Phát huy vai trò hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện chính sách dân tộc

Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là toàn bộ những chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước tác động vào tất cả lĩnh vực đời sống của các dân tộc thiểu số, các vùng dân tộc, nhằm thay đổi tình trạng lạc hậu, biệt lập, phân biệt, bất bình đẳng giữa các dân tộc, thực hiện sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và tương trợ giúp đỡ nhau giữa các dân tộc để cùng phát triển. Trên cơ sở chính sách của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đã quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn.

Vùng miền núi tỉnh Thanh Hóa là địa bàn cư trú của 7 dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú, với dân số hiện nay trên 1,1 triệu người, trong đó, dân tộc thiểu số có 667.000 người (chiếm trên 60% dân số miền núi và hơn 17% dân số toàn tỉnh), cư trú trên địa bàn 225 xã, phường, thị trấn, thuộc 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã giáp ranh có xã, phường miền núi. Căn cứ chính sách của Trung ương và điều kiện cụ thể của địa phương những năm gần đây, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách cho đồng bào như: Quyết định số 196-QĐ/TU ngày 27-4-2011 về Ban hành Chương trình Phát triển kinh tế xã hội miền núi Thanh Hóa đến năm 2015; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 4-11-2013 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đổi với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án Bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 289-QĐ/TU ngày 27-5-2016 về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 05-7-2019 về thực hiện Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2025... Đây chính là cơ sở quan trọng để toàn hệ thống chính trị tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chương trình, chính sách, dự án đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đạt kết quả đáng ghi nhận. Theo Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2019, so với năm 2018, số hộ nghèo ở khu vực miền núi đã giảm 11.975 hộ (từ 28.769 hộ năm 2018 giảm xuống còn 16.794 hộ năm 2019), tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,23% (từ 12,53% xuống còn 7,3%). Tỷ lệ đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%; tỷ lệ xã có đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 95%; tỷ lệ đường giao thông thôn, bản được bê tông hóa đạt gần 40%; tỷ lệ thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VHTTDL đạt 50%. Số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 51%; chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn được nâng lên. Số người được đào tạo nghề là 9.670 người; trong đó, số người được đào tạo nghề ra trường được bố trí việc làm là 8.012 người, đạt 82,9%, số lao động đi xuất khẩu lao động trên địa bàn 11 huyện miền núi là 2.750 người (1).

Cũng trên địa bàn các huyện miền núi, có 11 bệnh viện đa khoa với 660 bác sĩ; 196 trạm y tế xã, thị trấn, trong đó có 159 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế (đạt 81,1%), 100% số trạm y tế xã được đầu tư trang bị y tế thiết yếu, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh. Tỷ lệ hộ nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 85,1%, sử dụng hố xí hợp vệ sinh là 76%. Tính đến năm 2019, tỉnh đã có 592/1.787 thôn, bản miền núi (sau khi sáp nhập) đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 33,12%; 63/225 xã miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 28%); số tiêu chí bình quân/xã là 13,7 tiêu chí/xã (2).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế như: công tác tuyên truyền các chính sách dân tộc ở một số địa phương cơ sở chưa thường xuyên; tiến độ thực hiện một số chương trình, dự án ở một số huyện, xã còn chậm; một số huyện chưa quan tâm lồng ghép có hiệu quả các chính sách, nguồn vốn trên cùng địa bàn; năng lực, trình độ của một bộ phận công chức trực tiếp làm công tác dân tộc còn hạn chế... Những tồn tại này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi cuối năm 2019 còn 7,3%; tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 47,23% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu; sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ yếu nhưng diện tích canh tác ít, sản phẩm sản xuất ra chưa nhiều, chất lượng hạn chế nên khó tiêu thụ. Lượng lao động chủ yếu là lao động phổ thông, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao; đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn; mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào các dân tộc còn thấp (3).

Do đó, để phát huy vai trò hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện chính sách dân tộc, cần tập trung làm tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách dân tộc. Nâng cao nhận thức chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, xác định đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác dân tộc là yếu tố quan trọng có tính quyết định trong thực hiện chính sách dân tộc. Hệ thống chính trị các cấp vừa là nơi tiếp nhận mọi nguồn thông tin (từ chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm, nghị quyết, nghị định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước) về mọi vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa; vừa là nơi trực tiếp phổ biến quán triệt, lãnh đạo, tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc đến từng người dân. Nếu nhận thức đầy đủ, sâu, rộng về chính sách dân tộc thì mới có thái độ, tình cảm, nhiệt huyết, hành vi tích cực, năng động, sáng tạo, tìm kiếm giải pháp, cách thức để những chính sách dân tộc được hiện thực hóa trong đời sống xã hội. Vì vậy, cần tăng cường các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng thông qua các lớp tập huấn, các sinh hoạt học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội…

Hai là, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức thực hiện chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Cần đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc của tổ chức Đảng, chú trọng khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đồng bào, tin và dựa vào đồng bào để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiếp tục cụ thế hóa các chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng dân tộc, phát huy tiềm năng lợi thể của từng địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách. Tăng cường thực hiện thí điểm các chính sách trước khi áp dụng ở diện rộng; chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá chính sách, tổng kết thực tiễn để kịp thời bổ sung, điều chỉnh với thực tiễn…

 Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, năng lực triển khai thực hiện chính sách của cơ quan chuyên trách và các tổ chức, các lực lượng có liên quan. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi; chú trọng xây dựng, tổ chức thực hiện các mô hình thử nghiệm và nhân rộng các mô hình có hiệu quả thiết thực, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đề cao và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia quản lý, giám sát, kiểm tra, thực hiện quyền dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chú trọng vai trò của Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức xã hội do dân lập ra, tận dụng khả năng, kinh nghiệm của người có uy tín trong cộng đồng, bộ đội biên phòng. Đồng thời, cần có cơ chế, quy chế nhằm cụ thể hóa, ràng buộc trách nhiệm, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, UBND, thủ trưởng các cơ quan, những người đứng đầu các tổ chức, các đoàn thể xã hội trong việc thực hiện các chính sách dân tộc.

Ba là, thường xuyên củng cố, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt chính sách dân tộc. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, Bộ Chính trị yêu cầu cần tiếp tục “nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” (4). Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cũng xác định: “Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” (5). Do đó, cần thường xuyên củng cố, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Củng cố kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc, xây dựng bộ máy tinh gọn gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết bài trừ các tệ nạn quan liêu, tham nhũng.

Thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao trình độ năng lực tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của chính quyền cơ sở. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt, đội ngũ cán bộ chuyên trách là người dân tộc thiểu số ở cơ sở có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công tác dân tộc, gắn bó với đồng bào. Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, cần có chính sách đãi ngộ, những hoạt động khích lệ, cổ vũ nêu gương, xây dựng những mẫu hình cán bộ biết hy sinh, tận tụy cho sự nghiệp thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và các địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, bảo đảm tính thống nhất từ Trung ương đến cơ sở là nhân tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Do đó, hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện, cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện mọi mặt cho hệ thống chính trị cơ sở thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc ở địa phương. Tránh trường hợp bao biện làm thay hoặc thả nổi công tác dân tộc, thực hiện không tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình theo phân cấp. Cấp tỉnh, huyện cần đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, phân công cán bộ phụ trách cơ sở để theo dõi, kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng và hành động, xử lý các vấn đề nảy sinh. Định kỳ hằng tháng, quý, nghe báo cáo từ cơ sở về tình hình mọi mặt, kịp thời dự báo những vấn đề nảy sinh để có hướng giải quyết; đồng thời, tăng cường kiểm tra trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như quá trình thực hiện chính sách dân tộc ở cơ sở.

Chính sách dân tộc thể hiện giá trị nhân văn, nhân bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta nên cần đánh giá đúng, nhận thức sâu sắc; từ đó ra sức duy trì, bảo vệ và thực hiện có hiệu quả trong cuộc sống. Trong điều kiện mới, việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao, sự chỉ đạo rất sâu sát quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương, sự vào cuộc hiệu quả của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực vươn lên không ngừng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, nhân dân vùng miền núi nói riêng, từng bước hiện thực hóa chính sách dân tộc, góp phần phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

________________

1, 2, 3. Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2019, số 310/BC-BDT, ngày 19-12-2019.

4. Kết luận số 65-KL/TW ngày 17/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

5. Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội ngày 18 tháng 11 năm 2019 về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tác giả: Lương Thanh Duy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

;