sau cả quãng thời gian dài “hợp đồng”, nếu may mắn thi được biên chế thì lương sẽ tăng thêm được vài trăm ngàn đến một triệu đồng. Thử đặt câu hỏi với đồng lương ít ỏi đó, làm sao họ đủ trang trải cuộc sống? Rất nhiều nghệ sĩ đã phải bươn chải, làm đủ nghề khác như: MC đám cưới, hát đám cưới, hát phòng trà, thậm chí làm xe ôm… để gia tăng thu nhập. Thời buổi giá cả đắt đỏ, họ phải nỗ lực kiếm tiền bằng nghề tay trái để nuôi hy vọng nối dài cho “cánh tay phải” của chính mình, vô tình từ đó sao nhãng, không tập trung hoàn toàn cho việc rèn giũa, chau chuốt nghề được tốt hơn. Thu nhập quá thấp là một nguyên nhân lớn trong việc thu hút người tài, dẫn đến thiếu trầm trọng lực lượng kế thừa có chuyên môn cao. Vì thế, chế độ đãi ngộ là vô cùng cần thiết với nghệ sĩ.

Chính cải lương phải thay đổi, phải sáng tạo, phải cách tân để phù hợp với yêu cầu của công chúng

Nếu như ở giai đoạn mới hình thành, sáng tạo là đổi mới tuồng tích, cách ca hát thì trong xã hội hiện đại, sáng tạo phải là đổi mới đề tài, đổi mới thi pháp, đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật… sao cho đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Và, với nhịp sống hối hả, chúng ta không thể để khán giả ngồi nghe cả một bài Phụng hoàng 12 câu hay Nam đảo dài lê thê, mà phải cô đọng lại, gọt giũa nhiều hơn để có được một tác phẩm thanh, gọn, tinh tế mà vẫn giữ được phong cách của ca hát cải lương. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ tác giả kịch bản, soạn giả và đạo diễn.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trong các trường nghệ thuật

Được đào tạo bài bản qua trường lớp là nền móng vững chắc để bất kỳ ngành nghề nào cũng có bệ phóng phát triển chắc chắn và bền lâu nhất. Và để có được nền móng vững chắc trong hệ thống đào tạo, ngay từ khâu tuyển dụng, đơn vị sử dụng nhân sự đã phải lựa chọn những người giỏi về năng khiếu, tốt về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, có khả năng sư phạm, kỹ năng thị phạm và truyền đạt dễ hiểu. Tiếp theo, phải có các kế hoạch, đề án để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên, điều đó được thông qua những hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn với các đơn vị bạn. Tạo sân chơi, tổ chức các cuộc tọa đàm về nghề hay phát động những cuộc thi giữa các chuyên ngành trong toàn đơn vị hoặc giữa giảng viên và sinh viên để tất cả cùng có cơ hội thực hành chuyên môn, chất lượng dạy và học sẽ đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho chuyên ngành Cải lương. Một thánh đường chan hòa ánh đèn, màn nhung, cảnh trí đẹp đẽ chắc chắn sẽ khiến người dạy và học thêm say nghề.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có những kế hoạch và phương thức ưu tiên tối đa cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển cải lương qua việc tính toán và triển khai trong môi trường giáo dục từ các cấp 1, cấp 2, cấp 3… bằng các môn học âm nhạc, các môn năng khiếu, phải có chương trình học cụ thể để ưu tiên phát triển nghệ thuật dân tộc truyền thống.

Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho biểu diễn

Ở miền Nam, tuy là nơi “chôn nhau cắt rốn” của cải lương nhưng cũng chỉ có một vài nhà hát biểu diễn có tính quy mô, đảm bảo chất lượng phục vụ khán giả như Nhà hát Cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) hay nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (mới được xây dựng vào năm 2015). Còn tại miền Bắc, đơn vị nghệ thuật cải lương lớn nhất miền Bắc là Nhà hát Cải lương Việt Nam, rất cần có một nhà hát được xây dựng bề thế, xứng tầm.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Nhà nước và các cơ quan chức năng có hành động thiết thực, kế hoạch cụ thể, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả để cùng tháo gỡ những vấn đề cấp bách của sân khấu cải lương ngày nay, giúp cải lương thích ứng để tồn tại nhưng vẫn giữ được bản sắc.

Ths ĐỖ THỊ YẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;