NSND Trung Anh: Đời diễn - Đời nghề

Mang dáng vẻ gày gò, khắc khổ, NSND Trung Anh không tạo cho khán giả, người đối diện cảm giác hào nhoáng mà nghề nghiệp mang lại. Tuy nhiên, ở anh lại có sự gần gũi, tận hiến với công việc, nghề nghiệp mà mình đã chọn lựa.

Có một tuổi thơ vất vả và bi kịch khi mẹ, dì và em trai đều mất trong một trận bom nên có lẽ tận sâu trong con người NSND Trung Anh luôn ẩn giấu một nỗi buồn, sự cô độc, thu mình. Anh thích ngắm nhìn, quan sát cuộc sống, con người hơn là thể hiện mình là ai giữa dòng đời tấp nập, nhiều sắc mầu. Cuộc sống nội tâm với anh luôn chất chứa nhiều suy tư, trăn trở về cuộc đời, ý nghĩa của sự sống, cái chết và lý do mỗi người tồn tại trên đời. Có thể nói anh đã rất khôn ngoan khi lựa chọn cho mình một nghề nghiệp để có thể “lẩn mình”, trốn vào trong nhiều nhân vật, nhiều cuộc đời để thể hiện sự quan sát, hiểu biết về nhân vật, về các mẫu người khác nhau trong cuộc sống. Trong hành trình hóa thân ấy, chính các nhân vật lại giúp anh hiểu thêm về cuộc đời, về con người, về giá trị hay ước muốn mà mỗi con người muốn xác lập, mang đến trong cuộc đời này.

Đã có khá nhiều nhân vật đi qua đời diễn của Trung Anh. Ở buổi ban đầu hình dáng gầy gò, khắc khổ khiến anh luôn được các đạo diễn mời vào những vai anh bộ đội hay công nhân, bảo vệ, ông bố… có số phận vất vả, long đong nhưng vẫn không bị gánh nặng cơm áo làm tha hóa, biến chất. Hàng loạt những vai diễn mang “thân phận bé nhỏ” đã đi qua đời diễn của anh làm nên một Trung Anh thật vừa vặn, hợp vai trong một loạt bộ phim như Những người sống bên tôi, Sống mãi với thủ đô, Ảo ảnh trắng…

Theo thời gian cũng như mong muốn được làm khác, làm trái với dáng vẻ, hình vóc mà cha mẹ ban tặng đã đưa Trung Anh đến với một loạt vai diễn có nhiều sự khác biệt, đột phá. Thật khó để hình dung người đàn ông gày gò, nhẫn nhịn đã từng làm nên thương hiệu cho Trung Anh lại có ngày hóa thân thành nhà văn Xuân Ngô tưng tửng, bất cần đời trong phim Những công dân tập thể. Khác biệt từ đầu tóc, trang phục đến cách đi, đứng, ăn nói, Trung Anh như đã lột xác thành một con người hoàn toàn khác. Khác với chính mình trong các vai diễn và khác trong cảm nhận đã khá quen, đã thành lối mòn trong khán giả về một diễn viên, nghệ sĩ Trung Anh.

Với Trung Anh, đời diễn - đời nghề luôn là hành trình thiết lập và phá bỏ. Không bằng lòng với những gì đã có, Trung Anh vẫn luôn muốn tìm tòi những khác biệt để có thể hóa thân vào những nhân vật thật khác, thật trái ngược với mình từ dáng vẻ đến tính cách. Khó có thể hình dung một người luôn mang dáng vẻ nhẫn nhịn, là hóa thân của những số phận, mảnh đời nhỏ bé lại có ngày vào vai một Lương Bổng, kẻ giết người máu lạnh, tay sai thân tín của ông trùm xã hội đen trong Người phán xử. Với vết thẹo trên mặt, ánh mắt sắc lạnh và vẻ bình thản chết người, Lương Bổng qua hóa thân của Trung Anh mang đến sự lạnh gáy cho kẻ thù khi đằng sau con người bình thản ấy là sự tính toán, lạnh lùng, nhẫn tâm và không ngại khi xuống tay. Tuy nhiên, cũng ở nhân vật cộm cán, đứng ngoài luật pháp ấy vẫn còn đó chút nghĩa khí thể hiện ở lòng trung thành và sự bao bọc đàn em. Nhân vật Lương bổng của Trung Anh đã góp thêm những sắc mầu riêng biệt cho một mảng tối trong xã hội và làm nên một Lương Bổng - kẻ đứng sau ông trùm thật đặc sắc, khác biệt. Sự hóa thân xuất sắc của Trung Anh với vai Lương Bổng đã mang về cho anh giải Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Lễ trao giải Cánh diều 2017.

Nhìn lại các vai diễn của Trung Anh, một số vai đã khai thác, tận dụng hình dáng bên ngoài để “ấn” vào nhân vật. Với các vai diễn đó, Trung Anh như đi thẳng từ cuộc sống lên màn ảnh mà không cần nhiều đến sự vật vã, tìm hiểu. Anh như được đo ni đóng giày cho chính vai diễn. Nhưng cũng có các vai diễn khai thác sự khác biệt đòi hỏi diễn viên phải tự làm mới, làm khác mình từ hình dáng đến cách ứng xử, cử chỉ, ngôn ngữ mà để cho ra chất cần rất nhiều đến quan sát, thực hành và cả sự hóa thân, nhập vai, hòa cùng nhân vật. Sự khác biệt ấy là khoảng rộng cho trí tưởng tượng, sự sáng tạo, hóa thân của Trung Anh trong từng  nhân vật. Xuất hiện và thành công cả trên màn ảnh lớn lẫn màn ảnh nhỏ, Trung Anh không phân biệt vai lớn hay vai nhỏ mà đều hết mình vì nhân vật. Nỗ lực ấy đã đem đến thành công cho anh ở cả phim chiếu rạp lẫn phim truyền hình. Vai diễn ông Thập - một người cha cổ hủ trong Những đứa con của làng đã đem lại cho anh giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam. Như bao người cha khác, ông Thập vừa gia trưởng, vừa cổ hủ. Dù thương con đứt ruột nhưng đứng trước định kiến, trước áp lực dư luận ông Thập đã đành lòng đuổi đứa con gái đang bụng mang dạ chửa ra khỏi nhà. Giấu kín nỗi đau, sự thương con trong tim, ngoài mặt dữ dằn nhưng trong lòng mềm yếu, Trung Anh đã diễn tả được nỗi đau, sự giằng xé trong lòng người cha khi phải đứng giữa những sự lựa chọn: chọn đứng về phía thù hận quá khứ hay chấp nhận, bao dung với cuộc sống hiện tại. Sự nhập vai xuất sắc đã giúp Trung Anh vượt qua nhiều đối thủ sáng giá để giành được giải thưởng cho vai diễn tại LHP Việt Nam lần thứ 15.

NSND Trung Anh trong: Phim Về nhà đi con

Tuy nhiên, nhắc đến Trung Anh không thể bỏ qua hình tượng ông bố quốc dân mà Trung Anh đã hóa thân trong Về nhà đi con. Là một bộ phim lấy ý tưởng từ một phim khác đã phát sóng là Khi người đàn ông góa vợ bật khóc, phim Về nhà đi con còn xuất sắc hơn nhiều khi khai thác được nhiều khía cạnh khác nhau trong gia đình ông Sơn. Góa vợ sớm và ở vậy nuôi ba cô con gái, ông Sơn không chỉ là cha mà còn là mẹ của các con. Với mỗi đứa một tính cách và những rắc rối riêng trong cuộc sống, ông Sơn không chỉ nuôi, dậy mà còn đồng hành cùng con trong rất nhiều những trắc trở, gập ghềnh, thử thách của cuộc sống. Tình cảm cha con sâu nặng và câu nói “Về nhà đi con” khi chứng kiến con mình phải chịu bất hạnh đã xây lên một tượng đài đẹp về người cha trên màn ảnh. Vai diễn xuất sắc một lần nữa mang về cho Trung Anh giải thưởng Nam diễn viên ấn tượng tại Lễ trao giải VTV Awards 2019.

Xuất thân là diễn viên sân khấu, NSND Trung Anh vẫn luôn coi sân khấu là thánh đường với hàng loạt vai diễn như  vua Claudius trong tác phẩm Hamlet, vai Trần Cảnh trong vở Trần Thủ Độ, vai ông bố trong vở Bạch Đàn liễu… Anh từng tâm sự khi ánh đèn sân khấu sáng lên dường như anh quên mất chính mình để chỉ nhớ đến nhân vật trên sàn diễn. Với anh sân khấu luôn là một thánh đường và anh hạnh phúc khi gắn bó gần 4 thập niên cùng sân khấu.

Yêu sân khấu là thế nhưng Trung Anh lại được khán giả nhớ đến nhiều từ  vài chục vai diễn khác nhau trên cả màn ảnh lớn lẫn màn ảnh nhỏ. Coi nghề diễn vừa là duyên vừa là nghiệp, Trung Anh đã đi trọn cuộc đời với hàng trăm vai diễn khác nhau. Ở tuổi nghỉ hưu anh vẫn miệt mài cùng nghề khi vẫn là gương mặt được các đạo diễn săn đón, mời xuất hiện trong các vở kịch, bộ phim. Ngoài diễn xuất, nhiều năm nay Trung Anh còn là giảng viên khi truyền thụ những kiến thức, kinh nghiệm làm nghề cho lớp trẻ. Với những cống hiến và đóng góp của riêng mình cho sân khấu và phim ảnh, NSND Trung Anh đã mang đến hình ảnh một người yêu nghề, tận hiến và sáng tạo đến cùng với nghệ thuật với tất cả sự nỗ lực, chăm chỉ, sáng tạo. Đời diễn - đời nghề qua sự cống hiến của Trung Anh từ cách sống đến tâm thế làm nghề đã khiến nghệ thuật trở nên gần gũi, bình dị và vẫn tỏa sáng, cuốn hút.

THỦY TRẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

;