Núi Thiên Cầm và bi kịch lịch sử của Hồ Quý Ly

Thiên Cầm là ngọn núi nổi tiếng tự bao đời nay ở đất Hoan Châu (tức Nghệ An - Hà Tĩnh hiện tại). Sách Dư địa chí xưa nay khi ghi chép về Hoan Châu hầu như không bỏ sót ngọn núi này. Sự nổi tiếng của Thiên Cầm không chỉ bởi sự hùng vĩ, nên thơ của một vùng non nước kỳ quan mà nó còn là địa danh gắn với sự kiện bi thương: Hồ Quý Ly bị giặc Minh bắt vào tháng 6 năm 1407 (tháng 5 năm Đinh Hợi). Đây là cột mốc đánh dấu sự thất bại của cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược và sự sụp đổ hoàn toàn của vương triều nhà Hồ, khởi đầu một chương đen tối trong lịch sử dân tộc. Sau một thời kỳ tương đối dài độc lập tự chủ, nước ta lại bị người phương Bắc đô hộ trong vòng hai mươi năm (1407-1427).

Hơn 600 năm qua, đặc biệt từ năm 1960 đến nay, các nghiên cứu về Hồ Quý Ly dưới nhiều giác độ: nhân cách con người, chính sách cải cách đất nước, cuộc chiến tranh chống quân Minh xâm lược… đã đưa đến những nhận thức mới về Hồ Quý Ly và vương triều Hồ. Chính sách cải cách dưới triều nhà Hồ được đánh giá là tiến bộ nhưng đáng tiếc chưa có thời gian để thực thi và kiểm nghiệm thì nước ta vướng vào họa xâm lăng của phương Bắc. Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra trong thất bại của vương triều Hồ như: Sai lầm trong tổ chức và lãnh đạo kháng chiến chống quân Minh nhưng trong đó nguyên nhân chủ yếu là nhà Hồ đã không đoàn kết và huy mạnh được sức mạnh của toàn dân để đánh giặc. Hồ Nguyên Trừng từng thẳng thắn nhận xét tại hội nghị của triều đình bàn kế đánh giặc: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không thôi!”. Nhà thơ, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi cũng từng nhận xét:“Quân của họ Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng”.

Những thành tựu và thất bại, công và tội của Hồ Quý Ly luôn là chủ đề quen thuộc đối với giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước. Có thể nói, Hồ Quy Ly “là nhân vật lịch sử phức tạp với nhiều ý kiến tranh luận trong một thế kỷ qua”. Tuy nhiên, cho dù thế nào đi nữa, “lịch sử cũng cần công minh ghi nhận tinh thần yêu nước, ý chí đánh giặc giữ nước của Hồ Quý Ly và những người đứng đầu vương triều Hồ”(Phan Huy Lê ).

Sự kiện Hồ Quý Ly cùng thân quyến và những người lãnh đạo vương triều Hồ bị bắt ở vùng đất Hà Hoa (tức địa bàn hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ngày nay) đã được chính sử ghi chép, trong đó Hồ Quý Ly bị bắt ở cửa biển Kỳ La (Cẩm Xuyên) còn Hồ Hán Thương và thái tử Nhuế bị bắt ở núi Cao Vọng (Kỳ Anh). Lâu nay, khi đề cập về chi tiết này, nhiều sách trích dẫn phần chú thích trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục: “Núi Cao Vọng, cửa Kỳ La nay ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh”, đây là sự nhầm lẫn. Về địa giới hành chính của cửa biển Kỳ La và núi Cao Vọng, chúng tôi xin minh định lại như sau:

Năm 1242, dưới thời nhà Trần, châu Nghệ An đổi thành phủ Nghệ An với 5 châu trực thuộc, trong đó có Nam Tĩnh. Châu Nam Tĩnh gồm 4 huyện: Hà Hoàng, Bài Thạch, Hà Hoa và Kỳ La. Kỳ La là tên gọi cửa biển, vừa là tên xã Kỳ La vừa là tên huyện Kỳ La (tương ứng với huyện Cẩm Xuyên ngày nay). Năm 1397, nhà Trần đổi phủ Nghệ An thành trấn Lâm An, cho nhập hai huyện Hà Hoa với Kỳ La thành huyện Kỳ Hoa. Thời thuộc Minh, đặt phủ Hà Hoa gồm hai huyện Thạch Hà và Kỳ Hoa. Dưới thời Hậu Lê, không có sự thay đổi nhiều về tên gọi hành chính của huyện Kỳ Hoa. Sang thời Nguyễn, năm 1831, vua Minh Mạng cắt hai phủ Đức Quang và Hà Hoa của tỉnh Nghệ An lập ra tỉnh Hà Tĩnh; đến năm 1836, cắt 4 tổng: Lạc Xuyên, Thổ Ngọa, Mỹ Duệ, Vân Tán của huyện Kỳ Hoa lập ra huyện Hoa Xuyên. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vì kỵ tên húy (bà Hồ Thị Hoa - mẹ vua Thiệu Trị), đổi phủ Hà Hoa thành Hà Thành, Kỳ Hoa ra Kỳ Anh, Hoa Xuyên thành Cẩm Xuyên.

Núi Cao Vọng, còn được gọi là rú Voọng, là một dải núi “thuộc hệ núi đồng bằng ven biển thuộc địa phận các làng Hải Khẩu, Dụ Lộc, Hòa Nhân, Tân Yên, Vịnh Áng, Phúc Môn, nay thuộc các xã Kỳ Ninh, Kỳ Trinh, Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh”(Võ Hồng Huy).

Như vậy, Kỳ La thuộc Cẩm Xuyên, trước đây địa danh này từng trực thuộc Kỳ Hoa chứ không thuộc Kỳ Anh như chú thích trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

Hồ Quý Ly bị giặc Minh bắt ở nơi nào tại cửa biển Kỳ La?

Sau khi từng bước thất bại trước sự tấn công của quân Minh, tháng 5 năm Đinh Hợi (tức tháng 6/1407), trên đường chạy vào Tân Bình , khi đến vùng cửa biển Kỳ La, Hồ Quý Ly cho gọi người dân bản xứ đến để hỏi, một ông lão ra bái yết thưa rằng, xứ này tên là Ky Lê , trên có núi Thiên Cầm là điều không lành, xin chớ lưu lại. Hồ Quý Ly vô cùng tức giận, cho rằng ông lão kia nói điều quái gở liền chém đầu và ở lại đây để cự giặc. Ngày 5 tháng 5 năm Đinh Hợi (10/6/1407), dưới sự chỉ huy của viên tướng Liễu Thăng, quân Minh tiến đến cửa biển Kỳ La. Khi đến đây, giặc “thấy quân và voi của ta bèn đổ bộ để đánh. Quân ta bày trận kháng cự, nhưng đại bại, Hồ Quý Ly bị bắt” (Đào Duy Anh) . Điều đó có nghĩa, sau khi tiến vào cửa biển Kỳ La, giặc Minh và quân ta còn tiếp tục giao chiến với nhau thêm mấy ngày nữa.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 5, ngày mồng 5, quân Minh đánh vào cửa biển Kỳ La, châu Nhật Nam. Ngày 11, quân Minh đánh vào Vĩnh Ninh. Bọn vệ quân Vương Sài Hồ 7 người bắt được Quý Ly ở ghềnh Chẩy Chẩy; Giao Châu hữu vệ quân là bọn Quý Bảo 10 người bắt được Tả tướng quốc Trừng ở cửa biển Kỳ La. Ngày 12, đầu mục bộ hạ của Mạc Thúy là bọn Nguyễn Như Khanh bắt được Hán Thương và thái tử Nhuế ở núi Cao Vọng”.

Như vậy, về thời gian, ngày mồng 11 tháng 5 năm Đinh Hợi (16/6/1407), Hồ Quý Ly bị bắt ở ghềnh Chẩy Chẩy, Hồ Nguyên Trừng bị bắt ở cửa biển Kỳ La; ngày 12 tháng 5 năm Đinh Hợi (17/6/1407), Hồ Nguyên Trừng và thái tử Nhuế bị bắt ở núi Cao Vọng.

Chính sử và sử sách địa phương ghi chép hết sức vắn tắt về sự kiện Hồ Quý Ly cùng thân quyến, quan lại nhà Hồ sa vào tay giặc. Mặt khác, sau hàng trăm năm, với sự thay đổi của diện mạo địa lý, điều kiện tự nhiên và sự tác động của con người, các dấu tích liên quan như: ghềnh Chẩy Chẩy, hang Hồ Quý Ly, miếu thờ ông lão bị Hồ Quý Ly chém đầu, Giếng Tàu, Đường bắt, đến những khe suối, bến tàu thuyền... thứ mất hẳn dấu vết, thứ bị tàn phá, thứ thay hình đổi dạng nên rất khó để xác định đâu là chỗ Hồ Quý Ly bị giặc bắt.

Bao đời nay, người sở tại thường quen gọi núi (rú) Thiên Cầm là rú Cùm, (gọi chệch là Gùm). Danh xưng Thiên Cầm chủ yếu xuất hiện trong sử sách liên quan đến sự tích vua Hùng Vương hoặc Trấn thủ đất Hoan Châu Lê Khôi đến đây du ngoạn núi rồi đặt tên là Thiên Cầm mà ít được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân địa phương. Khi mô tả vẻ đẹp của phong cảnh quê hương, bài minh khắc trên quả chuông ở chùa Yên Lạc, xã Cẩm Nhượng năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1796) đã nhắc đến địa danh núi Cùm: “Núi Cùm kia là nơi phát nguồn” . Khi khu nghỉ mát ở đây được tái lập (đã vài thập niên), phát triển mạnh mẽ với quy mô và diện mạo mới thì tên gọi Thiên Cầm mới chính thức phổ biến. Người ta lý giải Thiên Cầm nghĩa là “Đàn trời” hoặc “Trời bắt”.

Trong từ điển tiếng Việt, “Cùm” là dụng cụ được làm bằng hai tấm gỗ chắc và nặng, có đục sẵn lỗ để tra chân vào, khi ghép lại thì tạo thành ngàm để giữ chặt chân những người bị tù, bị giam. Với nghĩa nguyên thủy này, chữ “Cùm” được dùng để chỉ việc Hồ Quý Ly bị giặc bắt và đóng cùm. Chắc hẳn rằng không phải ngẫu nhiên mà người dân bản địa gọi Thiên Cầm là rú Cùm (Gùm). Minh sử quyển 154 chép: “Tháng 5 đến cửa biển Kỳ La, bắt được Quý Ly và con là Thương cùng bọn ngụy thái tử, các vương, các tướng văn tướng võ, các đại thần, đóng cũi đưa về Kinh sứ. An Nam dẹp yên” .

Một số chi tiết có liên quan

Sau khi bắt được Hồ Quý Ly, quân Minh áp giải bằng con đường mòn theo hướng Đông Nam từ chân núi ra bến neo đậu tàu thuyền. Từ đây, tàu thuyền xuôi theo sông Lạc Giang ra cửa Kỳ La (nay là cửa Nhượng) để về phương Bắc. Con đường mòn đó về sau được gọi là “Đường bắt” (nay thuộc thôn Trần Phú, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên). Tại khu vực này, còn sót lại di tích chiếc giếng khơi nằm bên tỉnh lộ 14 từ thị trấn Cẩm Xuyên về xã Cẩm Nhượng. Tương truyền, trong thời gian giao chiến với quân ta, quân Minh có đào một giếng khơi để lấy nước ngọt. Giếng được nhân dân gọi là “Giếng Tàu”, tức giếng do người Tàu khởi tạo. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, giếng này mang nhiều đặc điểm của giếng Chăm. Rất có thể, quân Minh đã bắt người Chiêm Thành làm phu phen, tạp dịch trong đoàn quân tiến đánh nước ta và phụ trách việc đào giếng. Giếng có cấu trúc hình vuông từ thành đến đáy. Phần ống giếng (tang giếng) được tạo bởi những viên đá cuội lớn xếp chồng khít với nhau. Sau khi quân Minh rút đi, người dân sở tại tiếp tục sử dụng nguồn nước từ giếng. Mặc dù đã được khơi thông và tôn tạo lại nhưng hiện giếng bị bỏ hoang, nằm đìu hiu bên vệ đường.

Liên quan đến việc ông lão bị chém đầu khi đoàn quân của nhà Hồ đến Kỳ La, người dân đã xây một miếu thờ nhỏ thờ ông dưới chân núi Thiên Cầm, tương truyền là “Miếu thờ giọt máu”. Sang thế kỷ 20, ngôi miếu vẫn được người dân trong làng đến trông nom, hương khói nhưng rồi miếu đã bị tàn phá mất hẳn dấu tích.

Về chi tiết ghềnh Chẩy Chẩy

Đại Việt sử ký toàn thư chép Hồ Quý Ly bị bắt ở ghềnh Chẩy Chẩy, có sách chép là bãi Chỉ Chỉ. “Bản chữ Hán của Đại Việt sử ký toàn thư chép nguyên văn là Chỉ Chỉ than. Than có sách phiên âm là Nàn, nghĩa là vũng Chỉ Chỉ. Than hoặc Nàn là vũng nước xoáy cạn (từ điển Khang Hy)” (Võ Hồng Huy). Từ điển tiếng Việt giải thích Ghềnh là “chỗ lòng sông bị thu hẹp và nông, có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm dòng nước dồn lại và chảy xiết” (Hoàng Phê chủ biên). Một số ý kiến cho rằng, xa xưa, núi Thiên Cầm tựa như một hòn đảo, bao quanh là sông, biển. Như vậy, tại chân núi Thiên Cầm phía giáp với biển từng có một địa điểm được gọi là ghềnh Chẩy Chẩy, với sự biến đổi của tự nhiên, ghềnh đã bị mất hẳn. Ghềnh Chẩy Chẩy được ghi chép duy nhất một lần trong Toàn thư mà không hề có bất kỳ sách sử sau này nhắc đến hoặc giải thích gì thêm.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, Hồ Quý Ly bị giặc bắt ngày 5 tháng năm 5 năm Đinh Hợi (10/6/1407) ở bãi Chỉ Chỉ (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) (Việt sử giai thoại). Không rõ tác giả trích dẫn chi tiết này từ nguồn tài liệu nào vì thời gian và địa điểm Hồ Quý Ly bị giặc bắt hoàn toàn khác với ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư  Minh sử.

Về chi tiết hang Hồ Quý Ly

Theo truyền ngôn của người dân bản xứ, tại núi Thiên Cầm có một hang động mà Hồ Quý Ly đã ẩn mình trốn giặc, gọi là “hang Hồ Quý Ly”. Sử sách địa phương ghi chép: sau nhiều ngày vây hãm và đánh nhau với quân ta, giặc Minh đã dùng hỏa công đốt núi. Được sự mách nước của người dân nơi đây, giặc Minh dùng rơm tẩm với vôi bột phơi khô để ở cửa hang, chờ khi gió nồm từ biển thổi vào thì châm lửa đốt. Với cách này, giặc bắt được Hồ Quý Ly.

Hiện núi Thiên Cầm còn tồn tại hai hang đá. Nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy đã ghi chép khá kỹ lưỡng về các cửa hang này: “Cửa hang Đá Nhà, còn có tên là hang đá Ghềnh, nằm ở phía Đông mái núi, đối diện với biển. Còn có một cửa hang tương tự khác nằm ở phía Tây Bắc mái núi. Hai cửa hang cách nhau khác xa, nhưng đều nằm ở độ cao khoảng 10m, ước tính từ mặt biển. Thuở xưa, mặt nước biển còn nằm ở mức đó trên lưng núi này. Ngày nay, biển đã lùi xuống, ra xa, nhưng dấu tích ngấn nước trên lưng núi, tuy đã bị bong tróc, mờ nhòa, thưa thớt một đôi nơi, vẫn còn có thể nhận biết được. Cửa hang này được trổ giữa một vách đá tựa như bức tường thẳng đứng. Trên đầu, có cài một phiến đá dẹt, che hắt ra như trọt mái nhà. Có lẽ vì thế nên có tên gọi là hang Đá Nhà. Cửa hang mái trên hình vòm, cao khoảng 1,8m; rộng khoảng 2,5m. Cửa hang rộng nhưng thẳm sâu nên nhìn xuống và nhìn vào không thấy gì”.

Các cửa hang đều hướng mặt ra biển. Có lối đi men theo triền núi để đi đến cửa hang nhưng khá chật hẹp, chênh vênh và hiểm trở. Từ cửa hang phóng tầm mắt ra là cả một vùng biển trời bao la có núi non hải đảo thật hùng vĩ và khoáng đạt. Về sau, hai hang đá này đã được Nhà nước xây dựng thành công trình quân sự, phòng thủ bờ biển.

Theo các chuyên gia địa chất, cấu trúc ở núi Thiên Cầm chủ yếu là đá granite, do vậy hang động tự nhiên nếu có thì chúng được hình thành từ các khối đá lăn chồng lên nhau tạo thành những khoảng rỗng bên trong. Với đặc điểm này, các hang ở núi Thiên Cầm rộng và sâu. Còn những hang đã được ghi chép nêu trên có thể là hang nhân tạo do công binh xây dựng.

Vào những năm 30 của thế kỷ XX, có một số người đã thực hiện việc thám sát hang động nhưng không thành công. Họ dùng nứa khô bó thành đuốc soi sáng đường vào hang. Khi đốt ngoài cửa hang bó đuốc cháy sáng choang nhưng đi vào được một đoạn thì đuốc tắt ngấm. Do không có đèn pin và các thiết bị hỗ trợ nên những người thám sát phải quay ra. Từ đó trở đi, không có thêm bất kỳ một cuộc thám sát hang động nào nữa. Người ta còn liên tưởng rằng, hai cửa hang này thông với nhau bằng một con đường trong lòng núi. Tuy nhiên, đó chỉ là phỏng đoán mà thôi, chưa ai biết trong đó có những gì. Đến nay, những hang đá trên núi Thiên Cầm vẫn là ẩn số, chưa được giải mã. Cách đây vài ba chục năm, các hang đá là nơi trú ẩn của một ông lão bị điên có tên Lân Hộ. Như vậy, cửa hang đá Ghềnh (Đá Nhà) có phải là ghềnh Chẩy Chẩy (bãi Chỉ Chỉ) hay không cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Ngày nay, với sự phát triển của trang thiết bị, công nghệ và đội ngũ những nhà thám sát hang động thì việc tổ chức thám sát, tìm hiểu các hang động ở núi Thiên Cầm là một ý tưởng khá thú vị, nên sớm được triển khai.

Trở lại với sự kiện Hồ Quý Ly bị giặc bắt ở Thiên Cầm. Bên những trang chính sử, bi kịch lịch sử này là chủ đề lớn được đề cập khá nhiều trong văn thơ thời Hậu Lê với những tác gia lớn như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ, Bùi Huy Bích, Ninh Tốn. Hơn ai hết, từng là mệnh quan dưới triều nhà Hồ, sau đó có những tháng năm vào sinh ra tử, sát cánh kề vai với Lê Lợi dưới ngọn cờ của nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi là người thấu hiểu, trăn trở về thời cuộc, về lẽ hưng vong và sức mạnh của nhân dân bằng những câu thơ sâu sắc:

“Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển

Khóa sông xích sắt cũng vầy thôi

Lật thuyền mới rõ dân như nước

Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời”

Chỉ rõ những thất bại và nghiêm khắc phê phán những sai lầm của vương triều Hồ nhưng Nguyễn Trãi cũng viết tiếp những câu thơ trải lòng, cảm thông, xót xa cho Hồ Quý Ly trước mối hận ngàn thu:

Hoạ phúc gây mầm không một chốc

Anh hùng để hận mấy trăm đời

Thiên Cầm là khúc nhạc buồn vang vọng từ ngàn xưa gợi nhớ về kết cục bi thảm của đấng quân vương dẫu một thời từng làm mưa làm gió, khuynh đảo chính trường, nhưng khi sa cơ lọt vào tay giặc cũng trở nên đớn hèn. Bao nhiêu binh hùng tướng mạnh, bao nhiêu vũ khí, bao nhiêu thành quách, bao nhiêu chiến lũy và lớp lớp cọc lim, xích sắt cũng không ngăn được quân giặc huống gì một hang đá trong ngọn núi lẻ loi ở địa bàn trống trải như Thiên Cầm, làm sao có thể trở thành nơi hiểm yếu để ngăn giặc. Dù hình thái có thể khác nhau nhưng kết cục của quy luật này từ cổ chí kim đều giống nhau vậy. Bài học lịch sử về cứu nước và giữ nước nghìn đời còn tươi mới.

Hàng ngàn năm trôi qua, trải qua bao biến thiên của lịch sử, đối mặt với thiên tai địch họa, bao lần bị quân Chiêm Thành xâm nhập cướp bóc; giặc phương Bắc dùng hỏa công đốt núi, tàn phá cảnh quan; quân xâm lược Mỹ trút xuống bao nhiêu bom đạn,… vậy mà Thiên Cầm vẫn mãi sừng sững, trơ gan cùng tuế nguyệt, chứng kiến bao cuộc bể dâu nơi đầu sóng ngọn gió và thẳm xanh, tràn đầy sức sống của rừng cây với những khúc nhạc từ đàn trời du dương, bổng trầm bất tận.

Tác giả: Nguyễn Trọng Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021

 

;