Những yếu tố tác động đến xây dựng đời sống văn hóa ở Sư đoàn Phòng không Hà Nội hiện nay

Xây dựng đời sống văn hóa ở Sư đoàn Phòng không (SĐPK) Hà Nội có vai trò quan trọng, góp phần bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện. Trong thời gian qua, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa của SĐPK Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục. Việc nghiên cứu những yếu tố tác động như: toàn cầu hóa, hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế hiện nay; bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển khoa học công nghệ của đất nước; quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta về xây dựng đời sống văn hóa; nhiệm vụ của Quân đội (trong đó có SĐPK Hà Nội) trong thời kỳ mới và nhu cầu văn hóa của cán bộ, chiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa ở SĐPK Hà Nội.

SĐPK Hà Nội là lực lượng nòng cốt trong tác chiến phòng không, đánh bại các cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc bầu trời Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao hiện nay, Sư đoàn có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội và một số mục tiêu khác. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú ở SĐPK Hà Nội không chỉ góp phần tạo ra con người mới có phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, mà còn chống sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào đơn vị. Từ khi tích cực hưởng ứng cuộc vận động Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội do Tổng cục Chính trị phát động năm 1992, đời sống văn hóa ở SĐPK Hà Nội đã có nhiều biến chuyển tốt đẹp. Hiện nay, nhiều yếu tố trong nước, quốc tế có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến đời sống văn hóa ở SĐPK Hà Nội. Do vậy, cần có sự nghiên cứu, phân tích những thuận lợi và khó khăn của Sư đoàn trước những tác động của tình hình toàn cầu hóa, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… để tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa ở SĐPK Hà Nội hiện nay.

1. Kết quả xây dựng đời sống văn hóa ở SĐPK Hà Nội

Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của quân đội và Sư đoàn trong từng giai đoạn, Đảng ủy Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở đơn vị, đồng thời chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, gắn với việc quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về văn hóa được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Xuyên suốt trong tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy Sư đoàn là tiến hành xây dựng đời sống văn hóa với những lộ trình thích hợp, tập trung ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, gắn kết sâu rộng với các cuộc vận động, phong trào chung của cả nước; xác định cuộc vận động Xây dựng môi trường văn hóa ở SĐPK Hà Nội là một bộ phận của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của địa phương. Kết hợp với sự đầu tư ngân sách của Bộ Quốc phòng (BQP), cấp ủy và chỉ huy các cấp trong Sư đoàn đã chủ động, tích cực huy động các nguồn lực với phương châm “trên dưới cùng lo, cùng làm”, phát huy nội lực và sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ vào việc xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa, mua sắm thêm trang bị phục vụ đời sống văn hóa của bộ đội.

Trong thời gian qua, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở Sư đoàn đã đạt kết quả tốt đẹp trên tất cả các mặt công tác: lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ; huy động các nguồn lực để đảm bảo tốt nhất cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho hoạt động văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng; kiểm tra, đánh giá, thi đua khen thưởng chặt chẽ, nghiêm túc. Sư đoàn luôn là điểm sáng văn hóa trên địa bàn đơn vị đóng quân, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.

Hằng năm và theo từng giai đoạn, Sư đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức sơ kết, tổng kết từ cơ quan tới các đơn vị cơ sở. Qua đó đánh giá kết quả, chỉ ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân, trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm, tôn vinh những điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình và cách làm hiệu quả; xác định phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện xây dựng đời sống văn hóa phù hợp, thiết thực hơn. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế như: một số hoạt động văn hóa chưa tích cực đổi mới nội dung, hình thức; hạt nhân văn hóa văn nghệ ở đơn vị cơ sở chưa được bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động văn hóa...

2.  Những yếu tố tác động đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở SĐPK Hà Nội hiện nay

Toàn cầu hóa, hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế

Quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa là một xu thế khách quan, vừa đem lại những thời cơ nhưng cũng có không ít thách thức đối với đất nước ta nói chung và sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói riêng. “Hội nhập quốc tế là điều kiện để mở rộng không gian văn hóa của dân tộc, đẩy nhanh quá trình giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, làm phong phú thêm nội dung, tính chất, giá trị văn hóa quân sự” (1).

Các sản phẩm văn hóa, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã tạo ra những xu hướng mới trong sáng tạo, thưởng thứ đó, những vấn đề về nền văn hóa điện tử toàn cầu, nền văn hóa phương tiện truyền thông kỹ thuật số… những vấn đề mới mẻ trong hoạt động và xu hướng tiêu dùng văn hóa đó đã tác động mạnh mẽ, làm biến đổi một số nhu cầu, thói quen, thị hiếu thưởng thức và sáng tạo văn hóa trên toàn cầu. Đây là những vấn đề gợi mở, liên quan đến định hướng hoạt động sáng tạo, hưởng thụ, lưu giữ và truyền bá các sản phẩm văn hóa ở Việt Nam, trong quân đội và Sư đoàn.

Trong những năm gần đây, “việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là hình thức an ninh chiến lược, là sự tồn vong của một dân tộc” (2), bảo vệ văn hóa cũng là bảo vệ chủ quyền quốc gia. Sự phát triển văn hóa nghệ thuật ở nước ta cũng như trên toàn thế giới đang có sự phối hợp, giao lưu ngày càng mạnh mẽ. Do đó, cùng với quá trình phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, hoạt động văn hóa của Sư đoàn cần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để phát huy những giá trị tích cực, phù hợp, có lợi cho việc xây dựng đời sống văn hóa.

Bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển khoa học công nghệ của đất nước

Những thành quả của công cuộc đổi mới trong gần 30 năm qua làm cho uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Tình hình chính trị ổn định, kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt. Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là những nhân tố có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển đất nước, trong đó có nền văn hóa dân tộc. Những thành tựu đạt được đã tác động tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta. Đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội nói chung và ở Sư đoàn nói riêng ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

Gần 30 năm tiến hành cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội đã thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, BQP, phát huy cao độ truyền thống văn hóa dân tộc, hội tụ, phát triển một nền văn hóa quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với thực tế phát triển của xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời kỳ mới. Ngày 15-11-2000, Tổng cục Chính trị - Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của BQP đã có Công văn số 934/ HD-CT gửi các đơn vị toàn quân tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Coi việc thực hiện các nội dung của cuộc vận động là bước cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng và những mục tiêu, nội dung của phong trào vào nhiệm vụ thực tế của quân đội. Qua đó, tạo thêm nhiều hình thức, nội dung hoạt động phong phú, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng các điểm sáng văn hóa. Nhiều khu tập thể, gia đình quân nhân đã được công nhận là “Khu văn hóa” và “Gia đình văn hóa”. Có thể khẳng định việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là quá trình nhận thức, triển khai đưa các tư tưởng nghị quyết của Đảng vào đời sống quân đội và đã đạt được mục tiêu cơ bản, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Từng đơn vị cơ sở của Sư đoàn đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng phong trào thi đua cách mạng và những giá trị văn hóa, nhân cách, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ Phòng không ưu tú” phù hợp với những đòi hỏi của tình hình mới. Đồng thời xuất hiện nhiều điểm sáng văn hóa trên các địa bàn đóng quân của Sư đoàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển văn hóa, xã hội hiện nay cũng đang phải đối mặt trước hiện tượng những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống tiếp tục bị thách thức nghiêm trọng. Các tệ nạn xã hội xuất hiện dưới nhiều hình thức, phức tạp và tinh vi hơn. “Sự băng hoại về đạo đức cũng đang len lỏi vào đời sống các tầng lớp dân cư, nền tảng xã hội của quân đội ta” (3). Bên cạnh đó, xu hướng thương mại hóa trong các hoạt động văn học nghệ thuật, báo chí nếu chậm khắc phục sẽ làm nảy sinh những thị hiếu tầm thường. Những yếu tố này tác động đến sự phát triển văn hóa Việt Nam nói chung, các hoạt động văn hóa của Sư đoàn nói riêng.

Sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước tác động đến việc đổi mới trang thiết bị kỹ thuật cho các hoạt động văn hóa trong quân đội và ở Sư đoàn. Các sản phẩm của hoạt động văn hóa không chỉ ngày càng tăng về số lượng, đa dạng về hình thức, chủng loại mà còn bảo đảm về chất lượng, nội dung như: các loại băng, đĩa CD, VCD, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng hiện đại đã làm tăng hiệu quả của các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật ngày càng hấp dẫn công chúng. Hoạt động thu âm, thu hình với công nghệ và kỹ xảo hiện đại đã nhanh chóng sản xuất nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao; các phương tiện truyền hình kỹ thuật số mặt đất và vệ tinh đã tạo điều kiện cho bộ đội trong toàn quân nói chung và Sư đoàn nói riêng được tiếp cận, theo dõi nhiều chương trình truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam và các địa phương một cách thuận lợi, kịp thời nắm bắt thông tin định hướng các hoạt động. Ở Sư đoàn, nhiều đơn vị được trang bị đầu kỹ thuật số, kết nối internet, nhờ đó mà bộ đội được tiếp cận, xem, nghe nhiều chương trình ca, múa, nhạc, sân khấu, phim truyền hình, các chương trình truyền hình thực tế, giải trí... với những nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng có thể khai thác được nhiều hơn các hình thức dịch vụ trên internet như: tìm kiếm thông tin, nghe nhạc, xem phim và xem truyền hình trực tuyến, diễn đàn, hội thảo... Tuy nhiên, việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, ipad… của cán bộ, nhân viên, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cần có định hướng, sử dụng hình ảnh, đưa thông tin phải đúng quy định của BQP. Cán bộ, nhân viên của SĐPK Hà Nội khi sử dụng internet, điện thoại thông minh cần phải tỉnh táo, tránh để lộ hình ảnh, thông tin của đơn vị và nên dùng chính những phương tiện này tham gia các trang, nhóm trên mạng xã hội của Nhà nước và quân đội trên Zalo, Facebook… để chống lại các thủ đoạn diễn biến hòa bình, tự diễn biến, tự chuyển hóa của kẻ địch.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta về xây dựng đời sống văn hóa

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Xây dựng đời sống văn hóa trở thành chủ trương lớn của Đảng và chỉ có thể thành công khi chúng ta huy động được sức mạnh của toàn xã hội vào cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phương hướng của Nghị quyết Trung ương 5 đề ra: Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển” (4). Đó là những định hướng cho các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong quân đội.

Xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, năm 1992, Tổng cục Chính trị đã ban hành Chỉ thị 143 về phát động Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị quân đội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, BQP và Tổng cục Chính trị, toàn quân và SĐPK Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Nhiệm vụ của Quân đội (trong đó có SĐPK Hà Nội) trong thời kỳ mới và nhu cầu văn hóa của cán bộ, chiến sĩ

Trong thời kỳ mới, quân đội ta không chỉ thiện chiến về quân sự mà đồng thời phải tinh nhuệ về chính trị. Lĩnh vực văn hóa cũng là một trong những tiêu điểm mà các thế lực thù địch nhằm tới để làm lung lay trận địa văn hóa tư tưởng của quân đội ta. Xây dựng đời sống văn hóa ở các đơn vị cơ sở quân đội chính là góp phần xây dựng quân đội thành một trường học lớn, nơi rèn luyện cán bộ, chiến sĩ về mọi mặt.

Nhiệm vụ của quân đội và Sư đoàn trong thời kỳ mới đặt ra những yêu cầu cao hơn về trình độ chính trị, tri thức văn hóa, năng lực hoạt động, phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong công tác của cán bộ, chiến sĩ. Đây là thời kỳ tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng quân đội về mọi mặt, điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, bố trí lực lượng, chuyển giao thế hệ... Những đặc điểm đó nảy sinh nhiều vấn đề mới, tác động đến tư tưởng, tình cảm bộ đội, đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp để theo kịp với sự phát triển của tình hình. Đại hội Đại biểu Đảng bộ SĐPK Hà Nội lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra phương hướng hoạt động văn hóa như sau: “Triển khai xây dựng đơn vị, cơ quan thành điểm sáng văn hóa đạt hiệu quả thiết thực. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại đơn vị luôn chú trọng và duy trì thường xuyên có hiệu quả 15 bài hát quy định trong quân đội; Câu lạc bộ hội viên phụ nữ yêu thích các làn điệu hát ru, hát dân ca; Dạ hội thanh niên; Các câu lạc bộ thanh niên, công viên chiến sĩ, cùng với hoạt động vui chơi, giải trí trong ngày nghỉ cuối tuần thực hiện có nền nếp tạo nên đời sống văn hóa, văn nghệ sôi nổi cho cán bộ, chiến sĩ” (5).

Hiện nay, trình độ mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ quân đội nói chung và Sư đoàn nói riêng ngày càng nâng cao. Năng lực cảm thụ, đánh giá và sáng tạo nghệ thuật phát triển đa dạng hơn. Việc thực hiện chế độ 2 ngày nghỉ cuối tuần đã tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ có thời gian sáng tạo và thưởng thức các hoạt động văn hóa và sản phẩm văn hóa nhiều hơn trước.

Nhu cầu thưởng thức văn hóa và âm nhạc của bộ đội ở Sư đoàn cao hơn, nhất là các sĩ quan, chiến sĩ trẻ thường có xu hướng thích những loại hình, nội dung văn hóa mang giá trị mới và hơi thở của thời đại. Những giá trị văn hóa truyền thống phải phát triển với hình thức, phương thức mới, nếu không rất khó thâm nhập vào đời sống văn hóa của bộ đội, nhất là với giới trẻ. Văn hóa đọc nói chung của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ bị chi phối bởi nhiều yếu tố tác động nhất là báo điện tử và tin tức trên mạng xã hội. Do đó, phòng đọc, thư viện của SĐPK Hà Nội cần bổ sung nhiều thể loại, số lượng sách liên quan đến kỹ thuật quân sự, những vấn đề mới của Việt Nam và thế giới, kỹ năng sống... Việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động nhà truyền thống Sư đoàn và phòng truyền thống các đơn vị sẽ đem lại sự hấp dẫn trong công tác giáo dục truyền thống.

3. Kết luận

Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và SĐPK Hà Nội nói riêng, việc nhận diện, phân tích những yếu tố cơ bản nêu trên tác động đến hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở Sư đoàn là việc làm cấp thiết. Đó là cơ sở để Sư đoàn xây dựng những giải pháp cơ bản mang tính khả thi, toàn diện tạo ra sự đồng thuận, đồng bộ, thống nhất. Qua đó, chất lượng xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa của bộ đội, góp phần xây dựng SĐPK Hà Nội vững mạnh toàn diện.

________________

1, 3. Văn Đức Thanh (Tổng chủ biên), Văn hóa quân sự Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.

2. Phạm Duy Đức (chủ biên), Thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam 25 năm đổi mới (1986-2010), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010.

4. Nguyễn Hữu Thức, Về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Từ điển Bách khoa Viện Văn hóa, Hà Nội, 2009.

 

Tác giả: Lưu Thị Phương Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

 

;